Tác giả: Josep Borrell
Thục Quyên lược dịch
14-6-2020
“Trong vùng biển động, những quyền lợi và giá trị đạo đức của Âu châu phải là la bàn của chúng ta”. Đó là lời mở đầu bài viết ngày 14/06/2020 trong blog của ông Josep Borrell, đại diện cấp cao của Liên minh Âu châu về Chính sách An ninh và Đối ngoại.
***
Cuộc khủng hoảng do virus corona đang tạo ra một môi trường toàn cầu nhiều cạnh tranh hơn, với sự “đối đầu” phát triển nhanh hơn là “hợp tác”. Liên minh Âu châu chúng ta phải đối mặt với những vùng biển khắc nghiệt hơn và có nguy cơ bị cuốn vào những dòng chảy chéo chiều của các cường quốc đang đòi chúng ta chọn phe rõ rệt.
Những thứ được coi là kỹ thuật và không phải là “chính trị cao”, chẳng hạn như đầu tư và thương mại, công nghệ và tiền tệ, nay là thành phần của một cuộc cạnh tranh công khai, hoặc thậm chí là đối đầu. Những thứ mà người ta có thể dựa vào một cách vững chắc, như dữ kiện và khoa học, hiện đang bị thách thức và cuốn vào trận chiến của những bài tường thuật, khuếch đại thêm qua những phương tiện truyền thông xã hội.
Đối với EU, không phải lúc nào cũng dễ dàng để giữ thăng bằng khi những dòng chảy chéo nhau ngày càng thêm mạnh. Chúng ta nên sáng suốt, không ngây thơ cũng như không hoài cổ, về cách chúng ta có thể đáp ứng tốt nhất. Các sự kiện trong tuần này là những thí dụ điển hình cho điều này.
Giữ cân bằng trong quan hệ EU-Trung Quốc
Thứ ba vừa qua, tôi đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, một nhà ngoại giao đặc biệt giàu kinh nghiệm, trong chương trình Đối thoại Chiến lược EU-Trung Quốc. Đó là ba tiếng đồng hồ thảo luận gay go, vừa thẳng thắn vừa hữu ích.
Trung Quốc đang đóng một vai trò ngày càng phát triển trong chính trị toàn cầu và chúng tôi rất quan tâm đến việc hợp tác với nhau trong nhiều vấn đề mà vai trò của Trung Quốc rất thiết yếu, từ việc phục hồi đại dịch đến thay đổi khí hậu và kết nối bền vững. Tất cả những điều này và hơn thế nữa, tạo thành một chương trình nghị sự lớn, tích cực cho sự hợp tác EU-Trung Quốc.
Chúng ta cũng muốn làm việc với Trung Quốc về các vấn đề đôi bên có sự cách biệt, nhưng đàm phán thiện chí có thể đưa đến kết quả tốt cho cả hai. Thí dụ tiếp cận thị trường và các cuộc đàm phán về thỏa thuận toàn diện song phương về đầu tư. Các cuộc đàm phán này đã diễn ra trong nhiều năm và tôi hy vọng chúng ta có thể kết thúc chúng càng sớm càng tốt để chấm dứt tình trạng mở cửa không đối xứng hiện nay. Từ kinh doanh 5G đến thương mại điện tử và dịch vụ tài chính, chúng ta thiếu một sân chơi bình đẳng và chúng ta cần bảo đảm có đi có lại.
Chúng ta cũng phải làm “bài tập” của mình trong địa hạt này, bao gồm các biện pháp đang được áp dụng hoặc đang phát triển, trong việc sàng lọc đầu tư, mua sắm đối ứng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng hoặc dự trữ các sản phẩm chiến lược. Mục đích tổng thể là tăng sức lực cho Âu châu để đối phó với sức cạnh tranh trong bối cảnh địa chính trị.
Trong cuộc thảo luận, vấn đề giảm nợ cho châu Phi cũng được đặt ra với sự mong chờ Trung Quốc sẽ có nhiều nỗ lực hơn.
Đồng thời, vì các giá trị và hệ thống chính trị cơ bản khác nhau, có những khía cạnh mà quan hệ đôi bên có cạnh tranh về bản chất mạnh hơn. Điều này tôi cũng đã thảo luận với ông Bộ trưởng Ngoại giao. Vấn đề Hồng Kông và rộng hơn, về Nhân quyền, mỗi bên đều nêu quan điểm của mình, nhưng những khoảng cách chính vẫn tồn tại.
Quan hệ của chúng ta với Trung Quốc không thể tránh khỏi sự phức tạp và đa diện. Cụm từ “đối thủ mang tính hệ thống” đã thu hút rất nhiều sự chú ý, có lẽ vì cụm từ “đối thủ” hơn là “hệ thống”. Nhưng điều đó không có nghĩa là đôi bên đang dấn thân vào một cuộc tranh chấp hệ thống.
Thông tin sai lạc và sự thử thách đối với các xã hội dân chủ
Thông tin sai lạc là một lĩnh vực khác đang chi phối những cạnh tranh khác biệt. Thứ tư tuần trước, cùng với bà Ủy viên Jourová, chúng tôi đã đưa ra một bản thông cáo chung về vấn đề thông tin sai lạc.
Không gian thông tin ngày càng trở thành một chiến trường nơi các chiến binh sử dụng bàn phím thay vì kiếm. Đại dịch virus corona đã bị một trận dịch tin giả trầm trọng đi kèm. Chúng ta đã chứng kiến một làn sóng tin giả và lừa gạt cũng như các hoạt động ảnh hưởng có chủ đích của các chủ thể nước ngoài, nhằm mục đích gây tổn hại cho EU và các quốc gia thành viên.
Từ năm 2016 Dịch vụ Hành động Đối ngoại Âu châu (The European External Action Service) đã phải chống trả vấn đề thông tin sai lạc từ các nguồn nước ngoài. Ban đầu, chúng chủ yếu liên quan đến Nga. Hiện nay, Trung Quốc cũng như một số nước khác cũng đã bước vào không gian hoạt động này – và chúng ta nêu rõ điều này. Chúng ta nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ các hệ thống dân chủ của chúng ta trước loại đe dọa này.
Duy trì con đường trong tam giác EU-Mỹ-Trung Quốc
Chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận và làm việc về những vấn đề trên với Hoa Kỳ. Thứ hai này, Ngoại trưởng Pompeo sẽ tham gia cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao EU bằng liên kết video. Cả hai khía cạnh Trung Quốc và thông tin sai lạc chắc chắn sẽ nổi bật.
Mối quan hệ Xuyên Đại Tây Dương vẫn tiếp tục là điều tối quan trọng đối với chúng ta ở Âu châu và các giá trị đôi bên chia sẻ là nền tảng của nó. Nhưng quan hệ này cũng đang phải đối mặt với những căng thẳng và áp lực. Chính quyền Trump đã đưa ra các quyết định đơn phương mà chúng ta không phải lúc nào cũng đồng ý.
Tuy nhiên một số thay đổi cơ bản không chỉ là vấn đề của chính quyền Mỹ hiện tại. Thí dụ quan hệ Mỹ-Trung vẫn được đặt trên bình diện cạnh tranh toàn cầu, bất kể ai sẽ ở Nhà Trắng vào tháng Giêng tới. Và cuộc đối đầu này sẽ đóng khung trật tự thế giới trong tương lai.
Đây là bối cảnh mà trong đó EU phải định vị chính mình. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung là trục chính của chính trị toàn cầu, những áp lực đối với việc lựa chọn phe phái đang gia tăng. Các bình luận truyền thông chung quanh cả hai vấn đề “Đối thoại chiến lược” và “thông tin sai lệch” mang đến khá nhiều lốc xoáy.
Chẳng có gì bí mật khi 27 quốc gia thành viên có quan điểm khác nhau về cách tiếp cận tốt nhất. Một số thúc đẩy về hướng liên kết, một số khác muốn đứng giữa. Là Cao ủy trong việc tìm kiếm một chính sách đối ngoại và an ninh chung, tôi biết rất rõ những động lực này.
Chúng ta nên áp dụng một cách tiếp cận chiến lược, nghĩa là chúng ta phải duy trì và bảo vệ lợi ích và những giá trị của chính chúng ta. La bàn chúng ta sử dụng không phải là kỳ vọng hay áp lực từ người ngoài, mà là những gì chúng ta, Liên minh Âu châu muốn và cần.
Một cách suy nghĩ về tất cả những điều này là đi theo “học thuyết Sinatra” (lời người dịch: bài hát My Way của Frank Sinatra) như một số phương tiện truyền thông đã mô tả nó.
Chúng ta, những người Âu châu phải theo con đường của chính mình với tất cả những thách thức mà nó mang lại. Con đường Âu châu chắc chắn bao gồm sự hợp tác với những người cùng chí hướng để giữ hệ thống đa phương như một không gian hợp tác, ngay cả khi các cường quốc ngày càng sử dụng nó như một chiến trường.
Ngồi chờ cơn bão đi qua không phải là một lựa chọn. Ý nghĩa “thuộc về Liên minh Âu châu” là chúng ta cùng nhau vượt qua các vùng biển này. Chúng ta nên giữ con tàu của mình suôn sẻ và ổn định, sử dụng quyền lợi của chúng ta làm chiếc la bàn.
Có thể có người sẽ nói tàu an toàn nhất trong bến cảng.
Nhưng một con tàu không hiện hữu để nằm yên nơi đó.
Trích Josep Borrell: “Trong vùng biển động, những quyền lợi và giá trị đạo đức của Âu châu phải là la bàn của chúng ta“.
Không hiểu Josep Borrell nói tới “giá trị đạo đức” nào? Các chính trị gia như Josep Borrell, Merkel, Macron, Johnson, và đám chính trị gia trước những người này sẵn sàng quỳ khom gối trước ĐCSTQ để xin được làm ăn. Họ lờ vấn đề nhân quyền đi.
Vậy thì họ nói tới “giá trị đạo đức” nào???
Thời tam quốc (Lưu Bị,Tào Tháo,Tôn Quyền) đã lập lại nhưng lần này không phải
ở Trung Hoa cổ xưa mà là thế cuộc của cả toàn cầu hiện nay.
Hay nhất trong bài là “những khoảng cách chính vẫn tồn tại” nhưng liệu Liên Âu
có đủ kiên nhẫn để “đới chọi” lại với “chiến thuật” lỳ lợm và gây chia rẽ Mỹ Âu của
Tàu cộng ? Liệu có khả năng thoả hiệp giữa Liên Âu và Tàu cộng hay không ? Còn
rất nhiều nghi vấn khác nữa mà không thể dự đoán được ?