Trung Quốc có những loại chế độ nào?

American Interest

Tác giả: Francis Fukuyama

Dịch giả: Đỗ Kim Thêm

9-6-2020

Mô hình toàn trị của Tập Cận Bình đã có các tiền lệ trong cả lịch sử Trung Quốc cổ đại và hiện thời. Nhưng đó không phải là chuyện không thể tránh khỏi, mà vẫn còn chắc chắn xảy ra.

Để hiểu được Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác nên đối phó với Trung Quốc như thế nào trong những năm sắp tới, chúng ta cần hiểu họ đang đối phó với loại xã hội nào. Cách hiểu như vậy cần phải bắt nguồn từ cả trong lịch sử và hành vi gần đây của Trung Quốc.

Chúng ta cần tách biệt cuộc thảo luận này ra khỏi tiếng ồn ào bắt nguồn từ sự suy tàn gần đây trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc. Khi cố gắng làm chệch hướng sự chú ý ra khỏi việc xử lý vụng về của chính mình trong cuộc khủng hoảng COVID-19, chính quyền Trump đã tỏ ra thái độ khiêu khích một cách không cần thiết đối với Trung Quốc, ví dụ như nhấn mạnh việc gọi COVID-19 là “virus Vũ Hán”. Đây không phải là một phương cách nghiêm túc đối với chính sách và cần được thay thế bằng một đánh giá khác hơn về vị thế mà chúng ta đang đứng.

Trung Quốc có một trong những lịch sử liên tục dài nhất thế giới được xem như là một xã hội, và có một số liên tục giữa các triều đại khác nhau và xã hội hiện tại. Nhiều nhà quan sát phương Tây đã quen thuộc với lịch sử Trung Quốc đến mức trước thế kỷ 20, kiến thức này thường chỉ mở rộng đến cuối triều nhà Thanh, khi đất nước này còn nằm dưới sự thống trị của các chế độ ngoại bang đang suy vi.

Trung Quốc là nền văn minh thế giới đầu tiên tạo ra một nhà nước hiện đại. Khi nói hiện đại, tôi cho là trong việc đối xử với người dân, đó là một nhà nước không dựa trên mối quan hệ cá nhân. Hầu hết các nhà nước sơ khai là những gì mà Max Weber gắn cho nhãn hiệu chế độ gia trưởng, đó là nhà nước phát triển, thoát thai từ gia đình của người cai trị và dựa trên mối quan hệ cá nhân giữa người cai trị với bạn bè và gia đình. Ngược lại, một nhà nước không do liên hệ cá nhân được tập trung hoá qua hệ thống hành chánh, và hoạt động theo các luật lệ, không do ý thích đơn thuần của người cai trị chi phối.

Một nhà nước hiện đại lần đầu tiên xuất hiện ở một lãnh địa phía tây của nhà Tần trở thành Trung Quốc thống nhất như nước Phổ, bằng cách đánh bại các đối thủ trong thời Chiến Quốc và thành lập triều đại thống nhất đầu tiên của Trung Quốc vào năm 221 trước Công nguyên. Nhà Tần đã tạo ra một hệ thống thống nhất đo lường, hệ thống thuế khoá, bộ máy hành chánh để quản lý và tham gia điều hành xã hội trong một quy mô lớn.

Nhà Hán đầu tiên thành công đã bổ sung yếu tố Nho giáo mạnh mẽ, nhấn mạnh sự cần thiết của các quan chức có giáo dục để điều hành công việc tại thời điểm một trong những đế chế lớn nhất trên thế giới. Trung Quốc cường thịnh này không bao giờ phát triển các thể chế dùng để kiềm chế nhau trong đối trọng, giống như tinh thần tôn trọng luật pháp hay trách nhiệm giải trình theo cách dân chủ, thay vào đó, dựa vào kiểm soát các nhà lãnh đạo thông qua giáo dục.

Các thể chế này đã tiếp tục gây đặc trưng cho chính phủ Trung Quốc qua hơn hai thiên niên kỷ tiếp theo. Các chế độ của Trung Quốc đã được tập trung hoá thành bộ máy hành chánh thư lại và dựa trên thành tích. Các khu vực địa phương không được phép tạo ra giới tinh hoa cho riêng họ; không giống như tầng lớp quý tộc có liên hệ huyết thống của châu Âu trong thời Trung cổ. Thay vào đó, hoàng đế bổ nhiệm các quan lại và sau đó luân chuyển họ đến các địa phương cai trị và ngăn chặn họ không cho bị địa phương sách nhiễu về mặt chính trị. Ngày nay, con hổ mẹ Trung Quốc cưỡng chế các biện pháp thi hành kỷ luật tàn nhẫn đối với con cháu mình từ Thượng Hải đến San Francisco, đó là một tiếng vang văn hóa xa vời của xã hội mà một kỳ thi gắt gao để ra làm quan là một lộ trình rõ ràng cho thăng tiến trong xã hội.

Hình thức quản lý từ thượng tầng xuống hạ tầng này tạo ra một số tình huống khó xử trong cách quản trị điển hình. Hoàng đế đã sử dụng các quan lại để điều hành đất nước, nhưng ai sẽ kiểm soát các quan chức khi họ có thể dễ dàng bị tha hóa?

Vì lý do đó, các vị hoàng đế đã sử dụng các hoạn quan trong gia đình để theo dõi các quan chức. Nhưng sau đó, họ đã kiểm soát các hoạn quan như thế nào? Vào thời nhà Minh, một vị hoàng đế đã tạo ra một cơ quan kiểm soát để giám sát các hoạn quan. Ngày nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc theo dõi chính phủ; Ban Tổ chức Đảng theo dõi Đảng, và dưới thời Tập Cận Bình, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương được trao quyền giám sát Ban Tổ chức và thanh lọc toàn bộ hệ thống tham nhũng.

Trong khi các hoàng đế Trung Quốc có thể đã hành xử toàn bộ quyền lực, trên thực tế, quyền lực của họ rất hạn chế. Với dân số ước tính khoảng 60 triệu vào thời điểm Chúa Kitô ra đời, họ đã cai trị một vùng lãnh thổ rộng lớn mà các phương tiện công nghệ có thể sử dụng không cho phép họ thực sự kiểm soát. Quyền lực phải được ủy nhiệm xuống các tỉnh và quận, ở những nơi cách xa thủ đô thường là nhiều tuần như Tràng An hoặc Lạc Dương. Ở cấp độ địa phương, việc quản trị thực sự không được nhà nước thực thi mà vẫn nằm trong tay các dòng dõi lớn, nó tạo nên đặc trưng của phần lớn xã hội Trung Quốc thời bấy giờ.

Nhưng trong khi có những điểm liên tục nhất định giữa sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay và triều đại Trung Quốc, cũng có những lĩnh vực quan trọng khác biệt. Điều quan trọng nhất trong số này là tham vọng của ĐCSTQ của Tập Cận Bình, để đạt được một mức độ kiểm soát toàn trị đối với xã hội Trung Quốc thuộc loại chưa từng có trong lịch sử loài người trước đây. Về mặt này, Trung Quốc vay mượn từ Liên Xô vào thời của Stalin nhiều hơn là từ bất cứ điều gì trong lịch sử Trung Quốc cổ đại.

Vào giữa thế kỷ 20, Carl Friedrich và Zbigniew Brzezinski đã đặt ra thuật ngữ chế độ toàn trị, để mô tả chế độ của Liên Xô và Đức Quốc xã và phân biệt chúng với các chế độ độc tài. Các chế độ như vậy được lãnh đạo bởi một đảng khép mình trong kỷ luật, hoạt động bởi một hệ tư tưởng bao trùm, sử dụng quyền lực công an để cưỡng chế theo ý chí của họ một cách tàn nhẫn và tìm cách kiểm soát các khía cạnh thầm kín nhất trong đời sống của người dân của họ.

Các chế độ như vậy hy vọng sẽ phá vỡ tất cả các ràng buộc xã hội đã có từ trước và buộc mọi người phải trực tiếp liên hệ với nhà nước. Kết quả nguyên tử hóa mọi con người của xã hội đã được tượng trưng bởi Pavel Morozov, con quái vật trẻ được Stalin tôn vinh, vì đã báo cáo các bí mật của cha mẹ mình với công an. Trong một chu kỳ quyền lực, Đảng sẽ tẩy não những người mà họ thậm chí không công nhận mối dây ràng buộc họ.

Thí nghiệm toàn trị trong thế kỷ 20 cuối cùng đã thất bại vì nhiều lý do. Các công nghệ kiểm soát xã hội có sẵn tại thời điểm sử dụng là cách tuyên truyền sách động, trại cải tạo, Gulag, giám sát toàn diện và sử dụng mật báo viên cuối cùng hóa ra là không đủ để theo dõi dân số đông đảo của Liên Xô. Tăng trưởng và đổi mới kinh tế đòi hỏi một mức độ tự do cá nhân. Nhưng khát vọng toàn trị để đạt được sự kiểm soát hoàn toàn thể xác và tâm hồn của toàn bộ dân tộc không bao giờ chết, và được chuyển từ Đảng Cộng sản Liên Xô sang cho hậu duệ Trung Quốc.

Mao Trạch Đông đã cố gắng tái tạo mô hình toàn trị bằng các công cụ tương tự, một nỗ lực đã đạt đến đỉnh cao trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Lực lương Hồng Vệ Binh cuồng tín chấp nhận tư tưởng Mao Trạch Đông đã được tung ra với sự cuồng nhiệt tôn giáo trên tất cả các định chế của xã hội.

Giống như Liên Xô, nỗ lực này cũng kết thúc trong thất bại, và đặc biệt nhất là đối với chính giới lãnh đạo thành lập Đảng Cộng sản, cái giá khủng khiếp mà họ phải trả trong cuộc Cách mạng Văn hóa đã tạo cho Đặng Tiểu Bình, người mở đường cho chủ nghĩa tư bản, bắt đầu phá bỏ nhà nước toàn trị và thay thế bằng chế độ độc đoán đa dạng giống như một khu vườn.

Có thể nhìn lại những năm từ 1978 đến 2012 với một hoài niệm nhất định, vì người dân Trung Quốc lần đầu tiên kể từ khi Cách mạng được trao cho một mức độ tự do cá nhân, Tự do mua bán, di chuyển, bày tỏ ý kiến, du lịch ra nước ngoài, tất cả làm người ta so sánh giữa Trung Quốc thời hoàng triều và hiện đại một lần nữa hợp lý. Thật vậy, giới trí thức Trung Quốc đã được tự do khôi phục lịch sử quốc gia của chính họ, và để khám phá những thiệt hại đã gây ra cho những truyền thống đó bởi virus Cộng sản nước ngoài. Đảng nới lỏng sự kiểm soát đối với nền kinh tế và nhà nước, và điều chỉnh hành vi của chính mình thông qua các quy tắc như lãnh đạo tập thể, nghỉ hưu bắt buộc và giới hạn nhiệm kỳ mười năm đối với các nhà lãnh đạo cấp cao. Trái ngược hoàn toàn với hầu hết các chế độ độc đoán khác, Trung Quốc đã được thể chế hóa cao độ.

Những gì đã xảy ra kể từ khi Tập Cận Bình được chỉ định làm Tổng Bí thư ĐCSTQ tại Đại hội Đảng lần thứ 18 là một nỗ lực để hồi sinh các bộ phận của mô hình Mao cũ. Tập Cận Bình là một thái tử Đảng, con của một trong những thành viên sáng lập của ĐCSTQ, người cùng với gia đình dù sao cũng được Đảng gửi xuống vùng nông thôn trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Tuy nhiên, không giống như những người ưu tú khác trải qua chấn thương này, Tập dường như đã nhớ về thời kỳ này với hoài niệm và đã làm mọi thứ trong khả năng của mình để xây dựng lại mô hình Mao càng nhiều càng tốt. Đảng đã được tái khẳng định trong mọi khía cạnh của đời sống Trung Quốc; Chủ nghĩa Mác-Lênin che trong vỏ bọc của tư tưởng của Tập Cận Bình đã được đưa vào Hiến pháp và một lần nữa được dạy trong các trường học; và quyền lực công an đã được sử dụng trong quy mô không thể tưởng tượng được. Ngày nay, có hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị đưa vào các trại cải tạo ở phía Tây Trung Quốc, trong một nỗ lực lớn để tái lập chương trình cải tạo tư tưởng của họ và loại bỏ đạo Hồi ra khỏi ý thức của họ. Ngay cả những bài hát của Hồng Vệ Binh nay cũng đã được hồi sinh.

Trong khi tham vọng kiểm soát của chế độ toàn trị vẫn như cũ, có một số khác biệt giữa những nỗ lực của Mao và Tập Cận Bình. “Tư tưởng của Tập Cận Bình là một thay thế nhạt màu cho Sách Đỏ của Mao. Tập Cận Bình đã không thể đưa ra một ý thức hệ mạch lạc để truyền cảm hứng cho sự cuồng tín trong những người theo ông, khác một chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc chung chung. Mặt khác, Tập có các công cụ công nghệ khả dụng mà đơn giản là không áp dụng cho những nhà độc tài trong thế kỷ 20. Hệ thống tín dụng xã hội kết hợp tất cả các phương pháp của thông minh nhân tạo, dữ liệu quy mô, cảm biến lan tỏa và đặt các phương tiện này vào trong tay nhà nước Trung Quốc. Cả Stalin và Mao đều không thể kiểm soát trực tiếp các phong trào hàng ngày, lời nói và giao dịch của từng đối tượng theo cách mà đảng Trung Quốc về mặt lý thuyết có thể làm ngày nay.

Sự khác biệt lớn lao giữa hình thức toàn trị cũ và mới là Tập sử dụng nhiều hơn các khích lệ năng động tích cực. Stalin và Mao đã sử dụng khủng bố và cưỡng chế hoàn toàn để đạt được sự tuân thủ chính sách của họ. Tập hưởng các lợi ích của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và các cơ hội cung cấp để tạo ra các khuyến khích tích cực cho việc tuân thủ. Trung Quốc của Tập dựa nhiều vào một tầng lớp trung lưu hài lòng và tự mãn hơn là giới nông dân lo sợ kinh hoàng. Nhưng bàn tay cưỡng chế của nhà nước luôn ở đằng sau mọi cơ hội tưởng chừng như là vô hại cho người dân Trung Quốc.

Một sự khác biệt lớn giữa Mao và Tập có liên quan đến vấn đề quan hệ đối ngoại. Một khi Cách mạng Văn hóa khởi đầu, Trung Quốc rất bận tâm với các vấn đề nội bộ của Mao đến nỗi Trung Quốc có ít mối đe dọa đối với thế giới bên ngoài. Ngược lại, Tập đã đặt ra một chương trình nghị sự ngoại vụ đầy tham vọng cho ĐCSTQ. Nó nhằm mục đích chuyển trung tâm của nền kinh tế thế giới sang Á-Âu thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, tránh xa thế giới xuyên đại dương hiện tại đang tập trung vào Hoa Kỳ. Lần đầu tiên, Trung Quốc đã thực hiện các yêu sách lãnh thổ bành trướng thông qua việc tạo ra và quân sự hóa các hòn đảo trong Đường Chín đoạn trên Biển Đông. Tập đã tuyên bố rõ ý định tái thu nạp Đài Loan trong vòng một thập kỷ, nếu cần thiết bằng cách sử dụng vũ lực. Trái ngược hoàn toàn với giai đoạn trước năm 2012, Tập đã quảng cáo mô hình của Trung Quốc là một mô hình khả dụng để xuất khẩu.

Mặc dù đã được du nhập từ Liên Bang Xô Viết cũ, chế độ toàn trị không phải là không có tiền lệ trong lịch sử Trung Quốc. Nước Tần đã phát triển một hình thức của chủ nghĩa toàn trị nguyên sinh dưới sự lãnh đạo của Thừa tướng Thương Ưởng. Hình thức này được củng cố bởi học thuyết Pháp gia và các tác phẩm của Hàn Phi, người cho rằng con người về cơ bản là xấu và chỉ có thể bị trị dưới sự đe dọa của những hình phạt nghiêm khắc. Học thuyết này đã được áp dụng bởi vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc thống nhất, Tần Thủy Hoàng, người có ngôi mộ ở Tây An với tượng các chiến binh nung màu đất được khách du lịch ghé thăm hiện nay. Thương Ưởng đã tạo ra tiền lệ trong những nỗ lực quy mô qua việc huy động xã hội để xóa bỏ hệ thống giáo dục mà nó đã có nền tảng tốt và bứng tận gốc rể hàng chục ngàn nông dân để đặt họ dưới sự kiểm soát trực tiếp của nhà nước. Tương truyền rằng Tần Hoàng đế đã đốt sách Khổng giáo và chôn sống 400 Nho sĩ để giết chết ý tưởng của họ. Không phải ngẫu nhiên mà một trong những người ngưỡng mộ nhất Thương Ưởng là Mao Trạch Đông, người đã cho hồi sinh các nghiên cứu về thời kỳ đó trong lịch sử Trung Quốc.

Nhưng nhà Tần đàn áp đến nỗi chỉ tồn tại trong mười sáu năm. Tần Hoàng đế đã ra lệnh bất kỳ quan chức nào thua trận sẽ bị xử trảm, vì vậy hai vị quan tự thấy mình đang ở vị trí đó, nên cảm thấy họ không có gì để mất bằng cách bắt vị lãnh đạo của mình. Nhà Tần được thay thế bằng nhà Đại Hán, trong hai giai đoạn kéo dài trong năm trăm năm sau. Học phái Pháp gia được dung hoà bởi thuyết của Nho giáo được hồi sinh, trong đó khôi phục sự tôn trọng đối với giáo dục và đem lại quyền tự chủ nhiều hơn cho gia đình.

Do đó, mô hình toàn trị của Tập Cận Bình có các tiền lệ trong cả lịch sử Trung Quốc hiện đại và cổ đại. Nhưng điều quan trọng cần nhớ là mô hình đó hình không phải là thứ duy nhất khả dụng. Hầu hết các chính phủ hoàng triều ở Trung Quốc trước các thời kỳ Cộng sản không khao khát bất cứ điều gì như mức độ kiểm soát hoàn toàn mà Thương Ưởng, Mao hay Tập tìm kiếm. Nó gần hơn với kiểu chủ nghĩa độc đoán trong thời Đặng Tiểu Bình hoặc Giang Trạch Dân áp dụng.

Trái ngược hoàn toàn với học phái Pháp gia, truyền thống Nho giáo tin rằng con người về cơ bản là tốt, và có thể được hoàn thiện bởi giáo dục. Nó nhận ra tầm quan trọng của các mối quan hệ khác của con người, và không chỉ đơn giản là những cá nhân nhỏ bé ràng buộc với nhà nước lan rộng. Nhiều nhà sử học Trung Quốc sau này coi nhà Tần là một loại truyền thống đồi trụy nên tránh hơn là mô phỏng theo. Sự kế thừa của Liên Xô theo chủ nghĩa Mác – Lênin gắn liền với các tập quán của ĐCSTQ ngày nay đã cung cấp một sự biện minh ý thức hệ mới cho chủ nghĩa toàn trị, nhưng một trong những điều đó là mâu thuẫn với nhiều truyền thống sâu xa của Trung Quốc.

Do đó, Trung Quốc của Tập Cận Bình không phải là đỉnh cao tất yếu của lịch sử Trung Quốc trước đây. Khi ông được đưa lên làm Chủ tịch Đảng năm 2012, nhiều thành phần ưu tú của Trung Quốc đã hy vọng rằng ông sẽ đối phó với tình trạng tham nhũng đang tràn lan, điều mà ông đã làm, trong một phong cách độc đoán cao độ, nhưng cũng đặt nền tảng cho một Trung Quốc tự do hơn sẽ cho phép dân chúng được tự do hơn khi nói chuyện, suy nghĩ, tương tác và thậm chí chỉ trích chính phủ. Họ thất vọng cay đắng khi Tập đi theo một chiều hướng ngược lại, nói chung, Tập không đặt phúc lợi của quốc gia ưu tiên lên trên tất cả, mà là sự sống còn của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tại sao Tập làm việc này, đó là kết quả của những điều kỳ quặc và do tiểu sử cá nhân của Tập; một nhà lãnh đạo khác có thể đã đi theo một đường hướng rất khác biệt. Không có đặc điểm không thể tránh được thuộc về lịch sử cho kết quả hiện tại.

Các sự nguy hiểm của một chế độ tìm kiếm việc kiểm soát toàn trị đã được đặt ra trong những ngày đầu của cuộc khủng hoảng COVID-19, như Bác sĩ Lý văn Lượng đã làm khi nói một cách trung thực về dịch bệnh đang diễn ra và bị trừng phạt nghiêm khắc. Đối với tất cả những gì chúng ta biết, hiện nay luồng thông tin sai lệch đang còn tiếp tục. Khi tiếp tục cho phong cách toàn trị của ĐCSTQ trong việc đối phó với virus như một mô hình được các quốc gia khác mô phỏng thì thật là sai lầm. Hàn Quốc và Đài Loan lân cận, hai nền dân chủ tự do lành mạnh, thậm chí còn đạt được kết quả tốt hơn trong đại dịch mà không có phương pháp hà khắc do Trung Quốc sử dụng. Một trong những mối nguy hiểm lớn hiện nay là thế giới hướng đến mô hình toàn trị của Tập, thay vì mô hình Đông Á rộng lớn hơn, kết hợp năng lực nhà nước mạnh mẽ với năng lực kỹ thuật, xem là công thức thắng thế cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Do vậy, Hoa Kỳ và các nền dân chủ phương Tây khác nên đối phó như thế nào với Trung Quốc của Tập Cận Bình? Điểm khởi đầu là nhận ra rằng chúng ta đang đối phó với một quốc gia chuyên chế đầy tham vọng như Liên Xô giữa thế kỷ 20, chứ không phải với một chế độ tư bản chủ nghĩa độc đoán chung nào đó. Không có khu vực tư nhân thực sự ở Trung Quốc. Mặc dù có quyền gần như quyền sở hữu và các doanh nhân đầy tham vọng ở đó, tại bất kỳ thời điểm nào nhà nước có thể tiếp cận và kiểm soát bất kỳ một doanh nghiệp nào thuộc khu vực tư nhân được cho là của họ như Tencent hay Alibaba. Mặc dù chiến dịch của chính quyền Trump chống lại Huawei đã vụng về và trong nhiều khía cạnh tự đánh bại mình, về cơ bản, mục tiêu là chính xác: khi bất kỳ nền dân chủ tự do nào cho phép doanh nghiệp này xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc cung cấp thông tin cơ bản sẽ là điên rồ, tạo ra cách cho nhà nước Trung Quốc có thể kiểm soát.

Nói rộng hơn, về mặt kinh tế, Hoa Kỳ và các nền dân chủ tự do khác cần bắt đầu tháo gở cam kết một cách tuần tự ra khỏi Trung Quốc. Đại dịch đã chứng minh là cả châu Âu và Bắc Mỹ trở nên phụ thuộc một cách nguy hiểm vào khả năng sản xuất của một thế lực thù địch. Ngày nay có rất nhiều nơi khác trên khắp thế giới có thể thiết lập được chuỗi cung ứng. Để kiểm soát vấn đề năng xuất, chúng ta phải tìm cách xét lại việc kiểm soát khả năng phục hồi, tính đa dạng của các nhập lượng và các khả năng trong kiểm soát của các quốc gia cùng chia sẻ các giá trị dân chủ. Sự co cụm của các nhà cung cấp phương Tây về cơ sở trang bị hạ tầng 5G trong cách trực tiếp là điều không bao giờ được phép xảy ra.

Trong chính sách đối ngoại, Hoa Kỳ có các cam kết hợp pháp để hỗ trợ cho nền an ninh của Nhật Bản và Hàn Quốc, và đã mở rộng các bảo đảm ngầm cho các quốc gia như Đài Loan và Singapore. Ngoài ra, Hoa Kỳ tìm cách bảo vệ nguyên tắc tự do hàng hải toàn cầu. Nhưng sự cân bằng quân sự trong chuỗi đảo đầu tiên đã thay đổi rất nhanh với sự phát triển đều đặn trong các khả năng quân sự của Trung Quốc và khả năng đáp ứng các cam kết của Mỹ sẽ dần dần suy giảm. Mỹ cần phải đối đầu với khoảng cách này một cách trực tiếp và điều chỉnh các khả năng hoặc tìm cách thu hẹp lại các mục tiêu.

Hiện nay, chuyện không may là tham vọng kiểm soát toàn diện của ĐCSTQ lan tràn đến các nền dân chủ tự do trên khắp thế giới. Hàng trăm ngàn người Hoa học tập, làm việc và sống ở nước ngoài làm như vậy, vì họ muốn cuộc sống của họ tốt hơn và thấy rằng nước ngoài cung cấp những cơ hội tốt hơn so với Trung Quốc. Nhưng ĐCSTQ thông qua bộ phận Mặt trận Thống nhất muốn giữ họ trung thành với Trung Quốc và sử dụng họ ở những nơi có thể để thúc đẩy lợi ích của chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Việc áp dụng thứ mà họ gọi là “sức mạnh sắc bén” này đã đe dọa tự do học thuật ở nhiều cơ sở đại học phương Tây, nơi mà họ có thể cảm thấy áp lực được các nhóm sinh viên Trung Quốc và các tổ chức khác. Do đó, điều này tạo ra những nghi ngờ khác nhau đối với các nhóm sắc tộc Trung Quốc và dẫn đến thành kiến và cáo buộc vô căn cứ về lòng trung thành hai mặt.

Nhưng trong khi chúng ta cần hiểu rằng Tập Cận Bình của Trung Quốc là một cường quốc toàn trị, chúng ta nên tiết chế sự hiểu biết đó với nhận thức rằng đây không phải là một tương lai cần thiết hoặc không thể tránh khỏi đối với Trung Quốc. Tham vọng là chế độ toàn trị, nhưng trong thực tế là không nhất thiết. Chúng ta không biết các phương pháp công nghệ mới dùng để kiểm soát sẽ có hiệu quả như thế nào giống như trong việc điền hành hệ thống tín dụng xã hội không. Ngày nay, ngưởi dân Trung Quốc vẫn có nhiều tự do cá nhân hơn dân Bắc Triều Tiên. Các ve vãn trước đây về việc kiểm soát của chế độ độc tài đã chứng tỏ là tự thất bai.

Nhà Tần chỉ tồn tại trong 16 năm và Cách mạng Văn hóa đã tự cạn kiệt trong vòng một thập kỷ. Việc tuân thủ các quy tắc của ĐCSTQ ngày nay thường là tự nguyện, không phải là sản phẩm do khủng bố, nhưng khi nền kinh tế Trung Quốc trì trệ hoặc thậm chí đi ngược hướng, phạm vi cho chế độ sử dụng các khích lệ năng động trong việc hợp tác sẽ giảm. Và không giống như Mao, Tập không có một ý thức hệ mạnh mẽ để cho Tập mang tính chính danh; “Chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc” hoặc là “Tư tưởng Tập Cận Bình” không phải là những tư tưởng mà nhiều người muốn hy sinh tính mạng.

Trung Quốc có thể thay đổi như thế nào trong tương lai, cả về cơ chế thay đổi và kết quả lâu dài mà chúng ta có thể hy vọng?

Nhìn về các cơ chế, dường như rất khó có thể thay đổi đến từ cơ sở hạ tầng qua một phong trào rộng lớn trong quần chúng, cơ bản của các loại mà chúng ta đã thấy trong các cuộc cách mạng màu khác nhau hoặc trong những ngày đầu của Mùa xuân Ả Rập. Với mức độ kiểm soát hiện có của ĐCSTQ và quy mô lớn của đất nước, sẽ rất khó khăn để phối hợp việc huy động quần chúng. Chế độ này có rất nhiều quyền lực đàn áp mà họ đã không dè dặt sử dụng khi cần thiết.

Nếu thay đổi sẽ đến, nó sẽ phải bắt nguồn từ cấp thượng tầng của Đảng. Theo một cách nào đó, những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự trỗi dậy quyền lực của Tập Cận Bình là các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Đặng Tiểu Bình để lại một di sản là lãnh đạo tập thể, trong đó không một cá nhân nào có thể tích lũy được quyền lực độc tài của một loại mà Mao thực thi. Hệ thống này đã phục vụ đất nước tốt trong hơn 30 năm qua, nhưng Tập làm xáo trộn tất cả, cách ly các quan chức cấp cao, huỷ bỏ nhiệm kỳ buộc phải từ nhiệm sau 10 năm và xây dựng sự sùng bái cá nhân xung quanh Tập. Một âm mưu giống như âm mưu hạ bệ Nikita Khrushchev ở Liên Xô cũ sẽ rất khó thực hiện, nhưng trong điều kiện kinh tế bất trắc, sự phân hoá lãnh đạo nội bộ có thể tăng mạnh.

Nếu Trung Quốc thay đổi, người dân Trung Quốc nên hy vọng điều gì?

Con đường tối ưu sẽ là một sự chuyển đổi theo trình tự mà theo đó đầu tiên là quốc gia tự do hóa, và sau đó bắt đầu dân chủ hóa, con đường đi theo sau con đường của nhiều nước châu Âu trong thế kỷ 19 và 20. Điểm khởi đầu sẽ là một sự chuyển đổi từ cai trị bằng pháp luật (rule by law) sang tinh thần thượng tôn pháp luật (rule of law). Các quy tắc rõ ràng cần phải áp dụng không chỉ cho thường dân và các cấp thấp hơn trong chính quyền, mà còn cho chính trong Đảng. Cần có những ràng buộc hiến định thực sự đối với việc thực thi quyền lực của nhà nước do Đảng trị và tăng quyền tự trị đích thực cho ngành tư pháp. Hiến pháp đang áp dụng hiện tại có thể là điểm khởi đầu, nhưng sẽ phải tước bỏ Bốn Nguyên tắc mà nó cho phép ĐCSTQ có thẩm quyền chính trị tối hậu. Đảng sẽ phải rút các ảnh hưởng mà nó đã mở rộng ra mọi ngóc ngách của sinh hoạt ở Trung Quốc, và trả lại thẩm quyền cho chính phủ và Đại hội Nhân dân Trung Quốc. Dân chúng sẽ cần được tự do hơn nhiều để nói, suy nghĩ, tổ chức và phê bình, ít nhất là trong phạm vi họ có thể trong những ngày xưa tốt đẹp trước thời Tập Cận Bình.

Một sự chuyển đổi ngắn hạn sang nền dân chủ đa đảng thuộc loại đã xảy ra ở Đài Loan hoặc Hàn Quốc trong những năm của thập niên 1980 sẽ có nhiều vấn đề hơn. ĐCSTQ với 90 triệu đảng viên không chỉ là một nhóm chính trị chỉ đạo cho chính phủ từ thượng tầng, như trong một nền dân chủ nghị viện; đó là chính phủ cho tất cả các ý định và mục đích, và dung chứa một phần lớn năng lực cần thiết để làm cho nhà nước hoạt động. Dân chủ hóa sẽ phải bắt đầu trong chính nội bộ Đảng, cơ sở ở hạ tầng được hưởng quyền tự chủ rộng rãi hơn để đạo đạt quyền lên cấp trên, không phải là ngược lại như tình hình hiện tại.

Suy đoán chi tiết về các loại cải cách có thể diễn ra ở Trung Quốc trong tương lai có mức giá trị hạn chế. Thúc đẩy Trung Quốc theo những chiều hướng này không nên là một phần của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, ngoại trừ ở cấp độ tổng quát nhất. Áp lực của Hoa Kỳ, một nước đang trong tình trạng suy yếu và trong nhiều khía cạnh đang mất uy tín sau đại dịch toàn cầu, sẽ gần như chắc chắn là phản tác dụng. Những thay đổi này phải đến từ chính người dân Trung Quốc, và cụ thể là từ giới tinh hoa Trung Quốc, những người hiểu cách thức hoạt động của hệ thống hiện tại của họ và những điểm áp lực tiềm năng để thay đổi có thể là gì.

Điều mà người Mỹ cần lưu tâm là kẻ thù và đối thủ của họ ngay bây giờ không phải là Trung Quốc, mà là Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chuyển sang chế độ toàn trị cao độ. Chúng ta không đối phó với Trung Quốc của những năm thuộc thập niên 1990 hay thậm chí là của những năm 2000, nhưng như một loài động vật hoàn toàn khác, nó thể hiện một thách thức rõ ràng đối với các giá trị dân chủ của chúng ta. Chúng ta cần phải giữ chặt con thú này ở trong bẫy rập cho đến một lúc nào đó trong tương lai, khi Trung Quốc trở lại là một quốc gia độc tài bình thường hơn, hoặc thực sự đang trên đường trở thành một quốc gia tự do. Điều đó sẽ không nhất thiết loại bỏ thách thức mà Trung Quốc biểu hiện; một Trung Quốc tự do hơn có thể dễ dàng mang tính dân tộc hơn. Nhưng dù sao sẽ dễ dàng hơn để quan hệ theo nhiều cách.

Chuyện không may là trong ba năm rưỡi qua, Hoa Kỳ đã làm mọi thứ có thể để làm suy yếu cho chính mình. Hoa Kỳ đã bầu ra một nhà lãnh đạo say mê hạ bệ các đối thủ trong nước nhiều hơn cho các đối thủ ở nước ngoài, họ là người đã ngang nhiên vứt bỏ nền tảng đạo đức cao độ từng làm nền tảng sức mạnh toàn cầu của Mỹ và đã cai trị đất nước với sự bất tài như vậy trong cuộc khủng hoảng lớn nhất trong ba thế hệ vừa qua, khi bạn bè hay kẻ thù không còn coi trọng. Trong khi các nền dân chủ với tư cách là một nhóm không làm tồi tệ hơn các chính phủ độc tài trong việc kiểm soát khủng hoảng, Trung Quốc có thể thể hiện mình vượt trội so với Hoa Kỳ, và so sánh song phương là điều mà hiện nay mọi người trên toàn thế giới đang chú ý. Trước khi có thể nghĩ về việc Trung Quốc đang thay đổi, chúng ta cần thay đổi Hoa Kỳ và cố gắng khôi phục vị thế như là một ngọn hải đăng toàn cầu về các giá trị dân chủ tự do trên toàn thế giới.

***

Francis Fukuyama là Trưởng Ban biên tập của tạp chí The American Interest. Các tác phẩm của ông về sự phát triển chính trị của Trung Quốc là “The Origins of Political Order” và “Political Order and Political Decay”.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Quá rõ ràng về những vòi bạch tuộc của TQ vươn ra 5 châu, về tư tưởng ” chống Mỹ” được cài cắm trong mọi người Hoa, về lối người Tàu hành xử dị hợm khi ăn mừng với mỗi nỗi đau của người Mỹ, về tư thái cường ngạnh háo thắng của TQ trong hành xử quốc tế . TQ hành xử như đang trong một cuộc chiến tranh ngầm với thiên hạ, tùy thời kì mà mức độ và thủ đoạn khác nhau.
    Các vị sống trong một nước tự do có vẻ quá an toàn và thoải mái.

  2. Có nhiều độc giả cho là Francis Fukuyama là theo Đảng Dân chủ và chống Trump cuồng nhiệt. Qua bài này, tôi không tin là như vậy. Nhận xét của ông có chống Trump, nhưng không thể quy chụp đương nhiên là tác giả theo Đảng Dân chủ.

  3. “Tư tưởng Tập Cận Bình” không phải là những tư tưởng mà nhiều người muốn hy sinh tính mạng”. Tôi tin là lập luận của tác già là thuyết phục. Hiện tại giai cấp trung lưu người Hoa biềt hưởng thụ vật chật, con cái đi du học và nhận thấy là có triền vọng cho cuộc sống, không còn quan tâm đến chính trị của Đảng, không có lý do gì mà phải hay sinh tính mạng cho chế dộ như trong quá khứ.
    Tôi nghĩ tại Việt Nam củng vậy. Giới thanh niên miền Bắc ngày xưa đi giải phóng miển Nam, miệng thì nói là hy sinh cho Đảng, cũng không cò một lồi thoát nào khác trong gọng kềm của Đảng. Bây giờ họ thành đại gia rồi thì cũng tham sống sợ chết, chỉ lo giử của và giử quyền không dại gì mả hy sinh tính mạng cho Đảng. Bây giờ tin tức quá nhiều họ biết sự thật về Đảng, nhưng cũng ngậm miệng ăn tiền cho qua ngày và tìm cách hạ cánh an toàn nơi hải ngoại.

  4. Ông Francis Fukuyama viết: “Chuyện không may là trong ba năm rưỡi qua, Hoa Kỳ đã làm mọi thứ có thể để làm suy yếu cho chính mình”.
    Theo tôi, Hoa Kỳ chưa đến nỗi yếu đi nhiều, các gía trị của Phương Tây vẫn được tôn trọng. Cho nên, chuyện không may lớn hơn – là trong 30 năm qua, Hoa Kỳ cùng các nước Phương Tây đã thỏa mãn nguyện vọng của Trung Quốc, biến nó thành “công xưởng của thế giới”, giúp nó trở thành con quái vật như hiên nay.

    Ông Francis Fukuyama viết: “Và không giống như Mao, Tập không có một ý thức hệ mạnh mẽ để cho Tập mang tính chính danh; “Chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc” hoặc là “Tư tưởng Tập Cận Bình” không phải là những tư tưởng mà nhiều người muốn hy sinh tính mạng”.
    Theo tôi “chính danh” hay không “chính danh”, nhưng tư tưởng của Tập Cận Bình – “Chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc” – là tư tưởng của chủ nghĩa dân tộc, là tư tưởng “Quốc Xã”. Tại sao lại không có “nhiều người muốn hy sinh tính mạng” cho tư tưởng ấy?
    Hãy đọc lại lịch sử của nước Đức Quốc Xã, nước Đức của trùm phátxít Hitler, sẽ thấy hàng chục triệu người Đức khi đó đã muốn hy sinh cho tư tưỏng của Hitler
    Ỡ đất nước bị cả nghìn năm đô hộ giặc Tàu, là VN, cũng có “tư tưởng” không “chính danh” – nhưng lại vô cùng “hấp dẫn”, có ma lực thu hút hàng triệu người, ma lực của quyền lực và bổng lộc! Để cho họ không thèm biết đến sự chà đạp nhân quyền. đến sự áp bức, thống trị của họ với đồng bào họ!

  5. Bài nghiên cưú về Trung Hoa rất hay vì có nhiều lý lẽ thuyết phục nhưng dù rất
    hay,tôi vẫn không cho tất cả nhửng nhận định của tác giả nổi tiếng này là chân
    lý,đúng hoàn toàn đến nỗi phải tôn trọng tuyệt đối như một định luật !
    Nhân bài này,tôi nghĩ là nhan đề tác phẩm “Death by China” của Peter Navarro
    có lẽ nên thêm vào 1 chữ để thành “Death by communist China” cho chính xác
    hơn nhằm tôn trọng dân tộc Trung Hoa và tránh bị đổ tội “kỳ thị chủng tộc” ?
    Cũng cần viết thêm là người Trung Hoa nói chung (Quốc lẫn Cộng) có mối hận vì
    bị thế lực nước ngoài chèn ép trong qúa khứ,do đó ngày nay họ cố gắng hết sức
    làm cho Trung Quốc hùng cường,kể cả hất cẳng Mỹ để trả hận ?

Comments are closed.