Bản tin ngày 6-6-2020

BTV Tiếng Dân

6-6-2020

Tin Biển Đông

Báo BenarNews đưa tin, hôm 5/6, Indonesia từ chối lời đề nghị đàm phán của Trung Quốc về Biển Đông, vì Jakarta nhắc lại rằng, họ không có yêu sách chồng chéo với Bắc Kinh trong vùng đặc quyền kinh tế.

Trong bức thư Trung Quốc gửi LHQ, để đáp lại một công hàm ngoại giao do chính phủ Indonesia gửi cho người đứng đầu LHQ hôm 26/5, Bắc Kinh thừa nhận không có tranh chấp lãnh thổ với Indonesia ở Biển Đông. Tuy nhiên, bức thư cho biết, Trung Quốc và Indonesia có các yêu sách chồng chéo về quyền và lợi ích hàng hải ở một số khu vực của Biển Đông.

Bức thư đăng trên trang web Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại LHQ, có đoạn: “Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các yêu sách chồng chéo thông qua đàm phán và tham vấn với Indonesia, và hợp tác với Indonesia để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Tuy nhiên, đề nghị đàm phán của Bắc Kinh đã bị Jakarta thẳng thừng từ chối. Indonesia đã khẳng định rằng, các yêu sách của Trung Quốc là đơn phương và không có cơ sở pháp lý trong luật pháp quốc tế.

Hôm thứ Năm, trong buổi họp báo qua mạng, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã tái khẳng định lập trường nhất quán của nước này trong việc đáp trả yêu sách của Trung Quốc, rằng điều này có thể xâm phạm đến vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia và nhấn mạnh, Trung Quốc cần phải tuân thủ hoàn toàn Công ước LHQ về Luật biển 1982.

Bình luận về sự kiện này, một nhà nghiên cứu luật hàng hải quốc tế tại Đại học Gadjah Mada, ông Arsana, mô tả đề nghị đàm phán của Trung Quốc là “không hợp lý”. Ông nói với BenarNews: “Yêu sách của Indonesia là dựa trên luật pháp quốc tế, trong khi yêu sách của Trung Quốc là đơn phương”, và còn cho rằng “Indonesia không nên đàm phán và cũng không đồng ý các cuộc đàm phán song phương như vậy”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Hikmahanto Juwana, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Indonesia, cho biết phản ứng của Trung Quốc là “phù hợp với vở kịch của mình”. Ông nói: “Indonesia không nên cho phép bản thân mình bị dụ dỗ tham gia đàm phán. Cho đến nay, Indonesia đã liên tục từ chối và sẽ không bao giờ muốn đàm phán với Trung Quốc”.

Cũng tin Biển Đông, hôm qua, Chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ tại Nhật Bản, Trung tướng Kevin Schneider nói với hãng tin Reuters rằng, Trung Quốc đang sử dụng Covid-19 làm vỏ bọc để thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông, thông qua sự gia tăng các hoạt động hải quân nhằm đe dọa các nước khác có yêu sách trong vùng biển này.

Tướng 3 sao này cho biết, Trung Quốc đã gia tăng tàu hải quân, tàu bảo vệ bờ biển và lực lượng dân quân biển để quấy rối các tàu khác trong vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Đồng thời, Bắc Kinh cũng đã tăng cường hoạt động ở Biển Hoa Đông, nơi có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản.

Hôm 5/6, Báo Express của Anh có bài bình luận: Cảnh báo Biển Đông: Bắc Kinh ‘tạo pháo đài’ trong khu vực có nguy cơ gây ra xung đột. Bài viết dẫn lời chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc cho biết, tại vùng biển tranh chấp, Trung Quốc đã biến nhiều hòn đảo không có người ở thành các căn cứ quân sự được củng cố nghiêm ngặt, đã dẫn đến cảnh đối đầu căng thẳng trong những năm gần đây.

Ông Ellwood, một thành viên của tổ chức Nghị viện phân tích: “Có ba lĩnh vực mà Trung Quốc đang phát triển: Về mặt kinh tế, thông qua sáng kiến ​​Một vành đai, Một con đường; Về mặt công nghệ, thông qua sự thúc đẩy cho Huawei, buộc mọi người vào đó; Và cuối cùng về quân sự, Trung Quốc đang tạo ra các ‘pháo đài trên Biển Đông’ bất chấp luật pháp quốc tế”.

Chuyên gia này nhận định: “Một khi Trung Quốc đã có sự hiện diện quân sự trên Biển Đông thì họ có thể sử dụng điều này để mở rộng dấu chân của mình nhằm thách thức bất kỳ ai đi qua”.

Mời đọc thêm: Luật sư Mỹ đề nghị tư vấn miễn phí cho Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế (VOA). – Asean làm gì nếu Trung Quốc đơn phương lập ADIZ ở Biển Đông? (BBC).- Trung Quốc lợi dụng Covid-19 đẩy mạnh yêu sách chủ quyền ở biển Đông? (NLĐ). – Tư lệnh Mỹ tại Nhật tố cáo hành động Trung Quốc ở Biển Đông (PL).

Thảm sát Đồng Tâm: Công an cúng vái nhưng lừa luật sư

Theo nguồn tin từ nhà hoạt động Trịnh Bá Phương cho biết: “Một số người dân Đồng Tâm cho hay, ngày 5.6.2020 có hai xe ô tô phủ kín bạt chở vàng mã, đồ cúng về chùa Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, mở lễ cúng bái… Người dân cho biết tờ sớ thầy cúng viết có ghi công an, tư pháp và pháp y.

Anh Phương đặt câu hỏi: “Phải chăng sự sợ hãi, nỗi ám ảnh sau khi giết cụ Lê Đình Kình đã khiến những người liên quan phải về đây mở khoá lễ cúng bái”. Nhận định của anh Phương là hoàn toàn có cơ sở, khi “hàng nghìn cảnh sát trang bị vũ khí đang đêm đến nhà bắn chết một lão đảng viên gần 60 năm tuổi đảng đã gây sự phẫn nộ chưa từng thấy”.

“Hiện công an chìm nổi đang đi khắp làng canh không cho người dân tiếp cận vào chùa, gia đình cụ Kình lo lắng họ kéo đến mộ cụ, nên phải thức trắng đêm trông giữ để đề phòng chúng đưa pháp sư ra đó làm trò ma quỷ bậy bạ lên mộ cụ”, ông Phương cho hay.

Bình luận về sự việc, PGS TS Mạc Văn Trang viết: “Càng ngày các quan chức, đảng viên từ thấp đến cao càng mê tín, cầu cúng khắp nơi, chứng tỏ họ chả tin gì vào chủ nghĩa Mac – Lê ‘vô thần’; càng ngày họ càng lo hãi, run sợ vì những tội ác đã gây ra với nhân dân, vì những việc làm gian manh, dối trá, hèn hạ, bất nhân … và đi cầu cứu cả thánh thần lẫn ma quỷ…”

Nhà văn Nguyên Ngọc đã từng đánh giá “Vụ án Đồng Tâm là một tội ác trời không dung đất không tha”.

Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương cũng nói rằng, để giải cái nghiệp này thì trước mắt là công an, cầu xin sự tha thứ của nhân dân, đối xử công bằng với những người Đồng Tâm đang bị bắt, và sau đó là mang lễ vật và cả số tiền phúng điếu đang phong tỏa tại ngân hàng VCB đến tạ lỗi trước vong linh cụ Kình.

Cũng tin liên quan, tối 5/6, luật sư Ngô Anh Tuấn, là người bào chữa cho các con cụ Lê Đình Kình và một số dân làng Đồng Tâm bị bắt, cho biết, ông “không được nhận Kết luận điều tra vụ án của Công an Hà Nội, dù đã được mời tới nhận“.

LS Tuấn tường thuật: “Hôm qua, tôi nhận được thông tin từ Văn phòng Cơ quan CSĐT CA TP. Hà Nội về việc mời luật sư tới nhận bản Kết luận điều tra của vụ án xảy ra tại Đồng Tâm vào 09/01/2020 vừa qua… Tuy nhiên, đúng như lịch hẹn, nhân viên văn phòng luật sư đi nhận văn bản theo đúng kế hoạch thì được thông báo rằng văn bản sẽ được gửi qua đường bưu điện và đã báo cho luật sư Tuấn rồi.

Trên thực tế, tôi không nhận được bất kỳ cuộc gọi nào về việc thay đổi kế hoạch giao tài liệu này cả, nên đã gọi lại cho công an để phản ánh nhưng không có ai nghe máy”.

Luật sư Tuấn cũng cho biết, khi ông liên hệ với các luật sư đồng nghiệp trong vụ án này thì cũng nhận được sự phản hồi tương tự “các vị ấy cũng nhận được thông tin, cũng lên nhận văn bản và ra về tay không”.

LS Tuấn dự đoán, sự việc “nhận hụt” bản kết luận điều tra vụ án bởi khả năng chính quyền muốn các cơ quan truyền thông nhà nước cần đưa tin “định hướng” trước khi giao cho các luật sư, vì lo ngại cư dân mạng sẽ đưa tin và bình luận trước họ.

Hôm 3/6, báo Lao Động đưa tin, Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh sát Cơ động – đơn vị thực hiện cuộc đột kích trong đêm, tấn công vào dân làng xã Đồng Tâm, giết chết cụ Lê Đình Kình, vừa được đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Bị cáo Lê Ngọc Hoàng bị xích chân khi hầu tòa

Hai ngày qua, mạng xã hội đăng tải một bức ảnh trong phiên tòa ngày 4/6, xét xử bị cáo Lê Ngọc Hoàng trong vụ xe Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, làm 5 người chết. Bức ảnh cho thấy, ông Hoàng đứng trước bục khai báo trong tình trạng đeo dây xích ở cổ chân.

Bị cáo Lê Ngọc Hoàng đeo xích chân khi ra tòa. Ảnh: Internet

VTC đặt câu hỏi: Vì sao tài xế container Lê Ngọc Hoàng bị xích chân tại tòa phúc thẩm? Bà Vũ Thị Thúy, vợ bị báo Lê Ngọc Hoàng và luật sư Giang Hồng Thanh, người bào chữa cho ông Hoàng, xác nhận, bức ảnh ông Hoàng bị xích chân khi hầu tòa là có thật. Luật sư Thanh, bình luận về vụ này:

“Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc cùm chân bị cáo hầu tòa được áp dụng đối với các bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, có mức án đề nghị chung thân hoặc tử hình; có biểu hiện chống phá hoặc quấy rối cơ quan chức năng. Trong phiên tòa này, bị cáo Hoàng không phải đối tượng bị áp dụng hình thức cùm xích chân”.

Có thể nói, khi hầu tòa phải mang xích chân như trường hợp của ông Hoàng là sự lạm dụng quyền hành của hệ thống tư pháp. Không chỉ làm nhục bị cáo trước khi xét xử, mà nó còn cho thấy một hành vi đối xử tàn ác và vô nhân đạo được diễn ra công khai ngay tại phiên tòa.

Ngoài ra, việc xích chân một bị cáo không có biểu hiện quấy rối hay đe dọa phiên tòa, cho thấy, phiên tòa này đang xét xử thiếu công bằng, phản ánh một định kiến bị cáo phạm tội trước và trong quá trình xét xử.

Tín hiệu vui cho cái chết cảnh tỉnh nền tư pháp

Người nhảy lầu tự tử trong sân tòa án để cảnh tỉnh nền tư pháp, ông Lương Hữu Phước đã được Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm, xem xét lại bản án 3 năm tù đối với ông được tuyên hôm 29/5 ở tòa án tỉnh Bình Phước.

Tối 5/6, báo Tuổi Trẻ cho biết, kháng nghị này được đưa ra theo hướng hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với ông Phước để điều tra, xét xử lại. Khoản 2, điều 379, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định, “việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ”.

Ông Lương Hữu Phước tại phiên tòa trước khi tự tử chết. Nguồn: Báo TN

Cũng theo Bộ luật này, quy định, trong vòng 4 tháng kể từ ngày nhận quyết định kháng nghị, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM sẽ mở phiên tòa Giám đốc thẩm xem xét lại bản án dành cho ông Phước.

Một tín hiệu tốt trong vụ này là, người ra quyết định kháng nghị chính là Chánh án TAND cấp cao TP.HCM. Chánh án của tòa này đồng thời là người đứng đầu Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM – Chủ tọa phiên tòa Giám đốc thẩm sắp tới.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Giấy mua bảo hiểm là để bồi thường tai nạn chứ không phải để đề phòng tai nạn.Nếu một người trốn khỏi nơi giam cầm,bị một tên đạo tặc cướp tài sản giết chết,tên cướp cũng bị thương.Như thế,theo vị luật sư này,người chết là kẻ có tội,vì nếu người bị chết( không được phép ra ngoà)i, không trốn trại,thì sự cướp bóc sẽ không xảy ra.Và như thế,tài sản của người quá cố sẽ được dùng bồi thường cho sự tổn thương của tên cướp.Trốn trại,sẽ bị xử tội trốn trại,giết người cướp của sẽ phải bị xử theo tội cướp của giết người.Tội người nào làm ra,người đó chịu.Húc vào xe người khác ở nơi được phép dừng là sai quá rõ.Nếu chiếc xe chưa mua bảo hiểm vì một lý do nào đó,được cẩu xuống đó,dù tài xế ngồi sau tay lái (nhưng không chạy trên đường) thì làm sao lấy lý do xe chưa mua bảo hiểm để buộc người bị hai bồi thường cho kẻ gây hại.Luật nào mà quy định ngang trái như thế hở trời.

  2. Vụ tài xế container bị phạt tù vì đã đâm vào một chiếc xe con đang đi lùi trên cao tốc thể hiện một sự bất công và sai trái trong hệ thống tư pháp Việt Nam.
    Ngày xưa tôi biết một vụ tai nạn xe cộ xảy ra ở tiểu bang Oregon: Một chiếc xe con bị một chiếc xe khác húc vào đuôi lúc đang đứng ở bảng STOP. Chiếc xe con bị nát bet và tài xế bị thương tích sao đó. Cái lạ là tài xế chiếc xe húc vô chiếc xe con không hề phải bồi thường một đồng xu cắc bạc nào mặc dù anh ta có thể được gọi là lái xe bất cẩn. Họ đưa nhau ra tòa và luật sư của bên tài xế húc vô xe con hỏi nạn nhân rằng: Ông có biết luật lái xe là tất cả các xe lưu thông trong tiểu bang Oregon phải có bảo hiểm xe không? Nạn nhân nói có biết và luật sư hỏi tiếp: Nếu ông tuân theo luật và không lái chiếc xe đó vào ngày hôm đó thì liệu tai nạn có xảy ra không? Nạn nhân ú ớ và luật sư nói tiếp: Như vậy chính ông là người đã gây nên tai nạn vì đáng lẽ ông không được quyền sử dụng một chiếc xe không có bảo hiểm. Kết luận sau cùng của phiên tòa là nạn nhân phải tự chịu mọi trách nhiệm kiêm luôn phải bồi thường mọi thiệt hại cho chủ chiếc xe húc vào xe của minh.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây