Hiếu Bá Linh, tổng hợp
20-5-2020
Nguyễn Ái Quốc đã nhiều lần đến Đức và mỗi lần lưu trú nhiều ngày ở Đức. Lần đầu có lẽ vào năm 1919, lần thứ hai vào năm 1920 và một lần vào năm 1927 hoặc 1928, nhưng có bằng chứng rõ ràng nhất là lần đến Đức năm 1923 trên đường đi tới Liên Xô để họp Đại hội Quốc tế Nông dân tổ chức tại Moscow.
Đêm 13.6.1923 Nguyễn Ái Quốc đã lên xe lửa tại Paris sang Đức, ngày 14.6.1923, ông ta đến Đức, lưu trú nhiều ngày tại Berlin, sau đó từ Đức đi tiếp tàu thủy đến Liên Xô.
Tại Berlin ngày 16.6.1923 Cơ quan Đặc mệnh toàn quyền (thực chất là Đại sứ quán) Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô-viết Liên bang Nga tại Berlin – Đức cấp cho Chen Vang (Trần Vương, tức Nguyễn Ái Quốc) Giấy thông hành số 1829 thay cho hộ chiếu để đi Liên Xô.
Giấy thông hành số 1829
Họ tên: Chen Vang
Sinh ngày: 15-2-1895 tại Đông Dương
Nghề nghiệp: Thợ ảnh
Mục đích chuyến đi: Công tác chuyên môn
Do cơ quan đại diện của Liên Xô tại Berlin – Đức cấp ngày 16-6-1923
Stephan Bratman ký tên
Đến ngày 18.6.1923 Chen Vang (Trần Vương) được Sở cảnh sát Berlin cấp cho Giấy phép tạm trú số 5136, có hạn đến 22 tháng 6 năm 1923 do Chánh cảnh sát Berlin là Schneider ký, sau đó được gia hạn đến ngày 27.6.1923. Lý do gia hạn tạm trú là vì trong những ngày cuối tháng 6.1923 công nhân cảng Hamburg của Đức bãi công, làm cho tàu thủy đi Liên Xô không thể hoạt động.
Ngày 25.6.1923 Nguyễn Ái Quốc được Cơ quan đại diện của Xô-viết Liên bang Nga tại Berlin – Đức cấp thị thực (visa) nhập cảnh Liên Xô. Các tư liệu này được bảo quản tại Viện lưu trữ của Đảng cộng sản Liên Xô, nay là Viện lưu trữ lịch sử chính trị – xã hội Quốc gia Liên bang Nga.
Thị thực nhập cảnh số 361370
Ông: Chen Vang
Đến: Nước Cộng hòa Liên bang XHCN Xô-viết Nga
Qua trạm biên phòng: Thương cảng Petrograd
Mục đích chuyến đi: Công tác chuyên môn
Thời gian ở Nga: Một tháng
Trong khoảng thời gian sau ngày 25, Trần Vương đã lên tàu Karl Liebneck của Liên Xô, khởi hành từ cảng Hamburg và ngày 30.6.1923 tàu cập bến cảng Petrograd (mang tên Leningrad từ năm 1924 đến 1991 dưới chính thể Liên Xô và nay là St. Peterburg). Dấu của đồn biên phòng cảng Petrograd ghi rõ ngày nhập cảnh.
Như vậy Nguyễn Ái Quốc đã lưu lại ở Berlin khoảng 12 ngày. Trước năm 1923 Nguyễn Ái Quốc cũng đã 2 lần đến Đức:
– Lần đầu khoảng cuối tháng 10 năm 1919 cùng với Luật sư Phan Văn Trường trong đó có việc liên hệ mua vật tư ngành ảnh của hãng AGFA cho hiệu ảnh Khánh Ký khi Nguyễn Ái Quốc làm thuê cho hiệu ảnh này (AGFA là công ty con của tập đoàn Bayer AG ở Leverkusen ở Tây Đức).
– Lần thứ hai Nguyễn Ái Quốc đến Đức năm 1920 khi tham gia đoàn du lịch của Hội du lịch Pháp.
– Cuối năm 1927 Nguyễn Ái Quốc lại đến Đức một lần nữa sau khi đi dự cuộc họp Đại hội đồng của Liên đoàn chống đế quốc từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 12 năm 1927 tại Brussel, Bỉ. Có tài liệu nghiên cứu lại ghi là Nguyễn Ái Quốc đến Đức tháng 2 năm 1928, nhưng theo Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, ngày 16.12.1927, từ Berlin Nguyễn Ái Quốc đã viết thư gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân.
Theo tìm hiểu của ông Trần Ngọc Quyên, nguyên cán bộ Ngoại giao tại CHDC Đức và CHLB Đức, ngày 23.01.1969 trong buổi tiếp đoàn nguyên Phó Thủ trướng kiêm Bộ trưởng Y tế, đồng thời là Chủ tịch lâu năm của Ủy ban Việt Nam của CHDC Đức Max Sefrin thăm Việt Nam (đây là đoàn cuối cùng của CHDC Đức được Hồ Chí Minh tiếp), ông Hồ Chí Minh đã kể một số tình tiết về thời gian hoạt động ở Đức năm 1928 như sau:
“Ban đầu ở trong một gia đình công nhân ở gần Quảng trường Alexanderplatz (nằm ở trung tâm của Thủ đô Berlin). Nhưng sau thấy có nguy cơ bị cảnh sát Đức theo dõi và bị bắt nên các đồng chí cộng sản Đức đã chuyển chỗ ở Nguyễn Ái Quốc đến khu nhà vườn ở Karlhorst thuộc Quận Berlin – Lichtenberg”.
Về nơi ở của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian này tại Berlin, GS-BS Richard Kirsch, Trưởng Đoàn công tác y tế CHDC Đức sang giúp Việt Nam những năm 1956-1957 trong bài “Hồ Chí Minh – Người Bạn của CHDC Đức, Chiến sĩ quốc tế đầy nhiệt huyết – Người gắn bó mật thiết với với những người anh em cùng giai cấp ở Đức”, đã viết về việc ông được gặp ông Hồ tại Hà Nội, như sau:
“Chủ tịch Hồ Chí Minh kể rằng trong những năm 20 ông đã phải trốn khỏi Paris vì bị truy nã về chính trị và hồi đó ông đã sang Berlin ở mấy tháng. Lúc đầu ở trong một gia đình công nhân gần Quảng trường Alex (tên viết tắt của Quảng trường Alexanderplatz) và sau đó, khi bị cảnh sát chính trị (Đức) phát hiện, ông đã chuyển ra ở trong một ngôi nhà vườn ở ngoại ô của thành phố…”. Bài viết này được đăng trên nhật báo Neues Deutschland (Nước Đức mới) của đảng SED ngày 10.9.1969, sau khi Hồ Chí Minh qua đời.
Khu nhà vườn đó nằm ở khu Karlhorst thuộc quận Lichtenberg, Đông Berlin, và chủ ngôi nhà vườn là một đôi vợ chồng già tốt bụng. Năm 1957, khi sang thăm chính thức CHDC Đức, ông Hồ Chí Minh đã đề nghị bố trí cho ông đến thăm đôi vợ chồng người Đức đã cưu mang mình năm 1928, nhưng khu nhà vườn này lúc đó không còn nữa (trong chiến tranh thế giới thứ II bị ném bom tàn phá nặng nề, nên sau đó trở thành khuôn viên của một nhà máy) nên đề nghị này không thực hiện được vì không biết hai người này còn sống không và nếu còn sống cũng không biết họ đã chuyển đi đâu. Sau này được biết hai vợ chồng già đó còn sống.
Ngoài ra theo GS.TS. Wilfried Lulei và Thạc sĩ Axel Friedrich (cả hai người đều là các nhà Việt Nam học, đã từng học tập và công tác tại Việt Nam nhiều năm) là tác giả của Tiểu luận (tiếng Đức) “Hồ Chí Minh và nước Đức”, công bố năm 2011 tại Đức, thì vào ngày 4.3.1928, Nguyễn Ái Quốc đã gặp ba người Việt Nam từ Pháp sang Berlin tại trụ sở Liên minh phản đế là các ông Trần Đình Long, Nguyễn Thế Thạch và Bùi Ái trên đường từ Pháp đi Liên Xô, lúc qua Berlin đã được giao thông bí mật của Quốc tế Cộng sản bố trí cuộc gặp này (theo Trần Đình Long: Ba mươi năm ở nước Nga Xô-viết, Hà Thành Thời Báo, số 21 ngày 4.9.1937).
Theo Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử – Tập I, NXB CTQG, Hà Nội năm 1993, trang 252 – 262 đã ghi lại khá chi tiết hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian ở Đức năm 1928. Trong các thư gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản hoăc Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc tỏ ra rất sốt ruột với cảnh rỗi rãi trong khi ông nóng lòng được về Đông Dương để hoạt động cách mạng. Trong thư đề ngày 16.12.1927 gửi Đoàn Chủ tịch QTND ông viết từ Berlin:
“ … Trong 2 hoặc 3 tuần lễ tôi sẽ trở về đất nước tôi. Chuyến đi của tôi tốn chừng 500 đôla Mỹ, vì tôi không có tiền, nên tôi mong các đồng chí giúp tôi.
Xin vui lòng trả lời tôi ở địa chỉ như sau: Ông Lai, ở nhà ông Escxten phố Halesơ (Hallesche Strasse). Trong thư trả lời, hãy viết đơn giản “có” hoặc “không”. Nếu là có (tiền hỗ trợ), hãy gửi tiền đến Ủy ban Trung ương của Đảng Đức (tức là đảng Cộng sản Đức KPD), cho “Liwang” (bí danh của Nguyễn Ái Quốc lúc đó).
Có hay không có tiền, tôi yêu cầu các đồng chí gửi cho tôi một chương trình tổ chức thực hành để tôi có thể làm việc một cách có ích”.
Hay trong thư đề ngày 12 tháng 4 năm 1928 gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc lại viết: “Không thể công tác tại Pháp (vì bị cảnh sát theo dõi gắt gao), ở Đức vô ích, nhưng cần thiết ở Đông Dương, nên tôi đã xin lại lên đường về xứ sở này. Trong những thư gửi cho các đồng chí, tôi đã lập một ngân sách công tác và một ngân sách đi đường.
Khi đồng chí Đôriô qua Béclin, đồng chí đã hứa sẽ quan tâm đến vấn đề của tôi. Tôi đã nói với đồng chí ấy là nếu không được kinh phí công tác, miễn là đồng chí cho tôi tiền đi đường, thì dù thế nào tôi cũng sẽ đi, bởi vì đã một năm tôi lang thang từ nước này sang nước khác trong khi có nhiều việc phải làm ở Đông Dương.
Nhưng cho tới nay tôi chưa nhận được chỉ thị của các đồng chí, cả câu trả lời của đồng chí Đôriô.
Hiện nay, tôi ở trong hoàn cảnh khó khǎn không chịu nổi:
- l) Chờ đợi vô thời hạn (tôi chờ chỉ thị đã 4 tháng).
2) Không có gì để sống vì rằng MOPRE không thể giúp tôi một cách vô hạn, ngay cả cho 18 đồng mác mỗi tuần (số tiền đối với tôi không đủ sống nhưng quá nặng cho tổ chức).
Vậy tôi xin các đồng chí cho tôi càng sớm càng tốt những chỉ thị chính xác về điều mà tôi phải làm và bao giờ thì tôi có thể lên đường.
Xin gửi lời chào cộng sản”.
Cùng ngày trên, Nguyễn Ái Quốc còn gửi thư cho một cán bộ của QTCS, trong đó có đoạn: “… Đồng chí có thể hình dung nổi tôi đang sống trong một tình trạng tinh thần và vật chất như thế nào không: Biết là có nhiều công việc nhưng không thể làm gì được, ăn không ngồi rồi, không có tiền, sống ngày nào hay ngày ấy mà không được phép hoạt động, v.v…”.
Qua những thư trên chúng ta có thể thấy Nguyễn Ái Quốc trong thời gian ở Đức đã không ngừng xin tiền tài trợ để sớm được về Đông Dương hoạt động cách mạng.
Đầu tháng 6.1928, Nguyễn Ái Quốc đã rời nước Đức, bắt đầu cuộc hành trình để về gần Tổ quốc. Từ Đức ông qua Thụy Sĩ bằng tàu hỏa rồi sang Ý.
_____
Nguồn:
Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử – Tập 1 (Năm 1927)
Thư gửi ban Phương đông Quốc tế cộng sản (12-4-1928)
Thư gửi một đồng chí trong Quốc tế cộng sản (12-4-1928)
Qua thư xin tiền của Trần Vương tức Hồ Chí Minh cho thấy HCM rõ ràng là tay sai của Đệ tam quốc tế cộng sản đảng, phục vụ Liên Xô
Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh là hai nhân vật khác nhau. Bài viết này có mục đích để hòa hai thành một. Theo website chính thức của đảng cộng sản VN (nay đã bị xóa) thì Nguyễn Ái Quốc đã bị giết trong tù Hồng Kông năm 1932. Xem hình chụp lại bài đó ở đây: http://img-static.ngonco.net/2017/07/website-dcs.jpg (Xin được chú thích là tài liệu này do Nguyễn Tiến Trung tìm thấy và sau đó đường link được phổ biến rộng rãi vào khoảng năm 2008. Chính tôi đã vào website này lục lọi và tin chắc đó không phải là một website giả. Độ 6-7 tháng sau thì tài liệu đó đã bị xóa ra khỏi website.)
(Xin được sửa lại là website báo điện tử đảng cộng sản VN vẫn còn tồn tại, chỉ có bài viết về NAQ bị giết là đã bị xóa.)
Mấy hôm nay có nhiều bài viết” BẮN PHÁ TƯỢNG ĐÀI HCM” rất đáng hoan nghênh.