Trump đang đánh cược sức khỏe của toàn dân để tái đắc cử

Washington Post

Tác giả: Fred Hiatt 

Dịch giả: Bùi Như Mai

18-5-2020

Tổng thống Trump đưa ra những nhận xét bên ngoài tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu. Nguồn: Stefani Reynold / Bloomberg News

Nhiều người trong chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Tổng thống Trump đặt quyền lợi của chính mình lên trên quyền lợi quốc gia. Nhưng tại sao ông ta lại khư khư với một chính sách có thể nguy hiểm cho sự tái đắc cử của chính mình? Đây là một câu hỏi rất khó trả lời.

Trump đang bận rộn xúi giục mọi người trên khắp cả nước — và đặc biệt là những người ở các tiểu bang mà phần thắng chưa biết sẽ thuộc về ai (swing states) — hãy lờ tít các hướng dẫn y tế công cộng để tránh sự lây lan của covid-19, hãy trở lại cuộc sống giao tiếp xã hội, và trở lại làm việc với nhiều rủi ro nguy hiểm. Lãnh đạo quốc gia mà không đeo khẩu trang, ông ta chào đón các cách phá hoại về việc mở cửa một cách có trật tự của đất nước. “Tiểu bang này sống dậy rồi”! Ông ta reo hò sau khi Tối cao pháp viện của tiểu bang Wisconsin biểu quyết dẹp bỏ lệnh cách ly tại tư gia.

Coi thường và bất chấp ngay chính chỉ thị của chính quyền của mình, liều lĩnh với nguy cơ về đợt lây nhiễm kế tiếp và điều này sẽ dẫn đến không chỉ hàng ngàn người chết mà còn tàn phá nền kinh tế tệ hơn nữa. Nhiều khả năng là bệnh dịch này có thể trở lại với thời tiết mát mẻ hơn vào mùa thu tới đây, cũng đúng lúc toàn dân sẽ đi bầu tổng thống.

Nhiều giả thuyết được đưa ra cho hành vi bất cần và tự hủy hoại của Trump.

Đầu óc Trump không thể nghĩ xa hơn ngoài các tít chính trên các tờ báo ra ngày hôm sau hay thị trường chứng khoán trồi sụt. Tính thích được khen đã làm ông ta rối mù lên nên không thể hoạch định cho những công việc cần làm.

Sự khao khát được tâng bốc lâu năm đã đẩy ông ta đến sự phi lý. Ông ta thèm thuồng lời cảm ơn của dân nhậu trong các quán nhậu ở Wisconsin; ông đang nhớ kinh khủng những tiếng tung hô ủng hộ trong các buổi tranh cử.

Hay đơn giản là ông bỏ ngoài tai các lời khuyên của các chuyên gia, tự tin rằng khí phách của ông đúng hơn so với kiến ​​thức và kinh nghiệm của họ.

Tất cả những giả thuyết trên có thể đúng một phần. Nhưng mọi người đã đánh giá quá thấp về sự xảo quyệt và tính nghi ngờ bệnh hoạn của Trump.

Vì vậy, đây là một giả thuyết khác.

Từ vài tuần trước, Trump và cận thần của ông đã nhận ra rằng ông đang thua Joe Biden khá xa. Họ bắt đầu tuyên truyền rằng Trung Quốc là kẻ thù và chụp mũ một cách lố bịch rằng, Biden cùng phe với Cộng sản. Họ đã gia tăng những lời vu khống về ứng cử viên Dân chủ là trốn tránh (Biden đang cách ly tại tư gia theo lời hướng dẫn của cơ quan y tế công cộng) và hèn nhát. Trump đã bịa đặt ra “Obamagate”.

Chắc chắn Trump sẽ tiếp tục kiểu tấn công này. Nhưng họ cũng nhận ra rằng các kiểu tấn công trên sẽ không có hiệu quả nếu nền kinh tế tiếp tục xuống dốc. Vì vậy, Trump chống lại mọi lẽ thường, bắt đầu quậy tưng lên để đất nước phải trở lại làm việc.

Chiến lược ở cấp độ cơ bản nhất là cầu may: Với hy vọng là các doanh nghiệp mở cửa trở lại và làn sóng nhiễm bệnh lần thứ hai không xảy ra, ít nhất là cho đến sau khi bầu cử.

Nếu làn sóng này xuất hiện quá sớm thì thế nào Trump cũng sẽ thua, điều này cũng không có hại gì tới ai, ngoại trừ những cái chết quá vô lý và đau đớn vì ông ta, mặc dù ông ta vẫn thất cử.

Nhưng Trump cũng đang dàn trận đi kiếm dê tế thần để đổ lỗi cho bất cứ ai, ngoại trừ ông ta, nếu mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vào mùa thu này. Do không có một chính sách quốc gia nào, ông ta sẽ đổ lỗi cho các thống đốc vì họ không nghe theo lời khuyên về các cách chữa bệnh lang băm của ông ta, ông ta có thể —  và chắc chắn sẽ — đổ lỗi cho Anthony S. Fauci và các đồng nghiệp của ông này. Những chiến lược này nghe có vẻ không hợp lý tí nào, nhưng với đài Fox News, là cơ quan ngôn luận tin cậy của Trump, bất cứ lý thuyết gì Trump thêu dệt ra thì đài này không hề bỏ qua mà còn phóng đại ra.

Điều quan trọng cần lưu ý là, bất kỳ tổng thống hoặc các thống đốc sẽ phải tìm ra các giải pháp trước khi đất nước lâm nguy. Lệnh cách ly tư gia đang làm điêu đứng hàng triệu người, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn nhất; học sinh không thể đến trường và thời gian mất mát này không bao giờ có thể lấy lại được. Không có giải pháp nào đúng, và bất cứ tổng thống nào cũng có thể cân nhắc các yếu tố kinh tế nặng hơn lời khuyên của các chuyên gia y tế công cộng.

Nhưng nếu một tổng thống quan tâm đến phúc lợi của quốc gia thì sẽ làm việc với các thống đốc để tìm sự cân bằng phù hợp, thay vì quậy tưng lên và phá hoại họ. Một tổng thống cam kết mở cửa lại khi có sự an toàn, sẽ lãnh đạo để bảo đảm đất nước có đủ khả năng xét nghiệm và truy tìm dịch bệnh, thay vì dùng chiến lược đổ lỗi.

Các cuộc thăm dò cho thấy, phần lớn dân chúng sẽ ủng hộ một chiến lược như vậy; hầu hết dân Mỹ quan tâm đến việc giảm sự tổn thất hơn là mở cửa ngay lập tức. Nhưng đây luôn luôn là cách tính toán của Trump: Không hề cho việc đoàn kết đất nước hoặc chiếm được sự ủng hộ của đa số dân chúng. Đơn giản là ông ta chỉ muốn biến một số cử tri nổi lên chống lại chính quyền ở các tiểu bang mà phần thắng thua chưa ngả về ứng cử viên nào (swing states) để mong đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.

Dù là Tổng thống đương nhiệm, nhưng ông ta lại đặt mình là người ngoài cuộc, là nạn nhân của một “chính quyền ma”, là tiếng nói của người bị đàn áp và Trump hy vọng sẽ chống lại cái chính quyền ma đó. Ngược đời là sau khi bị thất bại thê thảm về cách đối phó với dịch virus corona, ông ta sẽ thể hiện mình là người chiến thắng, đấu tranh cho những người mà vì sự thất bại của ông ta đã bị tổn thương nhiều nhất. Ông ta sẽ cố gắng làm điều này, ngay cả khi điều đó có nghĩa là đặt đất nước vào tình trạng nguy hiểm hơn.

Điều quá sốc là, khi một tổng thống đánh cược với sức khỏe của dân chúng để mong có thêm cơ hội tái đắc cử. Điều sốc này không có gì là ngạc nhiên cả.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Tôi nghĩ ông ta nói xạo chuyện uống thuốc. Ông ta không uống (vì ông ta chưa bị dương tính), nhưng ông ta nói xạo để xúi dân uống, gần 30 triệu liều thuốc ký ninh mà ông ta mua, nếu không có ai uống, chẳng lẽ cho phát miễn phí cho bọn cuồng Trump uống à?

Comments are closed.