Chuyện Tuấn “cò”, Vũ “nhôm” và quan chức Đà Nẵng (Kỳ 1)

Phạm Vũ Hiệp

16-5-2020

Tuấn “cò” tên thật là Trịnh Mạnh Tuấn, sinh năm 1960, tại Hoà Thuận, Hải Châu, Đà Nẵng. Hỗn danh Tuấn “cò” ra đời từ khi Tuấn trổ tài móc ngoặc, cò mồi, dẫn dắt lừa bịp… làm bất cứ chuyện gì có thể kiếm ra tiền.

Quê của Trịnh Mạnh Tuấn ở Ninh Bình. Bố Tuấn là ông TMH, di cư vào Đà Nẵng từ năm 1954. Ông TMH giỏi chạy “áp phe”, móc nối, buôn hàng từ căn cứ quân sự ở phi trường Đà Nẵng, nên làm giàu, có ba dãy nhà trên đường Trưng Nữ Vương.

Phú gia muốn làm chính trị, ông TMH tham gia cốt cán trong một đảng phái, mà cả Quốc gia, lẫn Việt cộng đều không ưa. Ông TMH trở nên có tiếng và cũng khét tiếng tại khu chợ Hoà Thuận và phố Trưng Nữ Vương. Cái gì đến sẽ đến, do tính tình ngạo mạn, chèn ép đúng gia đình cộng sản, nên ông TMH bị Việt Cộng xử tử hình cuối năm 1972.

Sau ngày 30/4/1975, gia đình Tuấn cũng bị đẩy ra đường, khi bị “bên thắng cuộc” thực hiện chính sách trưng thu nhà. Dãy nhà trưng dụng, nay làm trụ sở UBND và đồn Công an phường Hoà Thuận. Từ “công tử”, con nhà có của ăn của để, Tuấn bị đẩy thành… bụi đời. Bỏ học, lang bang, Tuấn bắt đầu trở thành kẻ lái xe ôm (xe thồ), giang hồ…

Bạn bè cùng thời kháo nhau chuyện Tuấn chở thuê hàng ra sân bay cho một trùm buôn lậu ở Đà Nẵng. Không biết vô tình hay lập mưu, Tuấn báo đã lỡ mất của ông trùm một kiện hàng. Ác thay, đúng kiện trong đó có hơn chục kilogam vàng. Ông trùm sạt nghiệp luôn từ đó.

Bản thân Tuấn cũng không ít tiền án, tiền sự. Thời bao cấp, Tuấn từng đóng giả công an đi với băng Chương “can”, với Chương “đồng hồ”, chặn xe quá cảnh Lào, ăn cướp hàng hoá trên xe, bị công an hình sự bắt…

Đầu thập niên 1990, cuộc đời Trịnh Mạnh Tuấn chuyển sang ngã rẽ mới, từ khi lấy vợ. Vợ Tuấn tên là Trần Thị Xuân, sinh 1961, bán bánh mì ngay ngã tư chợ Cồn, bến xe Vĩnh Trung. Xuân có người dì ruột (chị ruột của mẹ) tên là Nguyễn Thị Phán.

Năm 1969, Trung tá tình báo của Bộ Tổng tham mưu Trần Tiến Cung gặp gỡ bà Phán, khi đó đang là Cửa hàng trưởng quầy Nam bộ của Bách hóa tổng hợp Hà Nội. Ông Cung đơn lẻ, vợ qua đời vì bệnh. Bà Phán cùng cảnh ngộ, chồng là bộ đội hy sinh, cũng đang nuôi 3 con nhỏ. Thế là hai người gá nghĩa, kết duyên.

Ông Trần Tiến Cung sinh năm 1929, quê Quảng Ngãi, một cái tên khá nổi tiếng. Ông lần lượt nắm giữ các trọng trách: Cụm trưởng Cụm tình báo Trung bộ, Cục trưởng cục 11, Đoàn trưởng 578 giải phóng Campuchia, Tổng cục phó Tổng cục tình báo Bộ quốc phòng (TC 2).

Thiếu tướng Trần Tiến Cung (phải) với đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh chụp năm 1986. Photo Courtesy

Ông Cung từng là thư ký của Ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Quốc Việt và có thời gian là trợ lý của ông Lê Đức Thọ. Ông là bạn chiến đấu, kề vai sát cánh với các tướng Chu Huy Mân, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Đoàn Khuê, Nguyễn Chơn và nhiều tướng lĩnh cấp cao khác. Nói sơ qua để thấy tầm vóc và quyền lực “nghiêng trời” của Thiếu tướng Trần Tiến Cung.

Thời ông Cung làm Tổng cục phó Tổng cục 2, thì vợ ông, bà Nguyễn Thị Phán là Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Bà Phán xin cho Xuân vào làm nhân viên phụ trách kho hàng một công ty thương mại “bình phong” của Tổng cục 2 tại Đà Nẵng. Một thời gian sau, Tuấn cũng được vợ kéo vào theo.

Vốn lanh lẹ, mưu lược, gian hùng, cộng với thế lực bên vợ, Tuấn được “cất nhắc” lên làm cán bộ phòng kinh doanh. Công ty này độc quyền kinh doanh xe máy nhập khẩu từ Thái sang Lào, về Việt Nam, Tuấn “cháu ông Cung, bà Phán”, tất nhiên được trực tiếp sang Lào, Thái Lan, tham gia trao đổi, mua bán hàng hoá. Và Tuấn phất lên từ đó.

Trịnh Mạnh Tuấn tuổi con Chuột (Canh Tý), tướng tinh con Rắn, nhưng kỳ lạ không giải thích nổi, cứ ông ta đầu quân kết bạn với ai, thì kẻ đó chết đoản mệnh hoặc tù tội, tán gia bại sản.

Ông Tuấn vào công tác tại công ty “bình phong” nói trên được một thời gian ngắn, đã mua được hai lô đất vàng với giá “khủng”, mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh. Ngược lại sếp ông, đại tá quân đội N.S.N, giám đốc công ty đang khoẻ mạnh bổng đột tử, chết ở tuổi 53.

Trịnh Mạnh Tuấn muốn làm “trắng” lý lịch, để vào đảng CSVN và trở thành sĩ quan quân đội. Nhưng vấp phải phản ứng dữ dội của các phòng, ban chỉ huy trực tiếp, nên từ bỏ ý định. Nếu không, hôm nay ở Đà Nẵng đã có thêm một “thượng tá tình báo” quân đội Tuấn “cò”, song hành cùng thượng tá Vũ “nhôm”, mà mức độ tinh quái và hậu quả ông ta gây ra, sẽ kinh khủng không thua gì Vũ “nhôm”.

Mặc dù vậy, nhưng với danh nghĩa “cháu tướng Cung”, Tuấn cũng quen biết xã giao một vài sĩ quan tình báo thuộc Cục 11, TC2. Sau này, Tuấn hay “nổ” với đối tác và các quan chức Đà Nẵng, rằng ông là cán bộ từ TC 2… chuyển ngành.

Tổng cục phó Tổng cục 2 Trần Tiến Cung nghỉ hưu năm 1998. Tuấn cũng rời khỏi công ty thương mại “bình phong”.

Cuối năm 1999, Trịnh Mạnh Tuấn thành lập Cty TNHH Lý Hồng King, địa chỉ 164 đường Nguyễn Văn Linh, do mình làm giám đốc, chuyên buôn xe máy, ô tô.

Kinh doanh thất bại. Ông Tuấn tính kế “ve sầu thoát xác”. Trong những năm làm cán bộ kinh doanh “cò xe”, ông Tuấn quen biết với một đại gia đối tác người Lào. Dẻo miệng chèo kéo, đại gia “chân ướt chân ráo” vào Việt Nam đầu tư theo lời rủ rê của Tuấn.

Tháng 3/2001, một Công ty TNHH Lý Hồng King khác ra đời. Tên giao dịch là “LY HONG KING MOTORCYCLE PARTS MANUFACTURING LIMITED COMPANY”.

Đại gia Soudent Thavixay, quốc tịch Lào, làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc. Cty chuyên sản xuất phụ tùng, động cơ, lắp ráp xe máy. Vốn đầu tư theo giấy phép là 270 tỉ đồng. Trụ sở công ty không ở nhà riêng của Tuấn nữa, mà trên diện tích thuê 6 hecta, tại lô 2, Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, Quảng Nam.

Trịnh Mạnh Tuấn, tức Tuấn “cò”, tại một sự kiện. Photo Courtesy

Giới doanh nhân Đà Nẵng cho biết, ông Tuấn không ra mặt, nhưng mọi hoạt động đều có bàn tay của Tuấn, Soudent Thavixay không có vai trò gì. Cái bẫy đã giăng ra, con mồi không bị sập mới lạ.

Chưa sản xuất, kinh doanh gì, Công ty TNHH Lý Hồng King đã vay của Vietcombank Đà Nẵng hơn 3 triệu đô la. Vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tỉnh Quảng Nam, lẫn Agribank Đà Nẵng gần 100 tỷ đồng. Cty Lý Hồng King không hề thực hiện việc báo cáo tình hình hoạt động, sổ sách kế toán, thuế… cho đến năm 2003 thì nợ nần đầm đìa.

Từ nợ ngân hàng, đến nợ đơn vị thi công xây dựng nhà, xưởng; nợ chủ đầu tư Khu công nghiệp. Cty Lý Hồng King cạn kiệt tài chính, mất khả năng trả nợ. Các đơn vị, doanh nghiệp kiện cty Lý Hồng King ra toà để đòi nợ. Tổng giám đốc Soudent Thavixay lặng lẽ trốn khỏi Việt Nam và có tin ông ta đổ bệnh, chết sau đó không lâu.

Toà án kinh tế Đà Nẵng xét xử vắng mặt, xét nguy cơ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nên lệnh kê biên tài sản để thi hành án sau này.

Phần mình, sợ liên luỵ và nhòm ngó của Cơ quan điều tra, Trịnh Mạnh Tuấn lánh sang nước ngoài, nơi con gái du học, trong một thời gian dài. Trong thời gian này, bà Trần Thị Xuân cũng nghỉ việc tại công ty “bình phong”. Nhờ tác động ngoại giao, móc nối, bà Xuân cũng nhanh chân được chia phần làm đại lý phân phối cho một công ty thuốc lá nổi tiếng.

Thế là xong. Thời gian trôi đi, vụ Lý Hồng King không nghe nhắc đến nữa. Tuấn “cò” quay về Việt Nam, một hành trình mới bắt đầu. Trịnh Mạnh Tuấn lại lướt trên đường đời, giống như thần chết đi qua, những ai xui xẻo “dây” vào, bị “gọi tên”, xem như phước phần chấm hết…

(Còn nữa)

Bình Luận từ Facebook