Covid-19: Nước Mỹ đang đối mặt với một thực tại vô cùng khó khăn

Time

Tác giả: Alana Semuels

Dịch giả: T.Vấn

7-5-2020

Không còn thu nhập, cộng thêm chi phí nặng nề cho sức khỏe, cuộc sống của hàng triệu người dân Mỹ hiện đang như thế nào khi phải trực diện với những hệ quả tất yếu của trận đại dịch thế kỷ?

Christina Thomason, 39 tuổi, chủ một doanh nghiệp nhỏ, và Dwayne Thomason, một field-service manager trong lĩnh vực dầu khí ở Tecumseh, tiểu bang Oklahoma. Dwayne mất việc hồi tháng 9 năm ngoái. Hiện giờ, khủng hoảng đại dịch đã buộc Christina phải đóng cửa hãng chuyên thực hiện dịch vụ vẽ các lằn vôi chia lô trên bãi đậu xe do chính cô làm chủ. Họ phải chăm lo 3 đứa con trai – tuổi từ 2, 4 và 9 – Christina chia sẻ: “Chúng tôi cầm cự một cách hết sức thảm hại. Vợ chồng tôi nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp từ 6 tuần nay mà vẫn chưa thấy đồng bạc nào cả”. Nguồn: September Dawn Bottoms/ TIME

Vào cái hôm mà anh chàng CEO nổi tiếng lập dị của công ty chế tạo xe điện lừng danh Tesla hớn hở tuyên bố tài sản của anh ta đã nở phình tới 36.6 tỉ đô la, thì một trong những nhân viên của Tesla ở chi nhánh Fremont, California, Maricela Betancourt, đang phải nhức đầu vì những tờ hóa đơn cần thanh toán cho mọi chi phí trong gia đình.

Là một công nhân tạp dịch của nhà máy sản xuất, bà cùng với 129 đồng sự từ ngày 7 tháng 4 đã được công ty cho nghỉ việc ở nhà với lời dặn đừng quay lại cho đến khi nào các biện pháp giãn cách xã hội đối phó với Covid-19 được lệnh hủy bỏ. Bà nhận tờ ngân phiếu lương cuối cùng ngày hôm sau và không biết đến bao giờ sẽ được nhận tờ kế tiếp. Hiện Betancourt còn nợ bệnh viện $1,325 khoản chi phí cấp cứu hồi tháng 3 năm nay, và không biết làm sao để thanh toán khoản tiền thuê nhà, tiền internet, tiền thực phẩm tháng này.

Chồng bà, một công nhân xây dựng, cũng đang bị thất nghiệp vì kinh tế đóng cửa do Covid-19. Số phận đứa con trai, Daniel 20 tuổi, cũng chẳng khác gì hơn. Cậu ta là người đầu tiên trong gia đình bước chân vào đại học và đang cũng vừa đi làm, vừa đi học để tự lo cho mình. Số tiền trợ cấp gia đình nhận được từ chính phủ đã được dồn hết để trả học phí cho Daniel với nguyện ước thầm, mọi việc sẽ thông suốt trước khi tới hạn trả tiền thuê nhà cho tháng 6.

Trong khi đó, ông chủ lớn của Betancourt có vẻ như đang sống cách biệt trên một tầng trời cao vời vợi. Trong khi cô phải trông vào các nguồn trợ cấp thực phẩm để nuôi gia đình, đứa con trai phải đi làm mọi công việc tự do hầu có thêm thu nhập; riêng ông chủ Musk lại công khai ngẫm ngợi, đăm chiêu liệu xem mình có nên bán hết tài sản kếch xù hiện có hay không, vì chúng nặng quá “sẽ làm oằn người xuống”.

Trong năm nay, chứng khóan Tesla nhanh chóng tăng vọt (28%) đến độ vào ngày 1 tháng 5 vừa qua, Musk túyt (tweet) rằng tăng như vậy thì cao nhiều quá. Kết quả của những dòng tuýt trị giá bạc tỉ là giá trong ngày của Tesla tụt mất 10%. Nhưng như vậy vẫn còn cao gấp 3 lần so với giá trị của nó một năm trước đây.

Maricela Betancourt, 58 tuổi, nhân viên tạp dịch ở San Jose, tiểu bang California. Sau hàng chục năm đi làm công việc dọn dẹp nhà cửa cho khách, Maricela muốn có được một công việc với đầy đủ quyền lợi, nên bà nhận việc tạp dịch ở hãng xe điện Tesla. Vừa mới vào làm, chưa tới thời hạn được hưởng bảo hiểm sức khỏe của hãng thì một cơn đau phía dưới bụng buộc bà phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Kế đến, bà lại bị Tesla cho các nhân viên tạp dịch nghỉ không lương vì đại dịch. Các hóa đơn đòi tiền của bệnh viện cứ tiếp tục được gởi đến nhà trong khi cả gia đình không biết phải xoay sở làm sao để thanh toán chúng, cũng như để trang trải các thứ nhu cầu khác. Nguồn: Mark Mahaney/ TIME

Ở Mỹ, hố phân cách ngày càng gia tăng giữa những người giàu nứt đố đổ vách và các thành phần xã hội còn lại không phải là vấn đề mới mẻ gì. Nhưng sự suy sụp kinh tế diễn ra một cách bất thường với thủ phạm là con virus Covid-19 đã khiến cho hố phân cách ấy sâu hơn, rộng hơn, trầm trọng hơn, đặc biệt đối với những thành phần nằm ngay trên lằn ranh ngăn chia miệng hố.

Kể từ giữa tháng 3, đã có hơn 30 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ. Con số này lớn gấp 3 lần số người mất việc trong suốt 2 năm của thời kỳ Đại Suy Thoái (Great Recession 2007-2009). Trong khi đó, sau khi bị xuống dốc không phanh trong tháng 3, thị trường chứng khoán đã hồi phục. Nhờ vậy, những người giàu và những người có quan hệ rộng rãi, như một phép lạ, đã nhanh chóng tái tích lũy được tài sản, còn thành phần trung lưu và lao động thì vẫn cứ lún sâu hơn trong nợ nần khi mỗi tuần lễ qua đi.

Fritz Francois, 41 tuổi, ở Bell Captain, Miami. Mỏi mắt trông chờ tiền trợ cấp thất nghiệp và tấm ngân phiếu $1200 của chính phủ Liên Bang mãi vẫn chưa đến, Francois – trước đây làm việc ở khách sạn Betsy Hotel – đã thử tìm việc ở các nơi cần người giao hàng cho khách. Dù vậy, hiện giờ anh ở nhà, dạy đứa con trai 4 tuổi nhìn mặt chữ, đếm số trong lúc vợ anh đi làm bảo dưỡng ở một bệnh viện. Anh tâm sự: “Mỗi buổi sáng khi thức giấc, việc đầu tiên tôi làm là cầu xin Chúa che chở cho vợ tôi”. Nguồn: Rose Marie Cromwell/ TIME
Eileen Cheng, 60 tuổi, chủ cửa hàng bán hoa ở Fort Layderdale, tiểu bang Florida. “Tất cả giờ chỉ còn là con số không to tướng”. Cheng, kinh doanh một cửa hàng bán hoa Yacht Flowers, cùng với con gái từ năm 2009. Cửa hàng chủ yếu cung cấp hoa cho các du thuyền, nhưng ngày càng ít người sẵn lòng bỏ tiền ra cho những dịch vụ xa xỉ như thế này. Cheng lo lắng cho giai đoạn về hưu trong tương lai của mình: “Tôi tự hỏi, liệu rồi mình có thể vực lại mọi thứ được không?” Nguồn: Rose Marie Cromwell/ TIME

Từ San Jose, California, Betancourt nói với phóng viên: “Tất nhiên, một công ty lớn bạc triệu luôn có đủ tiềm lực để phát triển. Nhưng với người làm công chúng tôi, sống qua ngày nhờ vào từng tờ ngân phiếu lương mỗi tuần, nay đồng lương ấy không còn nữa, chúng tôi không biết mình sẽ phải làm gì mà sinh sống”. (Khi được hỏi về việc này, công ty Tesla đã không trả lời).

***

Sự tương phản không chỉ thể hiện qua sự so sánh những công nhân có mức lương thấp với những ông bà chủ giàu có của họ.

Các thành phần doanh nghiệp nhỏ, chủ nhà hàng, chủ cửa hàng bán lẻ cũng đang đánh vật với nợ nần khi những lá đơn xin được trợ cấp gởi đến Chương trình bảo vệ thu nhập (Paycheck Protection Program) của chính phủ liên bang vẫn bặt vô âm tín. Ngược lại, những công ty lớn như Hallador Energy, một công ty hầm mỏ ở Indiana, nhờ có trong danh sách trả lương một người như Scott Pruitt – cựu Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường của chính phủ Trump – làm tai mắt ở hành lang quốc hội (lobbyist) nên mau chóng nhận được hàng triệu đồng từ chương trình.

Hoặc trong lúc giá nhà trung bình trên thị trường mua bán nhà cửa tăng lên đến 8% trong tháng 3, khắp cả nước các gia đình không có nhà, đi ở mướn – do chậm trễ trong việc trả tiền thuê cho chủ – đã nhận được thông báo sẽ bị tống xuất ra khỏi nhà, kể cả ở những tiểu bang trước đó có lệnh ngăn cấm mọi hoạt động trục xuất người ở thuê.

Hoặc trong khi các cửa hàng buôn bán lẻ với quy mô nhỏ phải đóng cửa để thi hành lệnh giãn cách xã hội nhằm tránh dịch bệnh lây lan, thì những công ty mua bán lớn với mạng lưới on-line rộng khắp lại phát triển mạnh. Công ty Amazon báo cáo con số doanh thu nhảy vọt 26% trong quý 1 của năm.

Những công ty nào có khả năng thuê mướn luật sư và lobbyists, thường dễ dàng nhận được sự trợ cấp từ chính phủ. Chẳng hạn như Carnival và Boeing đã được vay cả tỉ đô la nhờ sự can thiệp của Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve). Hồi giữa tháng Tư, viên TGĐ/ điều hành (CEO) của công ty Carnival cho hãng truyền hình CNBC biết, công ty của ông ta có thể ăn ngon ngủ yên cho đến hết năm 2020 mà không phải lo lắng đến có thu nhập hay không.

Trong khi đó, ở thành phố Columbus, tiểu bang Ohio, một nhân viên thủ quỹ tên Cindy Kimbler, đã phải khai phá sản sau khi bị một công ty đòi nợ tìm cách xiết món nợ – cô vay nóng nặng lãi để trả tiền sửa xe lấy phương tiện đi làm – bằng cách trừ thẳng vào kỳ trả lương mỗi tuần.

Alexis Marchioni, 21 tuổi, nhân viên pha rượu, ở State College, tiểu bang Pennsylvania. Khi lệnh ban hành buộc mọi người ở nhà để tránh dịch lây lan, Lion’Den, nơi cô sinh viên làm việc từ hai năm nay, đã phải đóng cửa. Alexis thật sự bị choáng váng. Cô sinh viên năm thứ 3 của trường Penn State University đang theo học ngành kinesiology (một ngành học về sự vận động cơ thể con người) và hy vọng sẽ làm việc trong lĩnh vực vật lý trị liệu hoặc là phụ tá bác sĩ. Cô nói: “Tiền học phí của tôi đã có các món vay nợ lo liệu, đó là việc của tương lai. Nhưng tôi cần có thu nhập để trả tiền thuê phòng”. Nguồn: Eva O’Leary/ TIME

Sự bất bình đẳng này sẽ còn trở nên tồi tệ hơn trong nhiều năm sắp tới. Nền kinh tế Mỹ vốn được coi là lớn nhất thế giới, thế nên, bao lâu mà đa số người dân Mỹ vẫn còn phải mò mẫm trong con đường hầm đen như hũ nút, thì tất nhiên số phận những đối tác thương mại của nó chẳng thể khá hơn. Không quá cường điệu khi cho rằng, sự bất bình đẳng có tiềm năng hủy hoại một xã hội dân chủ và đe dọa sự ổn định toàn cầu.

Việc phải vội vã đóng cửa những hoạt động kinh doanh trực tiếp phục vụ khách hàng có tầm ảnh hưởng rất đặc thù. Khi lao động rẻ mạt bên ngoài đã thu hút công việc sản xuất trong nước, thì nước Mỹ mau chóng trở thành một nền kinh tế dịch vụ. Trong suốt tháng 3 và đầu tháng 4, đại dịch Covid-19 hoành hành, gây tử vong nặng nề cho người Mỹ, khiến các cửa hàng và cơ sở kinh doanh phải đóng cửa ngay lập tức. Hàng triệu công nhân viên – những người hầu bàn, những cô giữ trẻ, các nhân viên khách sạn, các đầu bếp nhà hàng – bỗng một sớm một chiều trở thành người mất việc.

Mohamed Eleissawy,63 tuổi, tài xế lái xe taxi ở Manhattan, tiểu bang New York. Người cha của 3 đứa con này hành nghề tài xế taxi đã 30 năm nay. Đang làm việc 5 ngày một tuần, giờ chỉ còn 3 ngày một tuần từ khi có lệnh đóng cửa, mỗi ngày chỉ có chừng 4 đến 5 cuốc xe. Mỗi khi khách xuống, ông phải lau chùi, khử trùng dây buộc ghế, tay cửa, máy cà thẻ tín dụng. Ông nói: “Tôi yêu Manhattan, nhưng tôi cảm thấy thật tội nghiệp cho Manhattan”. Andre D.Wagner/ TIME
Kim Jaemim, 58 tuổi, tài xế taxi ở Manhattan, New York. Khi kinh tế xuống dốc, thái độ lịch sự của khách hàng sử dụng taxi của Kim cũng xuống dốc theo. Viên tài xế người Nam Hàn thổ lộ: “Chúng tôi gặp phải rất nhiều khách hàng quái đản, kỳ thị. Các tài xế lái xe taxi, về bản chất, cũng đang làm một công việc tối cần thiết trong lúc này. Nhưng tôi thấy dường như thành phố không tôn trọng chúng tôi giống như họ tôn trọng các bác sĩ, y tá, cảnh sát, nhân viên xe điện ngầm. Họ chưa bao giờ nhắc đến những tài xế taxi đã chấp nhận rủi ro cho mạng sống của mình khi phục vụ khách hàng. Chúng tôi góp phần tạo sự sống cho thành phố”. Nguồn: Andre D.Wagner/ TIME
Almontasir Ahmed Mohamed, 33 tuổi, tài xế taxi và sinh viên kỹ sư ở Brooklyn, New York. Mohamed đến Mỹ từ Sudan, cho biết, khách đi xe của anh phần lớn là những người vừa ra khỏi bệnh viện. Anh bảo: “Mỗi ngày tôi cầu nguyện 5 lần cho con virus này biến mất, đừng quấy nhiễu gia đình tôi. Đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp 3 tuần rồi sau khi phải ở nhà gần cả tháng nay. Chờ hoài chẳng thấy tiền đâu nên tôi phải ra đi làm lại”. Nguồn: Andre D.Wagner/ TIME

Những công nhân viên có trình độ đại học, những người có thể làm việc của hãng từ nhà riêng, hiện nay chưa bị ảnh hưởng gì nhiều. Họ vẫn nhận lương đều đặn, được thấy tài khoản tiết kiệm phình hơn một chút nhờ đã hủy bỏ các kỳ nghỉ, những bữa ăn ngoài cuối tuần. Họ chỉ than phiền về việc buồn chán khi phải bị bó chân trong nhà suốt ngày. Một bản phân tích về tình trạng thất nghiệp ở tiểu bang California cho biết, gần 37% số nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp từ giữa tháng 3 là những người chỉ có bằng trung học, so với khoảng 6% thuộc về những người có bằng tốt nghiệp đại học.

Tất nhiên, những con số nói trên sẽ thay đổi. Với quy mô suy thoái kinh tế như hiện nay, không ai có thể nói mình sẽ được an toàn. Các công ty Yelp, Gap và Lyft đã cắt giảm hàng ngàn nhân viên làm việc ở bộ phận đầu não và cho nghỉ dài hạn không lương hoặc người còn làm việc thì sẽ bị giảm mức lương.

Tuy nhiên, những công nhân viên có trình độ đại học cũng có một chút lợi thế hơn từ năm 2000, do mức lương của giới này được tăng nhiều hơn. Theo một thăm dò của PEW hồi tháng 4, chỉ 25% số người với thu nhập thấp có thể dành dụm đủ sống cho 3 tháng trong trường hợp cần đến, so sánh với 75% của những người hưởng thu nhập cao.

***

Đã từ lâu, những xáo trộn lên xuống của nền kinh tế Hoa Kỳ luôn có những tác động tồi tệ đến tình cảnh của thành phần nghèo và trung lưu trong xã hội. Nhưng đặc biệt lần này, ảnh hưởng mang tính hủy diệt của đại dịch đến kinh tế đã nhắm vào những thành phần ít có khả năng đối phó với nó nhất.

Trong thời kỳ đại suy thoái, tuy các lãnh vực sản xuất có bị trì trệ nặng nề, nhưng ở mảng dịch vụ, giới công nhân vẫn còn giữ được công ăn việc làm vì người tiêu thụ lâu lâu cũng muốn đi ăn ngoài hay vào tiệm hớt tóc chăm chút mái đầu, coi đó là chút xa xỉ cuối cùng của thời phồn vinh còn sót lại. Lần này, đa số những người mất việc thuộc thành phần lao động chân tay, phụ nữ và dân da màu, những người sống bằng từng tấm ngân phiếu lương mang về nhà mỗi tuần, những người bất lực nhìn vật giá cứ tăng vọt trong khi đồng lương thì dậm chân tại chỗ. Chỉ cần một lần bị mất việc hay trễ nải trả tiền thuê nhà là họ có thể bị lâm vào ngõ cụt.

Sau lưng họ, hầu như cả đất nước cũng đang cố gượng giữ cân bằng. Con số người nhiễm Covid-19 chưa thấy có dấu hiệu giảm sút, nên giới tiêu thụ và các hoạt động kinh doanh vẫn còn lo lắng, chưa dám quay trở lại mức sinh hoạt bình thường. Trong thế giới tài chánh và thương mại, sự không ổn định là vị khách không mời đáng ghét nhất. Khủng hoảng càng kéo dài, giới tiêu thụ càng e dè trong việc mua sắm, hậu quả là các giới kinh doanh sẽ đóng cửa, làm tình trạng thất nghiệp càng nặng nề hơn, từ đó, vế cầu của định luật cung – cầu càng trở nên giảm sút.

Tierney Allen, 33 tuổi, bắt chước Lady Gaga, và Travis Allen, 42 tuổi, bắt chước Elvis Presley, cùng với con gái của họ, Charlotte, 3 tuổi, ở Las Vegas. Cặp vợ chồng thuộc về số hơn 80,000 nhân viên gig ở Las Vegas đã không còn có thể làm việc kiếm sống được nữa. Nguồn: Daniella Zalcman/ TIME
Suốt ngày, họ thu các video sống động, vui vẻ để phục vụ cho những người yêu mến Lady Gaga và Elvis. Nhưng ngoài đời thật, họ lúc nào cũng lo lắng. Hôm 1 tháng 5, bác sĩ phát hiện hai cục u bên ngực trái của Tierney. Cô than thở: “Đó là một trong những cơn ác mộng mà mình cố gào lên kêu cứu nhưng chẳng có ai nghe thấy được”. Nguồn: Daniella Zalcman/ TIME

***

Lưới bảo hộ (safety net) – vốn đã như miếng vải chấp vá không còn được tin cậy – lại càng giống như miếng giẻ rách. Ngay trong thời buổi bình thường, cũng chỉ có khoảng một phần ba người mất việc đủ tiêu chuẩn xin trợ cấp thất nghiệp. Trong tháng 4 và 5 năm nay, hàng ngàn người chầu chực ở các văn phòng xã hội từ tuần này sang tuần khác để nộp đơn xin trợ cấp, để chỉ nhận được câu trả lời là họ không đủ tiêu chuẩn được hưởng trợ cấp.

Kế đến còn có gánh nặng về chi phí y tế sức khỏe. Theo điều tra của viện Chính sách kinh tế, đã có khoảng 12.7 triệu người bị mất bảo hiểm y tế trong sở làm từ khi đại dịch bắt đầu, cộng thêm với 27.5 triệu người không có bảo hiểm y tế từ trước khi khủng hoảng.

Ở thành phố Alpharetta, tiểu bang Georgia, từ giữa tháng 3 năm nay, Tanisha Robinson, 41 tuổi, không đủ khả năng để mua bảo hiểm y tế cho mình sau khi bị mất công việc giữ trẻ. Khi những đồng tiền dành dụm cạn kiệt, Robinson quay qua bắt chước những người ở trong tình cảnh suy sụp của mình đã làm: Kêu gọi những người lạ trên internet giúp đỡ. 25 đô la đến từ một người kết bạn trên mạng xã hội Twitter giúp mua thực phẩm; một bạn Twitter khác gởi thêm vào tiền trợ cấp kích thích tiêu dùng của chính phủ (stimulus payment) vừa đủ để thanh toán tiền thuê nhà tháng 4.

Tháng 5 xồng xộc chạy đến, một lần nữa Robinson không biết đào đâu ra tiền. Mới đây, bà than thở: “Thật sự, tôi đã phải tự quyết định thứ thuốc (uống) nào là quan trọng hơn để bỏ đi không dùng thứ kia”. Một trong những loại thuốc bà uống để chữa trị chứng Lupus (một loại bệnh hỗn loạn hệ thống miễn nhiễm của cơ thể) là Hydroxychloroquine, đã trở nên khan hiếm khó mua kể từ khi tổng thống Donald Trump rêu rao là thuốc có tiềm năng chữa trị được bệnh cúm Covid-19.

Tanisha Robinson, 41 tuổi, làm nghề giữ trẻ, ở Alpharetta, tiểu bang Georgia. Mất việc làm hồi tháng 3, Robinson không đủ khả năng mua bảo hiểm sức khỏe, cô phải tự dè sẻn với các thứ thuốc điều trị chứng bệnh nan y của mình. Cô không biết bao giờ mình có thể làm việc để kiếm thu nhập được nữa. “Tôi đã nhận được tiền trợ cấp $1200, đủ trả tiền thuê nhà cho tháng 4 và mua thực phẩm. Hiện giờ, tôi trở lại tình trạng như trước khi nhận được trợ cấp”. Ảnh: Irina Rozovsky/ TIME
Shawn Best, 38 tuổi, đầu bếp ở Las Vegas. Best yêu thích công việc của mình là “breakfast guy” ở khách sạn Cosmopolitan, nơi anh làm việc gần 10 năm qua từ khi nó mới khai trương. Giờ đây, khi gọi điện cho cha mẹ anh hiện sinh sống ở thành phố Buffalo, New York, anh nói: “Tôi có cảm tưởng mình đã về hưu trong khi bố mẹ mình vẫn còn làm việc mỗi ngày”. Từ sau khi nhận được tờ ngân phiếu lương cuối cùng hồi giữa tháng 4, anh sử dụng tiền trợ cấp thất nghiệp và tiền của chính phủ liên bang để mua thực phẩm và thanh toán các chi phí khác. Nguồn: Daniella Zalcman/ TIME

Thành phần giàu có không bao giờ phải đối phó với những lựa chọn chết người như thế. Nhưng khi ngày càng có nhiều người dân bình thường Mỹ bị đặt vào tình thế khó khăn ấy, thì nền kinh tế của đất nước ngày càng giống như trò chơi leo thang và tuột dốc. Người giàu thì cứ vững bước mà leo lên những bậc thang của sự thịnh vượng, còn dân nghèo không việc làm ổn định, không thu nhập, không tài sản dành dụm, thì cứ tuột dốc không phanh xuống tận cùng dưới đáy xã hội. Với những bất lợi như vậy, làm sao họ có thể tiếp tục được cuộc chơi mà phần thua trông thấy, nói gì đến việc leo trở lại mức khởi đầu?

Sau khi bị tuột điểm nặng nề hồi đầu tháng 3, thị trường chứng khoán đã hồi phục gần bằng mức ở tháng 12 năm ngoái, cho phép số 10% giàu nhất nước Mỹ, thành phần sở hữu 84% tổng số các cổ phần, thở một hơi nhẹ nhõm. Cũng thành phần 10% này có lý do để nhiệt liệt hoan nghênh CARES Act (Coronavirus Aid, Relief, and Economic Security Act) mà quốc hội Hoa Kỳ thông qua ngày 27 tháng 3, trong đó có khoản điều chỉnh luật thuế rất có lợi cho những tay mua bán cổ phần rủi ro cao (Hedege-fund investors) và những tài phiệt kinh doanh địa ốc. Theo điều tra của NPR (Đài Phát thanh Công cộng Quốc gia), những ngân hàng thực hiện chương trình trợ giúp kinh doanh nhỏ, trị giá 349 tỉ đô la của chính phủ, đã thu vào túi mình được 10 tỉ tiền lệ phí.

Trở lại với mối lo của gia đình Betancourts (ở đầu bài) về việc nếu họ không tiếp tục trả học phí cho con trai, cậu bé sẽ có thể mất đi cơ hội đem về mảnh bằng đại học. Điều đó cũng có nghĩa con của họ sẽ suốt đời không thoát được tình trạng khốn cùng như cha mẹ cậu. Đối với những di dân, nước Mỹ vẫn còn được coi là mảnh đất của những cơ hội. Nhưng đối với giới nghiên cứu kinh tế, nước Mỹ đã trở thành mảnh đất của những thu nhập không đồng đều nhau. Những thay đổi mang tính cách lịch sử của thời đại đã đưa hàng tỉ người ra khỏi sự nghèo đói – tính cách toàn cầu hóa, khoa học kỹ thuật – đồng thời cũng làm cho sự giàu có chỉ tập trung vào tay của một thiểu số rất ít. Mặt khác, với thời gian, nước Mỹ cũng đã cho phép sở hữu tư nhân giữ phần lớn hơn của thịnh vượng xã hội và chỉ thu lại rất ít cho những phúc lợi chung.

Gladis Blanco, 40 tuổi, nhân viên phục vụ khách sạn ở Las Vegas. Ngày cuối cùng Gladis làm việc cho khách sạn Bellagio là 17 tháng 3. Sau đó, cô nhận được 2 tuần lương từ công ty. Từ đó, Gladis dùng tiền để dành lo cho con trai 14 tuổi và con gái 17 tuổi. “Có thì giờ dành cho con cái thì tốt lắm, nhưng tôi vẫn cần tiền để trả bill”. Nguồn: Daniella Zalcman/ TIME

Theo viện nghiên cứu Pew Research Center, sau khi điều chỉnh với chỉ số lạm phát, mức lương tăng của 10% công nhân ở đáy cùng của nền kinh tế Hoa Kỳ chỉ tăng khoảng 3%, so với 15.7% của 10% ở trên chót đỉnh. Sự trì trệ này, vốn đã trầm trọng bởi sự thoái trào của các công đoàn lao động, càng tồi tệ hơn bởi ngày càng có nhiều công việc không được đảm bảo số giờ làm việc trong tuần, không có quyền lợi đi kèm, thậm chí có khi không bảo đảm sẽ được trả lương. Công nhân cửa hàng bán lẻ, các tiệm ăn, nhà hàng chỉ được gọi đến làm nếu cửa hàng có khách (mua, ăn). Trận đại dịch hiện nay đã giảm số giờ làm việc của họ xuống tới số không.

Nhìn suốt nền kinh tế, từ anh tài xế xe tải chở hàng, đến nhà nghiên cứu ở Google – là những công nhân làm việc qua hợp đồng, thiếu hẳn sự ổn định và an toàn việc làm của một công nhân làm việc toàn thời gian cho một hãng xưởng. Điều đó cũng áp dụng chính xác cho nền kinh tế dịch vụ. Các tài xế lái Instacart, Uber, Lyft và Amazon Flex không biết liệu họ có hưởng được mức lương tối thiểu trong ngày sau khi trừ đi các chi phí. Mặc dù vậy, sự kiệt quệ kinh tế thúc đẩy người ta phải đi làm “gig work” (việc làm theo hợp đồng) để nuôi gia đình. Cuối cùng, chính vì vậy mà những cơ hội tốt đẹp khó có cơ hội quay trở lại.

Không có lý do nào để có thể tin rằng, những nguyên nhân dẫn đến tình hình như hiện nay sẽ có mầm mống của thay đổi trong chính tự thân chúng. Thật sự thì, rất nhiều công ty đang bàn đến việc dùng máy móc để thay thế cho sức người. Tình trạng suy thoái kinh tế lại không ở về phía người công nhân. Hàng triệu người thất nghiệp sẵn sàng làm việc với bất cứ mức lương nào, càng thúc đẩy các ông chủ chỉ trả lương thấp mà đòi hỏi cao.

Christina Thomason, 39 tuổi, và con trai Logan, ở Tecumseh, Oklahoma. Cô nói: “Anh không thể ra lệnh cho người ta phải ở nhà rồi không lo lắng gì hết cho gia đình họ. Tôi đang chứng kiến những gì chúng ta phấn đấu đạt được bấy lâu nay bị trôi tuột hết xuống ống cống. Làm cách nào chúng ta có thể bắt đầu lại được mọi việc đây?” Nguồn: September Dawn Bottoms/ TIME

 

Liệu tình thế có thể khác đi? Công bằng hơn? Rất có thể rồi đất nước sẽ tái sinh thành một miền đất hào hiệp hơn, nhờ vào ý thức tập thể làm phao nâng đỡ, chính nhờ ý thức này đã thúc đẩy người dân New York, vào lúc 7 giờ tối mỗi ngày, ra đứng ở cửa sổ gõ nồi, gõ chảo, hoan hô những bác sĩ y tá đang xả thân cứu chữa cho hàng chục ngàn bệnh nhân Covid-19. Và cũng rất có thể, rồi đây trong một hay hai năm nữa, người ta sẽ chế tạo ra được vắc xin chủng ngừa Covid-19, cho phép mọi người được quay trở lại cuộc sống bình thường và con virus đáng sợ này sẽ chỉ còn là câu chuyện cũ rích trong các bàn tròn thảo luận đây đó trên truyền hình, truyền thanh, báo chí.

Những dân biểu Dân chủ hiện đang thăm dò dư luận về đề nghị mở rộng thêm phúc lợi trợ giúp y tế (Medicaid), xóa nợ cho sinh viên vay trả học phí (student loan) hoặc trợ giúp tiền thuê nhà, kể cả việc tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các hoạt động công đoàn. Nhưng cũng vẫn còn chưa thể nào nhìn rõ hơn tầm mức những thay đổi mà thế giới đang kinh qua khi đối đầu với đại dịch Covid-19.

Đã có những dấu hiệu rất đáng lo ngại cho những công nhân nào xung phong đưa đầu chịu báng vận động cho sự thay đổi. Hồi tháng 3, công ty Amazon đã sa thải một công nhân góp phần vận động tổ chức cuộc đình công ở một nhà kho của hãng. Họ lấy lý do công nhân này vi phạm những hướng dẫn về giãn cách xã hội. Trong những giai đoạn bất ổn về kinh tế, các nhà nghiên cứu thường thắc mắc sao vẫn chưa thấy những cuộc nổi dậy rộng khắp. Các mũi nhọn xung kích đâu rồi? Những kẻ bị áp bức đâu rồi? Thật ra, không phải vì người ta không cảm thấy phẫn nộ trước những bất công, mà là vì người ta quá bận rộn với miếng cơm manh áo và những nhu cầu hàng ngày khác cho gia đình.

Với phần tường trình của Anna Purna Kambhampaty, Paul Moakley và Olivia B. Waxman

Bình Luận từ Facebook