Hãy hòa giải với người chết trước, rồi nói đến chuyện hòa giải với người sống

Nguyễn Văn Nghệ

10-5-2020

Lâu nay chúng ta thường nghe “bên thắng cuộc” rêu rao chuyện hòa giải hòa hợp dân tộc. Nhưng đã 45 năm trôi qua, công cuộc hòa giải, hòa hợp dân tộc cũng chẳng đi tới đâu. Ngay cả người chết còn chưa được hòa giải, hòa hợp, huống chi người còn sống.

Mùa thu năm 1997, anh em sinh viên Công giáo của Viện Đại học Huế tổ chức đi hành hương Linh địa La Vang (Quảng Trị). Ngoài sinh viên Công giáo còn có nhiều sinh viên không Công giáo tham gia. Đoàn hành hương được sự hướng dẫn của Linh mục Lê Viết Phục – Dòng Chúa Cứu Thế.

Sau khi đoàn hành hương rời La Vang, đoàn đã đến thăm nhà thờ Trí Bưu và tham quan Thành cổ Quảng Trị. Đứng trên Đài Tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị, tôi đã đại diện sinh viên giới thiệu ý nghĩa của Đài Tưởng niệm và nhân đó tôi cũng giới thiệu về cuộc chiến khốc liệt tranh giành cứ điểm Thành cổ giữa quân đội giải phóng và quân đội Việt Nam Cộng Hòa vào Mùa Hè năm 1972.

Trong Thành cổ và vùng đất xung quanh Thành cổ có biết bao nhiêu chiến sĩ của cả hai bên đã nằm xuống. Tôi cũng giới thiệu thêm là tôi có người anh thứ bốn trong gia đình tên là Nguyễn Hạnh, sinh năm 1949, nhập ngũ ngày 27/01/1972, số quân 69/157.715. Sau khi mãn khóa huấn luyện được thuyên chuyển về Đại đội 3, Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến ngày 28/04/1972 đã hy sinh ngay trong Thành cổ vào ngày 09/10/1972 do bị đạn pháo kích.

Sinh viên Công giáo Viện Đại học Huế đang từ cửa Nam Thành cổ Quảng Trị tiến vào Đài Tưởng niệm. Ảnh tác giả gửi tới TD

Sau khi thuyết minh xong, tôi đề nghị tất cả sinh viên hát một bài hát để cầu cho tất cả các chiến sĩ của cả hai bên sớm được siêu thoát. Thì ngay lúc ấy có một cán bộ quản lý di tích Thành cổ lên tiếng: Không! Ở đây chỉ tưởng nhớ chiến sĩ cách mạng mà thôi!

Sinh viên Công giáo Viện Đại học Huế đang bước lên Đài Tưởng niệm nằm ở trung tâm Thành cổ Quảng Trị (Hàng đầu: người mặc áo mưa là Linh mục Lê Viết Phục – Dòng Chúa Cứu Thế; tay trái của Linh mục là anh Phan Ngọc Hà, sinh viên Khoa Luật K.18 Trường Đại học Khoa học Huế, quê giáo xứ Gia Phước – Đà Nẵng; tay trái anh Hà là tác giả bài viết). Ảnh: Tác giả gửi tới TD

Tôi liền lên tiếng: Dạ thưa chú, khi sống còn phân biệt chiến sĩ áo đen (ám chỉ chiến sĩ giải phóng), chiến sĩ áo xanh (ám chỉ chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa), khi đã nằm xuống chẳng còn ai áo đen, áo xanh cả, chỉ còn chiến sĩ “áo trắng” mà thôi. Vậy chúng ta tiếc gì mà không tưởng niệm tất cả hương hồn những chiến sĩ của cả hai bên một lời kinh!

Nghe xong tất cả sinh viên cùng vỗ tay. Sau đó chúng tôi cùng hát một bài hát cầu xin Thiên Chúa thương đến những linh hồn của các chiến sĩ của cả hai bên đã nằm xuống được về cõi vĩnh hằng.

Dưới dòng sông Thạch Hãn cũng có biết bao chiến sĩ của cả hai bên đã nằm lại dưới đáy sông (Cách nhà tôi một nhà có anh Võ Đua, sinh năm 1955, TĐ 6/TQLC đã bỏ mình dưới dòng sông Thạch Hãn năm 1974). Khi tưởng nhớ những người đã nằm xuống dưới lòng sông Thạch Hãn trong chiến tranh, nhà thơ Lê Bá Dương cũng phân biệt rạch ròi: “Đò xuôi Thạch Hãn, ơi chèo nhẹ!/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”. Nhà thơ Lê Bá Dương chỉ tưởng nhớ đến “bạn tôi” là các chiến sĩ giải phóng mà thôi!

Gần đây, cứ đến ngày 19/01 là ngày tưởng nhớ các tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong trận Hải chiến Hoàng Sa với quân Trung Quốc để bảo vệ biển đảo, đã bị những người mất lương tri ngăn cản, phá rối buổi lễ tưởng niệm.

Trong những năm gần đây, nhiều cán bộ cộng sản sống gần khu vực tôi cư trú cũng cúng cô hồn chiến sĩ. Khi thắp nhang họ đã vái như sau: “Xin mời các bác ‘địch’ thì ra, mời các bác ‘ta’ thì vào”.

Người Việt luôn có truyền thống bao dung, vị tha. Đối với người chết thì “nghĩa tử, nghĩa tận”; “tử giả biệt luận”, cho nên dù ở chiến tuyến nào, dù chết cách nào đi nữa, mọi người đều mong muốn những người đã khuất đều “nhứt thiết siêu thăng thượng đài” (Văn tế thập loại chúng sinh – Nguyễn Du).

Với người cộng sản, mang nặng tư tưởng đấu tranh giai cấp, cho nên với người chết, họ cũng chia ra chiến tuyến: Địch- ta.

Người chết mà còn chưa được hòa giải, hòa hợp, thì nói chi đến người còn sống!

Nguyễn Văn Nghệ, Diên Khánh, Khánh Hòa

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Vui vì bác cùng quê Nội em. Bác viết hay, thâm thúy lắm. ( mong bác hiểu em không phải thấy người Sang bắc quàng làm họ)
    Nói về hòa giải thì em nghĩ còn lâu lắm bác ạ E không care cái chế độ này, nhưng từ khi ” phỏng giái “tới giờ, được sống chung với nấm mộ Hcm, lòng người trở nên xấu xa hơn, nghi kị hơn. May ra thế hệ chúng ta qua đời, lớp các cháu mới hòa giải được, ấy là mình có là ” mặt hồ trong xanh in bóng” không

Comments are closed.