Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ (Phần 30)

Hồ Bạch Thảo

8-5-2020

30. Lý Anh Tông [1138-1175]

Niên hiệu: Thiệu Minh:1138-1139, Đại Định: 1140-1162; Chính Long Bảo Ứng: 1163-1173, Thiên Cảm Chí Bảo: 1174-1175

Vua Anh Tông lên ngôi lúc mới 2 tuổi, trị vì chưa được bao lâu, vào năm 1140 có người thầy bói tên là Thân Lợi tự xưng là con riêng của Vua Lý Nhân Tông, mang đồ đảng đến vùng Thái Nguyên, Bắc Kạn, xúi giục dân chúng nổi dậy:

Tháng 10 năm Đại Định năm thứ 1 [1140]. Người thầy bói Thân Lợi tự xưng là con của Nhân Tông đem đồ đảng theo đường thủy đến châu Thái Nguyên [Thái Nguyên, Bắc Kạn], từ châu Tây Nông [Phú Bình, Thái Nguyên] kéo ra, qua châu Lục Lệnh, vào chiếm châu Thượng Nguyên và châu Hạ Nông [Bạch Thông, Bắc Kạn], thu nạp những kẻ trốn tránh, chiêu mộ thổ binh, có đến hơn 800 người, cùng mưu làm loạn”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Theo Tống Sử, cũng vào thời gian này có người tên là Triệu Trí tự xưng là Bình vương nhận là con vợ kế của Vua Lý Nhân Tông [Càn Đức] đến Quảng Tây xin triều cống và mượn quân, nhưng Vua Tống từ khước:

Năm Tống Thiệu Hưng thứ 9 [1139] ban chiếu cho Soái ty Quảng Tây không cho Triệu Trí vào cống. Trước đó có con vợ kế của Càn Đức chạy vào nước Đại Lý, đổi họ tên là Triệu Trí, tự xưng là Bình vương. Nghe tin Dương Hoán chết, Đại Lý cho về để tranh quyền với Thiên Tộ [Anh Tông]; y xin được vào triều cống, cùng mượn quân, nhưng Thiên tử không cho”. Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.

(九年,詔廣西帥司毋受趙智之入貢。初,乾德有側室子奔大理,變姓名爲趙智之,自稱平王。聞陽煥死,大理遣歸,與天祚爭立,求入貢,欲假兵納之,帝不許。)

Năm sau tại châu Thái Nguyên, Thân Lợi cũng tự xưng là Bình vương, lập vợ làm Hoàng hậu; như vậy có khả năng Thân Lợi và Triệu Trí là một người, y từ nước ngoài lén vào nội địa gây loạn. Nhận thư cáo cấp, triều đình sai Gián nghị đại phu Vũ Nhị mang quân thủy bộ noi theo thượng nguồn sông Cầu tiến đánh, quân Nhị bị đại bại tại vùng Bắc Kạn. Thân Lợi tiếp tục xua quân về kinh sư, bị Thái úy Đỗ Anh Vũ đánh bại tại Bắc Ninh. Đến tháng 10 năm Đại Định thứ 2 [1141], bọn Thân Lợi bị Thái phó Tô Hiến Thành bắt tại Lạng Sơn, đóng cũi mang về kinh sư xử chém:

“Mùa xuân tháng giêng năm Đại Định thứ 2 [1141]. Thân Lợi tiếm xưng là Bình Vương, lập vợ cả, vợ lẽ, làm hoàng hậu và phu nhân, con làm vương hầu, cho đồ đảng quan tước theo thứ bậc khác nhau. khi ấy đồ đảng của Thân Lợi chỉ hơn nghìn người, đi đến đâu nói phao là Lợi giỏi binh thuật để hiếp chế người miền biên giới. Người các khe động dọc biên giới đều khiếp sợ, không dám chống lại.

Tháng 2, quan coi biên giới dâng thư cáo cấp. Xuống chiếu cho Gián nghị đại phu Lưu Vũ Nhĩ đem quân do đường bộ tiến đi, Thái phó là Hứa Viêm đem quân ngược đường thủy để tiến đánh. Khi ấy Vũ Nhĩ sai tướng tiên phong là Thị vệ đô Tô Tiệm và Chủ đô trại Tuyên Minh là Trần Thiềm đem quân đi trước, đóng ở sông Bác Đà, gặp thủy quân của Lợi cùng giao chiến. Tiệm thua, bị Lợi giết, Lợi trở về giữ châu Thượng Nguyên, đắp đồn ải ở huyện Bác Nhự để chống quan quân. Vũ Nhĩ đánh nhổ được ải Bác Nhự, tiến đến Bồ Đinh [Bắc Kạn], gặp thủy quân của Lợi, đánh lớn, Vũ Nhĩ thua trận, tướng sĩ chết đến quá nửa, phải rút về.

Mùa hạ, tháng 4, ngày Mậu Thìn, Vũ Nhĩ về đến Kinh sư. Ngày Tân Mùi, Lợi ra chiếm châu Tây Nông, sai người ở các châu Thượng Nguyên Tuyên Hóa [Định Hóa, Thái Nguyên], Cảm Hóa [Ngân Sơn, Bắc Kạn], Vĩnh Thông [Phú Lương, Thái Nguyên] đánh lấy phủ Phú Lương. Lợi chiếm giữ phủ trị, ngày đêm hợp bè đảng mưu cướp kinh sư. Ngày Kỷ Mão, vua sai thái úy Đỗ Anh Vũ đem quân đi đánh Lợi.

Tháng 5, ngày Tân Mão, quân của Lợi kéo về cướp kinh sư, đóng ở Quảng Dịch, gặp quân của Anh Vũ, đánh lớn. Quân của Lợi thua, chết không kể xiết. Anh Vũ sai chém lầy đầu bêu lên ở cạnh đường suốt từ quan Bình Lỗ đến sông Nam Hán.

Bắt được thủ lĩnh châu Vạn Nhai [Võ Nhai, Thái Nguyên] là Dương Mục, thủ lĩnh động Kim Kê là Chu Ái, đóng củi giải về Kinh sư. Lợi chỉ chạy thoát một mình về châu Lục Lệnh. Ngày Nhâm Ngọ, giải bọn Mục và Ái về trói giam ở huyện phủ của chúng. Xuống chiếu cho Anh Vũ chiêu tập bọn tàn tốt của Lợi ở cửa quan Bình Lỗ.

Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 1, lại sai Anh Vũ đi đánh châu Lục Lệnh, bắt được bọn bè đảng của Lợi hơn 2.000 người. Lợi trốn sang châu Lạng, Thái phó Tô Hiến Thành bắt được Lợi, giao cho Anh Vũ đóng củi giải về kinh sư. Sai Lý Nghĩa Lâm chiêu tập vỗ yên dư đảng của Lợi. Xuống chiếu cho quan Đình úy xét tội Lợi. Án xét xong, vua ngự điện Thiên khánh xử tội Lợi và bọn đồng mưu 20 người đều xử trảm, những kẻ còn lại đều theo tội nặng nhẹ mà xử, tha cho những kẻ vì ép buộc mà phải theo. Các quan dâng biểu mừng”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Năm sau [1142], triều đình tha tội lưu đày cho đồng đảng Thân Lợi: “Tháng 12 năm Đại Định thứ 3 [1142]. Xuống chiếu tha tội lưu cho các bè đảng của Thân Lợi”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Trong chiến dịch nêu trên, tướng Lưu Vũ Nhị bại trận; sau đó y 2 lần dâng ngọc quí vật lạ lên Vua, để tìm cách xóa tội:

Năm Đại Định thứ 2 [1141] Lưu Vũ Nhĩ dâng hươu trắng, lại dâng ngọc tân lang [ngọc cau]”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Mùa xuân, tháng 2 năm Đại Định thứ 3 [1142], Lưu Vũ Nhĩ dâng ngọc thiềm thừ [ngọc cóc]”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Lại có vụ nổi loạn tại vùng biên giới do Đàm Hữu Lượng, người Trung Quốc, chủ mưu; viên trấn thủ Ung châu [Nam Ninh, Quảng Tây] hợp tác với quan quân ta, dẹp được:

Hữu Lượng trốn sang châu Tư Lang nước ta, nói dối là vâng sứ mạng nhà Tống đi chiêu dụ dân chúng ở biên thùy. Dân các khê động ở duyên biên theo về với hắn nhiều lắm. Hắn bèn chiếm giữ đất Thông Nông, đem đồ đảng cướp bóc Quảng Nguyên. Gặp lúc ấy kinh lược súy ty tỉnh Quảng Tây nhà Tống đưa thư sang bảo ta đánh giúp để bắt Hữu Lượng. Nhà vua xuống chiếu cho bọn Dương Tự Minh, Nguyễn ữ Mai và Lý Nghĩa Vinh đi đánh. Lại sai Thái sư Mâu Du Đô đem quân kế tiếp tiến lên. Tự Minh đánh phá được Thông Nông, Hữu Lượng thua chạy. Ta bắt được đồ đảng nó là lũ Bá Đại 21 người, trao trả cho nhà Tống. Nhà cầm quyền ở Ung Châu (Tống) làm ra cáo sắc giả để đón Hữu Lượng về. Hữu Lượng liền cùng với đồ đảng hơn 20 người, đem dâng ấn đồng và địa đồ. Khi đến trại Dương Sơn, viên tri châu Ung Châu là Triệu Nguyên bắt lấy đưa đến suý ty chém chết”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 4.

Triều đình tiếp tục mang quân đi đánh dẹp, bình định các nơi; xin liệt kê như sau:

Tháng giêng năm Đại Định thứ 15 [1154], Người Sơn Lão [bộ tộc Lão tại miền núi] ở Chàng Long làm phản. Tháng 2 xuống chiếu cho Đỗ Anh Vũ đi đánh người Sơn Lão ở Chàng Long, hàng phục được”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Ngày Đinh Mùi tháng 11, năm Đại Định thứ 15 [1154], vua thân đi đánh Nông Khải Lai. Ngày Canh Tuất, xuất phát từ Kinh sư. Ngày Giáp Dần thắng trận. Ngày Bính Thìn, đem quân về. Ngày Kỷ Mùi, về đến Kinh”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Mùa hạ, tháng 5, năm Đại Định thứ 20 [1159] Ngưu Hống và Ai Lao làm phản. Sai Tô Hiến Thành đi đánh, bắt được người và trâu ngựa voi, vàng bạc châu báu rất nhiều. Phong Hiến Thành làm Thái uý”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Một vụ dâm loạn xảy ra trong chốn cung đình, ảnh hưởng lớn đến sự ổn định cùa đất nước. Bấy giờ Lê Thái hậu, mẹ vua còn trẻ, bà phải lòng em ruột của Đỗ Thái hậu tên là Đỗ Anh Vũ. Cậy có chị làm Thái hậu, nên Anh Vũ thường ra vào nơi cung cấm; lúc Vua Anh Tông mới lên ngôi, còn thơ dại, Lê Thái hậu ban cho Anh Vũ chức Cung điện lệnh:

Năm Đại Định năm thứ 1[1140]; lấy Đỗ Anh Vũ làm Cung điện lệnh tri nội ngoại sư. Anh Vũ là em của Đỗ thái hậu, nên Lê thái hậu trao cho chức này”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4

Được Thái hậu yêu, Anh Vũ tác oai lũng đoạn trong triều. Một số quan Đại thần trong đó có Vũ Đái, Nguyễn Dương bất bình; nhắm lúc Vua đã hơi lớn, bèn tâu vua xin bắt Đỗ Anh Vũ, được Vua chấp thuận. Nguyễn Dương muốn giết Anh Vũ để trừ hậu hoạn, nhưng Vũ Đái nhận hối lộ của Thái hậu tìm cách ngăn cản; Nguyễn Dương tức giận chửi Vũ Đái rồi tự tử. Đỗ Anh Vũ bị xử lưu đày, Thái hậu tìm cách mở hội lớn, xá tội nhân, trong đó có Anh Vũ. Rồi Anh Vũ được phục chức Thái úy phụ chính như cũ, tìm cách phục thù, giết đến mấy chục quan Đại thần và thuộc cấp, những người trước đây đã tố cáo y:

Năm Đại Định thứ 11 [1150]. Khi trước vua còn trẻ thơ, chính sự không cứ việc lớn, việc nhỏ đều uỷ cho Đỗ Anh Vũ cả. Anh Vũ sai vợ là Tô Thị ra vào cung cấm hầu hạ Đỗ Thái hậu, do đó mà Anh Vũ tư thông với Lê Thái hậu, nhân thế lại càng kiêu rông, ở triều đình thì khoát tay lớn tiếng, sai bảo quan lại thì hất hàm ra hiệu, mọi người đều liếc nhau nhưng không ai dám nói. Điện tiền đô chỉ huy sứ là Vũ Đái, Hoả đầu đô Quảng Vũ là Lương Thượng Cá, Hoả đầu đô Ngọc Giai là Đồng Lợi, Nội thị là Đỗ Ất, cùng với bọn Trí Minh Vương, Bảo Ninh hầu, Phò mã lang Dương Tự Minh cùng mưu bắt giam Anh Vũ. Bàn tính xong, bọn Đái đem quân lính đến ngoài cửa Việt Thành hô to rằng:

‘Anh Vũ ra vào cấm đình, làm nhiều đều ô uế, tiếng xấu đồn ra ngoài, không tội gì to bằng. Bọn thần xin sớm trừ đi, khỏi để mối lo về sau’.

Bèn có chiếu sai cấm quân đến bắt Anh Vũ trói giam ở hành lang Tả Hưng Thánh, giao cho Đình uý tra xét. Thái hậu sai người mang cơm rượu cho Anh Vũ, ngầm để vàng vào trong đồ đựng món ăn để đút cho Vũ Đái và các người canh giữ. Hoả đầu ở đô Tả Hưng Thánh là Nguyễn Dương nói:

‘Các ông tham của đút, tôi với các ông tất không thoát khỏi tay Anh Vũ đâu, chi bằng cứ giết trước đi cho khỏi tai hoạ về sau’.

Bèn cầm giáo định đâm. Đô Tả Hưng Thánh là Đàm Dĩ Mông ôm Dương, cướp lấy giáo, ngăn rằng:

‘Điện tiền bảo Anh Vũ tội đáng chết, nhưng còn phải đợi mệnh lệnh của vua, không nên tự tiện’

Dương giận, chửi:

‘Điện tiền Vũ cứt chứ chẳng phải Đái! (chữ Cát Đái phương ngôn nói là cứt đái). Sao tham của đút mà không tiếc đến mạng mình!’.

Nói xong, tự biết không khỏi chết, bèn nhảy xuống giếng tự tử. Bấy giờ vua xét án của Anh Vũ, đày Anh Vũ làm Cảo điền nhi (1). Thái hậu lo buồn, cố nghĩ làm thế nào để phục hồi chức nhiệm cho Anh Vũ, mới nhiều lần mở hội lớn để xá cho tội nhân, mong Anh Vũ được dự vào đấy. Anh Vũ được mấy lần xá tội, lại làm Thái uý phụ chính như cũ, càng được yêu dùng hơn, do đấy chuyên làm oai, làm phúc, sinh sát mà lòng báo thù lúc nào cũng tỏ rõ, còn sợ rằng bọn quân lại đi bắt bớ phần nhiều không được như ý, mới dâng hơn một trăm người thủ hạ để làm đô Phụng quốc vệ, người nào phạm tội đều giao cho đô Phụng quốc vệ đi bắt. Anh Vũ mật tâu với vua rằng:

‘Trước kia bọn Vũ Đái tự tiện đem cấm quân xông vào cung đình, tội ấy không gì to bằng, nếu không sớm trừng trị, sợ một ngày kia sinh biến, không thể lường được’.

Vua chẳng biết gì cả, bèn chuẩn tâu. Anh Vũ sai đô Phụng quốc về đi bắt bọn Vũ Đái giam vào ngục để trị tội. Hạ chiếu giáng Trí Minh Vương xuống tước hầu, Bảo Ninh hầu xuống tước minh tự, Bảo Thắng hầu xuống tước phụng chức, Nội thị là bọn Đỗ Ất 5 người bị “cưỡi ngựa gỗ” (2), bọn Hoả đầu đô Ngọc Giai là Đồng lợi 8 người bị chém ở chợ Tây Giai, bọn Điện tiền đô chỉ huy Vũ Đái 20 người chém bêu đầu ở các bến sông, bọn Phò mã lang Dương Tự Minh 30 người bị tội lưu ở nơi xa độc, những người dự mưu đều bị tội đồ làm điền hoành, khao giáp, quả như lời nói của Nguyễn Dương”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Mặt khác Đỗ Anh Vũ tìm cách nịnh hót Vua, bằng cách dâng những vật lạ:

Mùa hạ, tháng 4 năm Đại Định thứ 12 [1151], Đỗ Anh Vũ dâng cây cau một gốc 28 nhánh. Tháng 5, Đỗ Anh Vũ dâng hươu trắng”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Vào năm 1156 viên Sứ thần Nguyễn Quốc đi sứ Trung Quốc, thấy nước này cho đặt thùng thư tại sân đình để nhận lời tâu cáo của dân chúng, khi trở về nước bèn tâu cho thực hiện. Nhà Vua chấp nhận, lúc mở thùng trong đó có thư nặc danh tố cáo Đỗ Anh Vũ làm loạn. Anh Vũ nghi Quốc là tác giả thư, bèn tìm cách bắt đi đày; lúc Quốc được Vua gọi về thì bị Anh Vũ đầu độc chết. Sau sự kiện này, vào tháng 8 Đỗ Anh Vũ mất; nhà Vua bắt đầu trọng dụng Tô Hiến Thành, tình hình trong nước trở nên sáng sủa hơn:

“Mùa xuân, tháng 2 năm Đại Định thứ 19 [1158], Nguyễn Quốc sang sứ nước Tống về, dâng tâu rằng:

‘Thần sang nước Tống thấy ở giữa sân vua có cái hòm bằng đồng để nhận các chương tấu của bốn phương, thần xin bắt chước mà làm như thế để bề trên rõ được tình người dưới’.

Vua y theo, cho đặt cái hòm ở giữa sân để ai có trình bày việc gì thì bỏ thư vào hòm ấy. Bấy giờ có người ngầm bỏ thư nặc danh nói là Anh Vũ làm loạn, tìm xét không biết là ai. Anh Vũ vu cho Quốc làm, đày Quốc đến trại đầu ở Thanh Hóa. Không bao lâu, vua gọi Quốc về. Anh Vũ lại đưa cho Quốc rượu có thuốc độc, Quốc tự nghĩ không khỏi bị hại, bèn uống thuốc độc chết.

Mùa thu, tháng 8, Đỗ Anh Vũ chết”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Vào năm 1126 nước Tống gặp thảm họa gọi là Mối Nhục Thời Tĩnh Khang [靖康之恥Tĩnh Khang Chi Sỉ]; quân nước Kim từ phương bắc, hai mặt tấn công, bắt sống Vua, đánh tan thủ phủ Khai Phong [Hà Nam]; đám tàn dư phải rút về phương nam gọi là Nam Tống. Nam Tống thế lực suy yếu trở nên hòa hoãn với Đại Việt. Khi Vua Thần Tông lên ngôi; triều đình dâng biểu báo tin sang Trung Quốc, Vua Tống phong nhà Vua tước Giao Chỉ Quận vương:

Năm Thiệu Minh thứ 2 [1139]. Nhà tống phong vua làm Giao Chỉ Quận Vương”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Tiếp đến cứ 4 hoặc 5 năm, triều đình ta sai Sứ thần sang cống, cống vật chủ yếu là voi thuần:

Tục Tư Trị Thông Giám, quyển 127, Tống Cao Tông năm Thiệu Hưng thứ 16 [1146]

Tháng 6 [7/1146], tháng này An Nam hiến 10 voi thuần”.

(是月,安南献驯象十。)

 “Tục Tư Trị Thông Giám, Quyển 128, năm Thiệu Hưng thứ 20 [1150]

Tháng 2 [3/1150], tháng này An Nam tiến 10 voi thuần”.

(是月,安南进驯象十。)

Tục Tư Trị Thông Giám, Quyển 130, năm Thiệu Hưng thứ 25 [1155]

Ngày Giáp Thân tháng 4 [10/5/1155], An Nam đến cống. chiếu Soái thần Quảng Tây sai Sứ thần quen việc thân cận với trên, bạn tống đến hành tại”.

(甲申,安南入贡,诏广西帅臣差熟事近上使臣伴送赴行在。)

Vào năm 1156, triều đình nước ta sai Sứ đến mừng thanh bình, đưa đồ cống kỳ này rất hậu hỷ:

Tục Tư Trị Thông Giám, quyển 131.Ngày Canh Dần tháng 8 năm Thiệu Hưng thứ 26 [7/9/1156], Nam bình vương Lý Thiên Tộ [Anh Tông] sai Thứ sử châu Thái Bình Lý Quốc, Hữu vũ đại phu Lý Nghĩa, Vũ dực lang Quách Ứng Ngũ đến mừng thanh bình. Hiến đồ vật bằng vàng 1.136 lượng. minh châu 100, trầm hương 1.000 cân, thủy vũ 500; lăng [lụa trơn], quyên [lụa thô] các màu 5.000 tấm, 10 ngựa, 9 voi. Chiếu sai Thượng thư Tả tư lang trung Uông Ứng Thần đãi quốc yến tại vườn Ngọc Tân. Thăng Quốc làm Đoàn luyện sứ châu Thái Bình, Nghĩa chức Tả vũ đại phu, Ứng Ngũ chức Vũ kinh lang; ban y phục, dây đai, đồ vật, tiền, có sai biệt”.

Ngày Ất Vị tháng 8 [12/9/1156], Tĩnh hải quân tiết độ sứ, Kiểm hiệu thái úy, Nam bình vương Lý Thiên Tộ làm Kiểm hiệu thái sư, công hiệu thêm 2 chữ “Qui Nhân”; ban y phục, dây đai, yên ngựa, tiền”.

(庚寅,南平王李天祚,遣太平州刺史李國以右武大夫李義、武翼郎郭應五來賀升平,獻黃金器千一百三十六兩,明珠百,沈香千斤,翠羽五百隻,雜色綾絹五千匹,馬十,象九。詔尚書左司郎中汪應辰燕國於玉津園。遷國為太平州團練使,義左武大夫,應五武經郎,加賜襲衣、金帶、器、幣有差

乙未,靜海軍節度使、檢校太尉、南平王李天祚為檢校太師,功號加「歸仁」二字,賜襲衣、金帶、鞍馬、器、幣。)

Riêng Tống Sử xác nhận năm Thiệu Hưng thứ 25 [1155] Vua Tống đặc cách phong Vua Anh Tông [Thiên Tộ] tước Nam bình vương, có lẽ muốn cảm ơn hậu đãi này, nên năm sau [1156] triều đình ta sai Sứ thần Lý Quốc tiến cống trọng hậu như vậy. Cũng cần lưu ý rằng sau khi nhà Lý mất, nhà Trần ra lệnh đổi họ Lý thành Nguyễn, nên Sứ thần Lý Quốc Tống Sử chép dưới đây, Toàn Thư đã chép là Nguyễn Quốc, tức vị quan từng đề nghị lập thùng thư tại triều, rồi bị Đỗ Anh Vũ hãm hại vào năm 1158 :

Năm thứ 25 [1155] chiếu ban cho Sứ giả An Nam lưu tại quán dịch Hoài Viễn, ban yến, biểu lộ đặc cách; tiến phong Thiên Tộ Nam bình vương, ban cho lễ phục, dây đai vàng, yên ngựa. Năm thứ 26 [1156] mệnh Hữu ty lang trung Uông Ứng Thần ban yến sứ giả An Nam tại vườn Ngọc Tân; vào tháng 8 Thiên Tộ sai bọn Lý Quốc mang kim châu, trầm thuỷ hương, thuý vũ, ngựa tốt, voi thuần đến cống; chiếu gia phong Thiên Tộ Kiểm hiệu thái sư, tặng thực ấp”.Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.

(二十五年,詔館安南使者于懷遠驛,賜宴,以彰異數。進封天祚南平王,賜襲衣、金帶、鞍馬。二十六年,命右司郎中汪應辰宴安南使者于玉津園。八月,天祚遣李國等以金珠、沉水香、翠羽、良馬、馴象來貢。詔加天祚檢校太師,增食邑)

Sau đó An Nam lại cống voi thuần như cũ; có lẽ quen ăn với lễ cống hậu hỷ vào năm 1156, nên Vua Tống ra chỉ dụ bảo An Nam đừng cống voi:

Tục Tư Trị Thông Giám, quyển 133, ngày Canh Ngọ tháng chạp, năm Thiệu Hưng thứ 30 [24/1/1161], An Nam tiến voi thuần. Vua bảo các quan Đại thần rằng:

Man di dâng sản vật địa phương cùng đồ cống; nhưng Trẫm không muốn nhận thú lạ làm mệt nhọc người xa xôi; hãy ra lệnh cho Soái thần ban dụ lần sau đừng đem voi thuần đến cống”.

(安南進馴象,邊吏以聞,帝謂大臣曰:「蠻夷貢方物及其職,但朕不欲以異獸勞遠人。可令帥臣諭今後不必以馴象入獻。」)

Sử nước ta cũng xác nhận rằng trong lễ cống năm 1161, Vua Tống ngõ ý không muốn cống voi thuần:

Năm Đại Định thứ 22 [1161]. Mùa xuân, sai đem voi thuần sang biếu nhà Tống. Vua Tống bảo các đại thần rằng:

‘Trẫm không chuộng thú vật lạ, làm khó nhọc người xa, nên sai suý thần bảo họ từ nay về sau bất tất phải mang vật ấy tiến cống“. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Các triều đại Trung Quốc trước kia thường gọi nước ta là Giao Chỉ, hoặc Giao Châu, hoặc An Nam Đô Hộ, vết tích của một thời nội thuộc; năm 1164 chính thức đổi thành An Nam, hàm ý công nhận nước ta độc lập; phong Vua Anh Tông làm An Nam quốc vương:

Năm Chính Long Bảo Ứng năm thứ 2] [1164], Nhà Tống phong vua làm An Nam Quốc Vương, đổi Giao Chỉ làm An Nam Quốc”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Sử Trung Quốc cũng đánh giá cao sự kiện này, Nguyên Sử Loại Biên nhận xét rằng trước kia gọi xứ ta là Giao Chỉ hoặc An Nam Đô hộ phủ; đến đời Lý Anh Tông mới chính thức gọi là nước An Nam:

An Nam, trước đây, gọi là Giao Chỉ; Đường Cao Tông đặt làm An Nam Đô hộ phủ. Tên gọi là An Nam bắt đầu từ đấy. Tống Hiếu Tông phong Thiên Tộ [Lý Anh Tông] là An Nam quốc vương, An Nam gọi là “nước” bắt đầu từ đó”.

Toàn Thư chép vào năm 1168, cả 2 Sứ bộ Mông Cổ và Tống đều đến thăm nước ta; vì 2 nước này cừu địch nên triều đình ngầm tiếp đãi riêng. Toàn Thư chú thích lầm rằng Thát Đát tức Mông Cổ; đây có thể chỉ nước Kim, vì lúc này nước Mông Cổ chưa thành lập:

Ngày Mậu Tý, mùa thu tháng 8 năm Chính Long Bảo Ứng thứ 6 [1168], sứ nhà Tống sang, sứ Thát Đạt (tức là sứ của nhà Nguyên), cũng sang. Đều thưởng hậu để dụ, ngầm lấy lễ tiếp đãi cả hai sứ, không cho họ gặp nhau”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4

Về việc giao thiệp với các nước tại phương nam, thời vua Thần Tông năm 1128,

Chân Lạp mang quân đến cướp phá hương Đỗ Gia tại huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh; dưới thời Anh Tông lại một lần nữa đến cướp phá vùng núi Vụ Thấp [ Vũ Quang, Hương Khê, Hà Tĩnh], cũng sát với huyện Hương Sơn:

Tháng 9, năm Đại Định 11 [1150], người Chân Lạp cướp châu Nghệ An, đến núi Vụ Thấp gặp nắng nóng ẩm thấp, phần nhiều chết vì lam chướng bèn tự tan vỡ”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4

Riêng nước Chiêm Thành có Ung Minh Tạ Diệp đến triều đình xin làm Vua, nhà Vua xuống chiếu sai tướng Lý Mông mang quân đưa về nước; bị Vua Chiêm chống lại, Tạ Diệp và Lý Mông đều chết:

Năm Đại Định thứ 13 [1152] người nước Chiêm Thành là Ung Minh Ta Điệp đến cửa khuyết xin mệnh cho làm vua nước ấy. Xuống chiếu cho Thượng chế Lý Mông đem hơn 5.000 người ở phủ Thanh Hoá và châu Nghệ An sang Chiêm Thành lập Ung Minh Ta Điệp làm vua. Mông đến Chiêm Thành bị vua nước ấy là Chế Bì La Bút chống cự, bọn Ung Minh Ta Điệp và Lý Mông đều chết”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4

Sự việc nêu trên chưa giải quyết xong, hai năm sau Vua Chiêm Thành dâng con gái, vua lại nhận. Sử thần Lê Văn Hưu chê hành động này, cho rằng nhà Vua xử sự không đúng, khiến cho các nước nhỏ lân bang không phục:

Mùa đông, tháng 10 năm Đại Định thứ 15 [1154], vua nước Chiêm Thành là Chế Bì La Bút dâng con gái, vua nhận”.

Lê Văn Hưu nói:

‘Các bậc đế vương đối với người Di Địch, nếu họ chịu phục thì lấy đức mà vỗ yên, nếu làm phản thì lấy uy mà tỏ cho biết. Anh Tông sai Lý Mông đem hơn 5 nghìn người để giúp lập Ung Minh Ta Điệp làm Vua nước Chiêm Thành mà bị Chế Bì la Bút giết, đáng lẻ phải đem quân hỏi tội, chọn lập một người khác để thay làm vua nước ấy, thì mới có thể gia uy với cõi xa, mà vua sau phải nhớ đức. Nay lại nhận con gái của họ mà không hỏi tội, có thể gọi là lầm lỗi. Về sau Chiêm Thành và Chân Lạp liền năm vào cướp một lộ Nghệ An, mối hại không kể xiết, thực là do Anh Tông khơi mối vậy”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4

Sau đó vào các năm 1155, 1164; nước Chiêm Thành lại tiếp tục sai Sứ sang cống:

Tháng 11 năm Đại Định thứ 16 [1155], nước Chiêm Thành sang cống”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4

Mùa xuân, tháng 3, năm Chính Long Bảo Ứng thứ 2 [1164], nước Chiêm Thành sang cống”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Vào năm 1166, Chiêm Thành mang quân đến cướp phá vùng biển nước ta, nhà Vua sai Thái úy Tô Hiến Thành đi đánh; Chiêm Thành lại sai Sứ mang trân châu đến tiến cống, nên triều đình ra lệnh cho rút quân về, từ đấy Chiêm Thành giữ lễ phiên thần:

Mùa xuân, tháng 3, năm Chính Long Bảo Ứng thứ 4 [1166], sứ Chiêm Thành đi đến miền Ô Lý [Quảng Trị, Thừa Thiên], dùng quân phong thủy (ma thuật của thầy tăng) mà vượt biển, cướp bóc nhân dân ven biển nước ta rồi về”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Mùa thu, tháng 7, năm Chính Long Bảo Ứng thứ 5 [1167, sai Thái uý Tô Hiến Thành đi đánh Chiêm Thành.

Mùa đông, tháng 10, Chiêm Thành sai sứ sang dâng trân châu và sản vật địa phương để xin hoà. Xuống chiếu cho Tô Hiến Thành đem quân về. Từ đấy nước Chiêm Thành giữ lễ phiên thần, dâng cống không thiếu”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Pháp luật lúc bấy giờ công nhận quyền tư hữu ruộng đất, nhưng không khuyến khích để hoang; những người túng thiếu bán đợ [bán tạm] trong 20 năm có quyền chuộc, riêng ruộng bỏ hoang quá 1 năm không được lấy về:

Tháng 12, năm Đại Định thứ 3 [1142], xuống chiếu rằng những người cầm đợ ruộng thục trong vòng 20 năm thì cho phép chuộc lại; việc tranh chấp ruộng đất thì trong vòng 5 năm hay 10 năm còn được tâu kiện; ai có ruộng đất bỏ hoang bị người khác cấy cày trồng trọt trong vòng một năm thì được kiện mà nhận, quá hạn ấy thì cấm. Làm trái thì xử 80 trượng. Nếu tranh nhau ruộng ao mà lấy đồ binh khí nhọn sắc đánh chết hay làm bị thương người thì đánh 80 trượng, xử tội đồ, đem ruộng ao ấy trả lại người chết hay bị thương.

 Xuống chiếu rằng những người bán đoạn ruộng hoang hay ruộng thục đã có văn khế rồi thì không được chuộc lại nữa, ai làm trái bị phạt đánh 80 trượng”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Pháp luật bảo vệ trâu cày, chỉ được xin phép làm thịt lúc có tế lễ:

Mùa xuân, tháng 2, năm Đại Định thứ 4 [1143], xuống chiếu thiên hạ từ nay về sau cứ ba nhà làm một bảo, không được mổ riêng bò trâu, nếu có việc cúng tế phải tâu xin được chỉ rồi mới cho mổ, kẻ làm trái thì trị tội nặng, láng giềng không cáo giác cũng xử cùng tội”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Nhắm cổ võ nghề nông, vào đầu năm vua thường tham gia cày ruộng tịch điền:

Mùa xuân, tháng 2, năm Đại Định thứ 9 [1148], vua ngự đến hành cung ly Nhân cày ruộng tịch điền rồi đến hành cung Ứng Phong Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Căn cứ vào cống phẩm đưa biếu nhà Tống vào năm Thiệu Hưng thứ 26 [1156] với đồ vật bằng vàng 1.136 lượng. minh châu 100, trầm hương 1.000 cân, thủy vũ 500; lăng, quyên các màu 5.000 tấm; thấy được công nghệ khai thác vàng, ngọc minh châu, sản phẩm dệt quyên, lụa đã đi vào qui mô. Để bảo vệ ngành sản xuất ngọc trai, chiếu chỉ cấm người trong nước không được lưu hành trân châu giả:

Năm Chính Long Bảo Ứng thứ 1 [1163].Cấm người trong nước không được dùng trân châu giả”.

Bấy giờ Vân Đồn đã trở thành hải cảng quốc tế cho các nước châu Á đến giao dịch buôn bán:

Mùa xuân, tháng 2, năm Đại Định thứ 10 [1149], thuyền buôn ba nước Trảo Oa [Java], Lộ Lạc [La Hộc, Thái Lan], Xiêm La [Thái Lan] vào hải Đông [vùng Quảng Ninh], xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hoá quý, dâng tiến sản vật địa phương”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Riêng về học hành thi cử, bắt đầu tổ chức điện thí:

Mùa đông, tháng 10 năm Đại Định thứ 13 [1152], thi Điện”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Nhà Vua đến tuổi trưởng thành tỏ ra năng nỗ lo việc nước, năm Đại Định thứ 15 [1154] đích thân đi đánh Nông Khải Lai, năm Chính Long Báo Ứng [1172] đi tuần tra biên giới hải đảo, ra lệnh vẽ bản đồ:

Mùa xuân, tháng 2 năm Chính Long Bảo Ứng thứ 10 [1172], vua lại đi tuần các hải đảo ở địa giới các phiên bang Nam Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật rồi về”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Tại địa phương dân chúng tổ chức 3 nhà thành một bảo, tuyển dân đinh vào quân ngũ; riêng miễn cho những gia đình có một con trai:

Tháng 2 năm Đại Định thứ 21 [1160, sai Tô Hiến Thành và Phi Công Tín tuyển dân đinh, người mạnh khỏe thì sung vào quân ngũ. Chọn các tướng hiệu, người nào thông thạo binh pháp, am tường võ nghệ thì chia cho cai quản”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Tháng 8 năm Đại Định thứ 7 [1146], xuống chiếu rằng các quan quản giáp và chủ đô, phàm sung bổ cấm quân, phải chọn những hộ nhiều người, không được lấy người cô độc, làm trái thì trị tội”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Triều đình ra lệnh quản lý trị an khắp nơi, đặc biệt lưu ý đến vùng biên giới như châu Quảng Nguyên [ Cao Bằng], ven biển, cửa biển:

Mùa đông, tháng 10 năm Đại Định thứ 3 [1142], sai thủ Lĩnh phủ Phú Lương là Dương Tự Minh đến châu Quảng Nguyên để chiêu tập người châu ấy”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Tháng 11 năm Đại Định thứ 22 [1161], Vua sai Tô Hiến thành làm Đô tướng, Đỗ An Di làm phó, đem 2 vạn quân đi tuần các nơi ven biển tây nam, để giữ yên miền biên giới. Vua thân đi tiễn đến cửa biển Thần Đầu ở Đại An (nay là cửa biển Thần Phù) mới trở về”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Mùa thu, tháng 8 năm Chính Long Bảo Ứng] thứ 1 [1163] lính trốn rủ nhau tụ họp thành bọn cướp bóc cư dân trên đường bộ. Vua sai Phu Công Tín đem 10 vạn quân đi đánh dẹp yên được”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Ở đời việc làm tốt khó theo, nhưng việc làm xấu thì rất dễ bắt chước; Thái hậu họ Lê mẹ Vua thông dâm với Đỗ Anh Vũ, hậu quả cháu đầu của bà là Long Xưởng thông dâm với cung phi của Vua, nên bị phế làm thường dân; nhà Vua quyết định lập con thơ Long Cán (3) làm Thái tử:

Mùa thu, tháng 9, năm Chính Long Bảo Ứng thứ 12 [1174], (Từ tháng 2 về sau là niên hiệu Thiên Cảm Chí Bảo năm thứ 1; Tống Thuần Hy năm thứ 1). Muà thu, tháng 9, Thái tử Long Xưởng có tội, phế làm thứ dân và bắt giam. Trước đó, Long Xưởng thông dâm với cung phi, vua không nỡ bắt tội chết, cho nên có mệnh này. Một hôm, vua gọi Tể tướng đến bảo rằng:

‘Thái tử là gốc lớn của nước, Long Xưởng đã làm điều trái đạo, trẫm muốn Long Trát nối giữ nghiệp lớn, nhưng nó còn nhỏ tuổi, sợ không đương nổi, nếu đợi lớn thì trẫm đã tuổi già suy yếu, biết làm thế nào?’.

Bấy giờ có nội nhân ẵm Long Trát [Cán] ra, thấy vua đội mũ, khóc đòi đội, vua chưa kịp tháo mũ đưa cho thì càng khóc to hơn. Vua bèn tháo mũ đội cho, Long Trát cả cười. Vua càng lấy làm lạ, ý lập Long Trát làm thái tử bèn quyết định”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Lúc Vua sắp mất giao cho Tô Hiến Thành thực hiện di chiếu; mặc dù Thái hậu muốn phế lập, nhưng Hiến Thành vẫn lấy công đạo chủ trì, nên mọi việc đều ỗn thỏa:

Mùa xuân, tháng giêng, năm Thiên Cảm Chí Bảo thứ 2 [1175], sách lập Long Trát làm Hoàng thái tử, ở đông cung. Phong Tô Hiến Thành làm Nhập nội kiểm hiệu thái phó bình chương quân quốc trọng sự, tước vương, giúp đỡ đông cung.

Mùa hạ, tháng tư, vua không khỏe, cố gượng sai Tô Hiến Thành ẵm thái tử mà quyền nhiếp chính sự.

Mùa thu, tháng 7, ngày Ất Tỵ, vua băng ở điện Thuỵ Quang. Trước đó, khi vua ốm nặng, hoàng hậu lại xin lập Long Xưởng, vua nói:

 “Làm con bất hiếu còn trị dân sao được”.

Di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp rập thái tử, công việc quốc gia nhất nhất tuân theo phép cũ. Bấy giờ thái hậu muốn làm việc phế lập, sợ Hiến Thành không nghe, mới đem vàng bạc đút cho vợ là Nữ thị. Hiến Thành nói:

 ‘Ta là đại thần nhận mệnh tiên đế dặn lại giúp rập vua bé, nay lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng?’

 Thái hậu lại gọi Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách. Hiến Thành trả lời:

‘Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm, huống chi lời của Tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? Thần không dám vâng chiếu’.

Việc bèn thôi”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Sử thần Ngô Sĩ Liên có lời bàn như sau:

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: ‘Anh Tông nối ngôi tuổi còn thơ ấu, việc của Đỗ Anh Vũ làm gì mà biết được, đến khi tuổi ngoại hai mươi, sai bọn Hiến Thành đem quân đi tuần

nơi biên giới, lại thân đi xem khắp tình thế núi sông, muốn biết sự đau khổ của dân gian và đường đi xa gần, về mặt giữ dân giữ nước, quy mô đã thấy rõ. Lại đặt Xạ Đình, sai các quan võ hàng ngày luyện tập phép đánh trận, về mặt sửa binh giãng võ, mưu lược đã thấy rõ. Thái tử Long Xưởng có tội thì phế đi mà lập Long Trát làm thái tử, cho ở đông cung, để lòng người có chỗ gắn bó. đến khi ốm nặng, hoàng hậu xin lập lại Long Xưởng, thì lấy lễ nghĩa mà bác bẻ, không mê hoặc lời nói của đàn bà, lại cố gượng gọi Hiến Thành nhận di chiếu giúp thái tử quyền nhiếp chính sự, phó thác được người giỏi để phòng lo sau, rốt cuộc mưu phế lập của thái hậu không thể làm được, trên yên dưới thuận, không phải là sức của Anh Tông sao? Còn như Cao Tông không phải là người hiền thì ngay lúc bấy giờ đã biết trước thế nào được? Vua chỉ thuận theo lẽ phải mà làm thôi”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Thái tử Long Cán lên ngôi lúc mới 3 tuổi, miếu hiệu là Cao Tông, tôn xưng mẹ Đỗ thị là Hoàng thái hậu:

Thái tử Long Trát [Cán] lên ngôi trước linh cữu, bấy giờ mới lên 3 tuổi, tôn mẹ là Đỗ thị làm Chiêu Thiên Chí lý hoàng thái hậu. Cho Đỗ An Di (em trai hoàng thái hậu) làm thái sư đồng bình chương sự, Tô Hiến Thành làm thái uý”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Hai bộ sử Trung Quốc, Tục Tư Trị Thông Giám Tống Sử đều ghi sự kiện Vua Lý Anh Tông mất vào năm 1176, chép sau sử nước ta 1 năm; có lẽ vì đường sá xa xôi, nên tin đến trễ mất 1 năm:

Tục Tư Trị Thông Giám, quyển 145, Tống Hiếu Tông Thuần Hy năm thứ 3 [1176]. Ngày Quí Sửu tháng 5 [17/6/1176], Quốc vương An Nam Lý Thiên Tộ mất; con là Long Cán nối ngôi”.

(安南國王李天祚卒。子龍 榦 嗣。)

Tháng 2 năm Thuần Hy thứ nhất [1174] tiến phong Thiên Tộ An Nam Quốc vương, gia hiệu Thủ khiêm công thần; năm thứ 2 [1175] ban An Nam quốc ấn; năm thứ 3 [1176] ban cho nước An Nam lịch thư, cùng năm Thiên Tộ mất”. Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.

 

(淳熙元年二月,進封天祚安南國王,加號守謙功臣。二年,賜安南國印。三年,賜安南國曆日。天祚卒。) Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.

_____

Chú thích:

1. Cảo điền nhi: Theo Toàn Thư chú thích, Cảo điền nhi là người có tội, bị đày cày ruộng cho nhà nước, tại xứ Cảo Động, huyện Từ Liêm.

2. Theo Toàn Thư chú thích: Cưỡi ngựa gỗ (thượng mộc mã): thứ hình phạt thời cổ, đem tội nhân đóng đinh lên tấm ván, đem đi bêu chợ rồi đem ra pháp trường tùng xẻo.

3. Long Cán: Toàn Thư chép là Long Trát, nhưng Cương MụcTống Sử đều chép là Long Cán, nên sửa lại.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây