Bản tin ngày 8-5-2020

BTV Tiếng Dân

8-5-2020

Vụ án Hồ Duy Hải: “Có sai sót tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án” là nhận định pháp lý ấu trĩ và nguy hiểm

Trái với sự kỳ vọng của nhiều người, con đường sống đối với tử tù Hồ Duy Hải đang dần thu hẹp lại, bản án tử hình đối với anh đã không được đảo ngược.

Vào lúc 15h30’, ngày 8/5, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã công bố quyết định giám đốc thẩm, 17/17 thành viên của Hội đồng thẩm phán đồng ý bác kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình đã tuyên trước đây đối với Hồ Duy Hải. Hội đồng thẩm phán cũng đồng ý rằng, bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên đối với Hồ Duy Hải là “đúng người, đúng tội, và đúng mức án”.

Theo báo chí trong nước loan tin, mặc dù Hội đồng thẩm phán thừa nhận trong quá trình điều tra vụ án “có những sai sót về tố tụng nhưng không thay đổi bản chất vụ án”.

Điều này có thể giải thích là, mặc dù vật chứng gây án là dao và thớt, dù được cơ quan điều tra mua từ chợ đem về, và nhân chứng duy nhất cũng đã thay đổi lời khai không thể xác định được Hồ Duy Hải có phải là người đàn ông có mặt tại hiện trường trong vụ giết người ngày hôm đó hay không, nhưng vẫn kết luận được Hồ Duy Hải chính là hung thủ gây án.

17 thẩm phán của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Ảnh: TTXVN

Có thể nói, lập luận “sai sót về tố tụng nhưng không thay đổi bản chất vụ án” là một nhận định pháp lý rất ấu trĩ và rất nguy hiểm của những người đang cầm cân nảy mực trong Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Bởi lẽ, bất kỳ người nào có tư duy pháp lý cũng đều đặt ra câu hỏi rằng, thành lập ra Bộ luật Tố tụng Hình sự để làm gì, tại sao trong Bộ luật Tố tụng Hình sự lại quy định cụ thể và chi tiết quá trình tiến hành tố tụng? Nếu vi phạm bất kỳ điều gì trong quá trình tố tụng thì điều gì sẽ xảy ra?

Chẳng hạn, trong quá trình tố tụng hình sự nghiêm cấm bức cung, dùng nhục hình. Nhưng cơ quan điều tra có “sai sót” trong hoạt động này là sử dụng đến bức cung và dùng nhục hình để nghi phạm thú nhận tội lỗi của mình. Vậy lời thú tội này có đúng với bản chất vụ án và có được chấp nhận về mặt pháp lý không?

Câu trả lời rõ ràng là Không! Quy trình tố tụng trong hệ thống pháp luật hình sự được thiết lập chặt chẽ, yêu cầu các cơ quan thi hành tố tụng phải tuân thủ nghiêm ngặt là để để tránh trường hợp kết án oan sai cho người vô tội. Nếu khâu tố tụng bị vi phạm ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu, thì việc kết án sau đó chỉ là “đã sai rồi lại càng sai”.

Đối với các hệ thống pháp luật hình sự tiên tiến trên thế giới, chỉ cần cơ quan tiến hành tố tụng vi phạm các quy định về tố tụng, đặc biệt là trong giai đoạn điều tra, thì không thể kết án được nghi phạm, bởi việc kết án một người, đặc biệt là án tử hình chỉ được tuyên khi “không còn bất kỳ một sự nghi ngờ nào khác”.

Qua quyết định của 17/17 người trong Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đồng ý bác kháng nghị, dù đã xác nhận là có sai sót nghiêm trọng trong quá trình tố tụng, nhưng vẫn giữ nguyên bản án đối với Hồ Duy Hải, cho thấy tư duy lập luận pháp lý của những người này không xứng đáng để được giao trọng trách nắm giữ cơ quan trọng yếu trong việc xét xử.

Với kết quả này, tiến sĩ Nguyễn Quang A bày tỏ bức xúc trên facebook cá nhân: “Đuổi 17 thẩm phán ngay lập tức: Không biết đạo lý cơ bản của Luật thì về”.

Như chúng tôi đã đưa tin hôm 6/5, trong trường hợp Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao bác kháng nghị, giữ nguyên bản án tử hình trong phiên tòa giám đốc thẩm, vẫn còn một thủ tục có thể “cứu” được Hồ Duy Hải, đó là thủ tục “Xem xét lại quyết định Giám đốc thẩm”.

Tại Khoản 1 Điều 404 Bộ luật Tố tụng Hình sự nêu rõ: “Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó”.

Trong trường hợp này người thân của Hồ Duy Hải có thể tiếp tục gõ cửa pháp lý đến Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Ủy ban tư pháp Quốc hội… để các cơ quan này đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao mở một phiên họp xem xét lại chính quyết định Giám đốc thẩm này của họ.

Một khía cạnh “tâm lý ân xá” mà thân nhân của các tử tù cũng cần quan tâm, là Chủ tịch nước – người có thẩm quyền ân xá cho tử tù. Ông Chủ tịch nước cũng là con người, mà một con người thường có xu hướng trước khi rời vị trí Chủ tịch nước hay những tuần đầu tiên nhận chức vụ này, không ai muốn ký vào quyết định mang một người ra thi hành án tử hình. Nói dễ hiểu là, họ sẽ có tâm lý “tích đức” trước khi rời nhiệm sở, cũng như những ngày đầu nhận nhiệm vụ. Chọn đúng thời điểm giao thời chuyển giao vị trí Chủ tịch nước để gửi đơn ân xá, nhằm đón nhận sự “tích đức” này.

Facebook lập hội đồng thẩm phán nhằm chống kiểm duyệt trước áp lực chính trị

Hôm 6/5, tập đoàn Facebook thông báo đã lập ra một Hội đồng Giám sát, ban đầu, gồm 20 người có chức năng hoạt động như các “thẩm phán” để xem xét và giải quyết các kiếu nại liên quan đến kiểm duyệt nội dung của người sử dụng facebook.

Có thể nói đây là một bước đi đầy sự thông minh và sáng tạo của những người điều hành Facebook nhằm đối phó lại các yêu cầu kiểm duyệt từ giới chức nhà nước, bằng cách trao quyền cho một cơ quan chuyên môn độc lập, hoạt động như một “hội động thẩm phán” trong việc phân xử, nhằm bảo vệ cho quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội.

Với hơn 2 tỷ người sử dụng trên khắp thế giới, thời gian qua, tập đoàn Facebook phải đối mặt với làn sóng yêu cầu kiểm duyệt nội dung đến từ nhiều quốc gia, đặc biệt là từ các quốc gia độc tài đảng trị như Việt Nam. Áp lực chính trị này lớn đến mức, đôi khi Facebook đã phải nhượng bộ, bỏ qua một số tiêu chuẩn của mình khi ra quyết định.

Chẳng hạn như ở Việt Nam, thời gian gần đây facebook đã xóa mà không thông báo đối với những ai đăng tải video về thi thể cụ Lê Đình Kình sau khi bị công an Việt Nam bắn chết ngay tại phòng ngủ trong nhà riêng.  Facebooker Lã Việt Dũng cho biết, “việc gỡ bài mà không thông báo thì rõ là Facebook quá bậy, chẳng theo một tiêu chuẩn nào cả”.

Người sử dụng facebook Việt Nam đã phản ứng lại bằng cách thay nhau liên tục đăng tải, lặp đi lặp lại video, như để thách thức đối với sự kiểm duyệt. Sau nhiều lần bị xóa, facebooker Lã Việt Dũng chỉ ra rằng, chế độ xóa video này không được thực hiện tự động mà được xóa bằng phương pháp thủ công, video đăng tải lần thứ 9 của anh vẫn còn tồn tại kể từ hôm 2/5, sau 8 lần bị xóa mà không thông báo.

Như vậy, với việc trao quyền cho “hội đồng thẩm phán”, mọi quyết định xóa hay ngăn chặn một nội dung của người sử dụng facebook sẽ nằm ngoài tầm với của những người điều hành và quản lý tập đoàn Facebook, việc xem xét kiểm duyệt nội dung sẽ hoàn toàn thuộc về “hội đồng thẩm phán”, quyết định của hội đồng này là chung thẩm, mà người sáng lập là Mark Zuckerberg hay Hội đồng Quản trị Công ty cũng phải tuân theo.

Nhờ vào cơ chế “hội đồng thẩm phán” độc lập, các chính phủ giờ đây muốn Facebook kiểm duyệt nội dung của người sử dụng sẽ không thể thực hiện bằng cách tạo ra áp lực chính trị lên những người điều hành và quản lý Facebook, mà họ chỉ có thể thuyết phục “hội đồng thẩm phán” bằng các lý lẽ và lập luận pháp lý mà thôi.

20 thành viên ban đầu của “hội đồng thẩm phán” facebook. Ảnh: tập đoàn Facebook

Nhìn vào danh sách 20 thành viên ban đầu của “hội đồng thẩm phán”, cho thấy, sự kiểm duyệt độc đoán trên mạng xã hội facebook sẽ không còn môi trường để nảy nở trong tương lai. Đánh giá quá trình lịch sử hoạt động của các “thẩm phán” này, họ có thể xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, từ luật sư, kỹ sư, giới chính trị, cho tới một nhà hoạt động xã hội… nhưng họ có một đặc điểm chung dễ nhận ra là thể hiện một cam kết và minh chứng rõ ràng trong hoạt động thúc đẩy dân chủ và bảo vệ nhân quyền của mình.

Chẳng hạn, “thẩm phán” đầu tiên là Tawakkol Karman, cô là một nhà hoạt động nhân quyền tại Arap Saudi, được trao giải Nobel Hòa Bình năm 2011. “Thẩm phán” thứ hai là Maina Kiai, ông là cựu chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp quốc về quyền tự do hiệp hội và lập hội. Hay “thẩm phán” thứ ba là András Sajó, ông cựu thẩm phán của Tòa án Nhân quyền châu Âu.

Với nguồn nhân sự này, cho thấy, các quyết định của “hội đồng thẩm phán” được đưa ra sẽ không còn bị chi phối bởi yếu tố chính trị, mà nó được đánh giá dựa trên quan điểm của chuyên gia pháp lý về nhân quyền và của những người đã từng là nạn nhân của sự kiểm duyệt độc đoán. Các yêu cầu kiểm duyệt độc đoán vì lý do “an ninh quốc gia”, “ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo”, hay “tuyên truyền chống nhà nước”… làm sao có thể thuyết phục được những người đã từng có kinh nghiệm và uy tín như vậy.

Bình Luận từ Facebook