Bản tin ngày 6-5-2020

BTV Tiếng Dân

6-5-2020

Vụ án tử tù Hồ Duy Hải: Sau phiên tòa Giám đốc thẩm sẽ là gì?

Sáng nay 6/5, Tòa án Nhân dân Tối cao đã mở phiên tòa Giám đốc thẩm, xem xét lại bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải sau 12 năm.

Theo Điều 370 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định, “Giám đốc thẩm là xét lại bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án”.

Trước đó, vào ngày 22/11/2019, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị, đề nghị hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục Giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên đối với Hồ Duy Hải để điều tra lại.

Quang cảnh khai mạc phiên tòa. Ảnh: TTXVN

Căn cứ vào Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định, thẩm quyền Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải sẽ do Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tiến hành bằng một phiên tòa (mà bản chất là một phiên họp kín của các cơ quan tố tụng) nhằm rà soát lại các sai sót trong quá trình tố tụng trước đây.

Phiên tòa này có sự tham dự của Viện kiểm sát cùng cấp. Trong trường hợp xét thấy cần thiết, Tòa án có thể triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tham gia phiên tòa giám đốc thẩm.

Tin cho hay, bị án Hồ Duy Hải đã không được triệu tập tham gia phiên tòa Giám đốc thẩm này, còn luật sư Trần Hồng Phong – người bào chữa trước đây cho bị án Hồ Duy Hải thì được mời tham dự.

Đáng lưu ý đây là lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng của nền pháp chế nước CHXHCN Việt Nam, một phiên tòa Giám đốc thẩm đã mời luật sư tham gia. Tuy nhiên, luật sư Trần Hồng Phong đã bị “mời ra” khỏi phiên tòa sau 20 phút trình bày vì lý do “không cần thiết nữa”.

Nhà báo Đoàn Bản Châu có cuộc phỏng vấn LS Trần Hồng Phong về phiên tòa sáng nay và vụ án.

Dự kiến phiên tòa này sẽ kéo dài từ trong 3 ngày, từ 6/5 đến 8/5.

Sau khi kết phúc phiên Giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao sẽ ban hành một quyết định về vụ việc này. Quyết định này có thể rơi vào một trong ba trường hợp chính sau:

1. Quyết định không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát và giữ nguyên bản án. Trong trường hợp này, bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải sẽ không được thay đổi mà vẫn giữ nguyên như trước.

2. Quyết định hủy bản án hoặc sửa bản án đã tuyên đối với Hồ Duy Hải để điều tra lại hoặc xét xử lại. Trong trường hợp này, điều tra, khởi tố và truy tố vụ án sẽ được bắt đầu lại từ đầu. Hồ Duy Hải lúc này có thể vẫn bị tiếp tục tạm giam hoặc được cho tại ngoại để tiếp tục hầu tra.

3. Quyết định hủy bản án và đình chỉ vụ án đối với Hồ Duy Hải. Trường hợp này, bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải đã được đảo ngược. Hải được xem là người vô tội và được trả tự do kể từ khi quyết định này được ban hành.

So sánh vụ án của Hồ Duy Hải với Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén là 2 người tù oan sai nổi tiếng ở Việt Nam đều đã trải qua thủ tục Giám đốc thẩm, ta thấy Hồ Duy Hải gặp khá nhiều bất lợi. Sỡ dĩ vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén nhanh chóng được đảo ngược là nhờ vào tình tiết đặc biệt làm thay đổi vụ án, đó là thủ phạm thật sự ra đầu thú và chủ động khai ra hành vi phạm tội khi bị bắt vì một vụ việc khác. Còn trong vụ án Hồ Duy Hải, dù gia đình của Hồ Duy Hải đã tố cáo đích danh một người là hung thủ thật sự nhưng đến nay người này vẫn “bặt vô âm tín”.

***

Câu hỏi đặt ra cho trường hợp của Hồ Duy Hải, nếu chẳng may phiên tòa Giám đốc thẩm lần này vẫn giữ nguyên bản án tử hình trước đây đối với Hồ Duy Hải, thì còn một thủ tục pháp lý nào có thể “cứu” được Hải không? Câu trả lời là Có! Còn một thủ tục cuối cùng được gọi là thủ tục “Xem xét lại quyết định Giám đốc thẩm”.

Tại Khoản 1 Điều 404 Bộ luật Tố tụng Hình sự nêu rõ: “Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó”.

Như vậy, nếu phiên Giám đốc thẩm lần này vẫn giữ nguyên bản án tử hình, thì thân nhân của Hồ Duy Hải có thể tiếp tục gõ cửa pháp lý đến Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Ủy ban tư pháp Quốc hội… để các cơ quan này đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở một phiên họp xem xét lại chính quyết định Giám đốc thẩm trước đây của họ.

Độc giả quan tâm có thể xem lại toàn bộ diễn biến vụ án “giết người” và “cướp tài sản” xảy ra tại Long An vào năm 2008 mà Hồ Duy Hải đang là bị án tại đây.

Công an Quận Bình Tân (TP.HCM): Tạm giữ xe điều tra tai nạn, phạt phí giữ xe gần 13 triệu đồng

Hôm 5/5, facebooker Duong Anh Quoc lên Facebook bày tỏ bức xúc về việc xe tải 7 tấn của mình va chạm giao thông với xe gắn máy, liền bị công an quận Bình Tân tạm giữ hơn 60 ngày, và bị tính phí giữ xe gần 13 triệu đồng.

Đơn vị giữ xe là Công ty TNHH Vinh Bảo, đại diện pháp luật bởi bà Đặng Thị Mến.

Biên nhận mức phí 12.800.000 đồng mà chủ xe tải phải đóng khi phương tiện bị công an quận Bình Tân tạm giữ trong hơn 60 ngày. Photo: Dương Anh Quốc

Tình trạng cơ quan công an liên kết với các bãi giữ xe tư nhân, hoặc cho các cá nhân và tổ chức tư nhân đấu thầu trong việc tạm giữ các phương tiện có dấu hiệu vi phạm luật giao thông, đã phát sinh nhiều hệ lụy tiêu cực suốt một thời gian qua.

Dễ nhận thấy nhất là tình trạng các bãi giữ xe thu phí tạm giữ xe với mức giá “trên trời” mà rất ít khi bị phanh phui, xử lý. Đó là chưa kể tới tình trạng các bãi nhốt xe vi phạm của tư nhân thường là sân sau của công an mà báo chí đã nhiều lần phản ánh.

Như trường hợp facebooker Duong Anh Quoc, cho biết, chiếc xe tải của anh “có va chạm với xe máy đi ngược chiều (xe máy hoàn toàn sai)”, mà trong trường hợp này theo Điều 10 Thông tư 47/2014/TT-BCA quy định “không thu phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản trong thời gian phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ nếu chủ phương tiện không có lỗi trong việc vi phạm hành chính”. Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì chủ nhân của chiếc xe tải này không phải trả phí khi phương tiện bị tạm giữ.

Tuy nhiên với việc bị thu gần 13 triệu đồng cho hơn 60 ngày bị tạm giữ xe, cho thấy, cơ quan công an quận Bình Tân cấu kết với Công ty TNHH Vinh Bảo đã áp dụng sai quy định đối với chủ sỡ hữu phiên tiện này. Cụ thể, tại Quyết định số 35/2018/QĐ-UBND, quy định về mức thu tối đa 5 triệu đồng/tháng đối với xe tải có trọng lượng lớn lơn 1,5 tấn là quy định thu phí cho hình thức giữ xe dịch vụ, chứ không phải để áp dụng cho xe bị tạm giữ hành chính, xử lý tai nạn giao thông.

Cảnh sát biển Trung Quốc gia tăng sự hiện diện tại bãi cạn Scarborough

Hôm 5/5, bản tin tiếng Anh của Đài Á Châu Tự Do loan tin, Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) đã triển khai ba tàu đến bãi cạn Scarborough vào thứ Ba, vài ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá tại khu vực này và các khu vực tranh chấp khác trên Biển Đông.

Bản tin cho hay, “mặc dù không có gì lạ khi các tàu CCG tuần tra gần các đảo và rạn san hô đang tranh chấp, nhưng sự hiện diện của ba tàu CCG cùng một lúc tại một địa điểm thường trùng với chiến dịch gây áp lực mạnh hơn hoặc hộ tống cho một nhiệm vụ khác của Trung Quốc trên biển”.

Trước đó như Tiếng Dân đã đưa tin, Trung Quốc công bố một chiến dịch trấn áp mạnh mẽ ngư dân Việt Nam và Philippines đánh bắt trên vùng biển mà Trung Quốc ban bố lệnh cấm, bắt đầu từ 1/5 đến 16/8.

Trước đây các tàu cá của Việt Nam và Philippines đều phớt lờ lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc vì lệnh này không có giá trị pháp lý, vi phạm luật biển quốc tế. Nhiều năm qua, ngư dân của 2 quốc gia này đã rất quen với hành động trấn áp của các tàu Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp và đang kêu gọi chính phủ của họ đứng lên chống lại Bắc Kinh.

Người đứng đầu hiệp hội đánh cá Philippines, Pamalakaya, hôm 4/5 đã kêu gọi chính phủ Philippines cần nhanh chóng hành động, không nên chờ đợi đến lúc ngư dân Philippines bị bắt. Cùng ngày, Hội nghề cá Việt Nam cũng ra lời kêu gọi tương tự khi đề nghị Chính phủ Việt Nam cần lên tiếng phản đối và hành động quyết liệt hơn.

____

Mời đọc thêm: Sáng nay, giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải (TT). – Kỳ án Hồ Duy Hải: Những vấn đề pháp lý phiên giám đốc thẩm sẽ đặt ra (PLVN). – Hồ Duy Hải và kỳ án Bưu cục Cầu Voi: Hiện trường hoang lạnh, ít người dám bén mảng (TN). – Mẹ của Hồ Duy Hải nôn nao chờ kết quả phiên giám đốc thẩm (TT). – Vụ án Hồ Duy Hải: Những dấu hiệu phạm tội của Nguyễn Văn Nghị (MTG/ TD).

Bình Luận từ Facebook