Bản tin ngày 5-5-2020

BTV Tiếng Dân

5-5-2020

Trung Quốc công bố một chiến dịch trấn áp mạnh mẽ ngư dân Việt Nam và Philippines

Tân Hoa Xã đưa tin, Trung Quốc tuyên bố sẽ thực thi nghiêm ngặt lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè hàng năm ở Biển Hoa Nam (mà Việt Nam gọi là Biển Đông) bắt đầu từ ngày 1/5 đến ngày 16/8.

Theo lệnh này, tất cả các tàu đánh cá Trung Quốc đã quay trở lại cảng vào lúc 12 giờ sáng thứ Tư tại tỉnh đảo Hải Nam, bản tin dẫn lời từ Sở Nông Nghiệp và Nông thôn tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vào ngày 2/5.

Bản tin cho hay, Trung Quốc thi hành lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm, nhằm bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học của đại dương khỏi việc đánh bắt quá mức kể từ năm 1995. Lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè ở Biển Hoa Nam bắt đầu thực thi vào năm 1999.

Tuy nhiên, lệnh cấm này đã bị Hội Nghề cá Việt Nam phản đối kịch liệt. Trong Công văn số 30/HNC-VP đề ngày 4/5, gửi đến các cơ quan Chính phủ Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, “phạm vi của lệnh cấm này trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần Vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam”.

Hội Nghề cá nhận định lệnh cấm này đã xâm phạm chủ quyền của vùng biển Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý, gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân Việt Nam, vi phạm Công ước của LHQ về Luật Biển 1982.

Qua đó Hội Nghề cá khẳng định lệnh cấm này “không có giá trị pháp lý đối với chủ quyền thuộc vùng biển Việt Nam. Ngư dân Việt Nam hoàn toàn có quyền đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của mình”.

Ảnh: Công văn phản đối của Hội nghề cá Việt Nam trước lệnh cấm từ Trung Quốc. Photo Courtesy

Qua Công văn này, Hội Nghề cá đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam có biện pháp phản đối mạnh mẽ, nhằm ngăn chặn, chấm dứt các hành động ngang ngược của phía Trung Quốc, cũng như tăng cường các lực lượng chấp pháp trên biển để hỗ trợ và bảo vệ ngư dân Việt Nam hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Điều bất ngờ là, cho đến giờ Chính phủ Việt Nam vẫn chưa có động thái gì trước lệnh cấm này. Lẽ ra chính phủ phải là cơ quan tiên phong lên tiếng, trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền đất nước, chứ không phải là một hội nghề nghiệp.

Theo một số cơ quan truyền thông quốc tế đưa tin, lệnh cấm này được đưa ra khi Quốc hội Trung Quốc soạn thảo dự thảo luật sửa đổi về Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc (PAP). Theo đề xuất sửa đổi, PAP sẽ mở rộng nhiệm vụ cho cơ quan thực thi pháp luật trên biển, điều này nhằm bảo vệ quyền của Trung Quốc đối với các lãnh thổ trên biển và tình báo hàng hải.

Hôm 2/5, báo Express từ Anh Quốc nhận định: “Trong những năm trước, cả Việt Nam và Philippines đã từ chối thực thi lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc đối với khu vực này. Dù vậy Trung Quốc đã không bắt giữ bất kỳ ngư dân nào từ Việt Nam và Philippines, mà chỉ bắt giữ các tàu cá Trung Quốc vi phạm lệnh cấm. Nhưng năm nay, Cảnh sát biển Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và Nông thôn nước này đã công bố một chiến dịch trấn áp mạnh mẽ, nhằm vào tất cả ngư dân đánh bắt cá bất hợp pháp”.

Như vậy, có thể dự báo được, trong vài tháng tới Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động cướp bóc, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam và Philippines khi các tàu cá này hoạt động trên vùng biển Đông mà Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt.

Chống Covid-19: Việt Nam nhiễm nặng “căn bệnh thành tích”

Truyền thông trong nước loan tin, một bệnh nhân nam 64 tuổi ở tỉnh Hà Nam có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Corona đã tử vong vào rạng sáng 1/5, nhưng giới chức y tế bác bỏ nguyên do chết vì Covid-19.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: “Sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nam, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, điều trị tại đây đã ổn định, đã được xác định âm tính 4 lần với SARS-CoV-2, được chuyển về Hà Nam theo dõi hôm 24/4. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong rạng sáng 1/5 do xơ gan giai đoạn cuối”.

Cũng theo nguồn tin này, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 xác định “bệnh nhân không tử vong do COVID-19 mà tử vong do bệnh nền sẵn có và tình trạng suy kiệt”.

Như vậy tính đến nay, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do Covid-19.

Trong khi đó, ở Mỹ và các nước châu Âu, người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona mà tử vong, cho dù họ đang bị bất kỳ bệnh gì, như ung thư, tim mạch, xơ gan… nạn nhân vẫn được tính vào nhóm người bị chết vì Covid-19.

Giới chức y tế các nước này cho rằng, nếu không bị nhiễm virus Corona, những bệnh nhân này sẽ kéo dài cuộc sống thêm vài tháng hoặc vài năm nữa. Do bị nhiễm virus, nên họ phải chết rất nhanh, do đó, những người này phải được xếp vào nhóm nạn nhân bị chết vì Covid-19.

Việc giới chức y tế Việt Nam từ chối xác nhận nạn nhân ở Hà Nam tử vong vì Covid-19 dù đã có kết quả xét nghiệm dương tính, cho thấy căn bệnh thành tích ở Việt Nam là quá nặng, quyết tâm giữ thành tích, kiên quyết không để bệnh nhân Covid-19 nào tử vong bằng cách xác định thiếu chuẩn xác theo chuyên môn y tế.

Tỉnh Phú Yên: Cưỡng chế hàng hóa của cụ bà, biểu hiện “cường hào ác bá” ở địa phương

Hôm 4/5, trên mạng xã hội loan tải một video clip từ camera của một hộ dân, ghi lại cảnh tượng một lực lượng gần một chục người mặc thường phục đeo khẩu trang, dưới sự chỉ đạo của một công an mặc sắc phục, tiến hành bao vây cưỡng chế một gian hàng nhỏ của một cụ bà bán hàng trên vỉa hè.

Người đăng tải video clip, Facebooker Đàm Ngọc Tuyên cho biết, vụ việc xảy ra vào sáng 4/5, tại Làng Yến, xã An Hoà Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nạn nhân là một cụ bà, 90 tuổi, bị cưỡng chế hàng hóa.

Trước việc bị thu giữ tài sản, cụ già cầm dép và gậy chống trả, nhưng nhanh chóng ngã lăn ra bất tỉnh.

Điều gây bức xúc cho người xem là lực lượng cưỡng chế đang thi hành công vụ, nhưng không một ai đeo thẻ công vụ, ăn mặc thì lượm thượm, đội nón kết như dân anh chị xã hội.

Hơn hết, cách hành xử này cho thấy chính quyền địa phương thiếu hẳn sự đối thoại và quan tâm đến những trường hợp đặc biệt như người cao tuổi. Lẽ ra, trước một cụ già đã 90 tuổi nhưng vẫn còn phải mưu sinh kiếm sống, chính quyền địa phương cần quan tâm, tìm hiểu và tạo điều kiện giúp đỡ cụ, chứ không phải chờ có cơ hội là tiến hành tịch thu tài sản của những người cơ hàn.

Thi hành pháp luật thiếu chuẩn mực và tình người, ưu tiên sử dụng các biện pháp trấn áp, cưỡng chế mà không có khả năng đối thoại, đó là những biểu hiện của cường hào ác bá ở địa phương trên cả nước.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây