BTV Tiếng Dân
4-5-2020
Xử phúc thẩm Vũ “nhôm” cùng quan chức Đà Nẵng thâu tóm công sản
Sáng 4/5, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) cùng các đồng phạm trong vụ án thâu tóm nhà đất công sản tại Đà Nẵng từ năm 2006 đến năm 2014.
Trong số 20/21 bị cáo có đơn kháng cáo tham dự phiên xử phúc thẩm lần này, có hai cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến.
Theo TTXVN cho biết, trong phần thủ tục kiểm tra căn cước tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trần Văn Minh đã kêu oan và đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập đại diện của Bộ Công an để xác định tính pháp lý trong việc ban hành Công văn số 203, gửi bị cáo Trần Văn Minh, về việc đề nghị cho phép đơn vị thuộc lực lượng nghiệp vụ là Công ty xây dựng Bắc Nam 79 (do Vũ “nhôm” làm Chủ tịch HĐQT) được mua đất.
Bị cáo Văn Hữu Chiến đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại phần hình phạt và phần trách nhiệm dân sự. Các bị cáo còn lại làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho rằng mình không phạm tội, chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Trước đó, bản án sơ thẩm vào tháng 1/2020 đã tuyên phạt Phan Văn Anh Vũ 25 năm tù (tổng hợp các bản án trước đó là 30 năm tù), Trần Văn Minh 17 năm tù và Văn Hữu Chiến 12 năm tù về các tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Cách thức thâu tóm nhà đất công sản của vụ án này được thực hiện theo quy trình “tay 3”: Bộ Công an dựng Vũ “nhôm” lên làm tình báo viên, rồi bắt tay với chính quyền địa phương.
Trước tiên, được lực lượng tình báo công an Việt Nam tuyển dụng Vũ “nhôm” trở thành tình báo viên với bí danh “AV75”, và đặt Công ty xây dựng Bắc Nam 79 do Vũ thành lập, trở thành công ty bình phong thuộc cơ quan tình báo Bộ Công an.
Sau đó, các cơ quan tình báo của Bộ Công an gửi công văn tuyệt mật đến các tỉnh, thành phố, xin chính quyền địa phương tạo điều kiện cho Công ty xây dựng Bắc Nam 79 được mua nhà đất công sản với giá ưu đãi để phục vụ cho hoạt động của lực lượng tình báo.
Tuy nhiên, sau khi được mua được nhà đất công với giá ưu đãi thì Công ty bình phong này đã chuyển nhượng lại cho cá nhân, tổ chức khác theo giá thị trường để hưởng chênh lệnh.
Quan chức “ăn đất” chuẩn bị vào tù
Hôm 3/5, cơ quan thông tin của Đảng cộng sản VN cho biết, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) Đảng CS VN ra kết luận và đề nghị Bộ Chính trị khai trừ Đảng đối với ông Nguyễn Văn Hiến, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, vì các sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng.
Trước đó, vào tháng 6 năm ngoái ông Hiến đã bị cách hết chức vụ trong đảng và chính quyền. Đến cuối tháng 10, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Viện Kiểm sát Quân sự T.Ư thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Văn Hiến về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3, điều 360, bộ luật Hình sự năm 2015.
Đến tháng 3/2020, Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Nguyễn Văn Hiến về sai phạm đất đai xảy ra tại 3 khu đất trên đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1 (TP.HCM). Theo đó, ông Hiến khi đó là tư lệnh Quân chủng Hải quân đã ký nhiều văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan xin chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng, đưa 3 khu đất vào hợp tác kinh doanh, xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê… nhưng cuối cùng cả 3 khu đất trên đều rơi vào tay tư nhân.
Như vậy, với việc đề nghị khai trừ Đảng của UBKTTW đối với ông Nguyễn Văn Hiến như là “loại bỏ tấm kim bài miễn trừ”, chuẩn bị mở đường cho việc đưa ông Hiến ra trước vành móng ngựa. Nếu bị kết án theo điều luật bị khởi tố nêu trên, ông Hiến có thể bị kết án từ 7 đến 12 năm tù giam.
Cũng trong kỳ họp lần thứ 44 của UBKTTW kết luận, ông Lê Viết Chữ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và ông Trần Ngọc Căng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét kỷ luật.
Về đến các sai phạm tại Quảng Ngãi, facebooker Lê Xuân Thọ cho biết: “Trần Ngọc Căng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, khi chỉ trong vòng 45 ngày, có đến 12 công văn hỏa tốc phục vụ cho dự án của FLC. Có lẽ tổ chức Kỷ lục Việt Nam nên xem xét trao 2 kỷ lục cho ông Căng đó là ‘Người có nhiều công văn hỏa tốc cho một dự án nhất’ và ‘Người có nhiều công văn hỏa tốc trong thời gian ít nhất”.
“Tiếp đến là ông Lê Viết Chữ – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, người cũng có nhiều sốt sắng liên quan đế dự án của FLC lúc đó. Thậm chí khi ấy, khi đi tiếp xúc cử tri các xã ở huyện Bình Sơn, ông Chữ có nói vầy: ‘Tôi có xuống vùng làng chài gần dự án của FLC ở Bình Định, thấy nhà cửa sạch sẽ, người dân làm cá, trồng rau, nuôi heo, gà cung cấp cho FLC’. Nhưng thực tế là không có như vậy, và có thể hiểu là ông Chữ nói láo với cử tri của mình...”.
Đây là dự án gây ồn ào cả nước vào năm 2018, khi đó lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp sức phục vụ dự án của FLC, tỉnh này còn ứng trước cho FLC 500 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, trong đó có việc giải tỏa luôn cả… một đồn biên phòng.
Khi Công an thành… dân oan đi đòi nhà
Trưa ngày 4/5, một số trang mạng xã hội loan tải và chia sẻ hình ảnh một số cựu cán bộ của Báo Công an Nhân dân biểu tình trước chung cư số 92 Nguyễn Du (Hà Nội) đòi “Tướng Ước, tướng Miên trả nhà cho chúng tôi”.
Theo báo Dân Việt trước đó đưa tin, nhiều khách hàng đã mua nhà theo chính sách dành cho cán bộ chiến sĩ báo Công an Nhân dân từ năm 2010, tuy nhiên đã 10 năm trôi qua, chủ đầu tư là Báo Công an Nhân dân vẫn chưa bàn giao nhà cho khách hàng.
Dự án nhà ở chung cư Báo Công an nhân dân là công trình được UBNDTP Hà Nội cấp đất theo đề nghị của Tổng biên tập, trung tướng Hữu Ước, do Báo Công an Nhân dân làm chủ đầu tư.
Đây là dự án đã được Bộ trưởng Bộ Công an giao cho Thanh tra Bộ Công an thanh tra toàn diện từ tháng 5/2019, nhưng đến nay vẫn chưa công bố kết luận thanh tra.