Bàn về tính chính danh (Phần 2)

Dương Quốc Chính

21-4-2020

Tiếp theo Phần 1

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Công hàm 1958 về Biển Đông gây tranh cãi. Ảnh: internet

2. Chính danh dân chủ

Kể từ khi bắt đầu có nền dân chủ ở phương Tây, thì khái niệm chính danh quân chủ dần trở nên lạc hậu. Vì sự nối ngôi của vị quân vương trở nên vô lý. Kẻ nối dõi không ai dám chắc sẽ trở thành vị minh quân, do chỉ là lựa chọn trong một nhóm nhỏ các con của vua và thường là con cả. Sự lựa chọn của vua cũng không chắc đã sáng suốt. Vận mệnh quốc gia trở nên may rủi khi phụ thuộc vào sự lựa chọn của một ông vua. Lãnh đạo quốc gia nếu được chọn trong quảng đại quần chúng thì cơ hội chọn được người giỏi sẽ lớn hơn nhiều. Sự lựa chọn công bằng nhất là từ đa số dân hoặc tối thiểu cũng từ một nhóm đại diện cho đa số, có thể là nhóm quý tộc.

Nền dân chủ đầu tiên là ở thành bang Athens vào khoảng năm 500 trước công nguyên. Đây là nền dân chủ trực tiếp, các công dân Athens đều được bầu cử và ứng cử, trừ các nô lệ. Nền dân chủ này sụp đổ vì những mặt trái của dân chủ trực tiếp.

Nền dân chủ chỉ thực sự hiệu quả từ khi nó được lặp lại ở nước Anh, bắt đầu từ thế kỷ 13, khi vua Anh buộc phải chia sẻ bớt quyền lực cho giới quý tộc và tăng lữ. Viện Quý tộc (Nguyên lão) và Viện thứ dân được lập ra để chia sẻ quyền lực với nhà vua.

Đến thế kỷ 17, hầu hết quyền lực của nước Anh rơi vào 2 viện, vua Anh chỉ còn quyền lực hình thức. Anh trở thành nước quân chủ lập hiến đầu tiên. Càng về sau này quyền lực của Viện thứ dân (Hạ viện) càng tăng, quyền lực của Viện Quý tộc (Thượng viện) càng giảm, cùng với sự phát triển về khoa học kỹ thuật và kinh tế của nước Anh.

Nền dân chủ ở Anh, cũng như các nước phương Tây khác, đều theo một quy trình là vua san sẻ quyền lực cho giới quý tộc, sau đó là giới nhà giàu, dân có đóng thuế. Dân nghèo, ít học và phụ nữ được quyền dân chủ sau cùng. Đến năm 1918 thì phụ nữ Anh trên 30 tuổi mới được đi bầu. Phụ nữ Pháp thì năm 1944 mới được quyền tương tự dù cách mạng Pháp xảy ra từ năm 1789 (năm vua Quang Trung lên ngôi và đánh thắng quân Thanh). Có nghĩa là một cuộc cách mạng đánh đổ nền quân chủ chuyên chế cũng không đồng nghĩa là sẽ có dân chủ, bình đẳng giữa tất cả mọi người, mọi giới tính.

Chính danh của Đế quốc VN

Quay lại nước VN. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Người Nhật khuyến khích vua Bảo Đại ban bố một bản Tuyên cáo độc lập vào ngày 11/3, tuyên bố hủy bỏ các hiệp ước ký với người Pháp. Các điều ước về sự bảo hộ của Pháp với Bắc và Trung Kỳ đương nhiên bị hủy bỏ, do Pháp đã không còn năng lực bảo hộ. Nhưng điều khoản về việc chuyển giao vĩnh viễn Nam Kỳ cho người Pháp thì Bảo Đại không có quyền hủy bỏ.

Nước Đại Nam được đổi tên thành Đế quốc Việt Nam, với mô hình nửa quân chủ chuyên chế, nửa quân chủ lập hiến. Vua không còn nắm trọn quyền lực như quân chủ chuyên chế (phong kiến) mà quyền lực chủ yếu là ở Thủ tướng Trần Trọng Kim. Chính phủ Trần Trọng Kim cũng hoạt động theo kiểu CP của nhà nước dân chủ lập hiến, có lẽ copy mô hình của Nhật. Đây là điều chưa từng có ở giai đoạn trước đó. Cơ quan hành pháp thời trước là Viện Cơ mật với 4 vị đại thần điều hành dưới quyền lực tối cao của vua. Thời Pháp thuộc thì viên Khâm sứ điều hành.

Như vậy, có thể nói, chính vua Bảo Đại đã lật đổ chế độ phong kiến của chính mình lập nên một nền dân chủ sơ khai khi chuyển giao quyền lực cho Chính phủ và Thủ tướng. Lúc đó Đế quốc VN đang sửa soạn việc soạn thảo hiến pháp và lên kế hoạch thành lập quốc hội.

Trích hồi ký Trần Trọng Kim:

“Mỗi địa phương được quyền tự trị về phương diện cai trị và kinh tế. Các cơ quan hành chính các địa phương do chính phủ trung ương chọn người bản xứ cử ra và có các nhân vật hội nghị kiểm duyệt. Khi còn chờ có hiến pháp và sự tuyển cử phân minh, các cơ quan hành chính ở các địa phương hãy tạm cử những nhân vật xứng đáng ra xung chức địa phương tư vấn nghị viên. Chúng tôi cho chính sách địa phương tự trị như thế có nhiều điều tiện lợi và hợp với tình thế từng xứ về đường cai trị và đường kinh tế, mà không hại gì cho sự thống nhất của nước nhà.”

Như vậy, dễ thấy là Đế quốc VN có chính danh quân chủ của vua Bảo Đại và đang có sự phôi thai của chính danh dân chủ.

Thực ra trước đó, thời Pháp thuộc, thì dân VN cũng đã được hưởng nền dân chủ sơ khai rồi. Đó là việc bầu cử các nghị viên ở Hội đồng tư vấn (Hội đồng dân biểu) cấp địa phương và cấp kỳ. Đây chính là một dạng sơ khai của Hội đồng nhân dân hay quốc hội ở cấp tỉnh và kỳ (bang). Những người được đi bầu và ứng cử ban đầu là những người giàu, công chức, dân có đóng thuế.

Tuy nhiên vai trò của các hội đồng này còn hạn chế, thiên về tư vấn, không có quyền quyết định. Nhưng đó chính là mô hình hạ viện, dân chủ sơ khai như ở các nước phương Tây. Nếu coi các đảng viên CS cũng tương tự người Pháp (giai cấp cai trị) thì lúc đó còn dân chủ hơn bây giờ. Vì người (có quốc tịch) Pháp chỉ cần chiếm khoảng 70% tổng số nghị viên, trong khi đảng viên bây giờ chiếm 95% đại biểu QH.

Chính danh của VNDCCH

Ngày 19/8/1945, Việt Minh cướp chính quyền ở HN, ngày 23/8 Việt Minh biểu tình thị uy (gần như cướp chính quyền) ở Huế. Dưới áp lực của Việt Minh, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị ngày 25/8, cũng ngày này, Việt Minh và các tổ chức khác cướp chính quyền ở SG (lãnh đạo cướp chính quyền ở Nam Kỳ không phải chỉ có Việt Minh). Ngày 2/9, nước VNDCCH ra đời, đánh dấu bởi sự kiện ông HCM đọc tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, thành lập CP Lâm thời VNDCCH.

Bản chất CM tháng 8 là Việt Minh cướp chính quyền, việc vua Bảo Đại thoái vị đương nhiên không phải hoàn toàn tự nguyện cho dù trong chiếu Thoái vị có câu “Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị”.

Trước đó, CP Trần Trọng Kim đã có một số cuộc gặp gỡ với đại diện của Việt Minh để thuyết phục họ ra nhập CP, nhưng Việt Minh từ chối, quyết tâm làm Cách mạng.

Như vậy, nói Việt Minh có chính danh (quân chủ) do được Bảo Đại trao ấn kiếm (tức nhường quyền lực) là mị dân.

Vì lẽ đó, Việt Minh mới tổ chức bầu cử phổ thông để dành lấy chính danh dân chủ. Nhưng cuộc bầu cử QH khóa 1 bị các đảng phái quốc gia như Việt Quốc, Việt Cách tẩy chay không tham gia. Bầu cử diễn ra chỉ gồm Việt Minh và các thành phần thân Việt Minh, không có đảng đối lập và do Việt Minh tổ chức (vừa đá bóng vừa thổi còi). Hơn nữa, lúc đó có 95% dân VN là mù chữ (số liệu của đảng), nên hầu hết người dân đi bầu phải có sự “trợ giúp” của cán bộ Việt Minh. Điều đó dẫn đến Chủ tịch HCM trúng cử với tỷ lệ 98,4%! Tỷ lệ này không bao giờ có với bất kỳ cuộc bầu cử dân chủ nào trên thế giới. Vua Bảo Đại, lúc đó là cố vấn Vĩnh Thụy, không trực tiếp ứng cử, không vận động tranh cử, cũng chẳng bầu cử nhưng vẫn trúng cử đại biểu QH khóa 1!

Như trên đã viết, đến năm 1944, ở Pháp mới có phổ thông đầu phiếu, nhưng ở VN năm 1945 cũng có phổ thông đầu phiếu. Trong khi dân trí Pháp chắc hơn VN cỡ 100 năm có lẻ. Vì thế nên bầu cử phổ thông cho MỌI THÀNH PHẦN người dân năm 1946 chỉ mang tính mị dân, vì đa số dân có biết gì đâu mà bầu? Đến chữ còn chả biết thì bầu gì?

Như vậy, nói VNDCCH có chính danh dân chủ thì cũng không chính xác. Kể từ năm 1946 đến nay nước VN Cộng sản chưa từng có 1 cuộc bầu cử dân chủ thực sự nào, vì toàn là độc diễn, không có đối lập, vừa đá bóng vừa thổi còi với cánh tay nối dài là Mặt trận TQ (chính là hậu thân của Mặt trận Việt Minh rồi Mặt trận Liên Việt).

Chính danh của Quốc gia VN

VNDCCH chỉ mới cướp chính quyền được có gần một tháng ở SG, thì quân Anh đem theo quân Pháp quay lại giải giáp quân Nhật ở Đông Dương theo thỏa thuận của các nước đồng minh. Ngày 23/9, Pháp nổ súng chống lại Lâm ủy Nam Bộ, sau khoảng một tháng thì giành lại chính quyền ở các tỉnh Nam Bộ. Quân kháng chiến (Việt Minh và các phe phái không CS) rút vào rừng và nông thôn tổ chức kháng chiến.

Về lý thì quân đội đồng minh giải giáp Nhật mới là kẻ nắm chính quyền tại nơi giải giáp. Vì họ mới là những người khiến Nhật đầu hàng. Điều này diễn ra ở khắp các nước thuộc địa Nhật như Triều Tiên, Mãn Châu quốc, Ấn Độ, Myanmar…

Ở miền Bắc thì quân Tưởng có trách nhiệm giải giáp Nhật. Họ đem theo các thành viên đảng Việt Quốc, Việt Cách đang hoạt động ở TQ. Hai tướng của quân Tưởng là Tiêu Văn (có quen thân với ông HCM từ khi còn ở TQ) và Lư Hán dàn xếp để VM chấp nhận 2 đảng này có 70 ghế ở QH mà không qua bầu cử. Việt Minh tổ chức tuần lễ vàng để có vàng đút lót 2 viên tướng này. Vì thế mà CP VNDCCH được quân Tưởng chấp nhận cho tồn tại với điều kiện là mở rộng thành phần cho phe QG. Lãnh tụ Nguyễn Hải Thần của Việt Cách được làm Phó Chủ tịch Chính phủ. Lãnh tụ Việt Quốc là Nguyễn Tường Tam được làm Bộ trưởng Ngoại giao.

Ngày 28/2/1946, Pháp ký hiệp định Trùng Khánh với Tưởng, trao trả cho TQ thuộc địa Quảng Châu loan và đường sắt Côn Minh. Đổi lại, Tưởng nhường cho Pháp quyền ra Bắc giải giáp Nhật.

Ngày 6/3/1946, đại diện của Pháp là Sainteny ký với Chủ tịch HCM hiệp định Sơ bộ có nội dung đại khái là VN sẽ là một nước tự do (không phải là độc lập – DQC) trong Liên bang Đông Dương thuộc Liên hiệp Pháp. Nam Kỳ sẽ sát nhập vào phần còn lại qua một cuộc trưng cầu dân ý và một số điều khoản cho phép quân Pháp ra Bắc giải giáp Nhật và lộ trình rút quân Pháp sau đó.

Phía VN Cộng sản cho rằng bản hiệp định này chính là sự công nhận của Pháp với CP VNDCCH. Nhưng cần hiểu rõ là Sainteny lúc đó chỉ có quyền hạn tương đương với Thống sứ Bắc Kỳ, mà ký Hiệp định với HCM. Có nghĩa là Pháp chỉ coi ông HCM ngang hàng với một Thống sứ lúc đó gọi là Ủy viên Cộng hòa, dưới Toàn quyền (lúc đó gọi là cao ủy). Hiệp định này lại bị phe Quốc gia cho là hiệp định bán nước của Việt Minh cho Pháp. Nhưng ý đồ của Việt Minh là lợi dụng việc quân Tưởng rút để đàn áp phe đối lập thân Tưởng và điều đó đã xảy ra khiến các thành viên đối lập trong CP phải bỏ trốn hoặc bị Việt Minh bắt/ám sát.

Hai hội nghị tiếp theo là Hội nghị Đà Lạt và Fontainebleau bị đổ vỡ do VNDCCH đòi phải có độc lập và thống nhất (đòi Nam Kỳ), tất nhiên Pháp không chịu. Ông HCM phải ký với Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp là Moutet bản Tạm ước 14/9 có nội dung gần giống với Hiệp định Sơ bộ 6/3, chủ yếu để câu giờ cho chiến tranh.

Ngày 19/12, Việt Minh nổ súng tấn công quân Pháp ở HN, do Pháp đòi giải giáp Việt Minh, chiến tranh nổ ra. Một năm sau, Pháp thấy không thể đàm phán hòa bình với VNDCCH nên đã nghĩ đến giải pháp khác để có một chính quyền của người bản xứ ở VN, do CP VNDCCH đã bỏ chạy vào chiến khu.

Cao ủy Pháp Bollaert và các phe nhóm Quốc gia không Cộng sản sang Hongkong thuyết phục cựu hoàng Bảo Đại quay lại chấp chính. Bởi vì trong giai đoạn đó, tính chính danh quân chủ đang là hợp lý nhất. Không thể có một cuộc bầu cử dân chủ trong hoàn cảnh chiến tranh và với dân trí một nước vừa thoát khỏi phong kiến. Trước đó De Gaulle đã tính đến giải pháp Duy Tân quay lại, nhưng ông này bị tai nạn máy bay chết.

Vua Bảo Đại là một người có học thức, hiền lành, không gây thù chuốc oán với phe nào, lại thoái vị dưới sức ép của Việt Minh. Vì thế khi ông quay lại làm Quốc trưởng QGVN thì vẫn có được chính danh quân chủ. Hơn nữa, QGVN có mô hình gần giống Đế quốc VN, tức là một chính thể nửa quân chủ chuyên chế nửa quân chủ lập hiến phôi thai, có chính phủ kiểu hiện đại nhưng chưa có quốc hội và hiến pháp. Tức là QGVN cũng có mầm mống của chính danh dân chủ.

Ngày 8/3/1949, với Hiệp định Elysee Bảo Đại ký với TT Pháp Aurion, như giữa 2 nguyên thủ, đánh dấu sự hình thành của QGVN, cùng với việc Nam Kỳ được sát nhập vào phần còn lại. Xem chi tiết ở stt về Quốc gia VN.

Đến đầu năm 1950, có hơn 20 nước phương Tây công nhận QGVN, cùng thời điểm đó VNDCCH mới được các nước XHCN công nhận, trước đó thì không được nước nào công nhận. Vì vậy, về sự công nhận quốc tế thì QGVN và VNDCCH là tương đương nhau.

Tại hội nghị San Francisco 1951, Thủ tướng Trần Văn Hữu của QGVN tuyên bố chủ quyền 2 quần đảo HS và TS. Lúc đó CP VNDCCH vẫn ở trên rừng.

Hiệp định Geneva chia VN bằng vĩ tuyến 17, phía Nam do QGVN quản lý, bao gồm cả HS và TS. Phía bắc do VNDCCH quản lý.

Chính danh của đệ nhất VNCH

Ngày 23/10/1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm của QGVN tổ chức bỏ phiếu phế truất Bảo Đại. Ông Diệm dành thắng lợi với số phiếu là 98,2%, vẫn kém ông Hồ 0,2%, nhưng bị cho là gian lận!

Ngày 26/10/1955 khai sinh nước VNCH theo thể chế Cộng hòa với hiến ước tạm thời.

Tháng 3 năm 1956, VNCH tổ chức bầu cử quốc hội lập hiến và ban hành hiến pháp. Như vậy là VNCH là kế thừa của QGVN và có chính danh dân chủ do có bầu cử dân chủ, có hiến pháp và quốc hội.

Chính danh của đệ nhị VNCH

Tháng 9 và tháng 10/1967, sau gần 4 năm hỗn loạn sau đảo chính ông lật đổ đệ nhất Cộng hòa, VNCH đã tổ chức bầu cử cả Tổng thống và QH lưỡng viện một cách dân chủ.

Như vậy đệ nhị VNCH kế thừa đệ nhất VNCH và có chính danh dân chủ. Tính chính danh này còn thể hiện ở việc VNCH đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế, được hầu hết các nước phương Tây công nhận và là một bên ký Hiệp định Paris cùng với VNDCCH.

Vai trò của tính chính danh của chế độ cũ với việc đòi lại HS và TS với TQ

Mấy hôm trước, TQ đã có công hàm gửi LHQ tố cáo VN tranh chấp chủ quyền 2 quần đảo HS và TS. Trong đó, TQ đưa ra luận cứ mạnh mẽ nhất chính là Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958, đã công nhận chủ quyền 2 quần đảo và hải phận 12 hải lý quanh đó là thuộc về TQ.

VN chỉ có thể từ chối sự hợp pháp của công hàm Phạm Văn Đồng bằng cách công nhận sự hợp pháp của QGVN. Vì lúc đó QGVN đang quản lý hợp pháp 2 quần đảo này và cũng đã tuyên bố chủ quyền trước đó.

VNCH là kế thừa hợp pháp của QGVN nên cũng nắm chủ quyền 2 quần đảo. CP Lâm thời CHMNVN nhận đầu hàng từ VNCH nên cũng kế thừa chủ quyền 2 quần đảo vào năm 1975. Năm 1976, CHXHCNVN được thành lập nhờ sự sát nhập của CHMNVN và VNDCCH, do đó cũng kế thừa chủ quyền 2 quần đảo.

Vì thế, CHXHCNVN chỉ có thể có căn cứ pháp lý để đòi lại HS và TS từ TQ nếu công nhận tính hợp pháp của QGVN và VNCH. CPVN cần khẩn cấp công nhận chính thức 2 chế độ cũ, tuyệt đối không được dùng khái niệm Ngụy quyền. Vì điều đó phủ nhận tính chính danh của chế độ cũ, đồng nghĩa với VNDCCH đã có chủ quyền HS và TS, có nghĩa là công hàm Phạm Văn Đồng chính là văn bản bán nước.

_____

*Ghi chú:

Stt về tính pháp lý khi đòi HS và TS

Công hàm của TQ về HS và TS

Stt về QGVN

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây