Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ (Phần 29)

Hồ Bạch Thảo

7-4-2020

29. Vua Lý Thần Tông [1128-1138]

Niên Hiệu: Thiên Thuận:1128-1132, Thiên Chương Bảo Tự:1133-1137

Vua Lý Nhân Tông lên ngôi đã lâu, nhưng không có con trai nối dõi; ngài bèn nuôi con của 5 người thuộc dòng tôn thất làm con nuôi, rồi chọn Lý Dương Hoán con người em ruột là Sùng hiền hầu làm Thái tử; năm 1117 nhà Vua ban chiếu thư như sau:

Năm Hội Tường Đại Khánh thứ 8 [1117] ‘Trẫm cai trị muôn dân mà lâu không có con nối dõi, ngôi báu của thiên hạ biết truyền cho ai? Vậy nên trẫm nuôi con trai của các hầu Sùng Hiền, Thành Khánh, Thành Quảng, Thành Chiêu, Thành Hưng, chọn người nào giỏi thì lập làm thái tử.’

Bấy giờ con Sùng Hiền hầu là Dương Hoán mới lên 2 tuổi, mà thông minh lanh lợi, vua rất yêu và bèn lập làm hoàng thái tử.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Vì vua nối dõi là nhân vật được chọn từ những người con nuôi, nên dễ bị tranh giành; bởi vậy khi Thái tử Dương Hoán nhận mệnh trước linh cửu, buổi lễ đăng quang được triều đình bố trí rất cẩn mật:

“Năm Thiên Phù Khánh Thọ thứ 1 [1127-1128], Hoàng thái tử lên ngôi trước linh cữu. Hạ lệnh cho Vũ vệ Lê Bá Ngọc truyền bảo quân hầu và các quan văn võ lui ra ngoài cửa Đại Hưng, sai các người giữ thành đóng cửa canh phòng cẩn mật, không cho ai ra vào. Lại sai cấm quân cầm binh khí đứng ở dưới điện Thiên An, rồi cho lệnh mở cửa nách bên hữu, gọi các quan vào long trì sai Bá Ngọc truyền bảo các vương hầu và các quan văn võ rằng:

‘Không may tiên đế lìa bỏ bầy tôi, ngôi trời không thể bỏ không lâu ngày. Ta còn ít tuổi, cố gượng nối ngôi, các khanh nên bền mãi một lòng, giúp đỡ nhà vua, không những để không phụ lòng tiên đế chú ý trông mong mà còn để con cháu các khanh đời đời hưởng lộc vị’.

Các quan đều lạy mừng và thương khóc.”

Vua lên ngôi đổi niên hiệu là Thiên Thuận; ban chiếu thư đại xá cho cả nước, trả tự do cho những người bị làm lao công; tôn vinh mẹ nuôi làm Hoàng thái hậu; chủ trương ngụ binh ư nông [dùng quân lính từ nông dân], cho các quân được thay phiên về nhà làm ruộng:

Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, năm Thiên Thuận thứ 1 [1128], đổi niên hiệu, đại xá. Tôn mẹ nuôi là Trần Anh phu nhân làm Hoàng Thái hậu. Xuống chiếu rằng:

‘Phàm dân có ruộng đất bị sung công cùng là bị tội phải làm điền nhi (1) thì đều được tha cả. Các tăng đạo và dân phải làm lộ ông (1) cũng được miễn. Cho sáu quân thay phiên nhau về làm ruộng, theo chế độ xưa”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Bấy giờ nhà Vua mới 12 tuổi, nên hàng ngày đến điện Kinh Diên tiếp tục học tập:

Ngày Canh Tý năm Thiên Thuận thứ 1 [1128], vua bắt đầu ngự kinh diên nghe giảng học”.

Triều đình sai Sứ thông báo cho Trung Quốc và Chiêm Thành biết việc Vua Nhân Tông mới mất và nhà Vua nối ngôi. Bấy giờ nước Tống sau khi bị nước Kim đánh, nên phải rút quân về phía nam sông Trường Giang, đóng đô tại Lâm An, tỉnh Chiết Giang:

Ngày Quý Mão năm Thiên Thuận thứ 1 [1128], sai người ở Hoà Trại cáo phó với nhà Tống và báo việc lên ngôi. Khi ấy Tống Cao Tông lánh người Kim qua sông Trường Giang đóng đô ở phủ Lâm An”.

Ngày Giáp Thìn năm Thiên Thuận thứ 1 [1128], xuống chiếu cho Đô phi kỵ mang di chiếu của Nhân Tông và việc vua lên ngôi sang báo cho Chiêm Thành. Phát vàng và lụa trong kho ban cho các quan theo thứ bậc khác nhau”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Vào cuối tháng này, Chân Lạp mang 2 vạn quân đến cướp phá tại Nghệ An, Thái phó Lý Công Bình tuân mệnh cầm quân đi đánh:

“Ngày Giáp Dần năm Thiên Thuận thứ 1 [1128], hơn 2 vạn người Chân Lạp vào cướp bến Ba Đầu ở châu Nghệ An. Xuống chiếu cho Nhập nội thái phó Lý Công Bình đem các quan chức đô cùng người châu Nghệ An đi đánh”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3

Chín ngày sau Lý Công Bình đánh bại quân Chân Lạp, bắt được viên chỉ huy:

Ngày Quý Hợi tháng 2 năm Thiên Thuận thứ 1 [1128], Lý Công Bình đánh bại người Chân Lạp ở bến Ba Đầu, bắt được chủ tướng và quân lính”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Đây là chiến thắng thần tốc, đáng lẽ phải ban chiếu biểu dương cho chủ tướng và quân sĩ; nhưng bấy giờ vua còn trẻ, nghe lời xui theo thói mê tín, nên đã làm một việc sai trái tệ hại; không đoái tưởng đến công lao của các tướng sĩ, đích thân đến các chùa và đạo quán, tạ ơn Phật, Đạo, giúp cho thắng trận:

Thư báo thắng trận của Lý Công Bình đến kinh sư.

Ngày Mậu Thìn năm Thiên Thuận thứ 1 [1128], vua ngự đến hai cung Thái thanh, Cảnh Linh và các chùa quán trong thành để lễ tạ ơn Phật và Đạo đã giúp ngầm cho Công bình đánh được người Chân Lạp”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Về điều sai này, Sử thần Lê Văn Hưu có lời phê xác đáng như sau:

Lê Văn Hưu nói: Phàm việc trù tính ở trong màn trướng, quyết định được chiến thắng ở ngoài nghìn dặm, đều là công của người tướng giỏi cầm quân làm nên thắng lợi.

Thái phó Lý Công Bình phá được quân Chân Lạp cướp châu Nghệ An, sai người báo tin thắng trận. Thần Tông đáng lẽ phải cáo thắng trận ở Thái Miếu, xét công ở triều đường để thưởng cho bọn Công Bình về công đánh giặc. Nay lại quy công cho Phật và Đạo, đi các chùa quán để lạy tạ, như thế không phải là cách để ủy lạo kẻ có công, cổ lệ chí khí của quân sĩ”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3

Cũng may mà quỹ tín dụng về tinh thần chống xâm lăng phạt Tống bình Chiêm thời quá khứ còn lưu lại ; nên nữa năm sau Chân Lạp mang binh thuyền ngược dòng sông Lam đến đánh phá làng Đỗ Gia, thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay; lại bị quân ta đánh bại. Tiếp đến, Chân Lạp gửi quốc thư xin sai Sứ sang nước ấy bàn thảo, nhưng nhà Vua không trả lời:

Tháng 8 năm Thiên Thuận thứ 1 [1128], Người Chân Lạp vào cướp hương Đỗ Gia ở châu Nghệ An, có đến hơn 700 chiếc thuyền. Xuống chiếu sai bọn Nguyễn Hà Viêm ở Thanh Hoá và Dương Ổ ở châu ấy đem quân đánh, phá được”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Châu Nghệ An đệ tâu một phong quốc thư của nước Chân Lạp, xin sai người sang sứ nước ấy. Vua không trả lời”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Cũng vì tệ trạng mê tín dị đoan, hai lần nhà Vua ban tước Đại liêu ban và một lần thăng chức cho những người bắt được hươu trắng:

Mùa xuân, tháng giêng, năm Thiên Thuận thứ 2 [1129], nhập nội điện trung là Lý An Dậu dâng hươu trắng. Cho An Dậu tước Đại liêu ban”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3

Tháng hai, năm Thiên Thuận thứ 2 [1129] Thân vương ban Lý Lộc tâu ở núi Tản Viên có hươu trắng. Vua sai Thái úy Dương Anh Nhĩ đi bắt được. Cho Lộc tước Đại liêu ban”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3

Tháng 3, Lý Tử Khắc dâng tâu rằng, rừng ở Giang Để có hươu trắng. Vua sai Thái úy Lưu Khánh Đàm đi bắt được. Thăng Tử Khắc làm Khu mật sứ, xếp vào hàng tước minh tự, được đội mũ bảy cầu”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3

Sử thần Lê Văn Hưu trách Vua và những bầy tôi xu nịnh dâng thú lạ như sau:

Lê Văn Hưu nói: Phàm người xưa gọi là điềm lành, là nói việc được người hiền

và được mùa, ngoài ra không có gì đáng gọi là điềm lành cả. Huống chi chim quý thú lạ không nuôi ở quốc đô cũng là lời khuyên răn của tiên vương để lại. Thần Tông nhân Nguyễn Lộc và Nguyễn Tử Khắc [Văn Hưu thuộc đời Trần, kiêng gọi họ Lý, chỉ gọi là họ Nguyễn] dâng hươu trắng, cho là vật điềm lành, cho Lộc tước đại liêu ban, cho Tử Khắc tước minh tự, thì cả người thưởng và người nhận thưởng đều sai cả. Tải sao vậy? Thần Tông vì dâng thú mà cho quan tước, thế là lạm thưởng. Lộc và Khắc không có công mà nhận thưởng, thế là dối vua”.

Về việc hôn nhân, nhà vua ban những chiếu thư quá bất công, không đoái hoài đến hạnh phúc của dân chúng; như việc cấm những người làm mướn không được lấy con gái dân thường; hoặc nặng nề hơn, bắt con gái các quan phải chờ sau khi vua chọn vào cung, mới được lấy chồng:

Ngày Giáp Tuất tháng giêng năm Thiên Thuận thứ nhất [1128], xuống chiếu cấm gia nô và tạo lệ của các quan không được lấy con gái lương dân”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Ngày Canh Tuất tháng giêng năm Thiên Thuận thứ 3 [1130], xuống chiếu cho con gái các quan không được lấy chồng trước, đợi sau khi chọn sung vào hậu cung, người nào không trúng tuyển mới được lấy chồng”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Sử thần Lê Văn Hưu có lời phê bình về chiếu mệnh trên như sau:

Lê Văn Hưu nói: Trời sinh ra dân mà đặt vua để chăn dắt, không phải để cung

phụng riêng cho vua. Lòng cha mẹ ai chẳng muốn con cái có gia thất, thánh nhân thể lòng ấy còn sợ kẻ thất phu thất phụ không được có nơi có chốn.

Cho nên Kinh Thi tả sự ấy trong thơ “Đào yêu” và thơ “Siếu hữu mai” để khen việc lấy chồng kịp thì và chê việc để lỡ thì vậy. Thần Tông xuống chiếu cho con gái các quan phải đợi xong việc tuyển người vào cung rồi mới được lấy chồng, thế là để cung phụng cho riêng mình, đâu phải lòng làm cha mẹ của dân? Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Về mặt ngoại giao, Sứ thần Chiêm Thành đến cống, Vua đích thân đánh cầu tại điện Long Trì cho Sứ thần xem. Bấy giờ tại nước ta và Trung Quốc thịnh hành trò chơi đánh cầu; tại Trung Quốc tay đánh cầu nỗi tiếng tên Cao Cầu, nhân vật chính trong truyện Thủy Hử, được Vua Tống Huy Tông [1101-1125] sủng ái. Ngoài ra nhà Vua còn sai Sứ sang đáp lễ nước Tống, vì 2 tháng trước đó [tháng 10] Vua Tống sai Sứ sang phong Vua tước Giao Chỉ Quận vương (2):

Tháng 12 năm Thiên Thuận thứ 3 [1130], vua đánh cầu ở Long Trì, cho sứ nước Chiêm Thành vào hầu xem. Mở hội khánh thành chùa Quảng Nghiêm Tư Thánh. Tha cho những người có tội. Sai Viên ngoại lang là Lý Phụng Ân và Lệnh thư gia là Doãn Anh Khái sang nước Tống đáp lễ”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Theo sử Trung Quốc, Tục Tư Trị Thông Giám (3), vào năm sau thời Tống Cao Tông [1131], nước Đại Việt xin đến cống, nhưng bị nhà Tống từ chối. Lúc bấy giờ Tống bị nước Kim tại phương bắc uy hiếp, mới dời đô về Lâm An tỉnh Chiết Giang, có lẽ tình hình chưa ỗn nên kiếm cớ khước từ. Văn bản Tục Tư Trị Thông Giám xưng tên Vua Thần Tông một cách sai lầm; đáng lý phải gọi là Dương Hoán, lại dùng tên Càn Đức tức Vua Nhân Tông:

Tục Tư Trị Thông Giám quyển 108, Tống Cao Tông năm Kiến Viêm thứ 4 [1131]. Ngày Canh Ngọ tháng chạp [2/1/1131], Giao Chỉ quận vương Lý Càn Đức xin vào cống, chiếu ban khước từ”.

(催十二月,庚午,交趾郡王李乾德请入贡,诏却之。主)

Tình hình tại phương nam lúc bấy giờ, vì ân uy chưa đủ, nên hai nước Chiêm Thành và Chân Lạp vẫn chưa hoàn toàn thần phục; năm 1132 cả hai nước đến cướp phá Nghệ An, năm 1134 hai nước lại sai Sứ đến triều cống; đến năm 1137 Chân Lạp lại mang quân sang cướp phá, khiến tướng Lý Công Bình lại một lần nữa ra quân đánh bại:

Ngày Nhâm Tý tháng 8, năm Thiên Thuận năm thứ 5 [1132]. Chân Lạp và Chiêm Thành đến cướp châu Nghệ An. Xuống chiếu cho Thái uý Dương Anh Nhĩ đem người ở phủ Thanh Hóa và châu Nghệ An đi đánh quân Chân Lạp và Chiêm Thành, phá tan”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Ngày Giáp Dần, tháng 2 năm Thiên Chương Bảo Tự thứ 2 [1134], hai nước Chân Lạp và Chiêm Thành sang cống”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Ngày Đinh Tỵ, mùa xuân, tháng giêng năm Thiên Chương Bảo Tự thứ 5 [1137], châu Nghệ An chạy trạm tâu việc tướng nước Chân Lạp là Phá Tô Lăng cướp châu ấy. Xuống chiếu cho thái uý Lý Công Bình đem quân đi đánh. Tháng 2, châu Nghệ An động đất, nước sông đỏ như máu. Công Bình sai Nội nhân hỏa đầu Đặng Khánh Hương về Kinh sư đem việc ấy tâu lên. Rồi Công Bình đánh bại người Chân Lạp”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Đến cuối đời, Vua Thần Tông ban mệnh chọn con nối dõi, cũng gây di lụy cho đời sau. Trước đó vua chọn Hoàng tử Thiên Lộc con vợ thứ lên ngôi; vì thấy Thiên Tộ con Hoàng hậu họ Lê, tuy thuộc dòng đích nhưng còn trẻ thơ mới lên 3, sợ không gánh vác được việc nước. Nhưng trước khi nhà Vua mất, 3 phu nhân đến kêu xin, nên lại đổi ý chọn Thiên Tộ làm Vua, lên ngôi miếu hiệu là Anh Tông. Vì vua còn thơ dại, bà mẹ là Hoàng hậu họ Lê được phong làm Hoàng thái hậu tư thông với quyền thần Đỗ Anh Vũ, gây nên mối loạn trong cung cấm:

Năm Thiên Chương Bảo Tự thứ 6 [1138], (từ tháng 10 về sau là niên hiệu của Anh Tông, Thiệu Minh năm thứ 1). Lập Hoàng trưởng tử Thiên Tộ làm Hoàng thái tử. Trước vua đã lập Thiên Lộc làm con nối. Đến đây ốm, ba phu nhân là Cảm Thánh, Nhật Phụng và Phụng Thánh muốn đổi lập thái tử khác, mới sai người đem của đút cho Tham tri chính sự Từ Văn Thông, nói rằng nếu có vâng mệnh thảo di chiếu thì chớ bỏ lời của ba phu nhân. Văn Thông nhận lời. Đến khi vua ốm nặng, sai soạn thảo di chiếu, Văn Thông tuy vâng mệnh vua, nhưng nhớ lời dặn của ba phu nhân, cứ cầm bút mà không viết. một lát ba phu nhân đến, khóc lóc nghẹn ngào nói với vua rằng:

 “Bọn thiếp nghe rằng đời xưa lập con nối ngôi thì lập con đích chứ không lập con thứ. Thiên Lộc là con của người thiếp được vua yêu, nếu cho nối ngôi thì người mẹ tất sẽ tiếm lấn, sinh lòng ghen ghét làm hại, như thế thì mẹ con bọn thiếp tránh sao khỏi nạn? “.

Vua vì thế xuống chiếu rằng:

“Hoàng tử Thiên Tộ tuy tuổi còn thơ ấu, nhưng là con đích, thiên hạ đều biết, nên cho nối nghiệp của trẫm, còn thái tử Thiên Lộc thì phong làm Minh Đạo Vương”.

Ngày 26, vua đăng ở điện Vĩnh Quang, quàn ở thềm phía tây điện ấy. Các quan dâng tôn hiệu là Quảng Nhân Sùng Hiếu Văn Vũ Hoàng Đế, miếu hiệu là Thần Tông.

Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 1, Hoàng thái tử Thiên Tộ lên ngôi ở trước linh cữu, bấy giờ mới lên ba tuổi, đổi niên hiệu là Thiệu Minh năm thứ 1. Đại xá cho thiên hạ. Tôn mẹ là Cảm Thánh phu nhân họ Lê làm Hoàng thái hậu”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Triều đình sai Sứ sang Trung Quốc cáo phó, nhà Tống truy phong Vua Thần Tông tước Nam bình vương:

Năm thứ 8 [1138] Dương Hoán mất, cho Chuyển vận phó sứ Chu Phất làm Điếu tế sứ, tặng Dương Hoán Khai phủ nghi đồng tam ty, truy phong Nam bình vương”. Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.

(八年,陽煥卒,以轉運副使朱芾充弔祭使,贈陽煥開府儀同三司,追封南平王。)

____

Chú thích:

1. Lộ ông: Ngô Thì Sĩ trong Việt Sử Tiêu Án chú thích Điền Nhi, và Lộ Ông là những người phải làm đồ dịch [bị đày và làm lao công].

2. Tống Sử ghi vào năm 1132, xin chép thêm để tham khảo; Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ, chép “Năm Thiệu Hưng thứ 2 [1132] Càn Đức mất; truy tặng Thuỵ Trung, phong Nam Việt vương; con là Dương Hoán [Lý Thuần Tông] kế vị, được trao chức Tĩnh hải quân tiết dộ sứ, đặc tiến Kiểm hiệu thái uý, phong Giao Chỉ Quận vương, ban Suy thành thuận hoá công thần”.

(紹興二年,乾德卒。贈侍中,追封南越王。子陽煥嗣,授靜海軍節度使、特進、檢校太尉,封交趾郡王,賜推誠順化功臣)

3. Tục Tư Trị Thông Giám ((續資治通鑑), soạn giả Tất Nguyên.

Bình Luận từ Facebook