Tác giả: Grill và Georg Mascolo
Dịch giả: Hiếu Bá Linh
27-3-2020
Tài liệu chiến lược của Bộ Nội vụ Liên bang Đức dài 17 trang, với tựa đề “Làm thế nào chúng ta có thể kiểm soát COVID-19” được phổ biến rất hạn chế, chỉ được phân phát cho các Bộ khác và Thủ tướng Liên bang Đức sau ngày 18.3.
Trong tài liệu này, các chuyên gia diễn tả các kịch bản khác nhau của diễn biến đại dịch. Như là kết luận rút ra được, họ thúc bách “xét nghiệm hiệu quả và cách ly”.
Trong cuộc chiến chống lại virus corona, Bộ Nội vụ Liên bang Đức hướng vào kiểu mẫu Hàn Quốc: Quốc gia châu Á đã có thể sử dụng các xét nghiệm hàng loạt và cách ly người bệnh để làm chậm đáng kể sự lây lan của mầm bệnh mà không làm đình trệ mọi sinh hoạt xã hội. Một sự gia tăng nhiều như có thể về năng lực xét nghiệm của Đức thì đã bị chậm trễ.
Theo thông tin từ các đài truyền hình WDR, NDR và nhật báo Süddeutscher Zeitung, một tài liệu chiến lược bí mật của Bộ Nội vụ có tựa đề “Làm thế nào chúng ta có thể kiểm soát Covid-19” đã viết như thế.
Vì vậy Chính phủ phải hướng tới một kịch bản gọi là “kiểm soát nhanh” để tránh hậu quả tồi tệ hơn cho hệ thống y tế, kinh tế và xã hội. Theo các chuyên gia, cho đến nay, biện pháp quan trọng nhất chống lại virus là “xét nghiệm và cách ly người nhiễm bệnh”.
Được xét nghiệm là “cả những người mà tự bản thân họ nghi ngờ nhiễm, lẫn những người có tiếp xúc với người đã xét nghiệm với kết quả dương tính”.
Điều này không giống với cách làm hiện tại ở Đức, Viện Robert Koch (RKI) cho biết, hiện nay những người được xét nghiệm chỉ là những người có triệu chứng và đã tiếp xúc với người bị nhiễm hoặc thuộc nhóm có nguy cơ.
Tăng cao năng lực xét nghiệm một cách nhanh chóng
Các tác giả của tài liệu Bộ Nội vụ đã khuyến nghị rằng, năng lực kiểm tra ở Đức cần được gia tăng “cấp bách”.
Họ đưa ra một kịch bản, trong đó năng lực xét nghiệm sẽ được tăng dần lên 200.000 ca xét nghiệm mỗi ngày vào cuối tháng Tư tới. Theo Bộ trưởng Y tế Jens Spahn, 300.000 đến 500.000 xét nghiệm virus corona mỗi tuần có thể thực hiện được hiện nay.
Chỉ với số lượng xét nghiệm gia tăng đáng kể và cách ly triệt để người nhiễm bệnh, hậu quả về trường hợp xấu nhất có thể được ngăn chặn, theo kết luận.
Do đó, phương pháp trước đó theo phương châm “Chúng tôi xét nghiệm để xác nhận tình hình” phải được thay thế bằng phương pháp “Chúng tôi xét nghiệm để biết trước tình hình”.
Về việc này, Hàn Quốc là một hình mẫu “ấn tượng”. Tài liệu chiến lược viết: Khác với Trung Quốc, Hàn Quốc đã không ban hành lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, để có thể xét nghiệm trên diện rộng, cần phải có các giải pháp sáng tạo.
Kìm hãm dịch bệnh trong nhiều năm mà ít tốn kém là khả thi
Để bảo vệ nhân viên y tế không bị lây nhiễm, người dân nên tự lấy mẫu quệt trong cổ họng, ví dụ như tại các trạm xét nghiệm “Drive-ins” (sáng kiến của Hàn Quốc: Tài xế được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ngay trên xe) hoặc các trạm điện thoại được dùng làm trạm xét nghiệm. Tuy nhiên, điều này gây tranh cãi giữa các chuyên gia bởi vì khi tự lấy mẫu, người ta thường không đưa que vào đủ sâu trong cổ họng.
Để tạo điều kiện tìm kiếm dễ dàng tất cả những người đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh cần phải có các giải pháp lâu dài và dựa trên máy tính, thậm chí ứng dụng “theo dõi vị trí” của điện thoại di động nên được sử dụng.
Tất cả những người có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ phải bị cách ly tại nhà hoặc trong cơ sở kiểm dịch.
Tài liệu viết: Cho đến khi nào các biện pháp này được thực hiện, thì “nó có thể ngăn chặn lập tức sự bùng phát dịch bệnh mà tương đối ít tốn kém trong khoảng thời gian nhiều năm. Dịch bệnh này có khả năng bùng phát hết lần này đến lần khác”.
Dân chúng phải được huy động
Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức Horst Seehofer đã ủy thác nghiên cứu vào ngày 18 tháng 3 từ bộ phận chính sách của Bộ này. Nghiên cứu được hình thành trong vòng vài ngày với sự giúp đỡ của Viện RKI (Viện dịch tễ Robert Koch của Đức tại Berlin) và các chuyên gia khác, kể cả từ các trường đại học nước ngoài. Tài liệu này đã được trình lên Thủ tướng Angela Merkel, Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer và Bộ trưởng Y tế Jens Spahn.
Theo quan điểm của các tác giả, điều mang tính quyết định cho sự thành công là Chính phủ Liên bang thực hiện được việc huy động người dân.
Tài liệu nói rằng, do đó cần phải thuyết phục mọi người nhiều hơn trước về mức độ nghiêm trọng của tình hình và gạt bỏ những hình dung sai lầm phổ biến, chẳng hạn như virus chỉ ảnh hưởng đến người già hoặc vô hại với trẻ em.
Theo các chuyên gia, tất cả người dân nên nhận ra rằng, họ cũng có thể bị sa vào một tình huống bi thảm, ví dụ người thân bị bệnh nặng có thể bị khước từ vì các bệnh viện quá đông. Do đó, một “chiến dịch tuyên truyền và huy động khắp nước Đức và minh bạch” là cần thiết.
“Che giấu ‘trường hợp xấu nhất‘ không phải là một lựa chọn”
Các tác giả của tài liệu này cho rằng, tỷ lệ tử vong và những người bệnh nặng cao hơn nhiều so với tỷ lệ của Viện RKI. Ví dụ, trong khi Viện RKI giả định rằng 0,56% những người bị nhiễm ở Đức sẽ chết do virus corona, thì Bộ Nội vụ dự kiến tỷ lệ tử vong là 1,2%. Con số này phù hợp với các kịch bản mô tả trong tài liệu.
Là một phần của chiến dịch, các tác giả muốn đưa tất cả người Đức vào mục tiêu chung là tránh trường hợp xấu nhất, trong đó căn bệnh sẽ lây lan không được kiểm soát trong nhiều tháng, với nhiều người chết và có hậu quả lớn cho nền kinh tế và xã hội.
“Để huy động sức chịu đựng cộng đồng, che giấu trường hợp xấu nhất không phải là một lựa chọn”, tài liệu viết.
Thông thường các trò chơi mô phỏng thuộc loại này là các chuyên gia trải qua tình huống “Kịch bản xấu nhất”: Trong trường hợp này, các chuyên gia cho rằng nếu virus tiếp tục lây lan không được kiểm soát, tức là một kịch bản không có quy tắc giữ khoảng cách 1,5 mét, không đóng cửa trường học, không làm việc tại nhà và không có hạn chế đi lại, thì vào tháng 5 tới 80% bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt sẽ bị các bệnh viện từ chối.
Sau búa là đến khiêu vũ
Tuy nhiên, kịch bản tích cực nhất mà các tác giả của tài liệu nhắm đến có tên là “Búa và Khiêu vũ”. Điều đó có nghĩa là, trước nhất virus được kìm hãm với các hạn chế rời khỏi nhà và đóng cửa trường học, và như thế, số lượng các ca nhiễm sẽ giảm đáng kể trong vòng sáu tuần.
Sau giai đoạn của búa gỗ này, khoảng chừng cuối lễ Phục sinh, giai đoạn “nhảy múa” có thể bắt đầu: Vườn trẻ và trường học sẽ mở cửa lại, dịch bệnh sau đó được kiểm tra thông qua xét nghiệm với cường độ lớn, truy tìm những người tiếp xúc với người nhiễm bệnh và cách ly họ. Cuộc sống kinh tế và xã hội sau đó “phần lớn trở lại bình thường”, tài liệu viết.
Trong kịch bản này, sự sụt giảm trong tổng sản phẩm quốc nội có thể được giới hạn ở mức khoảng 4%, đó là “trường hợp tốt nhất” về kinh tế.
Tuy nhiên, nếu không có chương trình xét nghiệm rộng rãi, thì có thể xảy ra các kịch bản, trong đó khủng hoảng luôn lặp đi lặp lại như sóng biển, hoặc là sự kìm hãm lây lan một cách nhanh chóng bị thất bại thì biện pháp hạn chế rời khỏi nhà kéo dài trong nhiều tháng là cần thiết.