Còn biết tin ai về chuyên môn nữa?

Ngô Huy Cương

16-4-2020

Chỉ tại một công văn của Bộ Tư pháp, khi tôi đang dạy môn luật dân sự cho các em sinh viên năm thứ nhất về hành vi pháp lý mà Bộ luật Dân sự năm 2015 gọi thiếu khoa học là “giao dịch dân sự”, thì tôi nhận được một câu hỏi rằng: “Hành vi cam kết tài sản của vợ hoặc chồng mình là tài sản riêng của người đó có phải là hành vi pháp lý đơn phương không?”.

Tôi hỏi lại để làm rõ về nội dung câu hỏi thì em sinh viên đó giải thích rõ hơn như sau: Ví dụ anh A cam kết quyền sử dụng đất mà đã được cấp sổ đỏ chỉ đứng tên vợ anh ta (chị B) là tài sản riêng của chị B, thì cam kết đó của anh A có được xem là một hành vi pháp lý đơn phương không? Tôi trả lời là không nếu anh A không có mối quan hệ nào đối với tài sản đó (bởi từ bỏ một vật quyền là một hành vi pháp lý đơn phương). Em sinh viên này khẳng định với tôi rằng cam kết đó là một hành vi pháp lý đơn phương vì em đã xem một công văn của Bộ Tư pháp giải thích về vấn đề đó và em gửi công văn đó cho tôi xem.

Quá kinh sợ khi tôi xem Công văn số 463/PLDSKT-DS của Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế của Bộ Tư pháp về việc phối hợp trả lời nghiệp vụ gửi Thanh tra bộ ngày 18/7/2019 do ông Phó vụ trưởng Nguyễn Hồng Hải ký. Công văn có nội dung nguyên văn như sau:

“Theo qui định tại Điều 116 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015, “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. BLDS năm 2015 tuy không có quy định về khái niệm hành vi pháp lý đơn phương, nhưng thông qua khái niệm hợp đồng quy định tại Điều 385 có thể hiểu hành vi pháp lý đơn phương là sự thể hiện ý chí, cam kết của một bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Như vậy, việc một người đưa ra cam kết, xác nhận về tài sản, chẳng hạn xác nhận tài sản có được trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng của vợ/chồng mình mà không phải là của mình, là hành vi pháp lý đơn phương và là một dạng giao dịch dân sự” (mục 1 của Công văn).

Hành vi pháp lý đơn phương là một khoảng rộng và vô cùng phong phú, chẳng hạn nó bao gồm: Thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần một thành viên, để lại một di chúc, từ bỏ một vật quyền, thừa nhận một đứa con ngoài giá thú, quyết định chuyển giới, xác nhận một hợp đồng vô hiệu, đơn phương chấm dứt một hợp đồng, đề nghị giao kết hợp đồng..v..v.

Cho nên người ta không thể thiết lập cho nó một lý thuyết chung như hợp đồng. Vậy khi pháp điển hóa luật dân sự theo mô hình Đức (trường phái Pandectists), cần lưu ý rằng hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương chỉ có một vấn đề chung có tính chất nền tảng – đó là sự biểu lộ ý chí của đương sự làm phát sinh ra hậu quả pháp lý (có nghĩa là làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt một quyền lợi hay một quan hệ pháp lý hay quyền và nghĩa vụ). Rất đáng tiếc Bộ luật Dân sự năm 2015 pháp điển hóa theo mô hình Đức nhưng không giải quyết nền tảng đó đúng đắn theo đúng mô hình, tức là tại Chương nói về hành vi pháp lý ở Phần chung không có mục riêng về biểu lộ ý chí như mô hình, mà lại viết theo kiểu mô hình Pháp (trường phái Humanists).

Do đó tôi không lạ khi ông Nguyễn Hồng Hải (một thành viên tích cực của tổ soạn thảo trực tiếp Bộ luật Dân sự năm 2015) ký công văn như vậy. Tuy nhiên công văn đó không phân biệt được giữa việc cam kết xác nhận một sự thật và việc biểu lộ ý chí đơn phương làm phát sinh ra hậu quả pháp lý.

Tôi cho rằng: Có lẽ ông Nguyễn Hồng Hải đã thành cán bộ quản lý rồi nên bận quá không xem công văn do cấp dưới soạn thảo mà cứ ký đại, chứ ông ấy đâu có đến nỗi như vậy. Tuy nhiên nếu Thanh tra Bộ Tư pháp mà tin tưởng vào Công văn này để giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân thì phiền cho dân quá.

Bình Luận từ Facebook