Nghĩ về nguồn gốc khiến Đồng bằng sông Cửu Long đang “khát nước” cháy cổ

Vũ Kim Hạnh

17-3-2020

Lòng hồ tại trạm bơm Bình Phan (huyện Chợ Gạo), nơi cung cấp nước cho khoảng 8.500 ha đất trồng trọt ở địa phương đang cạn trơ đáy. Ảnh: VnExpress

Khi tôi đang đọc một loạt tài liệu về đề tài này thì sáng nay tôi bắt gặp một phóng sự ảnh hết sức sống động của VnExpess.net với câu kết:

… Giữa tháng 3, nước biển xâm nhập vào các con sông lớn ở miền Tây 50-110 km. Nguyên nhân do toàn lưu vực sông Mekong trong năm 2019 mưa thấp kỷ lục, cộng với tình trạng các đập thủy điện thượng nguồn trữ nước chạy các tuabin, khiến nước không về hạ nguồn. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến nay ghi nhận khoảng 20.000 ha lúa miền Tây bị mất trắng do hạn mặn, chiếm khoảng 7% so với năm 2016. Đợt hạn mặn lịch sử bốn năm trước (100 năm mới lặp lại) khiến 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trong số 13 tỉnh, thành phải công bố thiên tai.

Cuộc thảo luận về nhân tai và thiên tai làm hại dòng sông Mekong cũng đang rất sôi động. Có thực sự chuyện dòng Mekong cạn khô không liên quan gì đến các đập thủy điện Thượng nguồn sông Mekong của Trung Quốc mà do sự suy luận cảm tính, không có phân tích khoa học? Có thật do nguồn nước từ Trung Quốc chỉ chiếm 16% tổng lượng dòng chảy vào Mekong nên tác động của Trung Quốc vào dòng Mekong là không lớn?

Trên tay tôi là bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Ngô Thế Vinh của PV chuyên môi trường Lê Quỳnh đăng trên tạp chí Người đô thị “Phỏng vấn người đi dọc 4.800 km sông MeKong”. Tôi nghĩ về vấn đề này, chắc cần phải có loạt bài dài nên hôm nay chỉ bắt đầu bằng một số câu trả lời của ông Ngô Thế Vinh trích từ bài phỏng vấn này.

PV hỏi: Từ những dự cảm rất sớm về những hậu quả do các đập thủy điện gây ra trên dòng Mekong và cho ĐBSCL nói riêng, ông nhận định gì về thực trạng hiện nay?

TL. Chúng ta không thể đổ lỗi nạn hạn hán, xâm nhập mặn hết cho “thiên tai”, mà cần can đảm gọi cho đúng tên những yếu tố “nhân tai” bởi do chính con người gây ra qua suốt quá trình phát triển không bền vững và có tính tự hủy từ nhiều thập niên qua, đã làm gãy đổ sự cân bằng của cả một hệ sinh thái vốn phức tạp nhưng cũng hết sức mong manh của dòng Mekong.

Một chuỗi những tai ương do chính con người gây ra đó là:

(1) Phá hủy tự sát những khu rừng mưa trong toàn lưu vực. Những khu rừng mưa này có tác dụng như những tấm bọt biển khổng lồ giữ nước trong mùa mưa, xả nước trong mùa khô với chức năng điều hoà lưu lượng nước của dòng sông trong suốt hai mùa khô lũ, thì nay không còn nữa.

(2) Xây các con đập thủy điện không chỉ trên dòng chính mà ngay trên khắp các phụ lưu sông Mekong từ thượng nguồn xuống tới hạ lưu, và đáng kể nhất là chuỗi những con đập bậc thềm (Mekong Cascades) Vân Nam của Trung Quốc. Hồ chứa các con đập ấy không những chỉ giữ nước mà còn ngăn chặn phù sa như một dưỡng chất xuống vùng châu thổ ĐBSCL. Nguồn thủy điện cũng đưa tới kỹ nghệ hóa, đô thị hóa với trút đổ các chất phế thải xuống sông gây ô nhiễm nguồn nước sông Mekong.

(3) Còn phải kể tới kế hoạch Trung Quốc cho nổ mìn phá các ghềnh thác khai thông lòng sông Mekong để mở thủy lộ từ Vân Nam xuống xa tới Vạn Tượng, Trung Quốc đã làm biến dạng toàn dòng chảy, gây xói lở trầm trọng các khu ven sông.

(4) Cộng thêm những sai lầm về các kế hoạch thủy lợi tự phát ngay nơi ĐBSCL như be bờ ngăn đập rồi tới nạn “cát tặc” ngày đêm nạo vét lòng sông…

Tình trạng này gây thảm họa nhãn tiền: Nếu lụt thì sẽ rất lớn ngay mùa mưa, hạn hán sẽ gay gắt hơn trong mùa khô và nạn ngập mặn ngày càng lấn sâu vào trong đất liền. Như vậy chủ yếu là do các nguyên nhân nhân tai, nay cộng thêm với biến đổi khí hậu, El Nino… là phần thiên tai cộng thêm vào. Không gọi đúng tên, đổ hết cho thiên tai là một thái độ chối bỏ nguy hiểm của giới chức Việt Nam hiện nay.

PV hỏi: Trên dòng chính Mekong, Trung Quốc đã và vẫn tiếp tục xây đập thủy điện trên thượng nguồn, Lào xây đập dưới hạ nguồn, còn Thái Lan dẫn nước từ dòng Mekong vào ngay cả mùa khô… Trong tình hình ấy, điều ông lo ngại nhất là gì?

TL. Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, sau khi Trung Quốc hoàn tất hai con đập lớn nhất: Nọa Trác Độ (Nuozhadu) 5.850MW và Tiểu Loan (Xiaowan) 4.200MW, về tổng thể Bắc Kinh hầu như đã hoàn thành kế hoạch thủy điện của họ trên suốt nửa chiều dài con sông Lan Thương (Lancang – tên Trung Quốc của sông Mekong).

Theo Fred Pearce, Đại học Yale, con sông Mekong nay đã trở thành tháp nước và là nhà máy điện của Trung Quốc. Philip Hirsch, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sông Mekong thuộc Đại học Sydney nhận định: “Hai con đập khổng lồ Nọa Trác Độ và Tiểu Loan sẽ ảnh hưởng trên suốt dòng chảy của con sông Mekong xuống tới tận ĐBSCL của Việt Nam”. Chỉ với sáu con đập dòng chính hoàn tất, Trung Quốc đã đạt được công suất 15.150MW – nghĩa là hơn một nửa toàn công suất tiềm năng thủy điện của con sông Lan Thương. Với 8 dự án đập còn lại, và có thể sẽ còn thêm nhiều dự án mới nữa, Trung Quốc sẽ dễ dàng dứt điểm sớm trong vòng mấy thập niên đầu thế kỷ XXI.

Chúng ta không thể chỉ dựa vào một con số 16% lượng nước sông Mekong đổ xuống từ Trung Quốc, để bảo rằng ảnh hưởng chuỗi đập Vân Nam là không đáng kể. Xây chuỗi đập Vân Nam, Trung Quốc đã khởi đầu phá hủy sự cân bằng bền vững của toàn hệ sinh thái lưu vực sông Mekong. Dung lượng các hồ chứa Vân Nam ngoài khả năng giữ hơn 30 tỉ mét khối nước còn chặn lại một trữ lượng rất lớn phù sa không cho xuống tới ĐBSCL.

Thiếu nước, thiếu phù sa lại thêm ngập mặn với nước biển dâng, cả một vùng đất phì nhiêu ĐBSCL, cái nôi của một nền văn minh miệt vườn, có tương lai trở thành một vùng đất chết do sa mạc hóa.Điều gì đáng lo ngại nhất hiện nay?

(còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Thiên nhiên tự nhiên sinh ra vậy. Không có đấng tối cao nàoi tạo ra muôn loài cả. Phât pháp Khoa học ở chỗ không umee vì có sự hiện diênj của đấng tối cao Tự nhiên là vậy. Có hủy có thành. Không một đấng tối cao nào có thế xoay tròn lẽ tự nhiêntheo ý muốn của mình. Nếu có được theo ý, cũng là nhờ nơi tin vào hành pháp của Phật.
    Chốt lại: con người là quyết định tất cả. Thuận lẽ trời đất thì trời đất dung nạp

  2. Rất đúng. Khai thác cát (được chính quyền đồng lõa) cũng là nguyên nhân gần và trực tiếp. Thiếu nước ngọt phải khai thác nước ngầm cũng là nguyên nhân khiến mặt bằng bị hạ thấp.

    Rất mong loạt bài này sẽ làm sáng tỏ và định lượng được vai trò của các nguyên nhân.

    • Có lẽ bạn chưa biết về cây Cừ tràm. Nó giông như cây Sú vẹt ngoài bắc. Tôi quê ở Hảphong. Cây Sú vẹt, cây Cừ tràm ngăn mặn rất tốt. Tôi đã từng thấy bà cụ cắm từng cây que Cừ tràm ở miền Trung.
      Kẻ phá nhiều lắm, cụ già đi cắm từng que Cừ tràm. Bức tranh lột tả tất cả sự khốn nạn của bọn PHÁ HOẠI

  3. Khoan hãy nói tới thằng Tàu Khựa, trái đất nóng lên. Hãy nói tới bọn Cát tặc hoành hành 20 năm nay, trông đó phải kể tội bon QDDND là đầu trùm. Bọn Cừ tràm TẶC chắt đốn bừa bãi, khắp nơi đều đầy dãy VỰA CỪ TRÀM giao bán. Nổi tiếng với câu nói của ngài PG Đ côn an thành Hồ” nếu không có cát tặc thì sẽ không đủ cát để xây dựng”. Phá, phá, nào chúng ta cùng phá. Pháo pháo, nào chúng ta cùng Pháo sau khi không còn gì để Phá

  4. – Nhiệt độ trái đất tăng khiến băng tan làm nước biển dâng thật ra cũng do con người (khí thải – chủ yếu do Tàu và Mỹ). Đây là chuyện lâu dài. Còn nguyên nhân cấp thiết, sớm gây hậu quả là Tàu chặn dòng để làm thủy điện. Lào, Thái làm theo
    Nước ta ở cuối dòng, gần biển là nạn nhân
    – Nhiều người hiểu chung chung như vậy.
    Tội của đám cai trị đất nước là làm ngơ hoặc đối phó quá muộn.

    – Nhưng để hiểu đầy đủ, chi tiết, cụ thể… tôi sẽ theo dõi loạt bài này. Cám ơn tác giả rất nhiều

  5. “Một chuỗi những tai ương do chính con người gây ra đó là:…” Bọn độc tài cộng sản chị Kim Hạnh ơi!

Comments are closed.