Cập nhật: Diễn biến lây lan của virus corona ở Trung Quốc đang chững lại khi giới chức nước này duy trì các lệnh phong tỏa

New York Times

Người dịch: Châu Minh Dũng

19-2-2020

Trong khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hơn 150 triệu người dân nước này tiếp tục bị giam lỏng trong nhà của họ.

Hiện tại (*) các hành khách Mỹ trên du thuyền [Diamond Princess] bị cách ly ở Nhật Bản có thể trở về nhà ít nhất hai tuần nữa, theo C.D.C [Center for Disease Control – Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ]

Có thể được nhìn thấy hành khách trên tàu Diamond Princess ở cảng Yokohama thứ Ba tuần này. Ảnh: Athit Perawongmetha / Reuters

Các du khách Mỹ trên du thuyền Diamond Princess ở Nhật Bản sẽ không được phép về nhà trong ít nhất hai tuần nữa.

Hơn 100 người Mỹ không thể trở về nhà trong ít nhất hai tuần nữa, sau khi bị mắc kẹt trên du thuyền Diamond Princess ở Nhật Bản, một trong các ổ dịch của virus corona, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ nhận định như vậy hôm thứ Ba.

Quyết định trên diễn ra trong lúc các ca nhiễm bệnh trên tàu Diamond Princess tiếp tục gia tăng đều đặn, cho thấy những nỗ lực để kiểm soát sự lây lan ở đó dường như không hiệu quả.

Tính đến thứ Ba này, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo, có 542 trường hợp trên con tàu được xác nhận nhiễm bệnh. Con số này chiếm tới hơn một nửa các ca nhiễm bệnh được ghi nhận bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Đến thứ Tư [19/2/2020], số các ca nhiễm mới được xác nhận ở Trung Quốc dường như có dấu hiệu chững lại, ở mức 1.749. Diễn biến này nâng tổng số ca nhiễm bệnh được chính thức công bố ở nước này lên tới 74.185 ca. Con số tử vong trong 24 giờ vừa qua được thông báo ở mức 136, nâng tổng số các ca tử vong do virus corona lên 2.004.

Đầu tuần này, chính phủ Mỹ đã cho hồi hương hơn 300 hành khách từ tàu Diamond Princess và đặt họ vào quy trình cách ly 14 ngày tại các căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước này.

Hôm thứ Ba, một số hành khách được cách ly nói trên cho biết, chính phủ Mỹ đã thông báo với họ, rằng một số người khác trong nhóm của họ lúc đầu có vẻ được xét nghiệm âm tính ở Nhật Bản, thì sau khi đặt chân lên nước Mỹ, lại có xét nghiệm dương tính với virus corona.

Hành khách trên tàu Diamond Princess đã được cách ly, nhưng không rõ họ đã cách ly như thế nào, hoặc liệu virus có thể tự lây lan từ phòng này sang phòng khác hay không.

Trung tâm dịch bệnh Hoa Kỳ bình luận hôm thứ Ba vừa rồi: “Dường như các biện pháp cách ly như vậy [bên Nhật Bản] vẫn chưa đủ để ngăn chặn sự lây nhiễm virus corona. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ tin rằng, tỷ lệ nhiễm bệnh mới trên tàu, đặc biệt là ở những người không có triệu chứng, cho thấy rủi ro đang diễn ra”.

Hành khách sẽ không được phép quay trở lại Hoa Kỳ cho đến khi họ rời tàu đủ 14 ngày, mà không có bất kỳ triệu chứng hay xét nghiệm dương tính nào đối với virus corona, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết.

Quyết định này áp dụng cho những người đã được xác nhận dương tính và đã nhập viện tại Nhật Bản, và cho cả những người vẫn còn trên tàu.

Virus corona đã lây nhiễm cho hơn 73.200 trường hợp ở Trung Quốc và trên thế giới. Nguồn: Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ/ NYT
Một người đàn ông đeo khẩu trang bên trong trụ sở Ngân hàng HSBC Hồng Kông hồi tháng trước. Ảnh: Anthony Wallace/ AFP/ Getty Images

Tổn thương kinh tế do dịch bệnh đang tiếp tục lan rộng

Tác động của dịch bệnh đến kinh tế tiếp tục lan rộng trong thứ Ba, với các bằng chứng mới xuất hiện trong lĩnh vực sản xuất, thị trường tài chính, hàng hóa, ngân hàng và các lĩnh vực khác.

HSBC, một trong những ngân hàng quan trọng nhất ở Hồng Kông, xác nhận, họ đã lên kế hoạch cắt giảm 35.000 việc làm và 4,5 tỉ Mỹ kim chi phí sau khi phải đối mặt với tác động bao gồm sự bùng phát dịch bệnh và nhiều tháng xung đột chính trị ở Hồng Kông. Ngân hàng này vốn có trụ sở ở London, bây giờ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc để tăng trưởng.

Hãng xe Jaguar Land Rover cảnh báo rằng, dịch bệnh do virus corona gây ra có thể sớm bắt đầu tạo ra các vấn đề trong sản xuất tại các nhà máy lắp ráp của họ ở Anh. Giống như nhiều nhà sản xuất ô tô khác, Jaguar Land Rover sử dụng các linh kiện được sản xuất tại Trung Quốc, nơi nhiều nhà máy đã phải ngừng hoạt động hoặc giảm năng suất; hậu quả là Fiat Chrysler, Renault và Hyundai đều đã ghi nhận sự gián đoạn trong chuỗi sản suất của họ.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm vào thứ Ba tuần này, một ngày sau khi Apple cảnh báo rằng họ sẽ không đạt được dự báo doanh số vì sự gián đoạn ở Trung Quốc. Các cổ phiếu gắn liền với những thăng trầm trong ngắn hạn của nền kinh tế đang xuống sức, như các cổ phiếu của ngành tài chính, năng lượng và công nghiệp, đều đang chịu mức thua lỗ nặng nhất.

Chỉ số S&P 500 đã giảm 0,3%. Lợi suất trái phiếu giảm, với trái phiếu kho bạc 10 năm đạt 1,56%, cho thấy các nhà đầu tư đang hạ thấp kỳ vọng của họ đối với tăng trưởng kinh tế và lạm phát.

Với phần lớn nền kinh tế Trung Quốc bị đình trệ, nhu cầu về dầu đã giảm và giá dầu đã xuống hôm thứ Ba, một thùng của hãng West Texas Intermediate được bán với giá khoảng 52 Mỹ kim.

Ở Đức, nơi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhu cầu máy móc và ô tô toàn cầu, một chỉ dấu chính cho thấy, tâm lý kinh tế xuống dốc trong tháng này, trong lúc triển vọng kinh tế suy yếu.

Một tình nguyện viên ở Bắc Kinh đang đứng gác trước một con hẻm vào thứ Ba tuần này. Ảnh: Gilles Sabrie gửi đến NYT

Hơn một phần mười dân số Trung Quốc đang bị giam lỏng trong nhà của họ

Ít nhất 150 triệu người Trung Quốc – hơn 10% dân số nước này – đang sống dưới sự kiểm soát của chính quyền về tần suất họ có thể rời khỏi nhà của họ, báo New York Times ghi nhận.

Hơn 760 triệu người dân Trung Quốc sống trong các cộng đồng đã bị áp đặt một số biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với người dân, như kiểm soát việc cư dân đến và đi, trong khi giới chức cố gắng ngăn chặn dịch bệnh. Con số lớn này đại diện cho hơn một nửa dân số đất nước, cũng khoảng 1/10 số người đang sống trên hành tinh này.

Các biện pháp kiểm soát của Trung Quốc có mức độ nghiêm ngặt, đa dạng. Một số khu phố chỉ yêu cầu cư dân xuất trình chứng minh nhân dân, ký tên và kiểm tra nhiệt độ khi họ vào. Trong khi những nơi khác cấm hẳn cư dân đưa người ngoài vào.

Nhưng ở những nơi có chính sách nghiêm ngặt hơn, chỉ một người trong mỗi hộ gia đình được phép rời khỏi nhà tại một thời điểm nhất định và không cần thiết phải ra khỏi nhà mỗi ngày.

Tại một quận thuộc thành phố Tây An, chính quyền chỉ cho phép người dân rời khỏi nhà ba ngày một lần để mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Việc mua sắm này không được phép kéo dài hơn hai giờ.

Hàng chục triệu người khác đang sống ở những nơi mà các quan chức địa phương đã “khuyến khích” các cộng đồng của họ hạn chế người dân có khả năng rời khỏi nhà họ.

Du thuyền Diamond Princess đang bị cách ly và neo đậu tại cảng Yokohama hôm thứ Ba. Ảnh: Kyodo News/ AP

Nhật Bản cho biết, có 500 người sẽ được phép rời khỏi tàu Diamond Princess, ngay cả sau khi nhiều trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận

Khoảng 500 người sẽ được phóng thích hôm thứ Tư từ một du thuyền được cách ly, hiện đang là một ổ dịch trong đợt bùng phát, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo, nhưng đang có sự nhầm lẫn về kế hoạch này.

Bộ này cho biết, chỉ những người đã thử nghiệm âm tính và không có triệu chứng mới được phép rời khỏi Diamond Princess, con tàu vốn đã đậu ở cảng Yokohama từ ngày 4/2 đến nay.

Các nhà chức trách Nhật Bản cho biết, có 2.404 người trên tàu đã được kiểm tra virus. Trước đó, Bộ Y tế thông báo rằng có 88 ca nhiễm bệnh khác đã được xác nhận, nâng tổng số các ca nhiễm trên tàu này lên tới 542.

Úc có kế hoạch hồi hương khoảng 200 công dân của họ trên tàu vào thứ Tư và các quốc gia khác cũng có kế hoạch tương tự. Các quan chức Nhật Bản không cho biết liệu có bất kỳ công dân nước ngoài nào được đưa vào diện di tản trong số 500 người sẽ được phép rời khỏi tàu này.

Kế hoạch phóng thích này trùng với thời điểm hết hạn cách ly hai tuần đã được áp đặt trên tàu trước đó, nhưng không rõ liệu đó có phải là lý do để các du khách được phép rời tàu. Có hơn 300 công dân Mỹ trên tàu đã được di tản trong tuần này trước khi hết hạn cách ly.

Một số chuyên gia y tế công nói rằng thời gian cách ly 14 ngày chỉ có ý nghĩa nếu nó bắt đầu với lần nhiễm bệnh gần đây nhất mà một người có thể đã bị phơi nhiễm – nói cách khác, các trường hợp mới vẫn tiếp tục chịu bị rủi ro phơi nhiễm và nên khởi động lại đồng hồ cách ly (ND: Nghĩa là phải liên tục cộng dồn thời gian cách ly nếu phát hiện có người nhiễm mới, vì không rõ họ nhiễm từ lúc nào và nguồn nào).

Bên cạnh đó, nhiều người nhiễm bệnh đã được kiểm nghiệm âm tính lúc đầu, nhưng rồi phát hiện dương tính mấy ngày sau đó, sau khi có triệu chứng bệnh. Thông báo của phía Nhật Bản cho thấy những người Nhật được phóng thích sẽ không bị cách ly, một quyết định mà giới chức nước này không giải thích.

Giám đốc của một bệnh viện ở Vũ Hán đã chết vì virus

Giám đốc một bệnh viện ở Vũ Hán, thành phố ở trung tâm dịch bệnh, đã qua đời hôm thứ Ba vừa qua, sau khi nhiễm virus corona, là trường hợp mới nhất trong một loạt các chuyên gia y tế qua đời vì bệnh dịch.

BS Lưu Trí Minh, 51 tuổi, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh và là giám đốc bệnh viện Vũ Xương ở Vũ Hán, đã chết ngay trước 11h sáng thứ Ba, Ủy ban Y tế Vũ Hán cho biết.

“Từ khi dịch bệnh bùng phát, đồng chí Lưu Trí Minh, xem nhẹ sự an nguy của bản thân mình, đã lãnh đạo các nhân viên y tế của Bệnh viện Vũ Xương ở tuyến đầu của cuộc chiến chống lại dịch bệnh”, ủy ban nói trên cho biết.

Các nhân viên y tế Trung Quốc đi đầu trong cuộc chiến chống lại virus thường trở thành nạn nhân của nó, một phần là do những sai lầm của chính quyền và các rào cản hậu cần. Sau khi virus xuất hiện ở Vũ Hán cuối năm ngoái, các nhà lãnh đạo thành phố đã tìm cách nói giảm nói tránh về nguy cơ thật sự của loại virus này.

Tuần trước, chính phủ Trung Quốc thông báo, có hơn 1.700 nhân viên y tế đã nhiễm virus và 6 người đã chết.

Cái chết gần hai tuần trước của BS Lý Văn Lượng, một bác sĩ nhãn khoa, là người lúc đầu bị khiển trách vì đã loan tin cảnh báo các bạn học cùng trường y của anh về virus, đã khuấy động nỗi đau và sự tức giận. BS Lý, 34 tuổi, đã nổi lên như một biểu tượng về các nhà chức trách kiểm soát thông tin, đã chuyển sang đàn áp những lời chỉ trích trên mạng và tìm cách báo cáo tích cực về tình hình dịch bệnh.

Một quán rượu ở Anh đã chìm ngập trong các cuộc gọi sau khi có một người bị gọi là “kẻ siêu truyền bệnh” đã đến nơi này. Ảnh: Glyn Kirk / AFP/ Getty Images

Rất ít trường hợp ở châu Âu, nhưng đầy sự kỳ thị

Chỉ với 42 trường hợp nhiễm virus corona được xác nhận ở châu Âu, lục địa này đối mặt với sự bùng phát ít nghiêm trọng hơn nhiều so với Trung Quốc. Nhưng những người và những nơi liên quan đến căn bệnh này đã phải đối mặt với sự kỳ thị, và nỗi sợ hãi virus vẫn đang lây lan.

Một người đàn ông người Anh bị dương tính với virus này đã bị gắn mác “kẻ siêu truyền bệnh”, và mọi đường đi nước bước của anh này đều được truyền thông địa phương thuật lại chi tiết.

Ở Pháp, hoạt động kinh doanh giảm mạnh tại một khu trượt tuyết được xác định là hiện trường của một số ca truyền nhiễm virus.

Và sau khi một số nhân viên của một công ty xe hơi của Đức bị phát hiện nhiễm virus, con của các công nhân khác đã phải rời khỏi trường học, mặc dù có kết quả xét nghiệm âm tính.

TS Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới, đã cảnh báo cuối tuần trước về những nguy hiểm của việc để nỗi sợ hãi vượt qua sự thật.

“Chúng ta phải được dẫn dắt bởi sự đoàn kết, chứ không phải bởi sự kỳ thị”, TS Tedros nói trong một bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich. Ông nói, nỗi sợ có thể cản trở những nỗ lực chống lại sự bùng phát dịch bệnh: “Kẻ thù lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt không phải là virus. Mà chính là sự kỳ thị khiến chúng ta chống lại nhau”.

Một công nhân nhập cư từ Manila sau khi lấy hành lý từ chuyến bay mà cô không được phép lên. Ảnh: Hannah Reyes Morales gửi đến NYT

Công nhân giúp việc nhà từ Philippines sẽ được phép trở lại Hồng Kông

Philippines đã dỡ bỏ lệnh cấm đi lại đối với công dân giúp việc nhà ở Hồng Kông và Ma Cao, giới chức nước này xác nhận hôm thứ Ba vừa rồi.

Quốc gia này đã ban hành lệnh cấm trên từ ngày 2/2 đối với việc đi và đến từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Ma Cao, ngăn cản người lao động nước này đi làm việc ở những nơi đó.

Chỉ riêng Hồng Kông là nơi sinh sống của khoảng 390.000 lao động nhập cư, nhiều người trong số họ đến từ Philippines. Lệnh cấm đi lại đã khiến nhiều người lo lắng về viễn cảnh mất thu nhập đột ngột.

Hôm thứ Ba, nhà chức trách ở Hồng Kông tuyên bố rằng, một phụ nữ 32 tuổi người Philippines là trường hợp mới nhất ở Hồng Kông đã nhiễm virus, nâng số ca bệnh được xác nhận ở đây lên 61. Nữ phát ngôn viên của Bộ Y tế cho biết, người phụ nữ này là một người giúp việc nhà.

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte, nói rằng, các công nhân trở về từ Hồng Kông và Ma Cao sẽ phải “tuyên bố bằng văn bản rằng họ ý thức được sự rủi ro”.

Du khách đi dạo trong khuôn viên của Cung điện Gyeongbokgung ở Seoul, một điểm thu hút lượng lớn khách du lịch. Ảnh: Ed Jones / AFP/ Getty Images

Lãnh đạo Nam Hàn cảnh báo về tác động nghiêm trọng đối với nền kinh tế

Tổng thống Moon Jae-in của Nam Hàn đã cảnh báo hôm thứ Ba, rằng dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này, đang tạo ra một “tình huống kinh tế khẩn cấp”, và ra lệnh cho chính phủ của ông phải hành động để hạn chế tác động.

Tổng thống Moon nói trong cuộc họp nội các hôm thứ Ba: “Tình hình hiện tại tồi tệ hơn nhiều so với chúng tôi nghĩ. Nếu tình hình kinh tế Trung Quốc tiếp tục diễn biến trầm trọng, chúng ta sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất”.

Ông Moon chỉ ra khó khăn của các công ty Hàn Quốc trong việc nhận linh kiện từ Trung Quốc, cũng như dòng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh. Ông cũng cho biết, việc hạn chế đi lại làm tổn thương ngành du lịch Nam Hàn, nơi phụ thuộc rất nhiều vào du khách Trung Quốc.

“Chính phủ cần phải thực hiện tất cả các biện pháp đặc biệt có thể”, ông Mr. Moon nói, trong lúc ra lệnh phân bổ viện trợ tài chính và giảm thuế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu tổn thương nhiều nhất.

Một máy bay trực thăng khởi hành từ du thuyền Westerdam hôm thứ Ba, khi các nhà chức trách tiếp tục làm xét nghiệm trên các hành khách còn lại của tàu để tìm virus corona. Ảnh: Tang Chhin Sothy / AFP/ Getty Images

Các hành khách trên du thuyền [Westerdam] không được rời khỏi Campuchia

Các hành khách trên một du thuyền đã bị từ chối vào một sân bay khi họ cố gắng rời khỏi Campuchia hôm thứ Ba, giữa nỗi lo sợ rằng nước này đã quá lỏng lẻo trong việc đề phòng virus corona.

Du thuyền Westerdam trước đó đã bị năm cảng khác quay lưng vì lo ngại virus, nhưng Campuchia đã cho phép nó cập cảng hôm thứ Năm tuần trước. Thủ tướng Hun Sen và các quan chức khác đã ra chào đón và ôm hôn hành khách mà không mang khẩu trang bảo hộ.

Hơn 1.000 du khách đã được phép rời khỏi tàu này. Các quốc gia khác đã thận trọng chỉ ra; không rõ sau bao lâu những người nhiễm bệnh phát triển các triệu chứng và một số người lúc đầu kiểm tra âm tính với virus, ngay cả khi thật sự bị bệnh.

Hàng trăm du khách đã rời Campuchia và những người khác đã tới Phnom Penh, thủ đô nước này, để chờ chuyến bay về nhà.

Thứ Bảy tuần trước, một người Mỹ sau khi rời du thuyền đã được xét nghiệm dương tính với virus corona khi đến Malaysia.

Hôm thứ Ba, một số du khách đã đến sân bay nhưng rồi trở về khách sạn của họ. Không rõ liệu có hành khách nào đã bay ra khỏi [lãnh thổ Campuchia] không.

Tin trong bài tổng hợp này được cung cấp bởi Austin Ramzy, Isabella Kwai, Alexandra Stevenson, Hannah Beech, Choe Sang-Hun, Raymond Zhong, Lin Qiqing, Wang Yiwei, Elaine Yu, Roni Caryn Rabin, Richard C. Paddock, Motoko Rich, Daisuke Wakabayashi, Megan Specia, Michael Wolgelenter, Richard Pérez-Peña và Michael Corkery

_____

(*) Tin gốc cập nhật vào khoảng 9h sáng 19/2/2020

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Ít nhất 150 triệu người Trung Quốc – hơn 10% dân số nước này – đang sống dưới sự kiểm soát của chính quyền về tần suất họ có thể rời khỏi nhà của họ,”; “Hơn 760 triệu người dân Trung Quốc sống trong các cộng đồng đã bị áp đặt một số biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với người dân, như kiểm soát việc cư dân đến và đi, trong khi giới chức cố gắng ngăn chặn dịch bệnh. Con số lớn này đại diện cho hơn một nửa dân số đất nước,”
    -Ngày 16/2/2020, chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã ra chỉ thị nghiêm ngặt yêu cầu cộng đồng dân cư trong toàn bộ các khu vực từ thành thị đến nông thôn phải nghiêm túc thực thi việc quản lý khép kín 24/24 giờ, đảm bảo “không bỏ sót dù chỉ một hộ, không để lạc dù chỉ một người, không ngừng lại dù chỉ một ngày”. Vậy, nếu xem thời điểm ngày 16/2/2020 là thời điểm con virus corona bị ng dân TQ cách ly triệt để, đảm bảo ko lây nhiễm virus giữa những ng dân với nhau nữa, thì sau 14 ngày, những ng cuối cùng TQ bị nhiễm dịch virus corona sẽ phát bệnh là vào ngày 16/2/2020 + 14 = 1/3/2020. Với thời gian chữa trị từ 10 ngày đến 20 ngày, xem như ngày 20/3/2020 đất nc TQ dứt dịch bệnh viruscorona. Rất mong dc như vậy & ng dân TQ cũng cần quyết tâm phải làm dc như vậy.
    -VN đã cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2/2020. Học sinh, sinh viên đi học lại vào ngày 1/3/2020 là OK.

Comments are closed.