Thương mại và dân chủ hóa, bên trọng bên khinh?

Jackhammer Nguyễn

13-2-2020

Tiền không có mùi

Hiệp định thương mại tự do châu Âu và Việt Nam được Nghị viện châu Âu thông qua vào ngày 12/2/2020 với một tỉ số áp đảo.

Điều này không làm ngạc nhiên những người quan tâm tới thương mại, những người chống cộng sản nhưng chủ trương thay đổi chế độ một cách tiệm tiến bằng cách hợp tác với chế độ đó để cải tạo nó.

Nó có thể làm phật lòng một số người chủ trương cứng rắn, chủ trương phong tỏa nước Việt Nam cộng sản về mọi mặt.

Quyết định thông qua của Nghị viện châu Âu, cũng như việc lơ là không chỉ trích các vi phạm nhân quyền của chính phủ Mỹ trong mấy năm qua thực ra chỉ là một lý lẽ thông thường mà người phương Tây đã có từ thời … La Mã. Tương truyền rằng Hoàng đế La Mã, Nero, đã nói “Pecunia Non Olet”, Tiền thì không có mùi, khi ông cho dựng nhà xí công cộng để thu tiền cho ngân khố quốc gia.

Có ai dám nói rằng chủ nghĩa tư bản châu Âu, hay Mỹ, từ chối tiền Việt cộng? Pecunia Non Olet!

Năm 2020 này cũng là năm hai nước Việt – Mỹ kỷ niệm 25 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Từ 1995 đến nay luôn có cách tiếp cận cứng rắn như tôi đề cập ở trên, từ hải ngoại: Không gửi tiền về Việt Nam, không làm ăn với Việt Nam, không du lịch Việt Nam,… Kết quả hoàn toàn thất bại.

Người Mỹ làm ăn với Việt Nam ngày càng nhiều, người Việt tại Mỹ về Việt Nam cũng nhiều,… không những thế, những “người Việt cộng” sang Mỹ sinh sống, mua bán ngày càng nhiều, đến nỗi có những sự lo lắng rằng các khu như Little Sài Gòn sẽ bị… Việt cộng hóa!

Điểm lại những việc trên, cộng với việc thông qua EVFTA còn nóng hổi, để nói rằng Chủ nghĩa tư bản với cái lõi của nó là Pecunia Non Olet, quả là có rất nhiều quyền uy. Chủ nghĩa tư bản, cho tới giờ phút này vẫn là mô hình tốt nhất về kinh tế xã hội mà con người có được.

Cộng đồng người Việt tại Mỹ quả là rất phức tạp. Một mặt họ chạy trốn chủ nghĩa cộng sản để tìm tới chủ nghĩa tư bản, nhưng lại đòi hỏi một điều mà chủ nghĩa tư bản không thể làm được, đó là từ chối tiền! Pecunia Non Olet!

Đa số người Việt tại Mỹ bầu cho Donald Trump, bất chấp vấn đề đạo đức của ông này, nhưng lại mong muốn chủ nghĩa tư bản cư xử với Việt Nam cộng sản bằng một cách thức đầy đạo đức. Pecunia Non Olet!

Nhưng Việt Nam cộng sản hiện nay như thế nào?

Mới đây một giáo sư người Úc có viết trên BBC Việt ngữ rằng Đảng Cộng sản Việt Nam sở dĩ vẫn còn tồn tại, mặc cho bao chỉ trích, vì nó biết thay đổi (Việt Nam: Đảng Cộng sản tồn tại là nhờ biết điều chỉnh và thay đổi). Xã hội Việt Nam, dù vẫn là một xã hội không có nhân quyền, nhưng quyền tự do của dân chúng đã được nới rộng nhiều. Các chỉ trích cũng được lắng nghe để nhà cầm quyền thay đổi các chính sách.

Truyền thông trong nước và hải ngoại

Điều này thể hiện rất rõ qua mạng xã hội và các trang web chính thức của nhà nước Việt Nam. Trong các trang web này nhiều khi người ta thấy cả những bài viết mang tính phê phán rất mạnh, mà “hệ thống truyền thông hải ngoại”, thường chỉ trích chính quyền cộng sản, không đạt được.

Có lần trong một tiệm cà phê tại Mỹ, hai viên chức ngoại giao Việt Nam cười phá lên khi tôi đề cập tới các trang YouTube chỉ trích chính quyền Việt Nam. Một anh nói: Họ nói như là đúng rồi vậy, họ chẳng hiểu gì bên trong Việt Nam cả. Họ lắp ghép hình này ảnh kia, nhưng rồi thì chẳng ai tin nữa đâu.

Đã qua rồi thời mà một vụ bắt bớ ở Việt Nam lan ra được hải ngoại là một món hàng hiếm. Đã qua rồi thời mà Quốc hội Mỹ chủ trương thông tin đến người Việt trong nước những điều mà Hà Nội giấu giếm. Những món tiền lớn đã được người Mỹ chi tiêu cho thông tin để đánh sập Bức màn sắt Đông Âu đã có kết quả rõ ràng, nhưng đối với Bức màn tre Việt Nam cộng sản dường như không phải như thế.

Với sự mở rộng của truyền thông trong nước dù vẫn còn bị kiểm soát một cách ngặt ngặt nghèo bởi Đảng Cộng sản, các kênh thông tin được chính phủ Mỹ hỗ trợ để đưa tin về Việt Nam chỉ còn có việc… chép lại tin tức từ báo Việt Nam. Các bạn để ý mà xem, các bản tin ấy giống hệt các bản tin báo chí trong nước, giống cả người phỏng vấn nữa. Tệ hơn, văn phong cũng trở thành “văn phong Việt cộng” luôn!

Tôi vẫn cho rằng truyền thông từ hải ngoại vẫn có thể góp phần vào việc dân chủ hóa Việt Nam, nhưng không phải như cái cách… sao chép và … chửi đổng, hay tệ hơn là tung tin vịt, như hiện nay. Các bạn có thấy trang Tiếng Dân và một vài trang ít ỏi khác có những nguồn tin mà nhà nước cộng sản Việt Nam rất sợ đấy không? Vì đó là tin thật, không phải tin vịt!

Trở lại vấn đề “Bên tiền bên nghĩa bên nào nặng hơn”, mà tôi nêu ra bên trên, tôi nghĩ rằng chủ nghĩa tư bản vẫn có cái giới hạn đạo đức của nó, cái mà người ta đang tranh luận nhau rất dữ dội hiện nay tại Mỹ. Nhưng nếu đấu tranh cho dân chủ hóa Việt Nam mà đòi chủ nghĩa tư bản Mỹ hay chủ nghĩa tư bản châu Âu đừng nhận tiền thì quả là không tưởng. Pecunia Non Olet!

Còn chuyện “Việt cộng hóa” các khu Tiểu Sài Gòn ư? Tôi không lo ngại gì cả, vì chủ nghĩa tư bản sẽ đồng hóa những người Việt cộng ấy thôi.

Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Mình đã thử tìm hiểu một số lượng khoảng trên 10 người chung quanh ( và có thể nhiều hơn ), những người nầy đã học hết phổ thông hoặc cao đẳng, đại học, rằng họ có nghe hoặc đọc những bản tin của đài VOA hoặc BBC về tình hình và những hoạt động của CP CSVN hay không ? Kết quả là con số 0 tròn trĩnh, ai cũng bảo rằng bận làm ăn, kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình. Buổi tối , có nghe chút ít bản tin của VTV. Thế thì vô phương cứu chữa !!!

  2. Bài này có rất nhiều nhận định lỏng lẻo,có khi tác giả lại áp đặt vào tu duy và
    hành động của người khác những sự kiện giả tạo,không đúng với thực tế cho
    lắm.Chẳng hạn như không gửi tiển,không làm ăn buôn bán,không du lịch VN…
    “đều thật bại”.Thật ra,chỉ là lời kêu gọi hay nêu ra 1 chủ trương mà chưa đồng
    thuận để áp dụng bao giờ cả vào thực tế bằng hành động cu thể thì lấy đâu ra
    kết qủa mà nhảy vội vào kết luận là thất bại được cơ chứ ?
    Tác giả “không lo” gì cả khi VC.đang phát triển hoạt động để chiểm lĩnh khu
    vực mà những người tỵ nạn CS.đang sống trên đất Mỹ thì vô tình rơi vào cạm
    bẫy vật chất ngọt ngào của CsVN rồi đó bởi vì khi tác giả tỉnh ra thì đã bị “ăn
    mất hết,kiểu như thành phần thứ 3 đành tan rã hay chịu chết tức tưởi !
    CsVN.làm chủ cả nước VN.thì tất nhiên chính quyền những nước khác chỉ có
    thể làm ăn buôn bán để làm lợi cho nước họ,chứ họ không rôi hơi hay thừa
    đạo đức đển cứu giúp người dân nước khác ! Chuyện chính quyền các nước
    giao thiệp hay làm ăn với nhau là việc của họ còn người VN.trong hay ngoài
    nước có muốn nước mình dân chủ tự do hay không là việc của mình !

  3. Các bạn có thấy trang Tiếng Dân và một vài trang ít ỏi khác có những nguồn tin mà nhà nước cộng sản Việt Nam rất sợ đấy không? Vì đó là tin thật, không phải tin vịt!

    HAY

  4. Trích: “Còn chuyện “Việt cộng hóa” các khu Tiểu Sài Gòn ư? Tôi không lo ngại gì cả, vì chủ nghĩa tư bản sẽ đồng hóa những người Việt cộng ấy thôi.”

    Đồng ý với tác giả Jackhammer Nguyễn. Ngay tại Little Saigon, Nam Cali, cộng đồng người Việt tị nạn đang ghi nhận có “làn sóng Việt thứ ba” của các em sinh viên du học và các thương gia trong nước sang tìm cơ hội kinh doanh. Ai lo sợ thì cứ lo sợ, nhưng nhiều chủ doanh nghiệp sở tại như nhà hàng, siêu thị, văn phòng luật sư và phòng mạch bác sĩ đang thở phào nhẹ nhõm vì số khách hàng gốc Việt hứa hẹn không giảm mạnh sau khi các thế hệ 1.0 và 1.5 già và ra đi.

  5. Trích: “Với sự mở rộng của truyền thông trong nước dù vẫn còn bị kiểm soát một cách ngặt ngặt nghèo bởi Đảng Cộng sản, các kênh thông tin được chính phủ Mỹ hỗ trợ để đưa tin về Việt Nam chỉ còn có việc… chép lại tin tức từ báo Việt Nam. Các bạn để ý mà xem, các bản tin ấy giống hệt các bản tin báo chí trong nước, giống cả người phỏng vấn nữa. Tệ hơn, văn phong cũng trở thành “văn phong Việt cộng” luôn!”

    Điển hình là RFA, một bản tin của đài này thường chỉ tóm tắt một bản tin của báo trong nước, cùng lắm là sửa chữa vài từ, loại bỏ vài cách dùng chữ rườm rà cố tật của báo chí trong nước. Nhưng không thể trách được, vì cộng tác viên của RFA ở trong nước không đủ để bao giàn mọi diễn biến thời sự hàng ngày. Trình độ của người viết tin cho RFA từ trong nước cũng không thể ngang bằng với tiêu chuẩn của nền báo chí phát triển ở Mỹ. Còn những người soạn lại tin cho RFA đang sống ở hải ngoại thì không thể tự viết tin vì không có mặt tại chỗ.

    “Văn phong Việt cộng” từng được người Việt “cũ” đang sống trong nước mô tả là “văn phong cán bộ” áp đặt bởi hệ thống báo cáo trong đảng, đoàn thể và cơ quan. Quả thật là nhiều bài báo hiện ra không khác gì một bản báo cáo của một viên công an hay thư ký công ty. Nhưng tôi tin rằng một nền báo chí tự do chấp nhận cho tư nhân làm chủ báo có thể xóa bỏ được sự xuống cấp này, khi các tờ báo cạnh tranh để sinh tồn sẽ phải cách tân từ cung cách đưa tin, phạm vi khai thác cho đến văn phong.

    • Trích: “Điển hình là RFA, một bản tin của đài này thường chỉ tóm tắt một bản tin của báo trong nước, cùng lắm là sửa chữa vài từ, loại bỏ vài cách dùng chữ rườm rà cố tật của báo chí trong nước.“.

      Nhiều lúc tôi nghe RFA thấy kiểu đọc tin và cách dùng chữ của một số biên tập viên cứ như là “làm theo” chỉ thị của ban tuyên giáo ĐCSVN.

Leave a Reply to Ôi Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây