Dịch Vũ Hán và sự tắc trách của các lãnh đạo “mắc dịch” trong nước

BTV Tiếng Dân

1-2-2020

Sau hơn một tháng bệnh viêm phổi gây ra bởi chủng virus Corona mới (nCoV) bùng phát thành dịch, đến 7h45′ sáng 1/2/2020, số người nhiễm bệnh đã lên tới 11.938 người, số người tử vong là 259, theo bản đồ trực tuyến của Channel News Asia.

Ảnh chụp màn hình bản đồ trực tuyến virus Corona. Nguồn: CNA

Về tình hình lan truyền nCoV ở VN, báo Người Lao Động có bài tổng hợp các mốc thời gian: Bản đồ 15 ngày chống dịch do virus corona tại Việt Nam. Theo bài báo, từ ngày 16/1/2020, “Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có ý kiến chỉ đạo về dịch bệnh viêm phổi tại Trung Quốc và khả năng lây lan vào Việt Nam”.

Đến ngày 20/1, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 156/QĐ-BYT về Kế hoạch đáp ứng với bệnh Viêm phổi cấp do nCoV. Ngày 23/1, Bộ Y tế công bố 2 bệnh nhân nam người Trung Quốc điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy dương tính với nCoV.

Nói cách khác, từ lúc Phó Thủ tướng lưu ý về nCoV đến khi Bộ Y tế công bố 2 trường hợp người TQ nhiễm bệnh đang điều trị ở TP HCM, lãnh đạo CSVN có một tuần để đóng cửa biên giới với TQ. Nhưng họ đã không làm, vẫn để khách TQ thoải mái ra vào VN, bất chấp các cảnh báo từ người dân, nên chính quyền Việt Nam bị chỉ trích ứng phó chậm

Ngày 28/1, Chính phủ CSVN thừa nhận, 11 tỉnh, thành ở Việt Nam dễ xuất hiện virus corona mới. Các tỉnh, thành này gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Kiên Giang. Nói cách khác, nguy cơ bùng phát dịch nCoV đã có mặt khắp 3 miền, trong đó miền Bắc với nhiều tỉnh, thành có người nhiễm nCoV nhất. 

Đến chiều 30/1/2020, Bộ Y tế thông báo, đã xác định 3 người Việt nhiễm vi rút Corona, báo Thanh Niên đưa tin. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cả 3 người VN này đều trở về từ vùng dịch Vũ Hán: “Một ca đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Thanh Hóa; 2 trường hợp còn lại đang cách ly và điều trị tại cơ sở 2 của BV Bệnh nhiệt đới T.Ư tại Hà Nội”.

Trước thông tin này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Cần cấm hẳn đi lại đường mòn lối mở. Dừng đưa người Việt Nam qua Trung Quốc lao động và ngược lại. Ngừng các hoạt động đưa tour, tuyến du lịch qua lại. Ngành hàng không không đưa, đón máy bay các điểm có dịch đến Việt Nam và ngược lại. Ngừng cấp visa cho khách du lịch Trung Quốc. Không khuyến khích giao thương buôn bán cửa khẩu lúc này”.

Kể từ khi dịch n-CoV bùng nổ ở Vũ Hán, đã có hàng vạn lượt du khách TQ thoải mái ra vào VN, đồng thời cũng có hàng vạn người Việt qua lại giữa VN và TQ. Nhưng Việt Nam quyết không đóng cửa biên giới với Trung Quốc. Mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố: Chống dịch như chống giặc, thế nhưng họ vẫn mở cửa để cho giặc tràn vào. Lý do vì sao?

Bộ trưởng Phạm Bình Minh thừa nhận, giữa VN và TQ “có hiệp định biên giới, chỉ đóng cửa khi xuất hiện vấn đề an ninh, dịch bệnh, nhưng phải có thoả thuận giữa Chính phủ hai nước và báo trước 5 ngày nên một bên không thể đơn phương áp dụng. Có vẻ như, chính phủ này lo sợ làm mất lòng TQ hơn sợ dịch!

Chiều qua, Thủ tướng cho biết, chính phủ đã viện trợ nửa triệu USD giúp Trung Quốc chống dịch virus corona. Thủ tướng quyết định viện trợ bằng hàng hóa, vật dụng y tế trị giá khoảng 500.000 USD để giúp Trung Quốc chống dịch virus corona. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã vận động viện trợ hàng hóa cho TQ giá trị 100.000 USD.

***

Một con số đáng lo khác: Việt Nam cách ly gần 100 người nghi nhiễm virus Corona nCoV, theo báo Tuổi Trẻ Thủ Đô thống kê. Có 97 trường hợp cách ly, trong đó “có 65 trường hợp xét nghiệm âm tính với virus nCoV, 32 trường hợp còn lại tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ. Ngoài ra, có 43 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho nhưng vẫn được cách ly theo dõi do có tiếp xúc gần với người nghi ngờ nhiễm virus nCoV”.

Trở lại tình hình chiều 31/1/2020, Bộ Y tế khuyến cáo, chưa cần nghỉ học nhưng không đến nơi đông người, theo VietNamNet. Bộ này thông báo, không có việc thì người dân không nên đến chỗ đông người, không đi du xuân, không nên tổ chức hội họp, có thể thay bằng họp trực tuyến, không tổ chức lễ hội: “Giờ chưa cấm nhưng dịch đã đến đâu, các bộ ngành sẽ căn cứ mức độ lây lan, tình hình dịch bệnh để tư vấn cho Chính phủ có khuyến cáo đến đó”.

Rõ ràng đây là khuyến cáo “nửa nạc, nửa mỡ”, cảnh báo nguy cơ lây bệnh ở chỗ đông người nhưng vẫn chưa dứt khoát cho học sinh nghỉ học. Một đặc điểm nguy hiểm của nCoV là thời gian ủ bệnh có thể tới 10 ngày, trong thời gian ủ bệnh thì bệnh nhân hầu như không có triệu chứng nhưng vẫn có thể lây cho người khác. Nghĩa là các trường học tại 11 tỉnh, thành có nguy cơ nhiễm nCoV đều có khả năng trở thành ổ dịch. 

Nhận định về tình hình lây nhiễm nCoV ở Việt Nam

Lãnh đạo CSVN đã có nhiều quyết định sai lầm qua vụ chống dịch virus Corona, nhưng sai lầm nghiêm trọng nhất họ không dám đóng cửa biên giới, để dịch tràn vào VN. Họ đã lưu ý về dịch bệnh này từ ngày 16/1 nhưng đến thời điểm này, sau hơn 2 tuần, họ vẫn chưa chịu đóng cửa biên giới mà chỉ hạn chế giao thông, giao thương.

Dịch nCoV còn làm lộ ra một vấn đề còn nghiêm trọng hơn, đó là sự lệ thuộc của Việt Nam quá sâu vào Trung Quốc khi VN không có toàn quyền quyết định ở khu vực biên giới tiếp giáp TQ. Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đối với virus Corona, mặc dù dịch bệnh này đe dọa tính mạng người dân và có thể đe dọa bản thân của lãnh đạo đảng CSVN, nhưng họ không dám đóng cửa khi chưa được sự đồng ý của Trung Quốc!

Khuyến cáo

Sau đây là khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế dành cho người dân (Nguồn: Báo NLĐ):

Chuyên gia WHO hướng dẫn đeo khẩu trang y tế đúng cách phòng dịch bệnh:

Để hiểu thêm về mức độ tiến hóa của nCoV so với các dòng virus Corona trước đây và sự nguy hiểm của chủng mới này, độc giả có thể đọc bài tổng hợp chi tiết của chuyên gia môi trường Nguyễn Đạt Ân: Liệu một trận dịch lớn đầy tiềm năng đang chờ ở phía trước? 

_____

Mời đọc thêm: Virus corona : Thêm 3 người nhiễm bệnh tại Việt Nam, số tử vong tăng nhanh ở Trung Quốc (RFI). – Hải Phòng chưa cho phép gần 100 người Trung Quốc vào xưởng làm việc (Zing). – Viêm phổi Vũ Hán: Bộ GD-ĐT nói gì về việc cho học sinh nghỉ học? (TN). – 5 người nhiễm virus Corona, Bộ Y tế khẳng định không giấu dịch (DT). – Bộ Y tế khuyến cáo không đến nơi đông người (VNE). – Vì sao Việt Nam chưa công bố tình trạng khẩn cấp? (VNN).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. 1/Điểm qua diễn tiến dịch virus corona dồn dập tại TQ trong tháng 1/2020:
    -Ngay từ đầu tháng 1/2020, dịch virus corona đã lây lan rộng tại Vũ Hán. Trong ngày 1/1/2020, thành phố Vũ Hán bắt giữ 8 người bị gọi là “lan truyền tin đồn”, những người này được xác nhận là bác sĩ ở tuyến đầu, trong đó có một người đã lây nhiễm virus và đã được cách ly.
    -Ngày 6/1/2020, chính quyền Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc cho phép Mỹ cử đội ngũ của CDC tới vùng tâm dịch, nhưng Bắc Kinh từ chối.
    -Ngày 12/1/2020, TQ công bố thông tin về dịch virus corona.
    -Ngày 23/1/2020 phong tỏa TP Vũ Hán. (lệnh phong tỏa TP chỉ sau 11 ngày công bố thông tin là minh chứng TQ đã trì hoãn công bố thông tin, công bố quá chậm trể do pó tay rồi?).
    -Ngày 26/1/2020, Thị trưởng Thành phố Vũ Hán đưa ra trong cuộc họp báo cho biết, có khoảng hơn 5 triệu người đã rời khỏi Vũ Hán trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực hôm 23/1.
    -Ngày 31/1/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố dịch nCoV là tình trạng y tế KHẨN CẤP TOÀN CẦU.
    -Ngày 1/2/2020, sau 03 lần từ chối yêu cầu hỗ trợ của Mỹ, Trung Quốc cuối cùng đã đồng ý cho phép các nhà chức trách Mỹ từ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh dịch (CDC) tham gia vào một cuộc điều tra về khủng hoảng sức khỏe toàn cầu do virus corona Vũ Hán lây lan nhanh chóng. Cùng ngày, Cục Hàng không Việt Nam công bố hủy toàn bộ phép bay đã cấp và tạm dừng cấp phép các chuyến bay mới cho các hãng hàng không Việt Nam và hãng hàng không nước ngoài khai thác giữa Việt Nam và Trung Quốc, Đài Loan, Ma Cao, Hồng Kông từ 6 giờ GMT (tức 13 giờ chiều theo giờ Việt Nam) ngày 1-2-2020 cho đến khi có thông báo mới.
    2/Mặt khác, thông tin từ Tổng cục Thống kê đưa ra ngày 29/1/2020 về lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2020 có lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam là 644.700 lượt người, tăng 72,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
    Kết luận:
    -VN có phản ứng quá chậm trong phòng chống dịch khi trong tháng 1/2020, tại TQ dịch diễn biến nguy hiểm dồn dập, còn Ta chưa ứng phó kịp thời mà vẫn tiếp nhận 644.700 lượt khách TQ theo lịch trình của các hãng du lịch?
    -Nếu tính từ thời điểm đóng cửa hàng không với Trung Quốc, Đài Loan, Ma Cao, Hồng Kông từ 6 giờ GMT (tức 13 giờ chiều theo giờ Việt Nam) ngày 1/2/2020 & thời gian ủ bệnh 14 ngày, có thể dự đoán số lượng ng phơi nhiễm tăng lên cao điểm xảy ra trong khoảng từ ngày 15/2 đến ngày 30/2/2020?
    -VN tạm dừng tất cả các sự kiện tập trung đông ng trong tháng 2/2020 là rất cần thiết nhằm chặn đứng ko phát sinh thêm ng bị lây nhiễm.
    -Những ng làm việc trong điều kiện tiếp xúc với nhiều ng (giáo viên, grab bike, giao thức ăn, phục vụ quán ăn, nấu nướng quán vỉa hè, bán vé số,….) cần cố gắng bảo vệ cơ thể phòng chống dịch bệnh thật tốt, tránh lây lan cho cộng đồng nếu chẵng may bản thân nhiễm bệnh.
    P/s: Ngày 1/2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Địa điểm và quy mô xảy ra dịch: Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa (đã có 6 trường hợp mắc bệnh).

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây