Cần một tầm nhìn mới: Tầm nhìn thế giới, nhân loại và thời đại (Phần 3)

Tạ Dzu

27-1-2020

Tiếp theo phần 1phần 2

Sống trong xã hội, người nào cũng có nghĩa vụ (duty, obligation) đóng thuế hay gia nhập quân đội ở hạn tuổi nào đó khi đất nước chiến tranh; bù lại, về già sẽ được hưởng quyền lợi (benefit) lương hưu, an sinh xã hội. Tuy nhiên, nếu cơ hội (opportunity) không bình đẳng, nghĩa vụ và quyền lợi công dân chưa đầy đủ ý nghĩa, tài sản (wealth) ngày càng tập trung vào tay một số ít, người giàu ngày càng giàu và càng có quyền, hố phân cách giàu-nghèo lẫn quyền lực chính trị ngày càng tăng, dễ trở thành mối đe dọa cho nền dân chủ (social unrest) như ta thấy hiện nay tại các quốc gia Âu Mỹ.

Trong ba điều, cơ hội, nghĩa vụ và quyền lợi, cơ hội là quan trọng nhất; trong đó bao gồm cả cơ hội chính trị lẫn cơ hội kinh tế. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền là làm thế nào để tạo được bình đẳng cơ hội (equal opportunity) cho mọi công dân, được Lý Đông A gọi là lập cước điểm – điểm đặt chân trước khi chạy, nhảy. Nếu lập cước điểm không bình đẳng, kết quả tranh tài thể thao bị bóp méo và không còn ý nghĩa.

Bình đẳng trong kinh tế và chính trị cũng thế.

Khi hệ thống chính trị chủ yếu dựa trên đảng phái mà không trên toàn dân, gần như chỉ ứng viên các đảng đưa ra trong các kỳ bầu cử là dễ thắng cử, ứng viên độc lập rất khó thắng, gần như không có cơ hội. Trong vụ án truất phế tổng thống hiện nay, dù ông Trump có tội hay không, nhiều người cho rằng ông sẽ vẫn trắng án vì tinh thần đảng phái cao hơn công lý. Điều đó cho thấy hệ thống chính trị nước Mỹ vẫn cần được sửa đổi. Thế nhưng dù giai tầng lãnh đạo bị khủng hoảng nhưng các địa phương vẫn yên ổn, mọi việc vẫn bình thường vì các địa phương được trao nhiều quyền – một hình thức có thể được xem là tự quản (self governance).

Lãnh vực kinh tế cũng tương tự. Người giàu có nhiều cơ hội hơn, nấc thang thăng tiến xã hội rộng mở hơn tầng lớp trung lưu và người nghèo nhiều lần. Chính sách quốc gia cần tạo cơ hội bình đẳng cho mọi thành phần xã hội để giảm chênh lệch giàu-nghèo quá đáng, nhờ đó giảm bớt nguy cơ tài sản và quyền lực tập trung vào tay một nhóm ưu tú nhỏ (elites, established).

Một nguyên tắc quan trọng khác khi thiết kế nền kinh tế quốc dân là làm thế nào để giáo dục nhân dân có thái độ phù hợp với lối sống, tâm tình Việt đối với tiền tài vật chất. Kinh tế cần dựa trên nhu yếu (necessity), không nên dựa trên lòng tham (greed) hay lòng ham muốn, dục vọng (desires). Người biết đủ là người biết dừng lại đúng lúc, không việc gì phải miệt mài khổ cực kiếm tiền. Tiền bạc của cải chỉ là phương tiện, không phải cứu cánh. Nếu còn trẻ chỉ lo cạnh tranh nhau khốc liệt làm giàu, cuối đời đau nhức bệnh tật hay con cái hư hỏng, chung quanh nhiều người không đủ sống hay phải đi ăn xin thì dù có ngồi trên đống bạc, cuộc sống cũng vô nghĩa. Lão tử khuyên: Tri túc giả phú – người biết đủ là người giàu có.

Cha ông ta khi xưa êm ấm, hạnh phúc với triết lý sống giản dị trong tình làng xóm, sớm tối có nhau – bán anh em xa, mua láng giềng gần chứ không ưa bon chen mà đánh mất đạo lý làm người. Chẳng hạn về nông nghiệp, cha ông có chính sách quân điền thời lạc chế: ruộng trong làng được chia thành từng khu chín ô vuông như cách cột bánh chưng: 8 ô chung quanh giao cho tám gia đình, ô ở giữa mọi người cùng chăm sóc để đóng thuế cho triều đình. Cứ ba năm là chia lại, mỗi hộ không còn làm ở mảnh ruộng cũ mà sang ruộng khác. Ai gặp phải ruộng xấu thì sau ba năm lại có thể được chia miếng đất tốt. Do đó mà ngày nay con cháu được truyền lại cách buộc bánh chưng đầy ý nghĩa với câu ca dao: không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời, có thể xem như một hình thức bình sản kinh tế – ai cũng có tài sản sinh sống mà không phải bon chen, chênh lệch giàu-nghèo quá đáng, lại sống với nhau trong tình thân ái.

Ngày xuân, thưởng thức bánh chưng hãy nhớ lời dặn của tổ tiên: chia sẻ, nâng đỡ thương yêu nhau, chị ngã em nâng, bầu bí chung giàn, nhiễu điều giá gương chứ đừng dẫm đạp lên nhau mà sống.

Khi cả xã hội đều sống theo ba nguyên tắc: tận kỳ sở năng, toại kỳ sở nhu, chính kỳ sở mệnh (làm hết năng lực, hưởng đủ nhu yếu, sống đúng, đủ phận mình – Lý Đông A) – thay thế cho các tận sở năng, các toại sở nhu (“làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”) của cộng sản (thiếu phần sở mệnh của cá nhân); tư bản khá hơn: mặc dù được tự do cạnh tranh và có hướng dẫn năng khiếu (aptitude test) để biết đặc tính cá nhân nhưng vẫn chưa đặt nặng công (để tư ích lấn át công ích sinh ra tư bản bóc lột) – thì con người không cần phải khai thác thiên nhiên quá đáng, cũng không mải mê thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhưng thải đầy khí độc vào bầu khí quyển, gây tác hại tiêu cực cho môi trường sống; không phí tiền của lẫn tài nguyên thiên nhiên để bảo trì những căn nhà to như lâu đài mà chỉ vài người sống, rộng tới vài ngàn thước Anh, hay tạo những chiếc xe trị giá vài trăm ngàn đô hay cả bạc triệu để lời nhiều.

Ngược lại, người dân các nước nghèo phải tối tăm mặt mũi cũng không đủ ăn, con cái không được học hành đàng hoàng, lại còn bị nạn độc tài trong nước hoành hành nên phải chạy trốn. Họ tràn vào các nước giàu có kiếm ăn, gây hoảng loạn tại các quốc gia Tây Âu; nước Mỹ qua vị tổng tư lệnh thì nhất quyết xây tường biên giới. Tường ngăn di dân lậu tuy đúng với nhiều người, nhưng cũng là bức tường lòng ngăn cản tình thương, tình đồng loại đến với nhau chỉ vì con người vẫn còn nhìn nhau xa lạ, vẫn sát phạt tranh giành nhau để mình được sống béo tốt hơn người khác. Thế mà hậu duệ của những người tinh khôn (homo sapiens) đã tự phụ là văn minh hơn hẳn các loài động vật thấp kém khác.

Thomas Piketty, tác giả cuốn Vốn Tư bản trong Thế kỷ 21 (Capital in the Twenty-First Century) cho rằng tài sản (nhà đất, vàng bạc, cổ phiếu…) được dùng làm vốn (capital) để đầu tư sinh lợi. Lợi tức từ những tài sản này có thể tăng nhanh hơn lương bổng nhiều lần (nhà đất, cổ phiếu có thể tăng tới 20% – 30% hay hơn một năm, trong khi lương bổng chỉ tăng 5%/năm). Tài sản và lợi tức này ngày càng tập trung vào một thiểu số ưu tú (giới giàu và trung lưu trí thức – elites), bỏ lại sau lưng đa số thuộc thành phần trung lưu vừa và thấp, thiếu bằng cấp chuyên môn, đại học, và những tầng lớp khác với số lương tăng chậm, đời sống ngày càng khó khăn. Phân cách giàu-nghèo do đó ngày càng tăng.

Kinh tế gia Richard Koo trong cuốn Mặt trái của Kinh tế Vĩ mô và Tương lai Toàn cầu hoá (The Other Half of Macroeconomics and the Fate of Globalization) nhận định rằng trong tiến trình toàn cầu hoá, các hãng xưởng di dời sang các nước nghèo nhằm khai thác lao động rẻ và luật lệ lỏng lẻo đã tạo ra lợi thế cho thành phần ưu tú thiểu số hơn là cho đại đa số còn lại.

Những việc làm mới trong các ngành nghề từ sáng tạo (innovation), thiết kế (design), đến dịch vụ (service) được trả lương cao như y tế, tài chánh, trong tiến trình toàn cầu hoá đều đòi hỏi trình độ đại học hoặc chuyên môn cao. Tự động hoá (automation) và trí thông minh nhân tạo (artificial inteligence) lại càng đẩy thành phần trung lưu vừa và thấp, lẫn các thành phần khác ra khỏi thị trường lao động, không kiếm được việc làm lương cao như trước giai đoạn toàn cầu hoá. Vì tuổi đã cao, họ khó có thể trở lại trường để được tái đào tạo. Thành quả kinh tế, do đó, ngày càng tập trung vào giới ưu tú toàn cầu (global elites) có vốn tư bản (capital) và trình độ chuyên môn rất cao.

Ông Richard Koo còn cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn toàn cầu hoá khiến các công ty đầu tư nước ngoài sẵn sàng dọn hãng xưởng sang các nước khác khi giá cả sinh hoạt và lương bổng nội địa tăng lên. Điều này làm cho giới công nhân từ các nước nghèo như Việt Nam, Phi, Nam Dương, Bangladesh…, nhất là những người di chuyển từ nông thôn ra thành thị kiếm việc, khó có thể tranh đấu cho quyền lợi của mình và cũng không có khả năng mua nổi nhà tại các thành phố đang được công nghiệp hoá, đành phải chịu sống trong các khu ổ chuột chật hẹp, tăm tối. Đó cũng là nguyên nhân rất khó để xây dựng thành phần trung lưu làm nền tảng cho chế độ dân chủ ở những nước đang mở mang, so với các quốc gia đã may mắn đi trước như châu Âu, Nhật, Hàn, Đài.

Toàn cầu hoá có ảnh hưởng tiêu cực tới các nước giàu Âu Mỹ không? Tất nhiên là có. Giới chủ nhân và nhà đầu tư khi mở hãng xưởng ở những nước nghèo để gia tăng lợi nhuận, họ phải đóng cửa các cơ xưởng sản xuất vốn từng là cái nôi nuôi dưỡng thành phần công nhân trung lưu, khiến thành phần này bị mất việc. Tình trạng đó đang gây ra xáo trộn chính trị tại các quốc gia Âu Mỹ và giới trẻ trở nên ưa thích các ứng viên cánh tả.

Hai tác giả với hai cách nhìn khác biệt nhưng bổ túc cho nhau, giúp lý giải các giai tầng trong xã hội Mỹ không còn giống như trước kia có hình bầu dục. Từ thập niên 70-80 trở về trước, thành phần trung lưu ở giữa chiếm đại đa số, hai đầu giàu-nghèo trên dưới, nhỏ. Ngày nay, nó là hình ảnh của một hình tam giác: 20% giàu nhất làm chủ và kiểm soát tới 90% tài sản; dưới đáy là 80% dân số còn lại, làm chủ chỉ 10%. Tác giả Thomas Piketty trong cuốn sách nói trên cho biết, hiện có cá nhân tài phiệt giàu bằng cả một quốc gia (trang 324, 471). Nền kinh tế tư bản trong giai đoạn toàn cầu hoá chắc chắn sẽ không bền vững nếu cứ vận hành theo cách thức hiện nay, đẩy chênh lệch giàu-nghèo ngày một tăng cao.

Giải pháp để giảm thiểu chênh lệch này của phương Tây là gì? Với những người thuộc cánh tả (Benie Sanders, Elizabeth Warren, hai ứng viên tổng thống 2020 của Mỹ) chủ trương đánh thuế luỹ tiến (progressive tax) lên tài sản và thu nhập của giới giàu, dùng tiền đó đầu tư vào an sinh xã hội, giáo dục, y tế, hạ tầng cơ sở… nhằm giúp đa số thuộc tầng lớp trung lưu và nghèo. Ngược lại, cánh hữu (Trump, Macron của Pháp, nếu xem là thuộc hữu phái) lại muốn giảm thuế để khuyến khích tư nhân đầu tư nhằm tạo ra hàng triệu việc làm mới.

Ngoài ra, theo giáo sư Raghuram Rajan tại phân khoa Kinh doanh Đại học Chicago, người từng là thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, thì chủ nghĩa Tư bản đương đại thất bại vì quá chú trọng đến hai trụ cột chính là nhà nước (the state), và thị trường (the market) – có thể xem là Wall Street, bỏ quên trụ cột thứ ba không kém quan trọng nhằm tạo thế cân bằng, đó là cộng đồng (the community – Main Street).

Giải pháp của hai phái tả, hữu nói trên là những cố gắng nhằm lấp bớt hố cách biệt giàu-nghèo, nhưng có vẻ cả hai chưa nhận ra những nguyên nhân đơn giản nhưng khá then chốt, hoặc nhìn ra nhưng chưa có giải pháp thích đáng. Đó là chưa tạo được cơ hội bình đẳng cho cả một cộng đồng dân tộc mà nghiêng quan tâm nhiều về phía nhà nước và thị trường, trong đó người giàu thường chiếm ưu thế hơn.

Chẳng hạn trong giáo dục, con cái các gia đình giàu có không phải nợ tiền học và dễ có cơ hội theo học tại các trường mắc mỏ, danh tiếng. Tốt nghiệp xong, những người này có thể kiếm được việc làm lương cao ngay. Ngược lại con nhà nghèo khó có thể kham nổi những trường với học phí cao (hiện nợ tiền học của sinh viên Mỹ là 1.5 ngàn tỷ). Gánh nặng nợ nần thường phải mất khoảng 10 năm mới trả hết, thực tế cho thấy phải mất đến 20 năm. Sự tiến thân trong xã hội của người giàu thuận lợi hơn người nghèo rất nhiều lần. Như vậy cơ hội giáo dục không bình đẳng.

Ví dụ khác là một người không bằng cấp đại học, sau một thời gian tận tụy học hỏi và làm việc, anh ta có thể giữ vai trò và được trả lương như một người tốt nghiệp đại học. Thuế suất thu nhập (tax bracket) của hai người bằng nhau. Tại sao lập cước điểm xuất phát khác nhau, nhưng nghĩa vụ lại như nhau? Điều cần lưu ý ở đây không hẳn là phải tranh đấu cho người không bằng cấp đóng thuế ít đi, mà là làm thế nào để tạo điều kiện cho lập cước điểm của mọi người ngang nhau, đều có cơ hội thăng tiến tương tự nhau.

Tiền đẻ ra tiền, người giàu ngày càng giàu và càng có quyền, hố phân cách kinh tế và chính trị ngày càng lớn. Khi một thiểu số giàu có nhàn nhã thụ hưởng lợi tức xã hội bằng thế lực chính trị và tài sản tích luỹ, cả nền dân chủ đại diện lẫn kinh tế tư bản dễ có khuynh hướng rơi vào khủng hoảng.

Đó là lý do tại sao Lý Đông A đề xuất nền kinh tế bình sản, phối hợp với hệ thống chính trị đan quyền trong sử thống Việt, từng được thực hiện dưới hai thời thịnh trị Lý-Trần (không phân quyền như Mỹ, cũng không quân quyền như Tàu) để con người sống trong tình thân ái, có thái độ thân thiện với môi trường (qua chính sách tham tán hoá dục do Lý tiên sinh đề ra), tránh được những khiếm khuyết tai hại của cả hai hệ thống tư bản lẫn cộng sản. Nền công nghiệp cần được quốc gia hoá, nghĩa là theo chính sách chung của quốc gia trên bốn hệ thống: quốc gia, địa phương, xã hội hợp tác và tư hữu (tiểu gia đình). Mục đích là làm thế nào để thực hiện tứ công (công lao, công bản, công phối, công độ) dựa trên tam phân (phân công, phân lợi, phân mệnh) nhằm bảo đảm bình đẳng cơ hội, bớt chênh lệch giàu-nghèo quá đáng.

Chúng ta mong mỏi những kinh tế gia gốc Việt nghiên cứu tài liệu Bình sản Kinh tế này nhằm sáng tạo một nền kinh tế cân bằng, tạo cơ hội thăng tiến đồng đều cho toàn thể quốc dân thời hậu cộng sản. Ông còn đề ra con đường tu dưỡng thắng nhân để quốc dân sống sao cho chừng mực, sống vui sống khoẻ, đối xử với nhau trong tình thân ái mà không phải lo âu quá đáng, dễ sinh những chứng bệnh kinh niên, nan y khó chữa.

Lý Đông A cho rằng Việt Nam có chu kỳ lịch sử 500 năm: 500 năm thịnh, 500 năm suy. Dân tộc ta đang ở cuối thời kỳ suy thoái 500 năm vừa qua (hậu Lê, Nguyễn, Tây thuộc, Cộng sản thuộc), đang tiến dần vào giai đoạn chuyển tiếp sang 500 năm hưng thịnh sẽ tới (Đại Việt 2000).

Điều này không thể xảy ra nếu những người cộng sản vẫn còn mê muội ôm chặt, không rời bỏ chủ nghĩa Mác-Lê, trở về với dân tộc để cùng bắt tay nhau, tập đại thành tinh hoa văn hoá Đông-Tây, cổ-kim nhân loại, cộng với đạo thống Tiên Rồng làm nền tảng cho thời kỳ hoàng kim 500 năm sắp tới.

Thời tiền hưng thịnh Đại Việt 1000, cha ông ta đã tổng hợp và thống nhất những chia rẽ về chính trị (thập nhị sứ quân) và văn hoá (du nhập tam giáo, đạo thống Tiên Rồng lu mờ) nhằm sáng tạo ra mô hình kiến thiết mới cho Đại Việt Lý-Trần. Tương tự như vậy, từ thời Pháp thuộc (Tây phương thuộc) đến cộng sản thuộc (cũng từ phương Tây đến), hiện chúng ta lại đang bị chia rẽ do hậu quả của quốc tế phân tranh, vừa về chính trị (quốc-cộng, kinh-thượng) lẫn văn hoá (chia rẽ tôn giáo, bản sắc dân tộc bị chìm nghỉm và triệt tiêu).

Giai đoạn vừa qua đầy nhiễu nhương nhưng cũng tạo ra cơ hội mới. Trên phương diện địa lý, cha ông ta đã tiến về phương Nam tới tận mũi Cà Mau, nay lại có cả một cộng đồng người Việt đang lớn mạnh tại hải ngoại. Về mặt văn hoá, ngoài việc hoà nhập văn hoá Chàm và Chân Lạp, chúng ta còn tiếp thu thêm văn hoá phương Tây. Nhiều nền văn minh lớn qua đạo giáo đã hội tụ tại Việt Nam: Phật, Lão, Khổng Đông phương, Cơ đốc giáo Tây phương; các quốc gia hùng mạnh cũng đều đã góp mặt: Trung, Pháp, Mỹ, Nga, Nhật.

Những người cộng sản cần phải nhanh chóng thức tỉnh, thấy được trào lưu thế giới, nhân loại và thời đại mà mạnh mẽ dứt khoát từ bỏ Mác-Lê-Mao-Hồ (Hồ ẩn sơn trung mao tận bạch – Nguyễn Bỉnh Khiêm) để cùng quốc dân, thanh niên và trí thức trong, ngoài nước tổ chức những cuộc hội thảo sâu rộng nhằm tìm ra giải pháp đột phá, vượt trên tranh chấp quốc tế hoá do tư bản lẫn cộng sản để lại (quốc-cộng), cùng nhau tổng hợp văn hoá Đông-Tây kim cổ, sáng tạo một mô hình kiến thiết mới, khắc phục những khuyết điểm của cả chủ nghĩa Tư bản lẫn chủ nghĩa Xã hội, đưa đất nước thoát khỏi bế tắc hiện nay để bắt đầu cất cánh, tiến đến giai đoạn khởi đầu cho 500 năm hưng thịnh mới mà các bậc tiền bối thuộc thế kỷ 20 đã dày công tạo dựng nhưng chưa có cơ hội hoàn tất: Từ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đến Huỳnh Phú Sổ, Trương Tử Anh, và Lý Đông A.

______

Ghi chú:

(1) Tham khảo về lập cước điểm qua tài liệu Duy Nhân Cương Thường theo đường dẫn dưới, trang 34. https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2018/03/duynhancuongthuong-version-layouted-apr2016.pdf

(2) Theo trang Blog Đoàn Hưng Quốc: https://doanhquoc.blogspot.com/

(3) Tham khảo nguồn: https://www.project-syndicate.org/commentary/crisis-of-capitalism-rajan-collier-by-angus-deaton-2019-03

(4) Độc giả có thể tham khảo tài liệu Kinh tế Bình sản tại đường dẫn: https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2019/11/binhsankinhte-version-layouted-nov2017.pdf

(5) Tham khảo về cơ chế Đan quyền theo Cơ năng quyền chế, trang 31: https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2019/01/bo5duydanconang-versionlayoutedjan2018.pdf

Bình Luận từ Facebook