Đối thoại sẽ khả thi hơn đối đầu

Nguyễn Anh Tuấn

14-1-2020

Có bạn gửi tôi clip bản tin thời sự 7h tối qua, trong đó có đoạn anh Quang cháu nội cụ Kình, với nhiều thương tích trên mặt, khai rằng “vào xem trang cá nhân của Lê Dũng Vova, Hồ [nghe không rõ], Nguyễn Anh Tuấn, Tuấn Đà Nẵng tôi thấy họ là những người chống phá nhà nước và nhiều lần về gặp ông Lê Đình Kình để xin tài liệu viết bài không đúng sự thật”.

Nhiều người thân, bạn bè tỏ ý lo lắng cho tôi, trong khi một số bạn dư luận viên xem chừng rất vui mừng, hỉ hả bảo tôi, ‘sắp lên thớt’, ‘chạy ngay đi’.

Kỳ thực tôi không buồn và cũng không trách anh Quang hay bất kỳ dân làng nào khác, nếu trong những tình cảnh hiểm nghèo, có thể phải nói điều họ không muốn nói dù có thể gây bất lợi cho người khác.

Chẳng phải khi chọn con đường đứng về phía những phận người thấp cổ bé họng, tôi phải luôn chuẩn bị cho những tình huống như thế hay sao? Lựa chọn là của mình, không nên trách ai.

Tuy nhiên, cũng cần nói rõ thế này, tôi chưa bao giờ xin cụ Kình tài liệu bởi lẽ những gì cụ nói về tranh chấp đất đai Đồng Tâm đều được dân làng quay lại và đăng tải trên YouTube hoặc Facebook. Tôi xem, tóm tắt và hệ thống lại thành bài viết để những ai không có thời gian xem có thể đọc. Những lần tôi gặp và nói chuyện với cụ chủ yếu là thăm hỏi sức khoẻ và những câu chuyện bên lề, để hiểu hơn về những chuyển động của một làng quê Bắc Bộ trong vòng xoáy tranh chấp đất đai đương đại của Việt Nam.

Nói vậy không có nghĩa tôi cho rằng việc hỏi xin cụ Kình tài liệu để viết bài có gì không đúng. Trái lại, đó còn là một việc cần thiết, nên được khuyến khích, để tiếng nói của các bên trong tranh chấp đều được đến với công luận. Càng nhiều lý lẽ của các bên tranh chấp được bàn luận công khai, càng nhiều cơ hội tiến đến gần sự thật. Tôi không xin tài liệu pháp lý, đơn giản chỉ là vì tôi nghĩ việc đó nên thuộc về các luật sư của dân làng, hơn là một người quan sát như tôi.

Là người theo dõi vụ việc từ đầu, tôi thực lòng tin rằng nếu hơn hai năm qua báo chí làm đúng vai trò của mình, đưa quan điểm của cả hai bên, thúc đẩy tranh luận công cộng, mổ xẻ lý lẽ mỗi bên, thay vì tuyệt giao với Đồng Tâm kể từ khi HN khởi tố vụ án giữ người 6/2017, thì mọi chuyện đã khác. Nếu được trao cơ hội tranh luận bình đẳng, chưa cần trước toà mà chỉ là trên mặt báo, người dân sẽ chọn mài giũa lý lẽ thay vì vũ khí để tiếng nói của họ được lắng nghe. Đối thoại sẽ trở nên khả thi hơn nhiều đối đầu.

Việc tôi khi cố gắng chuyển tải quan điểm của dân làng, trong bối cảnh báo chí thoái lui và chỉ đưa lý lẽ của chính quyền, cũng không nằm ngoài hi vọng góp phần nhỏ bé tìm kiếm cơ hội cho một cuộc đối thoại rộng mở, bình đẳng giữa đôi bên nhằm truy cầu công lý trong ôn hoà, thay vì hơn thua nhau trong bãi lầy của bạo lực.

Và vì mục tiêu đó, nếu có điều gì xảy đến với bản thân, tôi cũng không bao giờ hối tiếc.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. -Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vào sáng ngày 18/5/2017, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý” & “Một số sự việc xảy ra gây ồn ào dư luận vừa qua ở một số nơi có nhiều nguyên nhân, trong đó với tinh thần tự phê bình cao, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng có nguyên nhân từ việc chưa thật sự sát dân, chưa thật sự lắng nghe dân, giải quyết vấn đề chưa thực chất, chưa dân chủ và khoa học”.
    -Qua sự việc Đông Tâm nhận thấy, mặc dù nói rằng “không sợ đối thoại, không sợ tranh luận” nhưng việc “đối thoại, tranh luận” nếu khó thấy “tạo ra cơ sở để hình thành chân lý” thì thực tế liền đưa ra kết quả là dùng bạo lực để tạo ra “chân lý”? Đồng Tâm là 01 minh chứng cho việc: “Nói vậy nhưng không phải vậy”; “nói một đằng làm một nẻo”; “nói là một chuyện, làm là một chuyện khác nhé”.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây