Một nhà quân sự tài ba, một nhà ngoại giao kiệt xuất đã mãi mãi ra đi

Nguyễn Đăng Quang

2-1-2020

Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (1916-2019). Ảnh: Tác giả gửi tới TD

Thế là Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã từ biệt dương gian trần thế, trái tim cụ ngừng đập vào lúc 4 giờ 43 phút sáng 26/12/2019. Cụ đã mãi mãi đi xa, để lại 104 tuổi xuân cho đời và cả một trang sử cá nhân oai hùng, lẫm liệt cho dân, cho nước.

Ngoài ra, cụ cũng để lại cho ĐCSVN cả một tấm gương trong sáng về phẩm chất liêm khiết, tinh thần chính trực, đấu tranh kiên cường và đạo đức sáng ngời của một nhà cách mạng chân chính. Thế là một nhà ngoại giao kiệt xuất, đồng thời cũng là một nhà quân sự tài ba đã vĩnh biệt chúng ta để đi vào cõi vĩnh hằng.

Tuổi thơ của cụ đầy dữ dội và gian khó. Song với nỗ lực cá nhân tuyệt vời, cụ đã vượt qua mọi gian khổ vừa để mưu sinh vừa để trưởng thành. Cụ rất chịu khó học qua sách báo và qua thực tiễn cuộc sống. Cụ có kiến thức sâu rộng, ý chí kiên cường và một tấm lòng vị tha, hết lòng vì nước, vì dân cho tận đến những năm tháng cuối cùng của cuộc đời.

Cụ sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng khi còn rất trẻ. Cụ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939 khi mới tròn 23 tuổi. Tháng 6/1940 cụ bị Pháp bắt giam, kết án 5 năm tù khổ sai, đày đi biệt xứ tại nhà ngục khét tiếng ở Đăc-Tô (Kon-Tum). Tháng 6/1945, mãn hạn tù, cụ chủ động bắt liên lạc với tổ chức và được Đảng giao nhiều trọng trách, lần lượt làm Bí thư tỉnh ủy 2 tỉnh Phúc Yên và Thái Bình.

Tháng 3/1947, Đảng điều cụ vào quân đội. Cụ được tín nhiệm cử giữ chức Chính ủy kiêm Bí thư Khu I gồm 3 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng do đ/c Chu Văn Tấn làm Khu trưởng. Từ 1948 đến 1959, cụ được rút về Tổng cục Chính trị do đ/c Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm và được đề bạt làm Cục trưởng Cục Tổ chức đầu tiên của QĐNDVN. Tại Sắc lệnh 36/SL ngày 31/8/1959, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh tấn phong cụ quân hàm Thiếu tướng và cụ được bổ nhiệm làm Chính ủy Quân khu IV. Cho đến trước khi qua đời, cụ là sỹ quan cấp tướng có thâm niên cao nhất (60 thâm niên) ở quân hàm Thiếu tướng QĐNDVN.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần III (9/1960), cụ được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (1960-1976), và được phân công làm Phó Trưởng ban thứ nhất Ban Tổ chức Trung ương do ông Lê Đức Thọ làm Trưởng ban. Cụ “trụ” ở đây được khoảng 9 tháng trong cương vị “Phó thứ nhất”, vì giữa cụ và Trưởng ban Lê Đức Thọ thường có nhiều bất đồng không chỉ về quan điểm mà còn trong công tác bố trí, sử dụng và đề bạt cán bộ. Vào giữa năm 1961, Trung ương điều động cụ về làm Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa. Cho đến nay, cụ là người duy nhất của Đảng kinh qua chức vụ Bí thư tỉnh ủy 3 tỉnh khác nhau. Kỷ niệm chương cuối cùng cụ được trao tặng là “Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng” khi cụ vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn.

Từ cuối 1964 đến đầu 1974 cụ được Đảng cử làm Trưởng đoàn Cố vấn và Chuyên gia quân sự giúp bạn Lào. Khi kết thúc 10 năm công tác ở Lào, về nước chân ướt chân ráo chưa tới 3 tháng thì cụ có quyết định bổ nhiệm làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc. Cụ những tưởng đi sứ lần này chỉ khoảng 3 – 4 năm là cùng, không ngờ nhiệm kỳ Đại sứ của cụ tại Trung Quốc kéo dài ngoài dự tính. Cho đến nay, trong ngành ngoại giao, cụ là người giữ kỷ lục Đại sứ Việt Nam lâu nhất ở một quốc gia: Hơn 13 năm liên tục, trong đó có 9 năm cụ là Trưởng đoàn Ngoại giao ở Bắc Kinh. Giữa năm 1987 cụ được rút về nước, và mãi 3 năm sau (1990) cụ mới chính thức được nghỉ hưu. Lúc đó cụ đã ở tuổi 75.

Thời kỳ cụ làm Đại sứ ở Trung Quốc rơi đúng vào thời điểm quan hệ 2 nước trở nên rất xấu và căng thẳng, do việc Trung Quốc ngày 17/2/1979 xua 60 vạn quân tràn qua 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta tàn sát dân lành và xâm lược Việt Nam. Do vậy, thời kỳ 13 năm làm Đại sứ ở Bắc Kinh là cả 13 năm đấu trí căng thẳng với Bộ Ngoại giao và chính quyền nước sở tại. Có lẽ đến nay, cụ là Đại sứ Việt Nam duy nhất làm cho Trung Quốc “kém vui” và “không ưa” nhất trong số các Đại sứ Việt Nam xưa nay ở xứ này.

Cuối năm 1995, Chính phủ Lào mời cụ sang thăm lại đất nước bạn để ghi nhận thời gian 10 năm cụ là Trưởng đoàn cố vấn và chuyên gia quân sự giúp bạn. Nhân dịp này, bạn đã vinh danh và tặng thưởng cụ Huân chương “Tự Do” là huân chương cao quý nhất của Nhà nước CHDCND Lào. Xưa nay, Lào vẫn luôn là người bạn thủy chung, tình nghĩa của Việt Nam. Chắc chắn tại tang lễ cụ sáng hôm nay, 2/1/2020, sứ quán Lào tại Việt Nam sẽ cử đại diện cao cấp thay mặt Nhà nước CHDCND Lào mang vòng hoa đến viếng và chia buồn với gia đình cụ.

Năm 1990 về hưu, trở về với cuộc sống đời thường, song cụ không nghỉ ngơi hoàn toàn, mà chuyển sang cuộc đấu tranh mới. Cụ luôn trăn trở với tình hình đất nước, khẳng khái lên tiếng góp ý với lãnh đạo Đảng và Nhà nước về Cương lĩnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt về quan hệ Việt – Trung hậu Thành Đô. Song, rất đáng tiếc và cũng thật đáng giận, mọi góp ý tâm huyết trên dưới 30 năm qua từ sau ngày nghỉ hưu của cụ đều bị lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện nay bỏ ngoài tai. Nhưng cụ không lấy đó làm nản vì cụ nhận được sự đồng tình và ủng hộ rất mạnh mẽ của tuyệt đại đa số người dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Điều đó đã động viên và thôi thúc cụ không ngơi nghỉ trong cuộc đấu tranh mới.

Là người cộng sản nhưng cụ luôn đặt lợi ích dân tộc, quyền lợi quốc gia lên trên hết. Cụ bảo, phải coi trọng và phải đặt nó lên trên hết, lên hàng số một, vì đất nước là trường tồn, dân tộc là vĩnh cửu, mọi đảng phái hay tổ chức chính trị chỉ là nhất thời mà thôi. Do vậy, nhất thiết phải coi trọng và đặt nó lên trên, trên cả lợi ích giai cấp và quyền lợi của riêng ĐCSVN cũng như của cái mà người ta gọi là “giai cấp vô sản”.

Theo dòng suy nghĩ trên, ngày 28/7/2014, với tư cách là lão thành cách mạng và đảng viên có nhiều tuổi đảng nhất, cụ là người đầu tiên ký vào Thư ngỏ 61 (gọi tắt làTN61) của 61 đảng viên gửi Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN, mạnh mẽ kêu gọi lãnh đạo Đảng đổi mới tư duy, thay đổi đường lối lãnh đạo đất nước: “ĐCSVN hãy tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng CNXH, chuyển hẳn sang đường lối DÂN TỘC và DÂN CHỦ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ TOÀN TRỊ sang DÂN CHỦ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa..

Và trên tinh thần đó, với tư cách là một CCB, ngày 2/9/2014, cụ là một trong 6 vị tướng ký vào Kiến nghị của 20 sỹ quan cao cấp QĐND và CAND (KN20) gửi Chủ tịch nước TrươngTấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, kiến nghị: Là người chủ và người bảo vệ đất nước, nhân dân và LLVT phải được biết chính xác hoàn cảnh thực tế của quốc gia. Vì vậy Nhà nước phải báo cáo rõ ràng với nhân dân về thực trạng quan hệ Việt-Trung và về những ký kết liên quan đến lãnh thổ trên biên giới, biển đảo và các hợp đồng kinh tế ảnh hưởng đến an ninh và chủ quyền quốc gia.

Đúng là: “Còn hơi, còn sức còn lên tiếng / Là muốn quyền uy bớt lỗi lầm. như 2 câu kết trong bài thơ cụ làm nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 95 của cụ, ngày 1/10/2009.

Hôm nay, ngày 2/1/2020, gia đình và Bộ Ngoại giao tổ chức lễ tang cho cụ, xin phép cụ được thành kính thắp nén nhang kính cẩn nghiêng mình trước anh linh cụ để cầu chúc cho hương hồn cụ đươc siêu thoát, thanh thản về cõi vĩnh hằng.

Hà Nội, sáng 02/01/2020

N.Đ.Q

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Comments are closed.