Năng lượng quan tâm

Mai Quốc Ấn

22-12-2019

Ảnh: VnExpress

Đám đông trên mạng xã hội có khá nhiều người đang dồn năng lượng để quan tâm, mổ xẻ câu chuyện tình trong phim Mắt Biếc và các nhân vật hư cấu trong truyện.

Năng lượng quan tâm ấy không chỉ làm vui vẻ cho nhà sản xuất phim hay tác giả truyện; mà còn là “liều giảm đau” tạm thời cho “bệnh” nợ công tăng cao hay ô nhiễm tràn lan.

Lấy lý do Chính phủ (Việt Nam) chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp “là sự yếu kém về thể chế, quản trị hơn là tài chính”, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (“Moody’s”) hạ triển vọng Việt Nam xuống Tiêu cực.

“Chúng ta có tiền, nhưng đến hạn trả trong kế hoạch lại không thanh toán.” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh. Ông yêu cầu các bộ làm rõ trách nhiệm của mình, không đùn đẩy, đổ lỗi. Ông cũng đề nghị Bộ Tài chính truy cứu trách nhiệm của cá nhân cụ thể khi “om” văn bản tới hơn 5 tháng.

Trong trường hợp này, thế quốc gia (đang ở mức thấp) bị giảm xuống sâu hơn và dù có tiền trả nợ nhưng vẫn chậm trả và đóng lãi phạt. Vẫn là tiền dân cả!

Các Bộ họp với nhau và… rút kinh nghiệm. Thứ kinh nghiệm “rút hoài không hết” ấy “là sự yếu kém về thể chế, quản trị hơn là tài chính” như Moody’s nhận xét quả thực không sai.

Năng lượng của đám đông vẫn luôn dành quá nhiều cho những việc như tranh cãi một tác phẩm hư cấu kiểu Mắt Biếc; và quá ít cho sự đi xuống của quốc thể của Việt Nam hay những đồng thuế mất đi từ sự vô trách nhiệm của cá nhân nào đó.

Lấy ví dụ khác về ô nhiễm. Tại Thái Lan, khi chỉ số ô nhiễm không khí từ mức 150 (mức nguy hiểm) thì trẻ em được nghỉ tại nhà. Với Việt Nam, con số đề xuất là từ 300 (mức nguy hại). Nguy hiểm là mức mang tính cảnh báo, nguy hại không chỉ là cảnh báo mà xác tín sự độc hại của ô nhiễm không khí ở mức cao hơn.

Chưa thấy có nghiên cứu khoa học nào nói rằng trẻ em Việt Nam khoẻ… gấp đôi trẻ em Thái Lan trong việc chịu đựng ô nhiễm không khí cả. Vậy cơ sở nào để đề xuất ra mức ô nhiễm không khí từ 300 để áp dụng đối với trẻ em Việt Nam? Nó có vi phạm Công ước Vì trẻ em của Liên hợp quốc và các luật liên quan đến bảo vệ trẻ em hiện hành hay không?

Rất rất rất ít người bàn về điều đó!

Có một bà mẹ đã băn khoăn là nếu áp dụng mức ô nhiễm từ 150 thì trẻ em nghỉ học suốt à? Nghỉ học suốt thì ai trông cháu? Thuê người trông trẻ thì tốn tiền mà đưa đến chỗ làm của cha mẹ thì bất tiện công việc, giảm hiệu suất làm việc, giảm hiệu quả kinh tế,.v.v…

(Tôi đã dằn lòng để không comment trả lời người phụ nữ ấy rằng sức khoẻ con chị nên đặt lên hàng đầu hay các vấn đề chị hỏi đáng quan tâm hơn? Đó là một “lỗi tư duy” cực lớn và đáng buồn là đám đông thường mắc phải. Như hô vang Việt Nam vô địch sau một trận bóng và quên nước ta cũng “vô địch” nhiều thứ khác.)

Tất cả những vấn đề đời sống ấy đều là chính trị. Vậy mà có những kẻ khuyên (hoặc doạ) người khác là không nên quan tâm đến chính trị trong khi chính họ cũng bị ảnh hưởng.

Thật lạ lùng!

Nhưng cũng không lạ lẫm gì khi nhìn ra sự vô cảm xung quanh…

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Cái thằng Moody’s là cái thằng không biết điều, sở dĩ chúng ta ….”chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp “ không phải chúng ta không có tiền để trả, mà là vì trong thời gian qua, chúng ta mắc bận “đi bão” để ăn mừng “VN vô địch”.

    Nhưng không sao, dù “triển vọng tín nhiệm” có bị ….hạ cũng không sao, chúng ta có nền “thể thao vua” được “lên hạng” là được rồi.

    “Đéo nói nhiều, VN vô địch!” cả thế giới đang phải cúi đầu ngưỡng mộ VN!

  2. Tổng hợp một số tin tức báo chí như sau:
    -Ngày 18/12/2019, Moody’s thông báo điều chỉnh hạ triển vọng VN xuống Tiêu cực, vì Moody’s nhận định VN vẫn tiềm ẩn rủi ro chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp của Chính phủ, VN chưa có những giải pháp rõ ràng để cải thiện công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, cũng như tăng cường tính minh bạch về quản lý nợ được Chính phủ bảo lãnh. Các khoản thanh toán chậm của VN phản ánh vấn đề về mặt hành chính hơn là sự yếu kém về tài chính. Việc thanh toán bị trì hoãn cho thấy điểm yếu về thể chế và quản trị, về các thủ tục hành chính phức tạp cản trở việc thanh toán kịp thời và thuận lợi.
    -Nguyên nhân chậm thanh toán: Từ ngày 21/6/2019, Ngân hàng Thế giới (WB) đã có thư gửi Bộ Tài chính đề xuất 03 phương án trả nợ nhanh nguồn vốn IDA (Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới) tại 03 dự án: La Sơn –Túy Loan (thuộc dự án đường Hồ Chí Minh), quốc lộ 20 và thủy điện Hồi Xuân, với đề nghị thời hạn trả lời trước 30/11. Tuy nhiên:
    *Đến ngày 5/12, Bộ Tài chính mới có văn bản trình Thủ tướng, nhưng văn bản này chưa được lấy ý kiến các cơ quan liên quan và cũng không kiến nghị thời hạn phía Việt Nam trả lời WB về phương án trả nợ nhanh.
    *Ngày 10/12, phía WB tiếp tục điện cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ và nhắn tin cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc yêu cầu phía Việt Nam trả lời cho WB về phương án trả nợ nhanh trong ngày 11/12.
    *Ngày 12/12, Thủ tướng đã yêu cầu Tổ công tác tổ chức họp với các bộ, ngành liên quan để xác định trách nhiệm của từng cơ quan trong việc chậm thanh toán, trả nợ nước ngoài.
    *Chiều 20/12, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xác định trách nhiệm của từng bộ, cơ quan về việc chậm thanh toán, trả nợ nước ngoài đối với 3 dự án.
    -Việc chậm trả nợ nước ngoài trong khi “có tiền” nhưng đến hạn trả trong kế hoạch thanh toán lại không thanh toán, làm ảnh hưởng xấu tới tín nhiệm quốc gia nhưng cuối cùng chúng ta vẫn phải trả tiền, còn phải gánh thêm lãi. Sau khi hạ xếp hạng quốc gia của Việt Nam vào ngày 9/10, Moody’s cho biết 18 ngân hàng Việt Nam bị Moody’s hạ triển vọng xuống “tiêu cực” được thực hiện từ ngày 10/10 gồm: ABBank, ACB, Agribank, BIDV, HDBank, LienVietPostBank, MBBank, MSB, NamA Bank, OCB, SHB, SeABank, Techcombank, TPBank, VIB, Vietcombank, VietinBank, VPBank.
    -Kết luận: Đúng là “Chuyện thật mà như đùa”. Nếu thực sự có 01 chuyên viên “ất ơ” thuộc Bộ tài chính ““om” văn bản tới hơn 5 tháng” dẫn đến hậu quả sự “tín nhiệm” Quốc gia + 18 ngân hàng Việt Nam bị hạ xuống “tiêu cực” một cách nhẹ nhàng, dễ dàng, ngon lành, gây ảnh hưởng xấu rất lớn đến uy tín, niềm tin, môi trường đầu tư, sx, kinh doanh của đất nc thì Ta ko thể hiểu nổi, ko tin nổi sao lại để xảy ra dc? Đã mắc nợ thì trước sau cũng phải trả, có tiền trả đúng hạn, uy tín nâng cao, chúng cám ơn. Có tiền nhưng ko trả đúng hạn, uy tín bị mất mà khi trả còn bị chúng chửi. (chuyện “động trời” này có lẽ “thế lực thù địch” cũng pó tay ko làm nổi)
    P/s: Tín nhiệm Quốc gia thấp thì khó tìm dc nguồn vay, có tìm dc nguồn vay là phải chịu lãi suất cao. Quốc gia có hệ số tín nhiệm thấp làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của đất nước, Chính phủ + Doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu Quốc tế phải trả lãi suất cao mới có nhà đầu tư mua & số nhà đầu tư mua trái phiếu cũng ít.

  3. Điều than và phiền của MQA là hoàn toàn có cơ sở.
    Lấy một ví dụ thực tế, cụ thể. Một thị trấn cách thành Hồ khoảng 20cs có nhiều khu công nghiệp lớn, thu hút trên cả vạn công nhân làm việc mỗi ngày. Sáng họ ào ào phóng xe đi, chiều ầm ầm phóng xe về. Chiều thứ 7, hoặc chủ nhật, họ tổ chức nhậu nhẹt say bí tỉ rồi hát ka-ô-kê nghe “kinh hoàng” cả phố xá và làng trên xóm đưới , người người hát, nhà nhà hát vì 10 gia đình thì có đến chín gia đình rưỡi đi làm công nhân cộng với lực lượng dân nhập cư khắp nơi kéo đến.
    Họ sống thật nhếch nhác nhưng gần như chưa bao giờ ý thức được cuộc sống khốn khổ của mình dưới chế độ nầy. Ngủ một đêm, rồi sáng hôm sau họ lại tiếp tục chui vào công ty, xí nghiệp để tiếp tục bán mồ hôi lao động cho những ông chủ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn quốc. Dường như họ cảm thấy lạc quan và hạnh phúc phúc trong cuộc sống đói nghèo , thiếu thốn đó mà không thở than gì ( một lãnh đạo cao cấp có lần bảo rằng dân VN lạc quan nhất thế giới cơ mà ) .
    Với cuộc mưu sinh như vây, dần dần họ chai lì cảm xúc, vô tâm, vô tư, vô cảm là phải rồi. thì giờ đâu mà nghĩ đến những vấn đề xã hội, chính trị khác !!

Comments are closed.