Tài khoản Nguyễn Bắc Son và bảng hạch toán tham nhũng

Tâm Chánh

21-12-2019

Ông Nguyễn Bắc Son (phải) và TBT Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: internet

Chưa kết thúc phiên toà, xã hội đã thảo luận cương thường đạo lí kiểu nhà nho xung quanh việc Nguyễn Bắc Son nhớ hay quên các chi tiêu sau khi nhận 3 triệu đô la.

Ông ấy phòng gian bảo mật tinh quái đến độ, chọn chính ban công vươn vai vài ba động tác thể dục mỗi ngày làm căn cứ cất trữ mấy va li đô la. Liệu ông ấy có không cân nhắc để khai nhận rồi cột mình trong hậu quả của sự thành khẩn?

Theo qui trình công tác tổ chức hiện nay, khi Trương Minh Tuấn từ là Phó Ban tuyên giáo về Thứ trưởng Bộ thông tin truyền thông đã là nhân sự chính thức cho chiếc ghế Bộ trưởng.

Không phải là ông chủ của chiếc ghế Bộ trưởng, Nguyễn Bắc Son không thể “hạch toán” nó làm thù lao cho Trương Minh Tuấn.

Thành ra kí có thể là nước cờ triệt phản, với thù lao đúng việc đúng mức. Tuấn cũng sẽ hài lòng vì với ông anh quyền uy ấy, mình giữ được một ân tình.

Rốt cuộc thì thương vụ ấy hẳn chẳng phải mập mờ. Có phương pháp công tác cả đấy. Trong thì hội ý lên xuống. Ngoài thì trao đổi, thỉnh thị. Tất thảy qua người điều phối dạn dày kinh nghiệm hậu trường Nguyễn Bắc Son.

Chỉ có điều cách thức hoạt động ấy quả không thể nào nhớ chắc chắn các khoản chi tiêu. Khai như ông Son ở toà không phải không có sự thật.

Cũng không dễ mà Nguyễn Bắc Son trong bản cung lại mở huyết lộ cho vụ án tham nhũng này nức tiếng, vì gần như lần đầu tiên, bị cáo cỡ cấp hàm như Nguyễn Bắc Son khai nhận hành vi nhận hối lộ.

Logic chứng cứ buộc Nguyễn Bắc Son phải lập “bảng kế toán” bên có và bên nợ thể hiện tiêu pha những gì cho cân đối. Tài khoản Nguyễn Bắc Son trong vụ án này ghi nhận khoản tiền Phạm Nhật Vũ chi trực tiếp. Các bị cáo khác khai ở toà trong những khoản được nhận từ Phạm Nhật Vũ họ đã chi lại một phần cho Nguyễn Bắc Son. Như vậy gộp trong tài khoản Nguyễn Bắc Son phải có nhiều hơn 3 triệu đô la.

Tạm dừng lại ở con số này, nếu toà thể hiện chấp nhận các lời khai đó, thì trong thực tế tài khoản Nguyễn Bắc Son, phần có phải nhiều hơn 3 triệu đô la. Điều đó có nghĩa mỗi tài khoản nhận hối lộ thể hiện trong đó phần chi cho bản thân người nhận và phần chi cho những mối liên hệ liên quan.

Áp dụng bảng kế toán này, số có trong “tài khoản” Nguyễn Bắc Son cũng thể hiện trong đó phần chi cho những mối manh khác. Những manh mối đó trong phạm vi cân nhắc của Nguyễn Bắc Son phải là những ai?

Cái huyết lộ mà Nguyễn Bắc Son mở chính là điều mà hệ thống tư pháp hiện tại còn phải đứng xa so với sự thật, chứ đừng nói đến khả năng tiếp cận công lí.

Cho đến nay không ai có thể lượng định Nguyễn Bắc Son đã cân nhắc gì khi thừa nhận hành vi nhận tiền, hay khi thay đổi lời khai trước toà. Chỉ biết rằng mối liên hệ của Nguyễn Bắc Son từ khi còn là trợ lí của một trong những ông trùm quyền uy của chính trị đương đại, cố chủ tịch nước Lê Đức Anh có thể giúp Nguyễn Bắc Son thông thuộc đến chân tơ kẽ tóc qui tắc vận hành của hệ thống xét xử dựa vào chứng cứ công khai. Thành ra chỉ bằng một toà hình của nền tư pháp hiện tại, khả năng của một bản án nghiêm khắc chống tham nhũng suy cho cùng, nói theo kiểu dân gian, “tới đó là dữ lắm rồi”.

Cứ nhìn vào các mắc xích của vụ án, từ chỉ đạo của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được tiết lộ vào giờ chót, phê duyệt hồ sơ hành chính vụ mua bán này thuộc dạng tài liệu mật, các phiên bản thẩm định giá… Các định dạng để giám sát tính khách quan của dạng giao dịch kiểu này đều là ngón nghề mà những kẻ tham nhũng thành thạo hơn cả những người xét xử nó. Thậm chí ngay từ vụ án này, các giá trị tích cực kiểu các định chế về công khai như qui định về bí mật, về qui phạm hành chính của nhà nước, về quyền tiếp cận thông tin, về tự do báo chí… là những khoản vay mượn chi xài vô độ để bảo kê tham nhũng.

Hay các ngoại suy về hành vi giảm nhẹ cho Phạm Nhật Vũ như phát biểu đầy cảm xúc trước toà của “đệ nhất phu nhân” người đàn ông 6 vợ này, kiến nghị của giáo hội Phật giáo làm thành tình tiết đóng góp cho Phật giáo của ông Vũ, đến những hý đàm vỉa hè của những cây bút giỏi nghề tạo dư luận… Có quyền, có tiền, phải chăng cảm xúc của con người cũng trở nên có sức nặng hơn?

Tất cả đều là thách thức không chỉ với công lí, mà cả của định dạng đương thời của một xã hội hiện đại.

Nếu đảng nói nguy cơ số một là tụt hậu với thế giới thì sau nhiều năm đổi mới, phải chăng đang chuyển hoá thành mối đe doạ trực tiếp: Hệ thống quản trị quốc gia bất cập trước sự phá hoại từ bên trong của tham nhũng.

Hay nói cách khác chống tham nhũng đang tận mặt những kẻ làm ra tham nhũng trên chóp đỉnh quyên lực.

Liệu tiết tháo cỡ Quan Công có trấn nổi Hoa Dung đạo trước đại gian hùng Tào Tháo?

(Đang bận, mượn tam quốc nói chuyện anh hùng tận thời nay hẳn chẳng phải là thứ trà đá miễn phí đang chờ đợi sao?)

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Bẻ cong ngồi bút, đập gãy cán cân, ngụy biện văn vẻ, trọng thị vật chất, suy đồi đạo lý…Đó là những gì đã và đang diễn ra ở VN !

  2. Tiền bạc cứu được mạng người OK mỹ nó cũng làm thế một số nước tu bạn nó cũng làm thế xong việt nam ta làm hơn thế nhưng đây lại là làm Theo cấp trên ai là cấp trên của ô son đây. Phải xử nghiêm đây

  3. Tôi là người không ủng hộ án tử, tuy nhiên nếu nghĩ người nhận hối lộ „khắc phục hậu quả“ và sau đó thoát án tử – trong khi các tội phạm khác cũng chịu án tử không có cơ hội đó thì trong tôi lại có suy nghĩ là ở đây có cái gì đó chưa thật ổn nếu chỉ nghĩ tới thuần luật pháp và tôi không cho ý tưởng này được đa số các chuyên gia luật quốc tế hoan nghênh. Ý chưa thật ổn theo tôi là ở đây nếu lo kiếm đủ tiền thì được miễn giảm 1 mức án với con người là tránh được điều đáng sợ là tránh được mất mạng sống – điều các loại án khác không thể làm được như các tội giết người, buôn bán ma túy. Tuy vậy nếu công bằng mà nói nếu lo thu hồi mọi khoản tiền bất chính đã lộ (tôi không ủng hộ khái niệm „khắc phục hậu quả bằng mọi giá“) – điều trong thực tế là chỉ những điều các quan chức không chối cãi được, chứ không ai tin họ chỉ nhận vẻn vẹn số tiền đó – thì nếu pháp luật nghiêm minh tôi không nhìn thấy yếu tố nào để giảm tội cho họ, vì qua đó họ đâu có đem lợi lộc gì cho đất nước, mà chỉ đưa nộp lại những khoản bất chính đã chiếm giữ. Tất nhiên sẽ có những ý kiến ủng hộ do nghĩ: nếu không vậy thì họ sẽ sẵn sàng „hy sinh đời bố để củng cố đời con“ và khi đằng nào cũng chết thì thôi không khai báo gì để toàn bộ tiền của tham nhũng cho con cháu sử dụng – và như thế gian dối, tham lam, lừa đảo đất nước đến cùng và đối với tôi những con người này nếu nhìn tổng thể còn tồi tệ hơn nhiều tội phạm chịu tội tử hình khác. Tóm lại nếu chỉ lo „khắc phục hậu quả“ mà không cần biết lấy tiền từ đâu sẽ có thể xảy ra những hoàn cảnh sau: đối với nhiều cao thủ tham nhũng thì con số đó chỉ là 1 số lẻ tham nhũng nên họ dễ dàng „khắc phục“; với những người chỉ tham nhũng số lượng đó và tiền phân tán sau nhiều năm thì có thể dẫn tới trường hợp tiền còn lại ít và lúc đó cả gia đình phải chịu khổ gánh nặng cho 1 thành viên để cứu mạng sống cho thành viên quan trọng, điều tôi nghĩ xã hội cũng chẳng hạnh phúc gì khi 1 người gây tội kéo theo những người khác cùng khổ theo và ngoài ra sẽ lưu truyền tư duy: trong lĩnh vực xử lý tham nhũng ở Việt Nam ít nhất tiền bạc sẽ cứu được mạng sống!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây