Sữa học đường và cái lưỡi không xương của Viện dinh dưỡng

Nguyễn Tiến Tường

16-12-2019

Tiến sĩ Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam. Ảnh: Phượng Nguyễn.

Một số anh chị cho rằng bất kỳ sản phẩm sữa tươi nào mua ở siêu thị cũng để vi chất, điều này không sai. Nhưng các anh chị lẫn “nội hàm” và “ngoại diên”. Nhãn ghi thành phần của sữa, là ghi những vi chất có sẵn trong sữa, khác với ghi các vi chất bổ sung.

Những sản phẩm sữa đó cũng không hề có dòng chữ “for children only” hoặc “sữa học đường”. Và không thể lấy công thức chung của sữa ngoài thị trường để so sánh một chương trình chuyên biệt được.

Tại sao phải nhấn mạnh yếu tố khoa học của chương trình? Vì ngay từ ban đầu, SỮA HỌC ĐƯỜNG mang sứ mệnh quốc gia và Thủ tướng đã duyệt mục tiêu cùng quy chuẩn khắt khe. Bộ Y tế, ngay sau khi ban hành Thông tư 31 về việc bổ sung 21 vi chất, đã yêu cầu Viện Dinh dưỡng tiến hành đề tài nghiên cứu cấp bộ, phải có Hội đồng khoa học thẩm duyệt.

Tháng 9/2018, Viện Dinh dưỡng gửi công văn cho Cục VSATTP đề nghị bổ sung 3 vi chất theo tinh thần quyết định thủ tướng, chưa có 21 vi chất. Thế nhưng, tháng 6/2019 viện lại đề xuất bổ sung 21 vi chất này.

Từ đề xuất này, thứ trưởng Trương Quốc Cường hợp thức hoá vào Thông tư 31 như đã biết. 21 vi chất vào thẳng SỮA HỌC ĐƯỜNG không qua bước lập đề tài nghiên cứu, không thẩm duyệt.

Điều này cũng tương tự như việc điều chế một loại thuốc mới mà không cần chuột bạch. Sữa vào thẳng dạ dày trẻ em với sự hồ nghi từ phía phụ huynh. Chương trình quốc gia với những mục tiêu to lớn biến thành nỗi sợ hãi bởi tư duy xuề xoà, tiền hậu bất nhất.

Quy trình là một điều gì đó rất trầm ê ở thể chế này. Khi người dân đợi một quy trình, có nghĩa là nhiều năm tháng chịu đựng. Nhưng quy trình của một chương trình quốc gia lại chóng vánh và bỏ qua các bước nghiêm cẩn nhất thì sự lo lắng của dư luận là đương nhiên.

SỮA HỌC ĐƯỜNG là một niềm tin, một sứ mệnh quốc gia nhưng cách thực hiện thật sự có vấn đề. Không chỉ làm ảnh hưởng mục tiêu ban đầu, nó còn khiến phụ huynh học sinh mang nỗi sợ hãi. Và phải có ai đó chủ trì công đạo, lôi ra khỏi tầm tay của những chủ thể bị hồ nghi, mới có thể mang lại sự yên tâm.

Không thể đặt một chương trình khoa học và tương lai của những đứa trẻ trong tranh tối tranh sáng đầy may rủi như vậy!

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây