Hong Kong, Bắc Kinh đang chơi trò chơi phương Tây

Jackhammer Nguyễn

9-12-2019

Cuộc biểu tình của người dân Hồng Kông hôm 8/12/2019. Ảnh: Reuters

Cuộc biểu tình đòi dân chủ hôm Chủ Nhật 8/12/2019 tại Hong Kong có tới 800 ngàn người tham dự, theo các hãng thông tấn quốc tế. Cuộc biểu tình đã diễn ra ôn hòa, chỉ có 11 người bị cho là quá khích bị bắt lúc cuộc biểu tình gần kết thúc.

Diễn biến mới nhất này cho chúng ta nhận định gì về tình hình Hong Kong sắp tới đây?

Ai phản đối?

Ghi nhận của các phóng viên cho thấy, có đủ tầng lớp dân chúng tham gia. Ngoài nhóm thanh niên, sinh viên, được cho là bộ phận chủ lực của những cuộc biểu tình từ tháng Sáu đến nay, còn có những người trung niên, nhân viên các công ty, người buôn bán nhỏ,…

Tương tự như vậy, trong cuộc bầu cử các hội đồng địa phương cách đây không lâu, người ta cho rằng không chỉ có các sinh viên trẻ tuổi đã làm nên chiến thắng của nhóm đối lập, ủng hộ những đòi hỏi dân chủ, mà còn có sự tham gia của tầng lớp trung niên. Báo Bưu điện Hoa nam dẫn một số bình luận nói rằng, phe thân Bắc Kinh đã dự báo sai. Phe này cho rằng, đông đảo người Hong Kong không ủng hộ biểu tình đòi dân chủ.

Theo Bưu Điện Hoa nam số ra ngay sau ngày phe đòi dân chủ chiến thắng ở 17/18 hội đồng địa phương, nói rằng, mặc dù chưa có con số chính xác thống kê về thành phần cử tri đi bầu, nhưng có hai điều như sau là có thật:

– Đa số dân Hong Kong không thuộc lứa tuổi thanh niên.

– Số người đi bầu cử vừa qua đạt gần 80% số cử tri có ghi danh hợp pháp của Hong Kong.

Bắc Kinh nhìn Hong Kong như thế nào?

Cho đến trước khi cuộc bầu cử ngày 24/11 diễn ra, một số nguồn thân cận với Bắc Kinh cho rằng, những người ở Trung Nam Hải nhìn những diễn biến ở Hong Kong như là một xáo trộn có nguyên do kinh tế chứ không phải là những quan điểm, đòi hỏi về dân chủ.

Quan điểm này có vẻ như hợp lý hơn nếu dựa trên một số phân tích từ phương Tây, cho rằng vai trò kinh tế của Hong Kong ở châu Á và thế giới đã bị xuống thấp, vì có các đấu thủ cạnh tranh vươn lên như Thượng Hải, Thẩm Quyến. Điều này gây khó khăn cho giới trẻ Hong Kong đối diện với tương lai kinh tế ảm đạm.

Từ cái nhìn đó, người ta cho rằng Bắc Kinh chọn giải pháp để cho sự ủng hộ của dân chúng Hong Kong với những người biểu tình trẻ tuổi sút giảm vì biểu tình cản trở công việc làm ăn của họ. Bên cạnh đó, chính quyền Hoa lục tìm những giải pháp giảm khó khăn về đời sống cho người Hong Kong, đặc biệt là nhà ở cho giới trẻ,

Kết quả cuộc bầu cử cho thấy, sự ủng hộ dân chủ của dân Hong Kong không giảm sút. Một số tin đồn nói rằng, Trung Nam Hải đã sửng sốt trước kết quả cuộc bầu cử.

Kinh tế và dân chủ

Tôi không nghĩ rằng phân tích của phương Tây về nguyên nhân kinh tế của cuộc khủng hoảng Hong Kong là sai, vì nó dựa trên những số liệu rất rõ ràng. Nhưng dựa trên những phân tích đó để cho rằng người Hong Kong sẽ ưu tiên chuyện kinh tế hơn những vấn đề dân chủ, chính trị, rõ ràng là không đúng.

Ta hãy đặt câu hỏi: Nếu như những người Hong Kong trẻ tuổi lo lắng về tương lai kinh tế trên lãnh thổ này, thì những người đang có cơ sở làm ăn ở đây có lo lắng cho chuyện đó không? Kể cả những chuyên viên như nhân viên ngân hàng (những người này đã từng tổ chức biểu tình ủng hộ sinh viên trong những tháng qua)?

Câu trả lời rất rõ ràng, với nền tảng giáo dục theo kiểu phương Tây lâu đời, sống trong một xã hội có trật tự dân chủ, người Hong Kong, dù già hay trẻ ý thức được rằng, tình trạng kinh tế của họ, vị trí kinh tế của Hong Kong dính chặt với những quyền chính trị mà họ phải có. Họ muốn nắm trong tay vận mạng chính trị, mà thực ra cũng là kinh tế của mình. Tất cả các cuộc cách mạng đều có nguyên nhân kinh tế.

Có vẻ như việc nổi dậy của dân Hong Kong trong sáu tháng qua rất gần với sự nổi dậy của tư thương, trí thức thành thị ở Hà Lan và ở Anh, chống lại bọn lãnh chúa, vua quan, trong hai cuộc cách mạng làm thay đổi hai đất nước này, hồi thế kỷ 16-17.

Chọn lựa của Bắc Kinh

Bắc Kinh không có nhiều chọn lựa. Họ đã và đang tuân theo luật chơi của tất cả những nhà cầm quyền phương Tây khi đối đầu với những biến động xã hội. Họ đã để cho lực lượng cảnh sát Hong Kong giữ trật tự thay vì can thiệp bằng quân đội.

Năm 1989, vụ thảm sát Thiên An Môn xảy ra, khi đó Bắc Kinh mới làm quen với kinh tế thị trường vỏn vẹn 10 năm. Ba mươi năm sau, họ đã học hỏi nhiều ở các xã hội mở phương Tây, họ thấy rằng có một chút náo loạn như các diễn biến Occupy Wall Street, Veste Jaune, hay xa hơn nữa, cuộc nổi loạn của sinh viên Paris 1968, … cũng không hề chi. Họ không thể, và cũng không cần đàn áp vào năm 2019 như đã làm vào năm 1989.

Ngay sau cuộc bạo động dữ dội ở Đại học Bách khoa Hong Kong, là ngày bầu cử êm đẹp, không hề có một tai nạn nhỏ nào.

Đối với Bắc Kinh, dù kết quả cuộc bầu cử là một thất bại lớn của những người thân Hoa lục, nhưng họ vẫn còn nắm chặt Hong Kong, họ vẫn có quyền bổ nhiệm trưởng đặc khu. Việc cảnh sát cho phép cuộc biểu tình lớn vào ngày chủ nhật 8/12 diễn ra, chứng tỏ rằng Bắc Kinh vẫn thấy họ làm chủ tình hình.

Trang Vox, có khuynh hướng thiên tả tại Mỹ nói rằng, giới đấu tranh tại Hong Kong là những người thuộc thế hệ sinh ra trước hoặc sau thời điểm 1997, năm Hong Kong được Anh trả về Hoa lục, và những người biểu tình thấy rằng thời điểm 2047, khi Hong Kong hoàn toàn chịu luật lệ như Hoa lục, không còn xa nữa, nó bằng với thời gian họ lớn lên tại Hong Kong.

Trong 27 năm tới liệu Hoa lục có còn là Hoa lục hôm nay?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Trò dìm hàng là thói quen lưu manh cọng sản. Cũng như dìm hcm để hà nội đàng hoàng hơn, hoành tráng hơn

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây