Tranh đấu cho linh hồn Hồng Kông

Hoàng Thủy Ngữ

8-12-2019

Các yêu sách của người biểu tình ở Hồng Kông. Ảnh trên mạng

“Five demands, no one less!” (Năm yêu cầu, không thiếu cái nào);  “Liberate Hồng Kông; Revolution of our Times!” (“Giải phóng Hồng Kông; Cuộc Cách mạng của thời đại chúng ta!”). Đó là những khẩu hiệu trên Twitter được chia sẻ rộng rãi giữa các thành viên trong phong trào phản kháng.

Nguyên nhân đầu tiên của sự phản kháng là dự luật dẫn độ về Trung Quốc.

Các nhà phê bình lo sợ dự luật này làm suy yếu tính độc lập của nền tư pháp Hồng Kông và gây nguy hiểm cho những người bất đồng chính kiến nếu họ bị dẫn độ và truy tố trong chế độ độc tài cộng sản Trung Quốc.

Trong một bài báo đăng trên South China Morning Post, giáo sư He Weifang viết rằng, 28 năm trước  kỳ hạn, nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” đang tiến dần đến “một quốc gia, một chế độ”.

Các cuộc biểu tình ban đầu phát sinh vì dự luật dẫn độ giờ đã mở rộng thành một phong trào toàn diện với năm yêu cầu:

1. Rút lại hoàn toàn dự luật dẫn độ

2. Rút lại việc gọi các cuộc biểu tình là “bạo loạn”

3. Rút lại cáo trạng và thả những người biểu tình bị bắt

4. Thành lập ủy ban độc lập điều tra sự tàn bạo của cảnh sát

5. Tiến hành quyền phổ thông đầu phiếu cho Hội đồng Lập pháp và bầu lại Đặc khu trưởng Hồng Kông

Vương Quốc Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997. Trước khi trao trả, chính quyền Anh và Trung Quốc đã thỏa thuận rằng, Hồng Kông sẽ trở thành “khu vực hành chính đặc biệt”, có hệ thống chính trị và kinh tế độc lập theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, với sự cân bằng quyền lực giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, và người dân được hưởng quyền tự do kinh tế, ngôn luận, hội họp và biểu tình. Tình trạng đặc biệt này không thể thay đổi, có hiệu lực trong 50 năm, tức là đến năm 2047. Điều này có nghĩa, trên lý thuyết, khu vực này không thể là đối tượng của hệ thống cộng sản Trung Quốc trước thời điểm đó.

Ngày 23 tháng 10, Hội đồng Lập pháp chính thức hủy bỏ dự luật dẫn độ. Tuy vậy, cũng không có dấu hiệu nào cho thấy các cuộc biểu tình sẽ chấm dứt và tương lai chính trị của khu vực này vẫn rất mơ hồ.

Điểm đáng chú ý trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông là sự vắng mặt những người lãnh đạo được chọn, một cơ cấu tổ chức và một chương trình nghị sự rõ ràng. Những người biểu tình tập hợp xung quanh một hình thức bất tuân dân sự. Và đa số rất trẻ tuổi. Họ tranh đấu cho linh hồn của Hồng Kông: đó là sự tự do, quyền cơ bản của con người và cũng là tương lai của chính họ.

Không có gì bảo đảm Bắc Kinh sẽ không đưa quân đội và xe tăng vào để đàn áp biểu tình. Họ đã tắm máu sinh viên Trung Quốc ở Thiên An Môn năm 1968. Ngoài lực lượng vũ trang gồm 10.000 người hiện đang có mặt tại Hồng Kông, Trung Quốc đã điều động quân đội dọc biên giới khu vực này. Nếu Trung Quốc can thiệp, bằng cách này hay cách khác, tình hình sẽ kết thúc thảm khốc.

Quân đội Trung Quốc đã chia sẻ trên mạng xã hội một video chiếu những người lính giết chết bọn phiến loạn. Để nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng, một quan chức cao cấp nhắc nhở những người biểu tình không nên giải thích sự kiềm chế của Trung Quốc là dấu hiệu của sự nhu nhược với thông điệp “Những kẻ chơi với lửa sẽ bị thiêu rụi”.

Những người biểu tình đã trả lời bằng graffiti trên đường phố: “Nếu chúng tôi bị đốt cháy, các người cũng chết cháy cùng chúng tôi”. Rồi trong thời gian qua, người ta có cảm giác như Hồng Kông đang bùng cháy. Và ít nhất nó cháy trong mắt mọi người mỗi khi cảnh sát bắn khói cay mù mịt, sử dụng vòi rồng và ra tay đàn áp tàn bạo.

Ngày 4 tháng 6, người Hồng Kông tràn ngập đường phố để tưởng niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1986. Ký ức về cuộc tắm máu này vẫn đè nặng tâm hồn người dân Hồng Kông. Dù dự luật dẫn độ đã được chính thức rút lại, những người biểu tình vẫn chưa hài lòng. Bốn yêu cầu còn lại của họ vẫn chưa được giải quyết.

Sự tàn bạo của cảnh sát đã khiến hàng trăm luật sư mặc áo thụng đen xuống đường trong yên lặng ủng hộ những người biểu tình. Họ đi từ Tối cao Pháp viện đến bộ Tư pháp. Đây là tín hiệu rất mạnh mẽ. Nó muốn nói đến sự độc lập của tòa án, nhà nước pháp quyền và nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật đang bị đe dọa và biểu dương các giá trị dân chủ như tự do ngôn luận và quyền hội họp để bày tỏ chính kiến.

Ngoài ra, nhiều chủ nhân và lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ cuộc biểu tình và cho nhân viên của họ tự do tham gia. Những việc làm này đem lại hy vọng vì nhiều người đang trên đà thất vọng. Nó thổi thêm ngọn lửa đấu tranh, thúc đẩy mọi người kéo nhau ra đường hét to khẩu hiệu “Liberate Hong Kong!” (“Giải phóng Hồng Kông), “Revolution now!” (“Làm cách mạng ngay bây giờ!”.

Nhiều người biểu tình còn trẻ, sinh sau ngày Bắc Kinh tiếp quản Hồng Kông. Họ lớn lên trong thời đại mà sự khác biệt giàu nghèo tăng lên đáng kể. Kể từ năm 2003, giá nhà đất tăng lên 300%. Việc sống trong nhà ở xã hội rất phổ biến, có khi phải chờ tới 14 năm mới được phân phối. Nhiều công ty than phiền doanh số của họ chạy thẳng vào túi bọn đầu nậu nhà đất vì không có giá nhà theo quy định. Nền kinh tế phát triển mạnh mẽ vào thập niên 1970, 80 và 90 đã liên tục suy giảm từ đó. Mức tăng trưởng trong năm 2013 chỉ còn 2,9%. Nhiều người không dám kết hôn, khó kiếm việc làm, di chuyển xa nhà quá tốn kém và chi phí gửi con học ở các trường tư quá cao. Chọn lựa duy nhất còn lại là trường công nhưng ở đó chỉ có sách báo đã được Bắc Kinh phê duyệt.

Đồng thời họ biết cuộc chiến với Bắc Kinh như trứng chọi đá. Họ biết mục tiêu của Trung Quốc là nắm giữ mọi quyền kiểm soát và áp dụng mọi biện pháp, nếu cần. Bắc Kinh đã ra tay tàn sát các sinh viên trong lần nổi dậy năm 1989, tiếp tục bức tử người dân Tây Tạng và Tân Cương, đàn áp Pháp Luân Công, Ki Tô Giáo và những người bất đồng chính kiến.

Nhiều người trẻ ở Hồng Kông đang mất hy vọng. Khi hy vọng không còn, tuyệt vọng chiếm chỗ rồi trở thành hận thù. Nhiều người tìm cách thoát khỏi đất nước. Hậu quả là Hồng Kông đang chảy máu não. Cơ hội này không dành cho những người nghèo hay học vấn kém.

Một số người bỏ cuộc hay phản ứng giận dữ. Họ cảm thấy không còn gì để mất, do đó có thể vượt qua ranh giới mà bình thường họ phải tránh. Trước mối đe dọa của Trung Quốc cùng sự tê liệt yếu hèn trong phản ứng của thế giới, tương lai Hồng Kông chắc không sáng sủa như mong đợi.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Cần có nhiều bài về HongKong (như bài này) đăng trên các trang web quốc nội để dân VN hiểu biết đầy đủ về phong trào tự giải phóng của giới trẻ và nhân dân HongKong

  2. Dưới sự lãnh đạo của Tập Hoàng đế, ta nêu lại 10 điểm trong năm 2019 gây bất lợi cho ĐCSTQ gồm:
    1/ Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đánh vào các hãng công nghệ của TQ như: Huawei, ZTE, Hikvision,…
    2/ Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung về tăng thuế hàng nhập nhẩu từ TQ vào Mỹ.
    3/ Dịch tả lợn châu Phi tại TQ dẫn đến nguồn cung giảm làm giá thịt lợn tại TQ tăng gấp đôi.
    4/ Biểu tình Hong Kong làm phải hủy bỏ Dự luật dẫn độ, dẫn đến phe kiến chế đại bại trong cuộc bầu cử cấp quận ở Hong Kong. Hong Kong, Đài Loan cùng tiến lại gần nhau hơn & càng rời xa Đại Lục. 01 thất bại nặng nề của chính sách “Một quốc gia, hai chế độ”.
    5/ Tổng thống Trump ký thông qua ” Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông” & “Đạo luật Bảo vệ Hồng Kông”.
    6/ Hồ sơ mật liên quan đến bức hại nhân quyền Tân Cương liên tiếp bị phơi bày trong cộng đồng quốc tế.
    7/ Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua “Đạo luật Duy Ngô Nhĩ 2019” và sẽ chuyển sang Thượng viện để bỏ phiếu thông qua trước khi chuyển tới cho ông Trump ký thành luật.
    8/ Cựu mật vụ của ĐCSTQ là Vương Lập Cường quy hàng tại Úc và vạch trần nhiều sự việc liên quan đến gián điệp của ĐCSTQ.
    9/ Quảng Đông xảy ra sự kiện xung đột giữa người dân và cảnh sát về việc xây dựng nhà hỏa táng.
    10/ Lần đầu tiên trong bản thông cáo chung 2019, NATO công nhận “Trung Quốc đặt ra những cơ hội và thách thức mà Liên Minh cần phải cùng nhau đối phó”.
    Hy vọng qua năm 2020 sẽ có tiếp thêm những điểm bất lợi nữa cho ĐCSTQ để làm nhẹ gánh nặng cho ng dân Hong Kong.

    P/s: PS: Dẫn nguồn 01 bài viết hay để độc giả tham khảo.
    Robert Spalding: Chiến lược của ĐCSTQ là chia tách Lục địa Á-Âu với Mỹ
    http://www.boxitvn.net/bai/67154
    https://trithucvn.net/the-gioi/robert-spalding-chien-luoc-cua-dcstq-la-chia-tach-luc-dia-a-au-voi-my.html

Comments are closed.