Kết thúc của chủ nghĩa tân tự do và sự tái sinh của lịch sử

Project Syndicate

Tác giả: Joseph E. Stiglitz

Dịch giả: Mai V. Phạm

4-11-2019

Lời người dịch: Bài viết súc tích sau đây của giáo sư kinh tế lừng danh Joseph E. Stiglitz sẽ giúp bạn đọc phần nào hiểu vì sao trong mấy tháng gần đây đã có những cuộc biểu tình lớn, kéo dài ở khắp nơi, bao gồm Chile, Bolivia, Hong Kong, Iran, Venezuala, Iraq, Lebanon, Haiti, Algeria, Spain, France, Russia…

Sau “Mùa xuân Ả Rập” năm 2010-2012, có thể nói, năm 2019 là một năm đánh dấu nhiều cuộc biểu tình nhất trong vài thập niên gần đây. Mẫu số chung của các cuộc biểu tình này chính là yêu sách cải cách chính quyền, loại trừ tham nhũng và cải thiện dân chủ. Giáo sư Joseph E. Stiglitz lập luận rằng, mô hình kinh tế quá tự do tạo điều kiện cho giới tài phiệt và quyền lực dễ dàng thâu tóm sự giàu có và quyền hành, trong khi số phận đại đa số người dân không được quan tâm. Chính vì thế, người dân cảm thấy tức giận, mất niềm tin vào thể chế dân chủ.

***

Trong 40 năm qua, giới quyền lực ở các nước giàu có lẫn nghèo đều hứa rằng, các chính sách kinh tế tự do sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và mọi người đều được hưởng lợi, thậm chí cả những người nghèo nhất, sẽ hưởng nền kinh tế khá hơn. Bây giờ bằng chứng đã có, có gì đáng để ngạc nhiên khi niềm tin vào giới quyền lực và niềm tin vào nền dân chủ đã giảm mạnh?

Vào cuối Chiến tranh Lạnh, nhà khoa học chính trị Francis Fukuyama đã viết một bài tiểu luận nổi tiếng mang tên “Hồi kết của Lịch sử?”. Ông lập luận, sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản sẽ xóa bỏ trở ngại cuối cùng chia cắt thế giới khỏi vận mệnh của nền dân chủ tự do và nền kinh tế thị trường. Nhiều người đã đồng ý như thế.

Ngày nay, khi mà chúng ta đối mặt với sự thoái lui khỏi trật tự toàn cầu tự do, xây dựng trên nguyên tắc, với các nhà cai trị độc đoán và mị dân, đang lãnh đạo các quốc gia với hơn một nửa dân số trên thế giới, thì ý tưởng của ông Fukuyama có vẻ lạ lùng và ngây thơ. Nhưng nó củng cố học thuyết kinh tế tự do vốn đã tồn tại trong 40 năm qua.

Sự tín nhiệm của chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism) (*) vào các thị trường không kiểm soát như một con đường chắc chắn nhất đưa đến sự thịnh vượng chung hiện đang trong cơn hấp hối. Sự suy yếu niềm tin vào chủ nghĩa tân tự do và dân chủ không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Chủ nghĩa tân tự do đã làm suy yếu nền dân chủ trong vòng 40 năm.

Phương thức toàn cầu hóa được quy định bởi chủ nghĩa tân tự do đã khiến các cá nhân và toàn bộ xã hội không thể kiểm soát một phần quan trọng vận mệnh của mình, như giáo sư Dani Rodrik của Đại học Harvard đã giải thích rất rõ ràng, và như tôi đã tranh luận trong những cuốn sách của tôi gần đây. Những tác động của tự do hóa thị trường vốn đặc biệt đáng sợ: Nếu một ứng cử viên tổng thống đang dẫn đầu tại một thị trường mới nổi đánh mất đi sự ưu ái của thị trường chứng khoán tại Phố Wall, các ngân hàng sẽ rút tiền ra khỏi đất nước đó. Các cử tri sau đó phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: Nhượng bộ giới quyền lực hoặc đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Cứ như thể thị trường chứng khoán Phố Wall có quyền lực chính trị nhiều hơn công dân.

Ngay cả ở những nước giàu, thường dân cũng được nhắn nhủ: “Các bạn không thể theo đuổi các chính sách mà bạn muốn có”, bao gồm các chính sách an sinh xã hội, tiền lương khá, thuế lũy tiến, hoặc hệ thống tài chính tốt – “bởi vì đất nước sẽ mất khả năng cạnh tranh, công việc sẽ biến mất và bạn sẽ phải chịu thiệt hại”.

Ở các nước giàu và nghèo, giới quyền lực hứa rằng các chính sách kinh tế tự do sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và mọi người đều được hưởng lợi, thậm chí cả những người nghèo nhất, sẽ hưởng nền kinh tế khá hơn. Để đạt được điều đó, người lao động sẽ phải chấp nhận mức lương thấp hơn, và tất cả công dân sẽ phải chấp nhận cắt giảm trong các chương trình quan trọng của chính phủ.

Giới quyền lực tuyên bố rằng, những lời hứa của họ dựa trên các mô hình kinh tế khoa học và “nghiên cứu dựa trên bằng chứng”. Sau 40 năm, dữ liệu chứng minh: Tốc độ tăng trưởng chậm lại kết quả của sự tăng trưởng đó chỉ lọt vào tay của một thiểu số (giới tài phiệt quyền lực). Khi tiền lương trì trệ và thị trường chứng khoán tăng vọt, lợi tứctiền tài sẽ đến với những người giàu nhất, thay vì phân chia cho mọi người.

Làm cách nào việc hạn chế tiền lương – nhằm đạt được hoặc duy trì khả năng cạnh tranh – và các chương trình cắt giảm của chính phủ có thể kết hợp lại để tạo ra mức sống cao hơn? Những người dân thường cảm thấy như họ đã bị rao bán như một món hàng. Vâng, họ đã đúng khi cảm thấy bị lừa đảo.

Chúng ta hiện đang nếm trải những hậu quả chính trị của sự lừa dối lớn lao này: Mất niềm tin vào giới quyền lực, vào “khoa học” kinh tế dựa trên chủ nghĩa tân tự do, và hệ thống chính trị bị lũng đoạn bởi tiền.

Thực tế là, mặc dù có tên là “tân tự do”, thời đại của nó còn rất xa tự do. Nó áp đặt một tri thức chính thống mà những người bảo vệ nó hoàn toàn không chấp nhận bất đồng chính kiến. Các nhà kinh tế có quan điểm không chính thống đã bị coi là những kẻ dị giáo bị xa lánh, hoặc tốt nhất nên chuyển sang một vài tổ chức bị cô lập. Chủ nghĩa tân tự do mang một chút tương đồng với “xã hội mở” (open society) mà giáo sư triết học Karl Popper đã ủng hộ. Như George Soros đã nhấn mạnh, ông Popper nhận ra rằng xã hội của chúng ta là một hệ thống phức tạp, không ngừng phát triển, mà khi chúng ta càng học hỏi, kiến ​​thức của chúng ta càng thay đổi hành vi của hệ thống.

Không nơi nào mà sự không chấp nhận bất đồng chính kiến lớn hơn là trong nền kinh tế vĩ mô, là nơi mà các mô hình phổ biến loại trừ khả năng của một cuộc khủng hoảng như cuộc khủng hoảng mà thế giới đã trải qua vào năm 2008. Khi điều không thể đã xảy ra, nó đã được xử lý như thể đó là trận lụt kéo dài 500 năm – một sự kiện lạ kỳ mà không một mô hình nào có thể dự đoán được. Thậm chí hiện tại, những người ủng hộ các lý thuyết này từ chối chấp nhận rằng lòng tin của họ vào thị trường tự điều chỉnh cũng như sự gạt bỏ của họ với các yếu tố bên ngoài, vốn là các yếu tố then chốt dẫn đến cuộc khủng hoảng. Học thuyết tiếp tục tồn tại, cùng với những cố gắng sai lầm để làm cho nó phù hợp với thực tế. Điều này xác minh rằng những ý tưởng tồi tệ, một khi được thành lập, thường có một cái chết từ từ.

Nếu cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 không khiến chúng ta nhận ra thị trường không không kiểm soát, quá tự do thì không có hiệu quả, cuộc khủng hoảng khí hậu chắc chắn nên khiến chúng ta nhận ra: Chủ nghĩa tân tự do sẽ thực sự kết liễu nền văn minh nhân loại.

Nhưng cũng rõ ràng rằng những lãnh đạo mị dân – những kẻ sẽ khiến chúng ta quay lưng lại với khoa học và sự khoan dung – sẽ chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Cách duy nhất để tiến lên, cách duy nhất để cứu hành tinh và nền văn minh của chúng ta, là sự tái sinh của lịch sử. Chúng ta phải hồi sinh thời kỳ Khai sáng và tái cam kết tôn vinh các giá trị tự do, tôn trọng tri thức, và dân chủ.

________

Tác giả: Joseph E. Stiglitz là giáo sư hàng đầu tại Đại học Columbia, từng nhận giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2001. Ông là cựu chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Tổng thống thời Clinton, và cựu kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

(*) Neoliberalism: Chủ nghĩa tân tự do là một quan điểm kinh tế, xã hội, và chính trị, cho rằng chính sách thương mại tự do và mưu cầu lợi ích của các tập đoàn kinh doanh có thể kết hợp lại để mang lại kết quả tối ưu.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Rất tán thành bác Hữu Cách.
    Phải tôi, có lẽ tôi cũng dịch như tác giả bản dịch này.
    Cảm ơn bác nhiều

  2. Trích: “Những người dân thường cảm thấy như họ đã bị rao bán như một món hàng. Vâng, họ đã đúng khi cảm thấy bị lừa đảo.”

    Nguyên văn: “Ordinary citizens felt like they had been sold a bill of goods. They were right to feel conned.”

    Câu đầu phải dịch là: “Người dân thường cảm thấy như họ mua nhầm hàng giả.”

    Đoạn này nói về một tín điều của trường phái tân tự do rằng hạn chế tăng lương sẽ giúp đạt hoặc giữ được tính cạnh tranh, do đó dẫn đến nâng cao mức sống của người lao động. Theo cách nói của Stiglitz thì các nhà làm chính sách là bên bán (tín điều) và người dân là bên mua (tín điều). Và khi tín điều ấy chứng tỏ mang đến kết quả xấu và được vạch ra theo luận lý (như của Stiglitz ở đây) là sai lầm, thì bên mua cảm thấy như đã mua nhầm hàng giả.

    Nhưng tôi thông cảm phần nào với dịch giả về lỗi này, bởi vì có lẽ dịch giả đang có trong đầu bối cảnh của một nước đang phát triển như Việt Nam, khi chính phủ có thể đang chủ trương (ngấm ngầm hoặc công khai) duy trì mức lương tối thiểu thấp để dễ “xuất khẩu lao động” hay thu hút vốn FDI. Hành động này tương đương với việc bán rẻ người lao động của mình — “bán rẻ” chứ không hẳn “bán như một món hàng”.

Leave a Reply to Trần H. Cách Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây