Thông tin về ngày thứ nhất, phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án trốn thuế liên quan luật sư Trần Vũ Hải

Trần Vũ Hải

14-11-2019

LS Trần Vũ Hải bên ngoài phiên tòa tại Nha Trang, Khánh Hòa ngày 13/11/2019. Ảnh: internet

1/ Sáng 13/3/2019, có nhiều dấu hiệu không bình thường trước khi mở phiên toà xử vụ án trốn thuế 280 triệu đồng với mức án cáo nhất 2 năm cải tạo không giam giữ tại Toà án nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà:

i/ Lực lượng công an địa phương đã cấm các phương tiện giao thông đi lại trước trên đoạn đường trước cổng Toà án, gây phản cảm tại một thành phố du lịch.

ii/ Toà án không cho nhiều nhà báo, phóng viên tham dự phiên toà mặc dù họ đăng ký trước và đây là phiên toà công khai.

iii/ Một lực lượng an ninh không nhỏ được huy động để “kiểm soát an ninh, trật tự”, ngăn chặn những người thực sự quan tâm đến tham dự phiên toà và tạo cảm giác như đang xử một vụ án nghiêm trọng liên quan đến “an ninh quốc gia”.

iv/ Trong khi đó có sẵn một nhóm “công dân” không rõ từ đâu đến đã chiếm phần lớn khán phòng phiên toà, chiếm cả chỗ ngồi của người tham gia tố tụng khác, và khiến các luật sư không có bàn làm việc.

v/ Một bảng “nội quy phiên toà” mới được lập, có nội dung trái Quy định của ngành Toà án và gây cản trở cho các luật sư tác nghiệp như cấm mang các phương tiện điện tử vào phòng xử.

2/ 42 luật sư bào chưa cho vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải đã có mặt tại phiên toà. Tuy nhiên có 6 luật sư dù đã liên lạc trước với Toà và Toà án đồng ý sẽ cấp Thông báo đăng ký Người bào chữa ngay trước thời điểm mở phiên toà, nhưng đã không được cấp.

3/ Các luật sư đã đề nghị Toà án tạo điều kiện cho các luật sư có bàn làm việc và mang theo các phương tiện điện tử, các nhà báo tham dự phiên toà . Các luật sư và bị cáo yêu cầu triệu tập công chứng viên (được các luật sư và bị cáo cho rằng phải là nhân chứng bắt buộc), một số người tiến hành tố tụng mà theo luật sư và bị cáo cho rằng có dấu hiệu làm trái luật, thậm chí làm sai lệch hồ sơ bằng việc bỏ các tài liệu do luật sư và bỊ cáo nộp ra ngoài hồ sơ vụ án. Nhưng các đề nghị, yêu cầu này không thấy Toà án giải quyết, dù Hội đồng xét xử có nghị họp. Có dấu hiệu chính các thành viên Hội đồng xét xử bị “chỉ đạo làm khó luật sư” bất hợp pháp, khi bà chủ tọa có nói sẽ tạo điều kiện tốt cho 40 luật sư chỗ ngồi và bàn làm việc, nhưng sau khi nghị họp, không thấy toà án giải quyết theo “lời hứa” của bà chủ tọa.

4/ Buổi chiều các bị cáo Ngô Văn Lắm và Nguyễn Thị Ngọc Hạnh được xét hỏi. Ông Lắm cho biết, chỉ đứng tên sở hữu nhà 78/40 Tuệ Tỉnh, Nha Trang cho chị ruột (cùng mẹ khác cha) là bà Hạnh, mọi giao dịch liên quan đến bất động sản này do bà Hạnh quyết định, ký các giấy tờ liên quan mua bán theo yêu cầu của bà Hạnh, không đọc rõ nội dung, kể cả giá cả. Các giấy tờ do phòng công chứng chuẩn bị sẵn và việc thuế và sang tên do bà Hạnh lo. Bà Hạnh khai do bà từ Na Uy trở về Việt nam, không hiểu biết về pháp luật, nên nghĩ rằng mình không mang tên sở hữu nhà được và do đó nhờ em trai đứng tên hộ. Khi mua bán, chỉ bà Hạnh và ông Trần Vũ Hải giao dịch với nhau. Bà khai một số nội dung đáng chú ý sau:

i/ Bà được công chứng viên “tư vấn” về giá giao dịch để kê khai thuế, công chứng viên sau khi tìm hiểu đưa ra số 1,8 tỷ đồng và tin công chứng viên đã hướng dẫn đúng. Vợ chồng ông Hải không liên quan, không thoả thuận với bà vì họ chỉ đóng phí trước bạ.

ii/ Công chứng viên khai một số nội dung không đúng, như khai ông Hải đánh máy một thoả thuận giữa ông Lắm và vợ chồng ông Hải. Tất cả các giấy tờ đều do công chứng viên và nhân viên phòng công chứng lập và đánh máy. Việc sang tên, nộp thuế do bà Hạnh thuê dịch vụ “làm nhanh”.

iii/ Bà không biết nếu bà đứng tên sở hữu bất động sản (vì vẫn còn quốc tịch Việt) và khi bán (sau 1 năm mua) bà được miễn thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng bất động sản vì tại thời điểm đó bà chỉ có bất động sản này.

iv/ Khi cơ quan điều tra cho rằng bà khai và nộp thiếu thuế, bà đã đề nghị nộp khắc phục hậu quả, kể cả gửi để nghị bằng văn bản nhưng cả cơ quan điều tra và viện kiểm sát không hướng dẫn. Khi bà trình bày lo phải trả thêm phạt và lãi, điều tra viên nói “chị yên tâm, số thuế nếu sau này nộp vẫn thế, không phát sinh lãi, phạt”.

v/ Nhà bà và nhà hàng của bà không bị khám xét, mặc dù bà được coi là “đầu vụ”, nhưng bà biết tin qua báo chí nhà và văn phòng luật sư của ông Hải bị khám xét, dù ông Hải được coi “giúp bà Hạnh trốn thuế” nhưng không thỏa thuận hay hưởng lợi gì.

Chúng tôi hy vọng ngày xét xử thứ hai của phiên toà này sẽ tạo điều kiện cho các nhà báo và người thực sự quan tâm trực tiếp theo dõi phiên toà, không nên tái diễn việc chọn lọc người ngồi “khán phòng”. Các thành viên Hội đồng xét xử được độc lập xét xử, mà không bị “chỉ đạo”.

Chúng tôi tin rằng một nhà nước pháp quyền Việt nam là phải bảo đảm cho một phiên toà công khai, dân chủ, tranh tụng thực sự và không bao giờ chấp nhận một phiên toà được đạo diễn và bị hài hơn cả một vở kịch.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. 1/ Tòa xử án theo chỉ đạo, ko theo Luật pháp:“Có dấu hiệu chính các thành viên Hội đồng xét xử bị “chỉ đạo làm khó luật sư” bất hợp pháp”.
    2/ Đề nghị phải xử án theo Luật pháp: “Các thành viên Hội đồng xét xử được độc lập xét xử, mà không bị “chỉ đạo””.
    3/ Xử án ko theo Luật pháp chỉ làm dân Việt thêm mất tin vào thể chế: “và không bao giờ chấp nhận một phiên toà được đạo diễn và bị hài hơn cả một vở kịch”.
    Chúc bác LS Trần Vũ Hải & các đồng nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này.
    P/s: Lẽ thường tình, dân Việt làm ra tiền ai cũng muốn tiền mình mình sài, có dư thì tự tay đi làm từ thiện, nên làm dư tiền ko ai muốn đóng tiền cho Chính phủ, để Chính phủ chi tiêu vô bổ, hoang phí cho vụ án này, xem ra thật là quá lố bịch (tốn phí nhiều tiền bạc, thời gian cho công an, tòa án, cán bộ, viên chức để xử vụ án ko đúng, ko đáng). Dân Việt ko đóng thuế cho Chính phủ cũng là từ đây.

  2. “Chúng tôi tin rằng một nhà nước pháp quyền Việt nam là phải bảo đảm cho một phiên toà công khai, dân chủ, tranh tụng thực sự và không bao giờ chấp nhận một phiên toà được đạo diễn và bị hài hơn cả một vở kịch”

    Tớ cũng tin rằng “một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt nam là phải bảo đảm cho một phiên toà công khai, dân chủ xã hội chủ nghĩa, tranh tụng thực sự xã hội chủ nghĩa và không bao giờ chấp nhận một phiên toà được đạo diễn và bị hài hơn cả một vở kịch, nếu đạo diễn đó có dụng ý xấu đ/v Đảng & Chính phủ”. Nếu có lợi thì không sao . Nên bán vé .

    Tớ hy vọng mọi người sẽ tin vào một thứ Công Lý gì đó diễn dỡ nên không xứng đáng là diễn viên hài. Lần cuối cùng có người tin như vậy, công an có thêm được 1 người nộp mạng . Hy vọng lần này cũng vậy .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây