Giàn khoan Hải Dương 982 lại di chuyển

Đặng Sơn Duân

6-11-2019

Theo tín hiệu từ Marine Traffic, giàn khoan Hải Dương 982 (Haiyang Shiyou 982) của Trung Quốc ở Biển Đông đã di chuyển theo hướng nam đông nam đến vị trí mới ít nhất từ tối 5.11.

Vị trí mới có tọa độ 17°18’36.60″N/110°37’53.40″E, cách vị trí cũ khoảng 25 hải lý về hướng nam đông nam, cách đá Bắc ở quần đảo Hoàng Sa khoảng 50 hải lý về hướng tây tây bắc.

Vị trí mới của Hải Dương 982. Ảnh: Đặng Sơn Duân

Di chuyển thể hiện trên dữ liệu hàng hải phù hợp với thông báo của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam ngày 5.11 cho hay giàn khoan Hải Dương 982 sẽ hoạt động tại vị trí mới từ ngày 5.11 đến 31.1.2020.

Thông báo của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam ngày 5.11

Trước khi di chuyển đến vị trí mới, giàn khoan Hải Dương 982 hoạt động tại vị trí 17°37’44.40″N/110°21’16.80″E từ ngày 21.8 đến 5.11.

Trước đó nữa, từ ngày 19.6 – 20.8, giàn khoan hoạt động tại vị trí 17°07’22.850″N/ 109°56’54.604″E.

Lưu ý các mốc thời gian này dựa trên thông báo của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, dù việc giàn khoan di chuyển đến vị trí mới có thể diễn ra sớm hơn vài ngày trên thực tế.

Ba vị trí mà giàn khoan Hải Dương 982 hoạt động kể từ tháng 6 đến nay đều nằm ở bên phía Trung Quốc so với đường trung tuyến giả định ở ngoài cửa vịnh Bắc Bộ.

Tuy nhiên, có một điều thú vị là vị trí mới nhất của giàn khoan Hải Dương 982 gần như nằm trên đường trung tuyến giả định khi phân chia vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc tính từ đảo Hải Nam với vùng đặc quyền kinh tế giả định của quần đảo Hoàng Sa. (Vị trí thực tế lệch qua phía Hoàng Sa vài trăm mét).

Đây là đang nói đến trường hợp quần đảo Hoàng Sa có EEZ, mà việc xác định dứt khoát có hay không có thể sẽ phải thông qua một phiên tòa như vụ Philippines kiện Trung Quốc.

(Chưa nói đến vấn đề xác định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, chỉ nội việc xác định Hoàng Sa có EEZ hay không đã đủ phức tạp và kéo theo nhiều hệ lụy).

Không rõ đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay một tính toán chủ ý của Trung Quốc khi triển khai giàn khoan Hải Dương đến vị trí này.

Chẳng hạn, nếu Việt Nam xem quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của mình và xem Hoàng Sa có EEZ thì Việt Nam sẽ phải phản đối việc Trung Quốc triển khai giàn khoan đến vị trí mới (xâm phạm vào bên phía Hoàng Sa, tức bên phía Việt Nam so với đường trung tuyến giả định giữa đảo Hải Nam và Hoàng Sa).

Hệ lụy của trường hợp này là Trung Quốc có thể vin vào đó để tuyên bố và hành xử như thể Hoàng Sa có EEZ sau này (hoặc xem đó là bằng chứng trong một vụ kiện về giải thích luật Biển tương tự trường hợp Philippines vs Trung Quốc).

Một cách thực tế thì Việt Nam hẳn phải xem Hoàng Sa không có EEZ để thu hẹp phạm vi tranh chấp và chồng lấn với Trung Quốc.

Nhưng nếu Việt Nam im lặng, không phản đối thì nhỡ sau này Hoàng Sa được xác định có EEZ thì sự im lặng của Việt Nam có thể bị xem là bằng chứng về sự từ bỏ thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền đi kèm quần đảo Hoàng Sa trong một vụ kiện khác về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. 2 yếu tố; thái độ của dân đ/v Đảng, & thái độ của Đảng đ/v Đảng của Đảng . Them sêm xít => 10 km.

  2. Theo tính toán của thằng tớ, tàu Trung Quốc có thể vô tới cách bờ biển VN khoảng 10 km…

    Tính toán? Tính kiểu gì vậy? Éo ai biết…

  3. Có vẻ sự hiện diện của Giải phóng quân Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa đã trở thành bình thường . Rất tốt!

    Trung Hoa vô, nơi này vẫn thế .

    Theo tính toán của thằng tớ, tàu Trung Quốc có thể vô tới cách bờ biển VN khoảng 10 km & đóng ở đó tháng này qua tháng nọ cũng chả sao . Heck, làm 1 cái cột đồng Mã Viện trên biển ngay tại mức 10 km luôn cũng chả sao .

Comments are closed.