Nhân Quốc hội bàn về Biển Đông: Hoàn cảnh – Tâm thế – Tầm nhìn – Di sản

“Cần phải nhận thức rõ ràng rằng, lãnh đạo Trung Quốc bao đời vẫn xem thiên hạ là chư hầu của họ, tất cả các học thuyết phát triển của họ dù vay mượn từ bên ngoài cũng đều phục vụ cho việc làm bá chủ thiên hạ mà trước hết là thôn tính các nước lân bang hèn kém. Nếu các nước nhỏ lệ thuộc vào ý thức hệ của họ, xem đây là tầm nhìn chung, sẽ dẫn đến lệ thuộc, mất tính độc lập trong tư duy. Do không có một tầm nhìn độc lập và chủ động thì cuối cùng sẽ bị rơi vào bẫy, phục tùng thiên hạ quan của họ”.

_______

Một Thế Giới

Lê Vĩnh Triển

22-10-2019

Tác giả cho rằng các bước đi hiện tại của lãnh đạo quốc gia nên được đặt trong một tầm nhìn dài hạn, chủ động hướng đến một di sản gồm một ý thức dân tộc độc lập, một non sông phát triển vững bền, một Việt Nam cường thịnh đủ sức răn đe đối với bất cứ thế lực bành trướng nào, đặc biệt từ Trung Quốc.

Đánh giá các tranh luận, trao đổi thời gian gần đây trên các phương tiện truyền thông, qua mạng xã hội và một phần qua báo chí chính thống về sự ngang ngược của Trung Quốc đối với các nước nhỏ hơn trong khu vực – đặc biệt với Việt Nam, Trung Quốc đã tỏ ra không chút kiêng dè, ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam – người viết cảm nhận mối quan hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của đất nước, và nhận thấy có ảnh hưởng nhân quả của hoàn cảnh đất nước đến tâm thế, đến tầm nhìn của trí thức, doanh giới và chính quyền, từ đó hình thành nên di sản của họ cho tương lai đất nước (tác giả nhấn mạnh hai thành phần trí thức và chính quyền như đại diện cho dân một nước).

Tác giả cho rằng các bước đi hiện tại của lãnh đạo quốc gia nên được đặt trong một tầm nhìn dài hạn, chủ động hướng đến một di sản gồm một ý thức dân tộc độc lập, một non sông phát triển vững bền, một Việt Nam cường thịnh đủ sức răn đe đối với bất cứ thế lực bành trướng nào, đặc biệt từ Trung Quốc.

Hoàn cảnh, tâm thế và tầm nhìn

Cha ông ta hay nói cái khó bó cái khôn; nghèo sinh hèn. Đây là đúc kết phổ biến ở góc độ cá nhân, gia đình. Nói “phổ biến” vì một mặt không hẳn sẽ đúng với mọi cá nhân, gia đình gặp khó, và mặt khác có người không gặp khó vẫn không khôn hay giàu nhưng vẫn hèn.

Có những cá nhân, gia đình tuy nghèo nhưng tâm thế không hèn, quyết chí vươn lên, vượt qua số phận vì bản thân (nếu là cá nhân) và bố mẹ (nếu là gia đình) có được tầm nhìn – nhận thấy được cơ hội và kỳ vọng vào thay đổi trong tương lai, giữ vững cơ nghiệp, bí quyết gia truyền… hay đơn giản là tập trung vào sự học, tránh những cám dỗ tiền bạc nhất thời chẳng hạn, thì cá nhân, gia đình đó sẽ tuy nghèo mà không hèn, thoát khỏi cảnh nghèo, có được sự kính trọng từ bên ngoài, nhờ vào quyết tâm và tầm nhìn của mình. Có tầm nhìn sẽ giúp họ có quyết tâm vì đã rõ con đường.

Đó là góc nhìn cá nhân, gia đình. Ở phương diện quốc gia, một quốc gia là tổng thể các gia đình, lãnh đạo quốc gia không được cho phép mình hèn kém vì nếu thế sẽ làm quốc gia hèn kém. Lãnh đạo quốc gia không được thiếu tầm nhìn, vì nếu thế sẽ làm bại hoại cả một dân tộc. Không thể như cá nhân hay gia đình bị cái khó bó cái khôn, nghèo hèn, quốc gia có thể có những lúc nghèo nhưng không thể hèn, trí thức (nghĩa rộng – dân) và chính quyền của quốc gia đó không được hèn kém (tâm thế kém cỏi) mới mong có một tầm nhìn dài hạn, đi trước và chủ động trước các thay đổi của thế giới và khu vực, không đợi đến khi thay đổi diễn ra rồi thụ động đối phó và lệ thuộc.

Trí thức và lãnh đạo quốc gia phải cảnh giác với tâm thế nhu nhược do bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh khó khăn của đất nước – không để tâm lý cái khó bó cái khôn, nghèo nên hèn giống như những cá nhân, gia đình thiếu trí tuệ và viễn kiến trong nuôi dạy con cái mình. Quốc gia có thể nghèo (GDP thấp chẳng hạn) nhưng trí thức và lãnh đạo quốc gia không được hèn thì mới có thể có một tầm nhìn xa rộng đưa đất nước thoát nghèo mà vươn lên.

Gần đây, có một số trí thức cho rằng nước ta nghèo nên phải nhịn nhục, đồng thời diễn dịch lịch sử Việt Nam theo hướng này. Rằng Việt Nam nên học theo cha ông ta đã nhịn Trung Quốc như từ bao đời phong kiến. Họ dẫn chứng về việc xin phong vương của các vua Việt Nam và việc triều cống của các triều đình Việt Nam với các triều đình Trung Quốc.

Họ còn cho rằng Việt Nam là nước nhỏ và yếu hơn Trung Quốc nên phải nhịn nhục, chấp nhận thân phận nhược tiểu. Với những lý lẽ này, họ biện minh cho mọi cách thức nhường nhịn và bằng mọi giá tránh gây phiền phức cho Trung Quốc vì Trung Quốc giờ là một đại cường còn Việt Nam là nước nhỏ đang lệ thuộc Trung Quốc mọi mặt.

Thật đáng buồn cho tâm thế hèn kém xuất phát từ sự đánh giá tình trạng đất nước như thế này. Có thể thấy những trí thức với tâm thế như vậy sẽ không trình bày được một tầm nhìn nào cho tương lai và triển vọng của đất nước, có thể nói họ lo sợ sự trả đũa của Trung Quốc đến tê liệt và không đưa ra được một giải pháp nào để đối phó. Có thể cho rằng nếu đất nước có giàu hơn sẽ vẫn tồn tại những thành phần với tâm thế này. Vì họ, dù có nghèo hay giàu, vẫn hèn như phân tích ở trên về góc độ cá nhân, gia đình.

Thế tại sao có thể nói sự diễn dịch lịch sử của họ là ngụy biện. Thứ nhất, ông cha ta có thể đã chấp nhận là nước nhỏ, cần giữ hòa khí (cấp thuyền, ngựa cho tàn quân của giặc ra về sau các cuộc chiến; xin sắc phong vương rất hình thức) chứ ông cha ta không hèn.

Mong muốn hòa bình nhưng không bao giờ nhân nhượng khi một tấc đất cương thổ bị xâm hại. Ông cha ta chấp nhận là nước nhỏ (tiểu), cần giữ hòa khí để phát triển chứ không hề yếu (nhược). Nguyễn Trãi đã rất dõng dạc “Dẫu cường nhược có lúc khác nhau/Song hào kiệt đời nào cũng có”. Rất rõ ràng, ông cha ta còn xác định cường – nhược hai bên có lúc này lúc khác chứ không phải lúc nào ta cũng yếu kém và phương Bắc lúc nào cũng hùng mạnh. Ngay trong hoàn cảnh các triều đại Trung Hoa hùng mạnh, thậm chí hung tợn, hừng hực khí thế, tràn sang xâm chiếm nước ta thì cũng thường bị đánh tơi bời…

Một vài ví dụ:

– Lê Đại Hành/Lý Thường Kiệt phá Tống bình Chiêm, đặc biệt thời Lý Thường Kiệt nhà Tống của Vương An Thạch là cực kỳ hưng thịnh.

– Trần Hưng Đạo ba lần đại phá Nguyên Mông khi đế quốc Mông Cổ hùng mạnh nhất lịch sử (Việc Mông Cổ và Mãn Thanh cai trị Trung Quốc sau này cũng là cái tát nặng nề vào cái thiên hạ quan tự huyễn hoặc của chính Trung Quốc).

– Lê Lợi/Nguyễn Trãi chống nhà Minh hùng mạnh, xây dựng nhà Lê có những giai đoạn trong lịch sử phát triển rực rỡ không thua kém gì các lân bang.

– Tây Sơn đánh tan tác quân nhà Thanh thời Càn Long cực thịnh…

– Thời Gia Long, Minh Mạng, bờ cõi Việt Nam mở rộng chưa từng có. Nhà Thanh giai đoạn đó không chắc hùng mạnh hơn Việt Nam…

Đó là chưa bàn đến khía cạnh ngụy biện về bối cảnh. Thế giới ngày nay là toàn cầu hóa chứ không phải thời quan hệ “cá lớn nuốt cá bé” giữa các nước như thời trung cổ. Các quốc gia ngày nay hành xử với nhau còn phải tuân thủ theo luật pháp quốc tế, các quốc gia lớn ngày nay không thể hành xử bạo ngược như thời phong kiến.

Nếu nước lớn có tâm thế bạo ngược, bất tuân luật pháp quốc tế và các nước nhỏ nếu cứ duy trì tâm thế hèn kém và không tin vào luật pháp quốc tế thì chính bản thân các nước nhỏ đã tự đặt mình vào thế áp đặt của chính các nước lớn, và tự đánh mất sức mạnh của thời đại mà mình đang dự phần. Hay có thể nói, các nước nhỏ nếu có tâm thế như thế đã chấp nhận sự bất tuân luật pháp quốc tế của các nước lớn.

Tâm thế, tầm nhìn và di sản

Có thể nói rằng, khả năng lãnh đạo các nước nhỏ rơi vào tâm thế nhu nhược là lớn hơn lãnh đạo ở các nước lớn, từ đó tầm nhìn hạn hẹp, mơ hồ thiếu tự chủ, tự biến mình thành con cờ của các nước lớn bạo ngược. Muốn không để tình trạng này xảy ra, lãnh đạo các nước nhỏ phải luôn xây dựng cho mình tâm thế mạnh mẽ, trí tuệ và viễn kiến xa rộng, chủ động tham gia vào điều chỉnh các quan hệ quốc tế, từ đó đưa đất nước tiến lên và mục tiêu sau cùng là một quốc gia vững mạnh cản trở các đe dọa từ các nước lớn bạo ngược.

Nếu không có tâm thế và tầm nhìn như vậy, Lý Quang Diệu đã không thể để lại một di sản là một Singapore nhỏ bé mà vững vàng và được tôn trọng. Nếu không có tâm thế và tầm nhìn như vậy, lãnh đạo các quốc gia như Nhật Bản khi canh tân đất nước thế kỷ 19 và sau thế chiến II đã không thể biến nước Nhật thành siêu cường khiến Trung Quốc không thể đe dọa (nếu không nói là ngược lại).

Tương tự như vậy, nếu các lãnh đạo không có tầm nhìn để thấy được yêu cầu dân chủ hóa đất nước trong thập niên 1970, 1980 thì các nước như Đài Loan và Hàn Quốc đã không có được sự tin tưởng ủng hộ từ các nền dân chủ phương Tây, không có được sự bứt phá về kinh tế và ý thức hệ so với Trung Quốc, để đưa đất nước thoát bẫy thu nhập trung bình, tiến lên mạnh mẽ và hạn chế những đe dọa thôn tính từ Trung Quốc.

Cũng như các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và xa Trung Quốc hơn một chút về mặt địa lý là Singapore, Việt Nam là một nước tương đối nhỏ so với Trung Quốc. Định mệnh đã đặt Việt Nam bên cạnh một quốc gia khổng lồ về mọi phương diện. Đối với một quốc gia như Trung Quốc, dễ nhận thấy rằng lãnh đạo của họ một cách tự nhiên thủ đắc một tâm thế bạo ngược và tầm nhìn xa rộng.

Với dân số gần một phần năm dân số thế giới, lãnh đạo của họ không có tầm nhìn, tham vọng chiếm đoạt thiên hạ mới là điều khó hiểu hơn. Nói nôm na, trong cuộc chơi 5 người dễ nhận ra rằng một cá nhân sẽ dễ nảy sinh tham vọng và dễ có cơ hội tranh đoạt làm bá chủ hơn. Nếu so với Việt Nam, dân số một phần bảy mươi của thế giới, một mình Việt Nam sẽ gần như không có tâm thế đoạt thiên hạ, bắt 69 người kia làm chư hầu cho mình.

Như vậy, Việt Nam đã luôn thường trực đối mặt với sự bạo ngược của Trung Quốc, luôn chịu ảnh hưởng tiêu cực và trực tiếp bởi tầm nhìn của lãnh đạo Trung Quốc. Trong hoàn cảnh như vậy, nếu trí thức và lãnh đạo Việt Nam không cảnh giác với tâm thế nhu nhược vốn dĩ là rào cản cho một tầm nhìn xa rộng; không sở hữu một tầm nhìn xa rộng, đoán định được những thay đổi và cơ hội của thời cuộc mà cứ lay hoay hỏi, bàn và giải quyết hậu quả của các vấn đề trong nước và các biến động địa chính trị một cách bị động, họ sẽ để lại một di sản nhãn tiền là một đất nước “không muốn phát triển”, doanh giới thiếu động cơ vươn lên, một giới trí thức lười suy nghĩ, một chính quyền ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc vốn là nước luôn xuất hiện những lãnh đạo với tâm thế bạo ngược và tầm nhìn thôn tính thiên hạ, thiên hạ là thần dân của Trung Hoa (thiên hạ quan).

Dù biết rằng trong lịch sử, thiên hạ quan của lãnh đạo Trung Hoa có lúc đã bi đánh cho vỡ mặt (Mông Cổ, Mãn Thanh từng cai trị Trung Hoa, cũng như nhà Thanh với tâm thế hèn kém vẫn tự coi mình là trung tâm vũ trụ, đã bị tám nước liên quân đánh cho tơi tả).

Cần phải nhận thức rõ ràng rằng, lãnh đạo Trung Quốc bao đời vẫn xem thiên hạ là chư hầu của họ, tất cả các học thuyết phát triển của họ dù vay mượn từ bên ngoài cũng đều phục vụ cho việc làm bá chủ thiên hạ mà trước hết là thôn tính các nước lân bang hèn kém. Nếu các nước nhỏ lệ thuộc vào ý thức hệ của họ, xem đây là tầm nhìn chung, sẽ dẫn đến lệ thuộc, mất tính độc lập trong tư duy. Do không có một tầm nhìn độc lập và chủ động thì cuối cùng sẽ bị rơi vào bẫy, phục tùng thiên hạ quan của họ.

Việc Trung Quốc leo thang các hoạt động quấy phá ở Biển Đông, đặc biệt sự kiện bãi Tư Chính, đã bộc lộ rõ tham vọng của chính quyền Trung Quốc trong việc độc chiếm Biển Đông. Việt Nam cần thể hiện rằng các vấn đề về biên giới lãnh thổ là không thể bị ràng buộc bởi bất cứ rào cản ý thức hệ nào, dù có ngụy trang bằng “tầm nhìn chung”, nhằm trói tay Việt Nam trong việc lên tiếng bảo vệ lãnh thổ của mình. Việt Nam cần cẩn trọng đối với cái gọi là “tầm nhìn chung” mang màu sắc ý thức hệ này, nó có thể khiến chúng ta mất đi sự ủng hộ mạnh mẽ của các quốc gia khác.

Cuối cùng, việc học hỏi trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội có thể là cần thiết. Tuy nhiên, nếu quá rập khuôn sẽ dễ dẫn đến sự lệ thuộc và tâm lý ngày càng ỷ lại vào mô hình Trung Quốc. Từ đó dễ dẫn đến sự triệt tiêu sức sáng tạo và tầm nhìn độc lập. Nếu lãnh đạo và giới trí thức trong nước không còn tham vọng tìm ra hướng đi riêng, trang bị một tầm nhìn xa rộng, chủ động cho mình thì sẽ không thể dẫn dắt đất nước đến phồn vinh, mạnh mẽ – là di sản cho con cháu đời sau gìn giữ và phát triển.

Bài học các nước Đông Á nêu ở trên trải qua hai thế kỷ đã chỉ rõ: độc lập tư duy, độc lập về tầm nhìn riêng của dân tộc là khởi đầu của tự cường và thịnh vượng!

“Dẫu cường nhược có lúc khác nhau/Song hào kiệt đời nào cũng có”… Nguyễn Trãi từng nói.

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. Nhân ông Hoàng Tự Minh nhắc đến báo Một Thế Giới,nên tôi cũng xin
    nhắc đến Qũy Nghiên Cứu Biển Đông từng hoạt động một thời gian,nay
    “đóng băng” hay đã chuyển qua tên khác thì phải ?
    Mới đầu,tôi cũng tưởng do một nhóm người độc lập với nhà nước CsVN.
    lập ra nhưng thật sự không phải mà là một cựu bộ trưởng VC.được bầu
    hay được ủy thác cầm đầu Quỹ này !

  2. Ý bài cũng thường thôi, thứ nữa là nguồn bài từ báo 4 T, motthegioi, một tế bào của truyền thông tuyên truyền. Lý luận chung chung như thế này thì phù hợp với mái trường XHCN, các em SV là một cái cối để quả chày Đảng giã bì bọp cả ngày.
    Ông nói về lực lượng “hai thành phần trí thức và chính quyền như đại diện cho dân một nước” là thiêu thiếu rồi, trí thức vốn ở trong dân, ngọc quý cũng có ở chốn quần hồng, trí thức thời rực rỡ này so với thời VNCH có sự chênh lệch quá lớn, tôi không mấy tin ở 2 thành phần ông vừa nêu.
    Chúc ông vững tin vào những gì dân mình mơ ước. Không bao giờ có độc lập ở cái xứ sở một cọc này.

  3. Chỉ có ai ngủ mơ mới mong cái quốc hội “đảng cử dân bẩu” này “dám” ra 1 cái nghị quyết lên án khựa xâm lăng !

  4. Phải hoan hô ông Lê Vinh Triển qua bài này bởi vì trước đây tôi từng đọc
    một bài của ông thì thấy rất …ngu trung (xin lỗi),toàn hô khẩu hiệu mà
    nay thì có tiến bộ hơn nhiều lần vì lý luận khá vững chắc !

Comments are closed.