Hoàng Ngọc Nguyên
17-10-2019
Con người sinh ra vốn phức tạp (bởi vậy mới có chuyện nói). Ông Trời (cả Chúa, cả Phật) tạo ra con người với ý đồ rõ ràng, càng phức tạp, càng thử thách, càng sớm lên thiên đàng (nhưng chẳng phải ai cũng mong chuyện sớm sủa này) hay mau thành chánh quả hay rủ nhau xuống địa ngục (Tổng thống nói: Go to hell!).
Con người phức tạp như thế vì những ganh ghét, đố kỵ, ngộ nhận và ngu xuẩn cho nên khó gần nhau, khó hiểu nhau. Người thường đã như thế, huống chi một người cao vời vợi như tổng thống. Vượt trên cả hiến pháp, luật pháp. Hay đúng hơn, tự làm luật cho chính mình. Làm sao hiểu được tổng thống? Lịch sử Mỹ đã chỉ ra rằng người đứng đầu ngành hành pháp nước Mỹ là người cô độc nhất thế giới. Nhất là một tổng thống phức tạp chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ. Mẹ kiếp! (Bull Shit – chữ tổng thống vẫn quen dùng công khai một cách thoải mái, thân thuộc).
Nay đã đến lúc người cầm bút chân chính phải lên tiếng để đưa người dân đến gần tổng thống của mình – khi tổng thống đã quyết không rời khỏi Nhà Trắng. Ông từng cho rằng một tổng thống chỉ có hai nhiệm kỳ là quá ít, bởi vì con người có thể “sống lâu trăm tuổi”, tức 25 nhiệm kỳ. Những người là “thiên tài rất ổn định” (very stable genius – chữ ông luôn luôn nhắc đến để mô tả chính mình) có thể đảm đương việc nước cho dù bỏ bê việc nhà ngay khi mới sinh ra. Như câu chuyện Thánh Gióng Phù Đổng Thiên Vương (mà ít người biết hay còn nhớ).
Vả lại, trong nhiệm kỳ đầu ông đương nhiên phải mất thì giờ để học việc (apprentice – cũng là chữ của ông và là “reality show” truyền hình của ông), lại còn mất bao nhiêu thì giờ đối phó với những kẻ thù “rác rưởi” (cũng chữ của ông – crap) từ đảng Dân Chủ đang tìm cách lôi ông xuống cùng cuộc chiến đấu với “fake news”- mà ông cũng gọi là “enemy of the people” – Kẻ thù của nhân dân) cho nên không đủ thì giờ làm được chuyện gì cho đất nước cả. Bây giờ, “đăng đăng, đê đê”. Chẳng có chuyện gì xong cả. Từ trong ra ngoài. Từ ngoài vào trong.
Bởi thế ông đang vận động Quốc Hội lần đầu tiên mở rộng nhiệm kỳ đầu của ông từ bốn năm thành sáu năm. Lo gì việc ấy mà lo. Với Thượng Viện đa số là người Cộng Hòa, chủ tịch đảng ta là Mitch McConnell mới 77 xuân xanh có bà vợ Elaine Chao đã 66 gốc Đài Loan đang làm việc cho ông tổng thống để bảo trợ việc làm ăn của đại gia đình họ Chao, và với Tối cao Pháp viện có chín người thì hết năm mang nhãn hiệu con voi, trong đó có hai người là chính tay ông bốc thì chuyện gì chẳng thành.
Và thật khôi hài cho những người Dân Chủ “ngu xuẩn” (cũng chữ quen thuộc của ông) tại Hạ Viện, cứ đòi “impeachment” mà không biết rằng sau lưng ông còn có Thượng Viện và Tối cao Pháp viện. Làm được gì ông nào?
Người ta nói nền dân chủ Mỹ đang tê bại, lê lết. Chứng cớ thì rõ ràng nơi nơi. Sách đã ghi “dân chủ thời nay đã hỏng rồi; Mười người, biết chuyện một người thôi” (10 Steps to Repair American Democracy, Steven Hill). Chỉ có một người thì làm sao cứu vãn khi chín người còn lại cứ như “con nai vàng ngơ ngác”.
Nếu dân chủ mạnh, thì đã không có sự phân hóa chính trị làm tê liệt cả bộ máy chính quyền, thì một tổng thống do dân cử phải được đa số cử tri ủng hộ thay vì đắc cử mà thua cả đối thủ đến 3 triệu phiếu. Giới thức giả (giả vờ thức) đã từ lâu chỉ ra rằng, hiến pháp Mỹ có vấn đề (cần phải tu chỉnh), hai đảng chính cũng có vấn đề, và người dân cũng có vấn đề. Thực ra, vấn đề chính là ở người dân. Không có người dân trưởng thành, sáng suốt, thì các chính khách chỉ giỏi trò múa gậy vườn hoang.
Tổng thống vẫn muốn có một nền dân chủ mà số người ủng hộ ông lên tới 100%, thay vì chỉ 35-40% như hiện nay. Và tỉ lệ này còn có thể thấp hơn nữa (20-30%) khi cuộc điều tra luận tội ngày càng vỡ lỡ nhiều chuyện. Ông suy cho cùng thì được ít phiếu như thế chỉ vì di dân. Nếu không có 60% người không ủng hộ ông, thì 40% ủng hộ ông sẽ thành 100% là cái chắc.
Chung qui chỉ vì di dân. Nước Mỹ mới ngày nào còn là “a nation of immigrants” (tựa sách của cố Tổng thống John F. Kennedy), còn cần di dân xây dựng đất nước, ông không cần biết. Nay ông không cần. Cho nên ông chủ trương phải loại bỏ di dân, hay ngăn chận di dân thì đúng hơn.
Chính nhờ chủ trương xây tường mà ông đã đắc cử năm 2016. Nhưng trong ba năm qua, sự thực thì số tường mới được xây thêm chỉ được vài mét, trong khi con đường biên giới dài đến 2.200 dặm. Ông thực có lỗi với cử tri. Thực thiếu sót với cử tri. Trong niềm ân hận và mặc cảm hứa cuội đó, ông đã lại hứa với cử tri trong những lần tập họp vận động: sẽ bắn vào chân di dân cho họ chừa; thả cá sấu vào ao, hồ biên giới cho họ sợ; hay thả rắn vào rừng hay sa mạc cho họ ngán… Có ai phê bình thì ông nói: Y khoa Mỹ tiến bộ, đừng có lo…
Chúng ta đã biết câu chuyện đảng Dân Chủ đang tiến hành điều tra cú điện đàm mua bán của ông với Tổng thống Zelensky của Ukraine: ông giúp tôi triệt hạ đối thủ, tôi sẽ giúp ông quân viện ngay lập tức. Quid pro quo: bánh mì trao qua, bánh croissant trao lại. Đương nhiên vì câu chuyện điều tra đàn hặc này mà ông đứng ngồi không yên, lúc nào cũng giận dữ phát điên, không làm xong chuyện gì cả. Nhìn đâu cũng là chuyện bế tắc mặc dù ông có hai cố vấn cấp cao là con gái và rể.
Ở Syria, ông phải nhường đất cho Nga và giao nộp người Kurd đồng minh cho kẻ thù là Thổ Nhĩ Kỳ. Ở vùng vịnh Hormuz, ông ngậm đắng nuốt cay khi Iran tấn công vào các kho dự trữ dầu của Saudi Arabia. Ở Afghanistan, Taliban tráo trở mà ông cũng chẳng làm gì được. Ở Thái Bình Dương, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng phối hợp ăn ý làm cho câu chuyện chiến tranh mậu dịch cùng với thương thảo giải giới hạt nhân thành hài kịch khó cười.
Trong nước, chuyện di dân bế tắc đến mức ông có sáng kiến di dân vào Mỹ phải có Obamacare (*). Chuyện kinh tế suy thoái người dân khổ đến nơi vì thương chiến làm cho lạm phát và thất nghiệp gia tăng, nay ông đổ cho Quỹ Dự trữ Liên bang phá hoại không chịu hạ thấp phân lời…
Cả mười ngày qua, ông chỉ đòi “impeach” tất cả mọi người chống đối (trong đó có cả Thượng nghị sĩ Mitt Romney của Utah), ai ông cũng kết án “phản quốc” và đòi bỏ tù. Những chữ thông dụng nhất của ông là “impeach”, “treason”, “jail”… lại chính là những mục tiêu đảng Dân Chủ đang nhắm vào ông.
Và đến ngày 8-10, chịu đựng hết nổi, ông đã ra lệnh cho luật sư của ông viết thơ cho bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện, thông báo ý kiến của ông: sẽ không tham dự, hợp tác bất cứ điều gì với cuộc điều tra “không căn cứ” (baseless) và không có giá trị về mặt hiến pháp (unconstitutionally invalid).
Trái bóng nay đã ở trên sân Dân Chủ Hạ Viên. Bà Pelosi sẽ triệu tập Hạ Viện bỏ phiếu truất bãi sớm hay chăng. Wait and See một khúc quanh lịch sử đang dồn dập đến!
Vấn đề chính của nước Mỹ là người ta đã “lạm dụng” dân chủ cho nên ưa soi mói, và vì tổng thống lại ở trong một Nhà Trắng (White House) cho nên ông làm gì người ta cũng thấy, thậm chí nói gì người ta cũng nghe được, điện đàm cũng bị ghi lại, khiến cho ông mất tự do. Hồ sơ thuế riêng tư của ông người ta cũng đưa ra tòa đòi coi. Học bạ của ông người ta cũng muốn xem. Hồ sơ bệnh viện của ông người ta cũng dòm ngó để xem trong bao nhiêu bệnh đang ngập đầu người già, ông có bệnh gì, ngoài chứng tâm thần ai cũng đồn đãi.
Có lẽ, nhờ trời, nếu nhiệm kỳ tổng thống Mỹ kéo dài được sáu năm, và một tổng thống có thể ứng cử bao nhiêu lần cũng được, già boao nhiêu tuổi cũng đủ minh mẫn lãnh đạo đất nước – như Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Putin, Hun Sen ở Miên, cái ông gì đó ở Lào (Cai-xỏn chết rồi), Duterte ở Phi, thì trong mấy chục năm còn lại (năm nay ông chỉ mới 74, còn cả 26 năm) ông sẽ đưa ra “lệnh hành pháp” (executive order) để đổi màu “nhà trắng” thành “nhà đen” (Black House). Để xem người ta thấy được gì, nghe được gì từ một tòa nhà đen ngòm!
_____
Ghi chú: Tác giả châm biếm Trump vì Trump rất ghét Obama care. Thật ra Trump bắt người xin visa vào Mỹ phải có bảo hiểm y tế, mà bảo hiểm này phải mua từ các hãng bảo hiểm tư nhân, chứ không được mua từ Obamacare.
Tôi đọc mãi vẫn không biết ý tác giả muốn ám chỉ “khúc quanh lịch sử” là cho ai…?
Cho nước Mỹ hay cho đảng Dân Chủ…?
Với giọng văn rỉ rả từ từ….giống tiểu thuyết tình cảm lâm ly bi đát…thuộc tuýp người thích giam mình với những cuốn sách đạo đức cổ…
Tất cả những điều trên chắc không hợp với nước Mỹ..và đặc biệt với Trump…
Nước Mỹ đang thời loạn phải cần một TT như Trump mới dẹp loạn được…đừng nhìn ông ấy theo mô-típ “motif “truyền thống…mà là phi truyền thống…những cái xưa cũ không hợp thời
Tôi e bài này có thể tạo… phản ứng ngược !
Lý do là tác giả HNN.mới thử việc,không có tài viết văn châm biếm !
Tổng thống ở Mỹ bị đả kích hay được khen ngợi là tùy theo quan điểm mỗi công dân Mỹ. Chỉ khi nào trở thành đa số thì mới thành vấn đề khiến tổng thống phải quan tâm xử lý.
Do vậy, bài này được tán thành hay phản đối là tùy quan điểm cá nhân của mỗi bạn đọc.
Dẫu sao, đây là cách viết châm biếm, rất chừng mực và cũng có những thông tin bổ ích.
Còn chuyện bạn đọc có tán thành quan điểm của người viết hay không, xin tùy mỗi người.