Tàu hải cảnh Trung Quốc đổi số hiệu như thế nào?

Đặng Sơn Duân

7-10-2019

Ảnh: internet

Trong bài báo hôm nay 7.10, Báo Thanh Niên đăng một bức ảnh hiếm thấy về tàu Hải cảnh 5901 và 46303 của Trung Quốc dàn đội hình ngăn chặn các tàu chấp pháp Việt Nam vào đẩy đuổi, ngăn chặn tàu Hải Dương Địa chất 8 khảo sát trái phép trên vùng biển Tư Chính – Phúc Tần của Việt Nam vào tháng 9.2019.

Đây là một bức ảnh đáng chú ý vì chiếc tàu Hải cảnh 5901 là tàu lớp Zhaotuo với lượng giãn nước 12.000 tấn. Trung Quốc chỉ có 2 chiếc tàu loại này là 2901 thuộc Phân cục Đông Hải và 3901 thuộc Phân cục Nam Hải.

Vì thế, chiếc tàu 5901 này dứt khoát phải là một trong hai chiếc tàu nói trên sơn lại số hiệu. Và tàu 2901 vẫn được ghi nhận hoạt động ở vùng biển Hoa Đông vài tháng qua, nên chiếc tàu 5901 này chắc chắn là tàu 3901 cũ.

Vì tàu hải cảnh với số hiệu 3901 từng được chụp hình hộ tống tàu Hải Dương Địa Chất 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam từ đầu tháng 7, nên việc sơn lại số hiệu chỉ có thể xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến nay.

Sự xuất hiện của một tàu có số hiệu 4 số bắt đầu từ con số 5 như tàu 5901 là rất lạ vì theo quy ước đặt tên tàu hải cảnh Trung Quốc trước đây, tàu có số hiệu 4 số sẽ trực thuộc 3 phân cục của Hải cảnh Trung Quốc là Phân cục Bắc Hải, Phân cục Đông Hải và Phân cục Nam Hải.

Trong đó, các tàu có số hiệu 1XXX, 2XXX và 3XXX sẽ lần lượt trực thuộc Phân cục Bắc Hải, Phân cục Đông Hải và Phân cục Nam Hải.

Số thứ hai trong số hiệu 4 số biểu thị lượng giãn nước của tàu. Ví dụ, tàu 3402 sẽ thuộc Phân cục Nam Hải và có lượng giãn nước từ 4.000 đến 5.000 tấn.

Các tàu hải cảnh có số hiệu 5 số thuộc về các chi đội hải cảnh ở 11 tỉnh ven biển, trong đó hai số đầu tiên biểu thị cho tỉnh mà tàu đó trực thuộc. Chẳng hạn, tàu có số hiệu 46XXX là tàu thuộc Chi đội Hải Nam.

Như vậy, theo quy ước trước đây thì tàu 5901 không trực thuộc một trong ba phân cục nói trên cũng như không trực thuộc chi đội tỉnh.

Không chỉ thế, từ trung tuần tháng 8, tức trong đợt xâm phạm vùng biển Việt Nam lần thứ hai của tàu Hải Dương Địa Chất 8, dữ liệu tàu biển ghi nhận từ tín hiệu AIS cũng thể hiện một số tàu hải cảnh khác có số hiệu 4XXX hoặc 5XXX.

Chẳng hạn, tàu hải cảnh 45111 trước kia nay lấy số hiệu 4203, tàu 3402 nay lấy số hiệu 5402 và tàu 46301 nay lấy số hiệu 5303. Trong khi đó, tàu 3308 vẫn giữ nguyên số hiệu.

Cũng khoảng trung tuần tháng 8, một số bức ảnh xuất hiện trên mạng cho thấy một số tàu hải cảnh có số hiệu bất quy ước khác là 6XXX xuất hiện ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông.

Chỉ có một cách lý giải cho sự xuất hiện của các tàu có số hiệu bất quy ước như trên là Trung Quốc đã thay đổi quy ước đặt số hiệu tàu hải cảnh Trung Quốc trong khoảng thời gian một hai tháng qua.

Cụ thể, Phân cục Nam Hải hiện tại có đến 3 loại tàu số hiệu 4 số là 3XXX, 4XXX và 5XXX. Trong khi Phân cục Bắc Hải loại tàu số hiệu 4 số có số hiệu 6XXX.

Điều này gợi nhớ đến sự phân bố 6 chi đội hải cảnh trực thuộc các phân cục là: Chi đội 3 (đóng ở Quảng Châu), Chi đội 4 (Văn Xương) và Chi đội 5 (Tam Á) trực thuộc Phân cục Nam Hải, Chi đội 6 (Thanh Đảo) trực thuộc Phân cục Bắc Hải và Chi độ 1 (Thượng Hải), Chi đội 2 (Ninh Ba) trực thuộc Phân cục Đông Hải.

Những thay đổi như trên gợi ý Trung Quốc đã thay đổi quy ước đặt tên tàu hải cảnh theo chi đội. Cụ thể, tàu 3XXX là tàu thuộc Chi đội 3 đóng ở Quảng Châu, tàu 5901 thuộc Chi đội 5 đóng ở Tam Á và tàu 6XXX thuộc Chi đội 6 đóng ở Thanh Đảo.

Với cách đặt tên như thế, việc tàu hải cảnh 45111 được đổi tên 4203 cho thấy nó đã được chuyển từ Chi đội Quảng Tây sang cho Chi đội 4 thuộc Phân cục Nam Hải. Tương tự, tàu 46301 được chuyển từ Chi đội Hải Nam sang Chi đội 5 (5303).

Lưu ý, con số thứ ba trong tàu số hiệu 5 số và số thứ hai trong tàu số hiệu 4 số biểu thị lượng giãn nước của tàu. Vậy thì tại sao trong trường hợp của tàu 45111 nó lại được thay đổi từ 1 sang 2?

Đây là một trường hợp thú vị vì tàu 45111 là tàu Type 718B, tức lớp Zhaojun. Tàu này dài 101 mét và có lượng giãn nước đến 2.700 tấn, nhưng không hiểu vì sao số biểu thị lượng giãn nước của nó là lại 1, tức là từ 1.000 đến 2.000 tấn. Có thể điều này xuất phát từ quá trình điều chỉnh thiết kế lúc đóng tàu.

Tuy nhiên, dù là lý do gì thì nó đã được điều chỉnh lại cho đúng trong quá trình đổi số hiệu vừa qua, tức là từ 1 (số thứ ba trong 45111) lên 2 (số thứ hai trong 4203).

Một chi tiết nữa củng cố thêm cho cách lý giải trên là kể từ trung tuần tháng 8, một số tàu hải cảnh có số hiệu 1XXX và 2XXX được tường thuật đi vào vùng biển được xác định là lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông.

Khu vực biển Hoa Đông thuộc phụ trách của Phân cục Đông Hải. Không phải là không có khả năng tàu 1XXX (cũ) thuộc Phân cục Bắc Hải được điều xuống tham gia tuần tra ở Senkaku/Điếu Ngư.

Tuy nhiên có thể có một cách lý giải khác phù hợp với quy ước đổi tên mới là tàu 1XXX thực ra là tàu thuộc Chi đội 2 của Phân cục Đông Hải và chúng hiện tuần tra ở Senkaku/Điếu Ngư với số hiệu mới. Tức là Phân cục Đông Hải hiện có 2 loại số hiệu 4 số là 1XXX và 2XXX. Còn các tàu 1XXX (cũ) thuộc Phân cục Bắc Hải trước đây nay đã được đổi số hiệu thành 6XXX.

Việc thay đổi quy ước đặt tên và biên chế của tàu hải cảnh Trung Quốc, bao gồm điều chuyển một số tàu trang bị hỏa lực mạnh như 45111 và 46301 (đều trang bị pháo 76mm) từ các chi đội tỉnh sang chi đội trực thuộc phân cục, gợi ý Trung Quốc hiện tập trung vào củng cố sức mạnh của 6 chi đội trực thuộc phân cục.

Và 6 chi đội này có thể sẽ là lực lượng chủ lực để thực hiện chiến lược vùng xám ở các vùng biển như Biển Đông và Hoa Đông, trong khi các chi đội tỉnh sẽ lùi lại đảm nhận vai trò chấp pháp nội địa.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây