Kết luận thanh tra là “Bài bào chữa vụng về” cho các sai phạm tài chính tại trường ĐH Luật TPHCM

Mai Bá Kiếm

7-10-2019

Ngày 30/9/2019, Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD & ĐT đã công bố Kết luận Thanh tra số 110/KL-TT ngày 27/9/2019 “về việc thanh tra hành chính Trường ĐH Luật TPHCM”. Ngay sau đó, đa số cán bộ, giảng viên Trường Đại học Luật đều nhận biết đây là bài bào chữa vụng về cho 3 sai phạm tài chính của trường này.

Còn giới am tường Bộ GD & ĐT và Trường ĐH Luật này thì hiểu đây là viêc biến “thanh tra thành quà tặng” của một “Cattani” (Chánh Thanh tra trong phim La Piovra) sắp về hưu!

1. Bao che việc bỏ ngoài số tiền lên đến 29.090.043.272 đồng

– Dù đã khẳng định, tổng số tiền sinh viên nộp (chỉ để học lại của hệ VLVH, học bổ sung hoàn thiện kiến thức) các năm 2014, 2015, 2016 và 2017 chênh lệch với dữ liệu trên “phần mềm quản lý học phí” đã được ghi nhận trong sổ sách kế toán là 29.090.043.272 đồng, tuy nhiên, Kết luận Thanh tra này cho rằng, việc này là do “trường hạch toán chưa đầy đủ, kịp thời” vào từng năm tài chính.

Kết luận này hoàn toàn trái ngược với Kết luận số 1045/KL-BGDĐT ngày 29/12/2017 cũng của Bộ GD khi giải quyết tố cáo đối với bà Mai Hồng Quỳ (trang 8 và trang 11), đã khẳng định kiểm tra sổ sách của nhà trường như sau: “Số tiền thu học lại của hệ VLVH đã được phản ánh trên Sổ chi tiết tài khoản 51181 gồm: “Năm 2014 là 777.595.000 đồng, năm 2015 là 852.160.000 đồng, năm 2016 là 939.170.000 đồng”, đã được quyết toán và công khai trong các Hội nghị viên chức.

Còn năm 2017 học phí học lại theo tài liệu Hội nghị Viên chức ngày 25/10/2018 là hơn 2,2 tỷ đồng. (xem bảng chụp)

Như vậy, theo số liệu công bố của Kết luận thanh tra năm 2017 và tài liệu Hội nghị Viên chức 2018: Tổng số tiền học lại 4 năm chỉ hơn 4,77 tỷ đồng.

Điều này có nghĩa là, sau khi bị Báo pháp luật TPHCM điều tra ra sai phạm vào tháng 6/2019, nhà trường mới vội lập hồ sơ khống, nhưng không thể thay đổi những gì trước đó, nên Thanh tra Bộ mới đề nghị quyết toán vào năm tài chính 2018, và Thanh tra “vẽ đường cho hươu chạy” bằng cách đề nghị quyết toán vào năm tài chính 2018 nhưng chủ tài khoản chưa ký duyệt chi. (trang 12 kết luận Thanh tra phần chú thích cuối trang).

Điều này thể hiện sự vi phạm nghiêm trọng về tài chính của Trường, và Thanh tra Bộ đã bao che sai phạm trong quá trình Thanh tra vừa qua.

– Về phương diện pháp lý, việc “trường hạch toán chưa đầy đủ, kịp thời” số tiền nói trên vào từng năm tài chính (năm 2014, 2015, 2016, 2017) là hành vi vi phạm pháp luật về quản lý tài chính.

Cụ thể:

+ Vi phạm Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ Quy định quyền tụ chủ, tự chịu trách nhiệm về thục hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể vi phạm là khoản 6 Điều Điều 31 về trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị sự nghiệp (Thủ trưởng đơn vị có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 của Bộ luật Hình sự 2015);

+ Vi phạm Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ Tài Chính về việc ban hành chế độ kế toán hành chính sự nghiệp mà cụ thể là vi phạm khoản 3 Mục I Phần thứ 4 về việc lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách.

2. Kết luận Thanh tra đã vẽ đường “hợp thức hoá” số tiền 29.090.043.272 đồng. Tức là số tiền trên chưa được trả lại mà đợi ký duyệt chi vào năm 2018

Theo đó, Kết luận của Thanh tra đã dung túng, bao che cho những người vi phạm pháp luật về tài chính để “hợp thức hoá” số tiền 29.090.043.272 đồng.

Cụ thể:

(i) Thanh tra của Bộ GDĐT đã đồng tình với báo cáo gian dối của Trường về việc “Đề nghị quyết toán khoản kinh phí đã chi” từ năm 2014 đến năm 2017 vào năm 2018 (sau khi có tố cáo và thanh tra đã làm việc) số tiền 24.165.517.612 đồng thu từ học phí học lại, học hoàn thiện, bổ sung kiến thức đã được Nhà trường chi cho chuyên môn nghiệp vụ như: Tiền giảng, tiền chấm bài, công tác chỉ đạo, quản lý, phối hợp, hỗ trợ và tổ chức các lớp học lại, bổ sung hoàn thiện kiến thức cho các đơn vị, cá nhân và có ký nhận.

Tuy nhiên, khoản chi này lãnh đạo Nhà trường đã duyệt chi cho ai? cơ quan, tổ chức nào đã nhận? số tiền cụ thể là bao nhiêu? Thì Thanh tra của Bộ GDĐT lại không làm rõ; Tại sao các khoản chi này lại không được quyết toán hàng năm mà lại dồn vào để quyết toán cho năm 2018? Thực chất, các khoản chi này mới “được liệt kê khống để đối phó với Thanh tra” vì theo Kết luận của Thanh Tra thì các khoản chi này chưa được “Lãnh đạo Trường ký duyệt” nhưng tại sao lại chi được? Ai là người chịu trách nhiệm về hành vi gian dối này? Tại sao Thanh tra Bộ GDĐT lại cố tình bỏ qua, không xác minh mặc dù việc này rất dễ dàng xác minh để tìm ra sự thật?

(ii) Thanh tra Bộ đã dung túng, bao che cho hành vi sai phạm đối với khoản chi trái pháp luật 3.495.085.000 đồng trong số tiền 29.090.043.272 đồng thu từ học phí học lại, học hoàn thiện, bổ sung kiến thức của sinh viên và học viên với kết luận “vô thưởng vô phạt” rằng, “kiểm tra chứng từ chi 4.924.525.660 đồng cho thấy: Các mục chi đều thể hiện việc phục vụ nhiệm vụ chung của Nhà trường trong đó có chứng từ chi 1.429.440.660 đồng là phù hợp với quy định, có cơ sở để quyết toán; chứng từ chi đối với với số tiền 3.495.085.000 đồng chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa đảm bảo cơ sở để quyết toán, cần được rà soát, hoàn thiện, xử lý theo quy định”.

Như vậy, kết luận của Thanh tra của Bộ GDĐT đã chính thức “hợp thức hoá” khoản chi 25.594.958.272 đồng trên tổng số 29.090.043.272 đồng số tiền thu từ học phí học lại, học hoàn thiện, học bổ sung của học viên và sinh viên.

Số tiền còn lại 3.495.085.000 đồng thì Thanh Tra Bộ lại “gợi ý” Nhà trường “rà soát, hoàn thiện, xử lý theo quy định”. Thế nhưng, không thể rà soát, hoàn thiện và xử lý theo quy định được khi các khoản chi này theo Thanh tra Bộ đã kết luận là “chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa đảm bảo cơ sở quyết toán”.

Tuy nhiên, trước đó Kết luận Thanh tra lại khẳng định “các khoản chi khác được đơn vị đề nghị bổ sung vào quyết toán năm 2018 đều có đề xuất của các phòng, và cá nhân trong trường, chúng từ có nội dung cụ thể đước lãnh đạo đơn vị phê duyệt, có người nhận việc sử dụng số tiền nói trên và nội dung chi phục vụ cho hoạt động chung của đơn vị, không phát hiện ra tư lợi cá nhân” vậy tại sao lại không quyết toán được?

Những minh chứng nói trên cho thấy, vì cố tình dung túng, bao che cho hành vi sai phạm về tài chính của một số người ở Trường ĐHL nên Thanh tra đã kết luận quanh co, lòng vòng, mâu thuẫn với nhau và không dám kết luận đó là những hành vi vi phạm về tài chính cần phải bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

3. Kết luận Thanh tra đã bao che cho hành vi của bà Mai Quốc Thu Trang lập tài khoản riêng số 1900206231434 để “tham ô tài sản”

Cụ thể, Kết luận của Thanh tra đã thừa nhận, bà Mai Quốc Thu Trang lập tài khoản riêng số 1900206231434 tại ngân hàng Agribank để thu 05 khoản tiền của Nhà trường từ các đơn vị, cá nhân chuyển vào tổng cộng là 26.321.507.662 đồng (xem trang 14), gồm:

Tiền học lại: 36.040.000 đồng;

Tiền học bổ sung hoàn thiện kiến thức 62.424.000 đồng;

Tiền lệ phí thi, học bổ sung hoàn thiện kiến thức cao học là: 1.812.043.772 đồng;

Tiền thu học phí ngoại ngữ của Trung tâm VASS là: 9.287.060.000 đồng;

Và các khoản tiền mặt của Trường là: 15.123.939.890 đồng. (tại sao nhà trường không chi vào tài khoản giáo viên mà lại chi cho Bà Trang, Bà Trang “ban phát” lại cho giáo viên?)

Ngoài ra, trong tài khoản của bà Trang còn có 5.249.034.100 đồng là tiền của cá nhân nhưng Thanh tra cũng không xác minh nguồn gốc số tiền này của bà Trang do đâu mà có. Đây là cũng là dấu hiệu rất đáng nghi vấn mà đáng ra Thanh tra phải xác minh làm rõ tính minh bạch của khoản tiền này nhưng Thanh tra đã bỏ qua, không xác minh (Thanh tra có thể làm được nếu yêu cầu ngân hàng cung cấp).

Thay vì kết luận, việc Thủ quỹ của Nhà trường mở tài khoản cá nhân để nhận các khoản tiền của Nhà trường là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có đầy đủ cơ sở để chuyển cho Cơ quan Điều tra có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự bà Mai Quốc Thu Trang (vì hành vi của bà Trang đã cấu thành tội Tham ô tài sản theo quy định tại Điều 353 của Bộ Luật Hình sự 2015. Theo Điều 353 thì tội phạm này đã hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện hoàn thành hành vi chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 2.000.000 đồng lên), thì Thanh tra lại “che dấu tội phạm” bằng cách “bào chữa vụng về” thiếu kiến thức về pháp luật nói chung và pháp luật về tài chính, kế toán và hình sự nói riêng khi cho rằng: Qua kiểm tra tuy chưa phát hiện ra thất thoát và sử dụng không đúng mục đích nhưng xét về mặt an toàn quỹ thì không đảm bảo”.

Những kết luận như trên chứng tỏ Thanh tra của Bộ GDĐT đã “giẫm” lên pháp luật để dung túng, bao che cho các hành vi vi phạm về tài chính tại trường Đại học Luật TP.HCM trong đó có dấu hiệu che dấu tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 và tội tham ô tài sản theo quy định tại Điều 353 của Bộ luật Hình sự 2015 cần phải được cơ quan có thẩm quyền xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Mở chương trình cấp bằng B1, B2 Anh văn trái phép (trang 31,32)

Với kết luận thanh tra, những chứng chỉ B1, B2, là hoàn toàn trái phép và Bộ yêu cầu chấm dứt. Vậy hàng ngàn sinh viên, học viên cao học, Nghiên cứu sinh đã thi chứng chỉ tiếng Anh trái phép tại trường có được cấp bằng tốt nghiệp, liệu các Văn bằng cử nhân, thạc sỹ, tiến sĩ do nhà trường đó có hợp pháp không? Đây là câu hỏi của nhiều người, khi nhiều học viên thạc sỹ luật của trường đang giữ các vị trí quan trọng trong Bộ máy nhà nước?

5. Bao che của Thanh tra Bộ với sai phạm của Ông Trần Hoàng Hải phụ trách trường (trang 15)

Theo đơn tố cáo là ông Trần Hoàng Hải đã bao che sai phạm của bà Trang ở chỗ: Vào 21/8/2018 phát hiện mở tài khoản riêng thu tiền của trường trái phép với số tiền rất lớn (30 tỷ đồng), sau đó 2 tháng, ông đã không xử lý mà còn thách thức dư luận nhà trường bằng cách “đặc cách bà Trang vào viên chức”.

Vậy là Thanh tra Bộ đã lương lẹo, uốn cong ngòi bút thành để giải thoát ông Hải bằng cách “tố cáo ông Trần Hoàng Hải tiếp tay cho Bà Trang ở tài khoản thu tiền trường là sai”. Rõ ràng tố cáo 1 đường, Thanh tra trả lời 1 nẻo vì thời điểm mở Tài khoản năm 2013 thì ông Hoàng Hải không liên quan. Chỉ liên quan vụ bao che cho toàn bộ sai phạm sau khi phát hiện.

Ngoài sự vụng về khi sử dụng thuật ngữ pháp luật, Kết luận Thanh tra còn thể hiện sự dốt nát về cú pháp và “cách chia thì trong quá khứ và tương lai”, khi diễn tả cdasc hành động đã hoàn thành trong quá khứ 5-6 năm trước mà cứ dùng từ “CHƯA” để che giấu tội phạm.

Cho nên, Trương Huy San phải nhắc Bộ trưởng Nhạ nên bảo chánh thanh tra “Ca Ta Đây” (sư phụ Ca Ta Nhi) chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để không mắc tội “che giấu tội phạm”.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây