Về thẩm quyền của cơ quan CSĐT Công an Quận 1 trong vụ 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm

Diễm Trúc

5-10-2019

Cho tới thời điểm này chắc những người quan tâm cũng đã phần nào rõ ràng là: Cơ quan điều tra công an quận 1 khởi tố ông Nguyễn Hải Nam khi đang là thẩm phán tòa án quận 4 có vượt quá thẩm quyền hay không? Quyết định khởi tố ông Hải Nam có phải là 1 hành vi “ban hành quyết định tố tụng trái pháp luật “ mà cụ thể là trái với quy định tại điều 268BLTTHS hay không?

Quan điểm cá nhân tôi: Không. Tại vì sao? Trước hết tôi nói về kỹ thuật lập pháp trong ban hành BLTTHS (bộ luật tố tụng hình sự).

BLTTHS và những bộ luật khác như BLHS, BLTTDS, BLTTHC…đều có 2 phần rỏ rệt đó là: Phần chung và phần các quy định cụ thể.

Trong phần chung BLTTHS sẽ là các khái niệm cơ bản sẽ được Bộ luật đó thường xuyên vận dụng đến ví dụ như các khái niệm: Bị can, bị cáo, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng… Sau đó đến là phần cụ thể, phần này thể hiện rõ mô hình tố tụng mà quốc gia đó theo đuổi. Ví dụ như BLTTHS Việt Nam quy định từ: Khởi tố – điều tra – truy tố – xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm) rồi các trình tự khác như Giám đốc thẩm, thủ tục xx rút gọn, ủy thác tư pháp, tương trợ tư pháp.

Sở dĩ người viết dài dòng như vậy là bởi vì: BLTTHS đã quy định rõ ràng: Giai đoạn điều tra nằm ở chương quy định về Khởi tố và điều tra của tất cả các cơ quan điều tra, giai đoạn Truy tố sẽ là các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKS các cấp, giai đoạn xét xử cũng vậy.

Nếu chịu khó để ý, quý vị sẽ thấy quy định điều 268 nằm ở chương thứ XXI quy định về “xét xử sơ thẩm” Mục 1 là: Thẩm quyền của tòa án các cấp.
Điều luật đầu tiên quy định về thẩm quyền này là điều 268.

Cái việc vận dụng 1 điều luật được quy định sờ sờ trong chương “xét xử sơ thẩm” để quy kết rằng công an quận 1 đã khởi tố sai thẩm quyền, ban hành quyết định tố tụng trái pháp luật là 1 nhận định chưa chính xác. Vô tình hay cố tình hiểu sai các quy định của BLTTHS nếu không nói là người nào có nhận định đó chưa biết cách tra cứu văn bản pháp luật, trong khi kỹ thuật tra cứu văn bản pháp luật cũng cần được học để làm cho đúng.

Rất nhiều bài báo đã vận dụng điều luật này vào giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án để quy kết rằng: Công an quận 1 không có quyền khởi tố ông Hải Nam, nhận định này chứng tỏ một số cá nhân chưa hiểu rõ về BLTTHS cũng như kỹ thuật lập pháp, kỹ năng tra cứu và vận dụng pháp luật vào tình huống thực tiễn… người viết cho rằng, nếu nắm rõ cách tra cứu, vận dụng pháp luật sẽ không xảy ra sự cố nhầm lẫn này. Bởi vì đơn giản: Thẩm quyền khởi tố và thẩm quyền xét xử hoàn toàn khác nhau. Mặc dù trong thực tiễn đa số việc khởi tố ở đâu sẽ do Tòa án cùng cấp tại đó xét xử, nhưng không phải là 100% các trường hợp đều như vậy, không có 1 điều luật nào của BLTTHS quy định đó là điều bắt buộc cả. Việc cơ quan này khởi tố nhưng 1 tòa án khác xét xử vẫn thường xảy ra. (Mọi người có quan tâm nên tìm đọc nhiều hơn nữa những bài viết trên tạp chí Kiểm Sát và Tạp chí Tòa án nhân dân).

Pháp luật là nhất quán, dù có còn 1 số bất cập, nhưng những thứ sơ đẳng như vậy không bao giờ có sai sót, có chăng chỉ là nhận thức của các cá nhân cụ thể.

Việc nêu lên những lập luận thiếu căn cứ về thẩm quyền của công an quận 1 trong vụ 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tác động không ít đến dư luận và có phần gây bất mãn, hoang mang đến 1 bộ phận nhân dân.

Trong phạm vi bài viết này người viết chưa liên hệ giữa giai đoạn Khởi tố vụ án với 1 luật khác nữa đó là: Luật điều tra hình sự được sửa đổi từ pháp lệnh điều tra các vụ án hình sự bởi người viết nghĩ rằng, đây là 1 lĩnh vực mang tính chất chuyên môn hơi sâu, không thuộc trường hợp phổ cập cho đại chúng và không hẳn ai cũng có hứng thú nghiên cứu.

Người viết nghĩ rằng công an quận 1 và công an thành phố HCM nên có thông cáo chính thức để xóa tan dư luận về những ồn ào quanh việc chuyển vụ án của công an quận 1 lên công an TPHCM.

Đương nhiên, việc chuyển này phải có căn cứ, và tất cả chúng ta không ai nhìn thấy quyết định chuyển vụ án đó nên chúng ta không thể biết được căn cứ chuyển là gì. Nhưng theo tôi, chắc chắn không phải chuyển theo điều 268. Bởi đơn giản, đây mới là giai đoạn điều tra. Chưa phải giai đoạn xét xử của Tòa án. Không thể lấy dao mổ trâu mà giết gà.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây