Ông Trọng, Biển Đông, trật tự cũ và mới

Jackhammer Nguyễn

20-9-2019

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui mừng bắt tay Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong bức ảnh chụp năm 2017. Nguồn: Thế giới & Việt Nam

Có người dự đoán với tôi rằng Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ nói đến việc tôn trọng luật pháp quốc tế trong chuyến đi Mỹ tới đây, ông nói với người Mỹ và với Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Tức là ông nói đến việc người Tàu đang vi phạm pháp luật quốc tế ở Biển Đông.

Dĩ nhiên với điều kiện là nếu ông Trọng đi Mỹ.

Khi nói đến luật pháp quốc tế, tức là ta nói đến cái trật tự đã hình thành sau thế chiến thứ hai, mà chủ yếu là do các nước phương Tây nghĩ ra. Liên Xô, quốc gia thắng trận cùng đồng minh, có lẽ cũng không hài lòng về trật tự đó, nhưng cũng phải chiều theo vì không có con đường nào khác.

Trật tự thế giới sau 1945 và cái bẫy Thucydides

Trật tự phương Tây đã hình thành từ trước đó, một cách từ từ với các định chế lập nên, rồi bỏ đi, rồi lại lập nên cái khác kế thừa cái trước, chẳng hạn như Hội Quốc Liên được thay bằng Liên Hiệp Quốc sau này.

Khi Lenin và đám quân lính giận dữ của ông cướp chính quyền ở St Petersburg, chắc chắn ông đang nghĩ tới một trật tự mới, trật tự cộng sản, trong đó có Đệ tam Quốc tế nắm hết mọi quyết định cho thế giới này.

Sau vài năm thì bên Tàu có ông Mao Trạch Đông cũng xiển dương “trật tự” cộng sản của riêng ông.

Đáy bể nương dâu, 73 năm sau khi Lenin nắm quyền, “trật tự” cộng sản đổ nhào không còn dấu vết.

Các đồ đệ của Mao, của Lenin (ông Putin không phải là kẻ vô thần như Lenin, nhưng là một nhân viên cũ của KGB) hiện đang nép mình theo trật tự phương Tây với vô vàn thứ qui định, từ hàng hải, thương mại, đến chủ quyền lãnh thổ.

Nhưng họ rất ấm ức, thấy là họ bị chèn ép trong các luật lệ đó.

Sau bao năm gượng dậy sau đổ vỡ, họ thấy mình có chút hưng phấn bèn nhứt định đòi thay đổi cái trật tự kia. Nói cho cùng, nó cũng là một loại bẫy Thucydides mà tôi có đề cập đến trong một bài trước kia, một đế quốc đang lên, luôn muốn thách thức trật tự của đế quốc cũ.

Chúng ta thấy người Nga can thiệp vào Syria (có vẻ là đang thành công), và người Tàu vào Biển Đông.

Người Tàu tuyên bố Việt Nam đang vi phạm lãnh hải của họ ở Bãi Tư Chính, trong khi bãi này, theo trật tự quốc tế hiện hành, thuộc quyền khai thác thương mại của Việt Nam.

Những kẻ ra luật có muốn đổi luật?

Muốn chứ, khi thấy là nó quá đát hay là nó hết có lợi cho mình. Thậm chí có người còn không tham gia luật lệ do bạn bè mình đặt ra, chẳng hạn như Công ước về luật biển 1982, Hoa Kỳ đâu có tham gia, vì luật này cho phép các quốc gia ven biển nhiều quyền lợi quá, Mỹ với tư cách là một cường quốc đại dương không ăn chia được tài nguyên dọc các bờ biển của những nước này.

Rồi chẳng hạn như chuyện cao nguyên Golan bên Trung Đông, theo “luật pháp quốc tế” thì nó phải thuộc về Syria chứ, thế mà ông Trump công nhận khu cao nguyên đó là của đồng minh Do Thái một cách tỉnh bơ.

Và bây giờ là chuyện thương mại. Donald Trump muốn lật tung cả Tổ chức Thương mại Thế giới, các thỏa thuận đa phương,… vì ông bảo nó không có lợi cho nước Mỹ. Tuy nhiên đây là vấn đề cần bàn cãi vì điều mà ông cho là “có lợi cho nước Mỹ” thì nhiều người Mỹ khác bảo là không phải, nó chỉ có lợi cho ông thôi.

Khi phán quyết của tòa trọng tài quốc tế bên Hà Lan, một tổ chức thuộc trật tự hiện nay, nói rằng, Philippines thắng trong vụ kiện người Tàu. Người Tàu không được công nhận có quyền tài phán trên cái đường lưỡi bò tưởng tượng của họ.

Lúc ấy giáo sư Alexander Vuving, một người Mỹ gốc Việt ở Hawaii, rất phấn chấn, cho rằng, luật pháp quốc tế đã thắng. Người Tàu mặc dù tru tréo lên là không công nhận phán quyết đó, nhưng bản thân phán quyết đó là luật, và người Tàu nếu muốn chơi với mọi người trong cái trật tự hiện hành, thì phải theo luật.

Ông Vuving có lý, và tôi cũng rất phấn khởi về vụ đó.

Khi phán quyết vụ kiện của Manila ra đời cũng là lúc nhiều quốc gia, nhiều người đang phấn khởi về kế hoạch Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ. Kế hoạch này là một dự án dựa trên trật tự hiện hành để bao vây người Tàu, không để họ làm bậy, quậy phá lập ra luật lệ riêng cho họ.

Nhưng đó là cái lý dựa trên trật tự hiện hành. Mà cái lý thì chưa chắc đã đúng với thực tế (như Goethe đã nói lý thuyết thì màu xám, chỉ có cây đời mãi xanh tươi).

Đùng một cái Donald Trump xuất hiện bên tây bán cầu, còn ở Biển Đông ngoi lên ông Rodrigo Duterte.

Trump đại diện cho đám dân Mỹ bị bỏ rơi đằng sau vì cuộc toàn cầu hóa, chủ yếu là dân quê và thợ thuyền. Mà toàn cầu hóa được tiến hành trong trật tự hiện hành của phương Tây sau Thế chiến thứ Hai.

Trump dẹp TPP ngay ngày đầu tiên vào Nhà Trắng. Thế là nước Mỹ quậy tưng cả lên, mà những cái quậy tưng này lại mang tính hướng nội, co về, không muốn đóng vai “sen đầm” giữ trật tự thế giới nữa.

Ông Duterte thì một mặt vẫn cất cái phán quyết kia trong ngăn kéo, một mặt ông giơ tay ra bắt với kẻ đang muốn có trật tự mới là người Tàu. Mà ở đây phải kể tới ông Hun Sen bên Cambodia nữa, ông này cũng chả quan tâm đến trật tư luật pháp quốc tế chi cả, người Tàu có tiền là ông theo trật tự của họ.

Việt Nam lưỡng lự giữa trật tự và lộn xộn

Nếu chúng ta quan sát thái độ của ĐCSVN trong vụ Tư Chính hiện nay thì thấy họ rất lúng túng, tự mâu thuẫn đủ các kiểu.

Một mặt, họ kêu gọi quốc tế ủng hộ họ tôn trọng luật pháp quốc tế, tức là trật tự quốc tế hiện hành.

Mặt khác, họ thấy các tay chơi của trật tự cũ như Mỹ đang quay mặt đi, các tay cá mè một lứa như mình là Duterte, Hun Sen cứ nhắm “nhân dân tệ” mà chạy tới.

Mà họ ngày xưa đã từng a dua cùng các ông Stalin và Mao để thiết lập trật tự cộng sản đối đầu với phương Tây, nay họ cứ như gà mắc tóc, làm ăn buôn bán theo trật tự phương Tây thì thích quá, nhưng trong nước lại muốn giữ trật tự cộng sản tưởng tượng của họ cơ!

Rồi bây giờ người anh em đồng chí cũ Bắc Kinh đưa ra “trật tự” mới, làm họ cứ ngần ngại, trong khi dân chúng thì đã rõ là thích trật tự phương Tây (có những cuộc thăm dò cho thấy người Việt có cảm tình với Mỹ nhất, trong số các nước Đông Nam Á).

Người cộng sản Việt Nam đu đủ thứ dây. Về địa chính trị họ đu giữa Mỹ và Tàu, về quyền lợi đảng, họ đu giữa 90 triệu người Việt và người Tàu, về mặt thiết chế xã hội, họ ngần ngừ trước cám dỗ phương Tây, mà vẫn vấn vương trật tự cộng sản trong nước.

Thế cho nên tôi nghĩ rằng, nếu ông Trọng có gặp ông Trump tới đây thì nên nói với ông ấy rằng: Này ông ơi, ông lui về lại trật tự của các ông đề ra hồi xưa cho tui biết đường mà lần.

Nếu ông đọc diễn văn tại Liên Hiệp Quốc và kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế, thì ông cũng nên tuyên bố sửa sang trật tự trong nước cho nó giống mọi người ông ạ. Mọi người ở đây là những người mà đồng bào ông mong muốn chứ không phải một tỉ kẻ kia mà có lúc ông tưởng là cùng trật tự với ông.

Và bạn đọc thử đếm xem trong bài viết của tôi có bao nhiêu chữ NẾU?

Jackhammer Nguyễn, gửi cho Tiếng Dân từ San Francisco

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Hớn hở đến Tàu triều kiến Tập, dù vụ Tư Chính đang căng, Ngân điếm cũng đành câm miệng hến.
    Rập rình sang Mỹ bắt tay Trump, tảng lờ Biển Đông không mới, Trộn lòng toan tính ngậm mồm trai.

  2. Mây hôm nay,tự nhiên thấy “lộn mửa” vì đám tâng bốc Trọng
    lú đang giở trò bảo vệ chủ mình,bất chấp thực tế là chủ quyền
    VN.mất dần vì chủ trương thờ Tàu cộng của Trọng lú !

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây