BTV Tiếng Dân
16-9-2019
BBC dẫn nguồn từ báo South China Morning Post, đưa tin: Trung Quốc nói đã ‘trục xuất’ tàu Mỹ ra khỏi Hoàng Sa. Hiện chỉ thấy báo South China Morning Post đưa tin này, dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Chưa thấy phía Mỹ xác nhận tin này.
Tài khoản Indo – Pacific Intelligence Unit có clip tổng kết hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 8, hơn 2 tháng qua đã 3 lần xâm phạm chủ quyền Việt Nam, cũng như ba lần phản ứng của người phát ngôn BNG Việt Nam.
Trong clip có giọng nói dường như của lính Hải quân Việt Nam: “Đề nghị TQ cút ra khỏi lãnh thổ VN, không chúng tao bắn chết“, cũng như tiếng chửi nhau giữa lính Việt với lính TQ. Dường như cuộc khẩu chiến này đã xảy ra trong vụ đụng độ năm 2014, vì nghe giọng chửi giống như trong những clip được phổ biến 5 năm trước:
Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đưa tin tối qua: Nhóm tàu “khảo sát” Hải Dương Địa Chất 8 vẫn đang hiện diện ở gần vị trí đặt giàn khoan Hakuryu-5, cho thấy, nhiều khả năng giàn khoan vẫn đang hoạt động, dù ngày 15/9 đã được phía Việt Nam thông báo là hạn chót hoạt động của giàn khoan này ở lô 06.1.
Nhóm tàu Hải Dương 8 thậm chí còn “được tăng cường thêm tàu hải cảnh 35111 vừa quay trở lại sau thời gian dài nghỉ ở Đá Chữ Thập. Dự kiến trong vài tiếng nữa, hải cảnh 31302 cũng sẽ gia nhập nhóm. Dự đoán căng thẳng vẫn sẽ còn tiếp tục, Trung Quốc chưa có ý định kết thúc chiến dịch xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông chia sẻ clip, được cho là của ngư dân, nói bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Clip này “có ghi lại tọa độ xác định bởi thiết bị GPS để có thể dễ dàng biết nơi xảy ra sự việc”:
VTC đưa tin: Châu Âu muốn đóng vai trò lớn hơn ở Biển Đông. Ông Frans-Paul van der Putten, nghiên cứu viên cấp cao đến từ Học viện Quan hệ quốc tế Clingendael bình luận: “Trước đây, các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực ở Biển Đông không được nhiều nước châu Âu chú ý. Tuy nhiên, điều này đã có sự thay đổi trong thời gian gần đây khi các nước ở châu Âu đã bắt đầu thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhất là vấn đề Biển Đông”.
Trong 4 phút, bản đồ chủ quyền Philippines được bán đứt, theo báo Tuổi Trẻ. Tại một cuộc bán đấu giá của phòng trưng bày Leon Gallery ở Philippines, tổ chức ngày 14/9, bản sao của một bản đồ cổ từng giúp củng cố các tuyên bố chủ quyền của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông, đã được bán với giá 40 triệu peso (gần 18 tỉ đồng VN).
Bản đồ này dự định bán với giá 18 triệu peso, nhưng cuộc chiến của những người tham gia đấu giá đã đẩy giá trị tấm bản đồ lên tới 40 triệu peso. Người thắng đấu giá nói rằng, bản đồ này sẽ được đưa “cho một người bạn”. Vẫn không rõ chủ nhân thật sự của bản đồ này là ai, nhưng có tin là một người Philippines gốc Tàu.
_____
Mời đọc thêm: Trung Quốc lên tiếng vụ khu trục hạm USS Wayne E. Meyer của Mỹ áp sát Hoàng Sa (TT). – Chiến hạm Mỹ mang tên lửa Tomahawk diễn tập cùng ASEAN trên biển Đông (DNVN). – “Soi” tàu ngầm sát thủ “Sói Biển” Mỹ, nghi đang ở biển Đông (TĐ). – Phớt lờ cảnh báo từ Trung Quốc, Anh đem tàu sân bay để bảo đảm tự do hàng hải tại biển Đông (ANTĐ).
– Hà Nội diễn tập chống “cách mạng màu sắc” giữa căng thẳng Biển Đông (RFA). – Mỹ gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc (NLĐ). – Mỹ âm thầm triển khai tàu ngầm hạt nhân ‘Sói biển’ nguy hiểm nhất thế giới tại biển Đông? (DNVN). – Vai trò của ASEAN trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông (ANTV).