Nguyễn Tường Phụng
14-9-2019
Vậy là Việt Nam của tôi đã được gắn hàng ngàn “camera an ninh” tại các vị trí “nhạy cảm” nâng Sài gòn, Hà nội “thông minh” như bao thành phố hiện đại khác trên hành tinh này. Nhiều bạn tỏ thái độ vui mừng vì ít nhất là tài sản và tính mạng của mình được bảo vệ tốt hơn … nhưng thưa các bạn, xin nhớ lời căn dặn của tiền nhân “… hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”, vì nếu nhìn không kỹ thế nào cũng ân hận suốt đời.
Ở các nước văn minh, hệ thống camera được gắn rộng khắp, công khai nơi công cộng cũng như nhà riêng, tất cả đều có bảng cảnh báo và được vận hành theo luật pháp. Điều này đã làm tăng hiệu quả quản lý xã hội và giảm nguồn nhân lực đáng kể. Ở các nước đó, nguồn nhân lực làm công tác an ninh, trật tự tính theo tỉ lệ dân số chỉ bằng 1/50 so với các xứ sở thần tiên như Việt Nam, Trung Quốc…
Việt Nam cũng gắn camera nhưng gắn để làm gì? Và vận hành ra sao, thì hoàn toàn khác. Trong một ngày Sài gòn có bao nhiêu vụ trộm cướp, chém giết, bức hại… người dân và có bao nhiêu vụ công an nhờ các dữ liệu thu được từ camera để tìm ra thủ phạm? Những câu hỏi này tôi để tự các bạn tìm hiểu sẽ khách quan hơn. Ngay cả khi nạn nhân cung cấp dữ liệu camera cho cơ quan chức năng mà “chung chi không đủ” thì coi như bạn đang làm diễn viên bất đắc dĩ trong phim Cướp (tập 2) mà vai chính bây giờ không nằm trong camera như trong tập 1 nữa.
Cách vận hành camera ở Việt Nam cũng sáng tạo và thông minh hơn rất nhiều so với các xứ “giãy chết”. Ví dụ, camera chỉ ghi hình những chỗ cần “thấy” như trong vụ “Linh nựng” camera không cần “thấy” bàn tay trái của “đồng chí Linh” làm gì(!). Hay gần đây nhất là trong vụ trường học Gateway, camera thông minh có thể không ghi hình những thời điểm… không cần thiết.
Ngoài hệ thống camera cố định, ở Việt Nam còn có hệ thống camera di động mà ít có nước nào trên thế giới sở hữu được. Nhân viên vận hành camera di động là những người quả cảm, năng nổ, sáng tạo. Họ có thể làm việc 24/7 trong mọi điều kiện thời tiết; có thể bí mật trong các bụi rậm hay trong hệ thống cống rãnh của Sài gòn để tác nghiệp. Cách ghi hình này gọi là cách “truyền thống” nhưng rất hiệu quả đấy thưa các bạn!
Bạn hãy tưởng tượng: Một nhà nọ có tên đầy tớ lấy tiền chủ nhà mua camera về gắn tùm lum trong nhà. Thay vì gắn ở những vị trí nhằm bảo vệ gia chủ khi có tác nhân đột nhập từ bên ngoài, thì nó lại gắn vào những chỗ bí mật, “nhạy cảm”… mà chủ nhà không hề biết. Nếu chủ nhà không chịu thì đầy tớ bảo: “Camera mua của thằng giang hồ ở đầu ngỏ, còn thiếu nó 10 tỷ, trả nợ xong mới được tháo ra”… trong khi thu nhập của chủ nhà chỉ 1 triệu/tháng.
Thật khốn nạn cho thân phận chủ nhà.
Đấy, chuyện camera ở xứ sở thần tiên nó na ná như vậy đấy, thưa các bạn!
_______
Mời đọc lại: TP.HCM lắp camera quan sát tầm xa ở nhiều nơi trọng yếu (PLTP). – TP. HCM chi 1.600 tỉ đồng lắp đặt 10.000 camera giám sát thông minh (CNMT). – Kỳ vọng từ 10.000 camera (ND). – Camera công cộng ở TP.HCM sẽ nhận dạng mặt người (DS). – California ra luật cấm cảnh sát dùng camera gắn người có nhận dạng khuôn mặt (TTVN).