Vì sao nhà máy lọc dầu Dung Quất hễ khởi động là… lỗ?

Lê Xuân Thọ

13-9-2019

Nhân chuyện mấy hôm nay râm rang về trạng thái “dừng” hay vẫn đang “tiếp tục hoạt động” Dự án mỏ dầu khí Cá Voi Xanh bởi hành động quậy phá của Trung Quốc, bỗng nhớ mấy chuyện về Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).

Đây là công trình mang đậm dấu ấn của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông quyết tâm làm bằng được nhà máy này ở khúc giữa đất nước vì 3 lí do chính: Chủ quyền trên biển đông, an ninh năng lượng và vấn đề an sinh.

Giờ, chỉ nói về chủ quyền trên biển Đông: Cố thủ tướng Kiệt đã có ý định mời một số nhà đầu tư đến từ châu Âu hay các nước phát triển ở châu Á đầu tư vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Vì ông biết chỉ khi nào công ty của những nước này có lợi ích ở Dung Quất, thì họ mới có những động thái kìm kẹp sự quậy phá của Trung Quốc. Và đó cũng là cách gián tiếp giúp chúng ta ổn định chủ quyền ở vùng đặc quyền đã được ghi nhận.

Tiếc là, bởi những tư duy vòi vĩnh sau này của những người có quyền, đã khiến cho hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài bỏ chạy mất dép sau vòng… đề xuất.

Theo thiết kế ban đầu, hệ thống vận hành của Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ xử lý “dầu thô ngọt” thay vì xử lý “dầu thô chua” như hiện nay.

“Dầu thô ngọt” là dầu thô có ít hơn 0,5% lưu huỳnh, hàm lượng đó cao hơn sẽ là “dầu thô chua”. “Dầu thô ngọt” chứa một lượng nhỏ của Hydro sulfua và Cacbon điôxít. Đây là loại dầu thô có chất lượng cao hơn “dầu thô chua” và yêu cầu quá trình xử lý, chế biến,… đỡ tốn công và chi phí hơn. Trong khi đó, với đặc tính ăn mòn của lưu huỳnh, “dầu thô chua” sẽ gây hao mòn các thiết bị vận chuyển, xử lý dầu. Ước tính mỗi thùng “dầu thô ngọt” có thể tiết kiệm 15 đô la tổng chi phí.

Thiết kế ban đầu là vậy, nhưng những tư duy gặm nhấm đã kéo dài thời gian thi công Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Để đến khi làm xong nhà máy, thì nguồn “dầu thô ngọt” ở nước ta gần như không còn. Thế là phải xử lý “dầu thô chua” bằng dây chuyền xử lý “dầu thô ngọt”, trong khi yêu cầu kỹ thuật việc xử lý, vận chuyển “dầu thô chua” phải khác so với “dầu thô ngọt”.

Vì thế, khi đưa vào vận hành được 1 thời gian, thì hệ thống này bị ăn mòn. Thế là vài năm, nhà máy này phải tạm ngừng hoạt động một vài tháng để “bảo trì sửa chữa”, trong đó có việc thay thế đường ống, hệ thống xử lý, vận chuyển “dầu thô ngọt” thành đường ống, hệ thống xử lý, vận chuyển “dầu thô chua”.

Và đó là gốc rễ chính nhất của sự… lỗ mỗi khi vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Và đây là những con số lỗ của nhà máy này kêt từ khi đi vào hoạt động từ năm 2009:

Năm 2010, lỗ gần 3.200 tỷ đồng; năm 2011 lỗ gần 4.800 tỷ đồng; năm 2012, lỗ trên 6.400 tỷ đồng; năm 2013, lỗ khoảng 6.000 tỷ đồng; năm 2014, lỗ 7.136 tỷ đồng. Như vậy, tính đến hết năm 2014, nhà máy này lỗ khoảng 27.600 tỷ đồng. May nhờ có ưu đãi thuế, nên chỉ lỗ còn… 1.048 tỷ đồng. Nghĩa là khoản chênh lệch 26.552 tỷ đồng là phần doanh thu thuế mà Chính phủ đã mất đi. Ôi trời!

Lần đầu tiên nhà máy này báo lãi là vào năm 2015 với con số 6.000 tỷ đồng. Nghe thì sướng tai, nhưng kỳ thực cái lãi ấy có được là nhờ… nhận ưu đãi thuế.

Sau đó, tình hình làm ăn của nhà máy này có vẻ sáng sủa hơn một chút. Nhưng vẫn chưa thể nào trả lời câu hỏi của nhân dân: Tại sao có Nhà máy lọc dầu Dung Quất mà giá xăng dầu vẫn không rẻ hơn?

P.s 1: Mình viết bài này là để nhìn lại, tránh sai lầm tương tự đối với Dự án Cá Voi Xanh chứ không phải để moi móc. Vì nếu moi móc thì mình đã lôi những sai phạm khác luôn rồi, bao gồm cả thời ông Giang cựu chủ tịch bị bắt!

P.s 2: Dự án Cá Voi Xanh nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, do Tổ hợp nhà thầu ExxonMobil (Mỹ), PVN và PVEP triển khai. Dự án kỳ vọng sẽ cung cấp đủ khí cho bốn nhà máy điện với tổng công suất 3.000 MW, gồm 2 Nhà máy đặt tại khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam) và 2 Nhà máy đặt tại khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Sau 5 năm hoạt động lỗ 27.600 tỉ,bình quân mỗi năm lỗ 5.500 tỉ ! Đó là chưa tính những mất mát do ông nhiễm gây ra cho con người và môi trường! Thật đáng suy nghĩ!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây