Hồ Bạch Thảo
11-9-2019
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 — phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9
10. Lý Thái Tông [1028-1054]
Niên hiệu: Thiên Thành: 1028-1033; Thông Thụy: 1034-1038; Càn Phù Hữu Đạo: 1041; Minh Đạo: 1042-1043; Thiên Cảm Thánh Vũ: 1044; Sùng Hưng Đại Bảo 1053.
Hai triều đại Đinh, Lê trước đó, đều xảy ra tệ trạng anh em tranh ngôi; triều Lý cũng dẫm vào vết bánh xe đổ. Tuy nhiên Vua Lý Thái Tổ đã chuẩn bị sẵn trường hợp tệ nạn này có thể xảy ra, nên từng giao cho người con được chỉ định làm Vua là Thái tử Phật Mã, cầm quân dẹp giặc nhiều lần, có sẵn uy tín với các tướng lãnh dưới quyền. Nên sau khi Vua mất, các Hoàng tử tranh quyền, Thái tử Phật Mã bèn giao cho các tướng đánh dẹp; không phải trực tiếp nhúng tay vào việc anh em giết nhau; nhờ vậy chính quyền được chuyển tiếp một cách nhánh chóng.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, [Bản Kỷ, quyển 2] thuật lại như sau: “Thuận Thiên năm thứ 19 [1028] Mùa xuân, tháng 2, vua không khỏe. Ngày Mậu Tuất, vua băng ở điện Long An. Bề tôi đều đến cung Long Đức xin thái tử vâng di chiếu lên ngôi. Ba vương là Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức, nghe tin đều đem quân ở phủ mình vào phục sẵn trong cấm thành. Đông Chinh Vương phục ở trong Long Thành, hai vương Dực Thánh và Vũ Đức phục trong cửa Quảng Phúc, đợi thái tử đến thì đánh úp. Một lát sau, thái tử từ cửa Tường Phù vào, đến điện Càn Nguyên, biết có biến, sai người hầu đóng hết các cửa điện và sai các vệ sĩ trong cung phòng giữ, nhân bảo tả hữu rằng:
“Ta đối với anh em không phụ bạc chút nào. Nay ba vương làm việc bất nghĩa, quên di mệnh của Tiên đế, mưu chiếm ngôi báu, các khanh nghĩ thế nào?”
Nội thị là Lý Nhân Nghĩa nói:
“Anh em với nhau, bên trong có thể hiệp sức bàn mưu, bên ngoài có thể cùng nhau chống giặc. Nay ba vương làm phản, thì là anh em hay là kẻ thù? Xin cho bọn thần đánh một trận để quyết được thua”.
Thái tử nói:
“Ta lấy làm xấu hổ là Tiên đế mới mất chưa quàn mà cốt nhục đã giết nhau, há chẳng để cho muôn đời chê cười sao?”
Nhân Nghĩa nói:
“Thần nghe rằng muốn mưu xa thì phải quên công gần, giữ đạo công thì phải dứt tình riêng, đó là việc Đường Thái Tông và Chu Công Đán bất đắc dĩ phải làm (1). Nay điện hạ có cho Đường Thái và Chu Công là chăm mưu xa, giữ đạo công chăng? Hay là tham công gần, đắm tình riêng chăng? Điện hạ biết theo dấu cũ của Đường Thái, Chu Công thì đời sau ca tụng công đức còn chưa rỗi, còn rỗi đâu mà chê cười!”.
Nhân Nghĩa lại nói:
“Tiên đế cho điện hạ là người hiền, đủ để nối được chí, tài đủ để làm nổi việc, nên đem thiên hạ phó thác cho điện hạ. Nay giặc đến vây bức cửa cung mà ẩn nhẫn như thế, thì đối với sự phó thác của Tiên đế ra sao?”
Thái tử im lặng hồi lâu rồi bảo Nhân Nghĩa và bề tôi trong cung là bọn Dương Bình, Quách Thịnh, Lý Huyền Sư, Lê Phụng Hiểu rằng:
“Ta há lại không biết việc làm của Đường Thái, Chu Công hay sao? Chỉ vì ta muốn che giấu tội ác của ba vương, khiến họ tự ý rút quân chịu tội để được vẹn toàn tình cốt nhục là hơn”.
Khi ấy phủ binh của ba vương vây bức càng gấp, Thái tử liệu không thể ngăn được, nói:
“Thế đã như vậy, ta còn mặt mũi nào trông thấy ba vương nữa. Ta chỉ biết làm lễ thành phục (2) đứng hầu Tiên đế, ngoài ra đều ủy cho các khanh cả”.
Bọn Nhân Nghĩa đều lạy hai lạy nói:
“Chết vì vua gặp nạn là chức phận của bọn thần. Nay đã được chỗ đáng chết, còn từ chối gì nữa!”
Bèn ra lệnh cho vệ sĩ trong cung mở cửa ra đánh, ai cũng vui lòng xông pha, đều là một người địch với trăm người. Quân đánh nhau chưa phân được thua, Phụng Hiểu tức giận rút gươm chạy thẳng đến cửa Quảng Phúc hô to rằng:
“Bọn Vũ Đức Vương ngấp nghé ngôi báu, không coi vua nối dõi vào đâu, trên quên ơn Tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vì thế thần là Phụng Hiểu xin đem thanh gươm này để dâng”.
Rồi xông thẳng đến chỗ ngựa của Vũ Đức Vương. Vương quay ngựa tránh, ngựa quỵ xuống, bị Phụng Hiểu bắt giết. Phủ binh của ba vương thua chạy. Quan quân đuổi theo chém giết không sót một mống, chỉ có hai vương Đông Chinh và Dực Thánh chạy thoát được.
Bọn Phụng Hiểu trở về, mặc áo trận đi vào báo tin thắng trận ở trước linh cữu Thái Tổ, rồi đến điện Càn Nguyên báo cho thái tử biết. Thái tử úy lạo rằng:
“Ta sở dĩ được gánh vác cơ nghiệp to lớn của tiên đế, toàn vẹn được thân thể của cha mẹ để lại đều là nhờ sức của các khanh cả. Ta thường xem sử nhà Đường thấy Uất Trì Kính Đức giúp nạn vua, tự nghĩ là bề tôi đời sau không ai sánh được. Ngày nay gặp biến, mới biết Phụng Hiểu còn trung dũng hơn Kính Đức nhiều”.
Phụng Hiểu lạy tạ hai lạy nói:
“Đức của điện hạ cảm động cả trời đất, kẻ nào manh tâm mưu đồ gì khác thì trời đất thần linh đều làm hết chức phận mà giết đi, bọn thần có công sức gì!”
“Ngày Kỷ Hợi [1028], Thái tử Phật Mã lên ngôi trước linh cữu. Tôn mẹ là Lê thị làm Linh Hiển thái hậu. Đại xá thiên hạ. Đổi niên hiệu là Thiên Thành năm thứ 1.
Ngày ấy, hai vương Đông Chinh và Dực Thánh đến cửa khuyết xin chịu tội. Xuống chiếu tha cho, lại cho tước như cũ”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Ngoài việc 3 Vương làm loạn nơi kinh sư; tại phủ Trường Yên thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay, Khai quốc vương cậy có sông núi hiểm trở tụ tập những kẻ trốn tránh cùng đem binh trong phủ làm loạn. Tháng 4 [1028], vua thân chinh đi đánh, Khai quốc vương đầu hàng, bèn tha cho và phong tước như cũ:
“Mùa hạ, tháng 4, vua thân đi đánh phủ Trường Yên, cho nội thị Lý Nhân Nghĩa ở lại giữ Kinh sư. Ngày Nhâm Thân đến Trường Yên. Ngày ấy, Khai Quốc Vương đầu hàng. Vua hạ lệnh rằng:
‘Ai cướp bóc của cải của dân thì chém’.
Quân sĩ nghiêm theo, không mảy may xâm phạm. Đại quân vào thành Trường Yên, dân trong thành đem dâng biếu trâu rượu đứng đầy đường. Vua sai sứ tuyên chỉ ủy lạo, cả thành vui to. Xuống chiếu dời Khai Quốc Vương và các liêu thuộc của vương về kinh Thăng Long. Vua từ phủ Trường Yên về, xuống chiếu tha tội cho Khai Quốc Vương, vẫn cho tước như cũ”.
Mới lên ngôi, các địa phương có những cuộc nổi dậy, do đó hầu như hàng năm vua phải thân chinh đi đánh dẹp, giúp cho đất nước trở nên ổn định hơn:
“Năm Thiên Thành thứ 2 [1029], tháng 3 Giáp Đản Nãi ở châu Ái [Thanh Hóa] làm phản. Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 1, vua thân đi đánh giáp Đản Nãi, cho Đông cung thái tử ở lại Kinh sư làm Giám quốc. Khi đánh được giáp Đản Nãi rồi, sai Trung sứ đốc suất người Đản Nãi đào kênh Đản Nãi. Vua từ Đản Nãi trở về Kinh sư”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
“Năm Thiên Thành thứ 4 [1031]. Mùa xuân, tháng giêng, châu Hoan [Nghệ An] làm phản.
Tháng 2, ngày mồng 1, vua thân đi đánh châu Hoan, cho Đông cung thái tử làm Giám quốc.
Quân đi từ Kinh sư đến châu Hoan, người châu ấy đầu hàng. Xuống chiếu tha tội cho các quan châu huyện, sai Trung sứ phủ dụ dân chúng. Tháng 3, vua từ châu Hoan về đến Kinh”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
“Năm Thiên Thành thứ 6 [1033]. Châu Định Nguyên (3) làm phản. Tháng 2, vua thân đi đánh, cho Đông cung thái tử giám quốc. Mồng 8, quân đi từ Kinh sư, đóng lại ở châu Chân Đăng, có người đàn bà họ Đào dâng con gái, vua nhận cho làm phi. Ngày 17, dẹp được châu Định Nguyên, đem quân về”.
Tháng 9, châu Trệ Nguyên (4) làm phản. Mùa đông, tháng 10, vua thân đi đánh châu Trệ Nguyên, cho Khai Hoàng Vương giám quốc. Dẹp yên châuTrệ Nguyên. Tháng 12, ngày mồng 1, vua đem quân về”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
“Năm Thông Thụy thứ 2 [1035], người châu Ái [Thanh Hóa] làm phản. Mùa đông, tháng 10, vua thân đi đánh, cho Phụng Càn Vương lưu thủ Kinh sư… Tháng 11, ngày mồng 1, vua từ châu Ái về đến Kinh, làm tiệc rượu mừng việc trở về. Ủy lại các tướng sĩ có công dẹp châu Ái”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
“NămThông Thụy thứ 3 [1036] Mùa đông, tháng 10, đạo Lâm Tây (5) vào cướp trâu ngựa, đốt nhà cửa rồi về”.
Bởi vậy vào năm sau, Vua Lý Thái Tông thân chinh đi đánh: “NămThông Thụy thứ 4 [1037. Mùa xuân, tháng 2, ngày mồng 1, vua thân đi đánh đạo Lâm Tây, sai Khai Hoàng Vương Nhật Tôn làm Đại nguyên soái đánh các châu Đô Kim, Thường Tân, Bình Nguyên, cho Phụng Càn Vương Nhật Trung làm Kinh sư lưu thủ. Quân đi từ Kinh sư đến đóng ở Lâm Tây, dẹp yên được. Tháng 3, vua từ đạo Lâm Tây về đến kinh”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Sử Trung Quốc xác nhận sự kiện cướp phá các châu như Tư Lăng, Bằng Tường, thuộc Bằng Tường thị [Pingxiang] tỉnh Quảng Tây hiện nay; thủ phạm là dân Việt thuộc động Giáp [Lạng Sơn] cùng các châu lân cận. Xét về phương diện địa lý, sử Trung Quốc hợp lý hơn vì động Giáp [Lạng Sơn] gần Bằng Tường, Tư Lăng. Riêng Toàn Thư nước ta chép “các châu Đô Kim (5), Thường Tân (5), Bình Nguyên (5) làm phản, xâm lấn các châu Tư Lăng của nước Tống”; sự kiện khó có thể xảy ra, vì vị trí các châu này thuộc các tỉnh Lao Cai, Tuyên Quang, Hà Giang hiện nay, xa xôi với Tư Lăng, Bằng Tường:
“Trường Biên quyển 118. Năm Cảnh Hựu thứ 3 [1036], ngày Nhâm Thân tháng 2 [23/3/1036] Quảng Tây chuyển vận sứ báo man động Giáp cướp đoạt súc vật tại châu Tư Lăng [Bằng Tường thị, Quảng Tây], động Bằng Tường [Bằng Tường Thị, Quảng Tây] thuộc Ung châu, giết Đăng Uyển Trấn tướng; đã họp binh lại đánh. Giao Chỉ phụ truyện chép: Vào năm Cảnh Hựu thứ 3 [1036], động Giáp [Lạng Sơn] cùng dân man châu Lạng, châu Môn [Lạng Sơn], châu Tô Mậu [Quảng Ninh], châu Quảng Nguyên [Cao Bằng], động Đại Phát, huyện Đơn Ba [Lạng Sơn]; cướp phá châu Tư Lăng, châu Tây Bình [Bằng Tường thị, Quảng Tây], châu Thạch Tây [trấn Thạch Tây, Quảng Tây] cùng các động; cướp trâu bò, ngựa, người, đốt nhà cửa rồi bỏ đi. Đã xuống chiếu trách vấn, cùng lệnh bắt các Tù trưởng trị tội, rồi báo cho biết. Chính truyện cũng chép như thế; nay chỉ theo Thực Lục”.
(壬申,廣西轉運使言,邕州甲峒蠻掠思陵州憑詳峝生口及殺登琬鎮將,已會兵追擊之。交趾附傳云:三年,其甲峒及諒州【二】、門州、蘇茂州、廣源州、大發峒、丹波縣蠻寇邕州之思陵州、西平州、石西州及諸峒【三】,掠居人馬牛,焚室廬而去。下詔責問之,且令捕酋首正其罪以聞。正傳同此。今但從實錄。)
Một vụ nổi dậy khác có tầm vóc lớn, kéo dài đến tận đời con, xảy ra tại tỉnh Cao Bằng vùng biên giới phía bắc, lấn sang đến tận Tĩnh Tây thị [Jingxi] tỉnh Quảng Tây hiện nay; đó là cuộc nổi dậy của cha con Nùng Tồn Phúc, Nùng Trí Cao; Toàn Thư [Bản Kỷ, quyển 2] thuật lại như sau:
“Năm Thông Thụy thứ 5 [1038], tháng 12, Nùng Tồn Phúc ở châu Quảng Nguyên (6) làm phản.
Năm Thông Thụy thứ 6 [1039]. Mùa xuân, tháng giêng, thủ lĩnh Tây Nông (7) là Hà Văn Trinh đem việc Tồn Phúc làm phản tâu lên. Trước đây Tồn Phúc là thủ lĩnh châu Thảng Do (8), em là Tồn Lộc làm thủ lĩnh châu Vạn Nhai (9). Em trai của A Nùng, vợ Tồn Phúc, là Đương Đạo làm thủ lĩnh châu Vũ Lặc (10) đều thuộc châu Quảng Nguyên, hàng năm nộp cống đồ thổ sản. Sau Tồn Phúc giết Tồn Lộc và Đương Đạo, chiếm luôn cả đất, tiếm xưng là Chiêu Thánh Hoàng Đế, lập A Nùng làm Minh Đức Hoàng Hậu, phong cho con là Trí Thông làm Nam Nha Vương, đổi châu ấy gọi là nước Trường Sinh, sửa soạn binh giáp, đắp thành kiên cố để tự giữ, không nộp cống xưng thần nữa.
Tháng 2, vua tự làm tướng đi đánh Tồn Phúc, cho Khai Hoàng Vương Nhật Tôn làm Giám quốc. Quân đi từ Kinh sư, qua bến Lãnh Kinh (11), có cá trắng nhảy vào thuyền. Đến châu Quảng Nguyên, Tồn Phúc nghe tin đem cả bộ lạc vợ con trốn vào chằm núi. Vua cho quân đuổi theo bắt được Tồn Phúc và bọn Trí Thông 5 người. Chỉ có vợ là A Nùng, con là Trí Cao chạy thoát. Đóng cũi bọn Tồn Phúc đem về Kinh sư, sai quân san phẳng thành hào, chiêu dụ tộc loại còn sống sót, vỗ về yên ủi rồi đem quân về.
Tháng 3, vua từ Quảng Nguyên về Kinh sư, xuống chiếu rằng:
“Trẫm từ khi có thiên hạ đến giờ, đối với tướng văn tướng võ cùng các bề tôi không thiếu đại tiết, phương xa cõi lánh, không đâu không đến xưng thần, mà họ Nùng nối đời giữ bờ cõi vẫn thường cúng nộp đồ cống. Nay Tồn Phúc càn rỡ tự tôn, cả tiếm vị hiệu, ra mệnh lệnh, tụ họp quân ong bọ, làm hại dân chúng biên thùy. Trẫm vâng mệnh trời đi đánh, bắt được bọn Tồn Phúc 5 tên, đều chém ở chợ kinh đô”.
Sau khi giết Nùng Tồn Phúc, người con là Nùng Trí Cao và vợ là A Nùng trốn tại vùng đất Trung Quốc lại tiếp tục trở về châu Thảng Do, Cao Bằng gây loạn; lần này vua Lý Thái Tông chủ trương mềm dẻo ky my, bắt nhưng không giết, cho trở về quê cũ, lại cấp thêm đất:
“Năm Càn Phu Hữu Đạo thứ 3 [1041], Năm ấy, Nùng Trí Cao cùng với mẹ là A Nùng từ động Lôi Hỏa (12) lại về chiếm cứ châu Thảng Do, đổi châu ấy làm nước Đại Lịch. Vua sai tướng đi đánh, bắt sống được Trí Cao đem về Kinh sư. Vua thương tình vì cha là Tồn Phúc và anh là Trí Thông đều đã bị giết nên tha tội, cho giữ châu Quảng Nguyên như cũ, lại phụ thêm cho bốn động Lôi Hỏa, Bình, An, Bà và châu Tư Lang (13) nữa”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Hai năm sau, nhà Vua lại đặc cách ban ấn cho Trí Cao cùng phong chức Thái Bảo:
“Năm Minh Đạo thứ 2 [1043]. Tháng 9, ngày mồng 1, sai Ngụy Trưng đến châu Quảng Nguyên, ban cho Nùng Trí Cao đô ấn, phong làm Thái bảo”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Việt Sử Lược chép vào tháng chạp năm Thiên Cảm Thánh Vũ [1044], Nùng Trí Cao đến triều cận: “Thái bảo Nùng Trí Cao đến triều” Việt Sử Lược quyển trung.
(太保儂智髙來朝)
Với chính sách ky my, Vua Thái Tông từng sử dụng trước đó, như khi gả Công chúa cho các Tù trưởng miền núi để ràng buộc bằng tình thân, làm vững phên dậu:
“Năm Thông Thụy thứ 3 [1036], Tháng 3, gả công chúa Kim Thành cho châu mục châu Phong (14) là Lê Tông Thuận. Mùa thu, tháng 8, gả công chúa Trường Ninh cho châu mục châu Thượng Oai (15) là Hà Thiện Lãm”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Tuy nhiên đối với Nùng Trí Cao, chính sách mềm dẻo này cũng không có hiệu quả, năm 1048 y lại chiếm giữ động Vật Ác (16) làm phản, triều đình phải mang quân đi đánh dẹp. Sau đó 4 năm [1052] đồng bọn lại quay sang đánh Trung Quốc, chiếm thành Ung châu [Nanning, Nam Ninh, Quảng Tây] rồi xuôi theo dòng sông Uất chiếm nhiều châu khác, đến tận Quảng châu [Guangzhou, Quảng Đông]; sự việc sẽ trình bày trong một bài nghiên cứu riêng:
“NămThiên Cảm Thánh Vũ thứ 5 [1048], Nùng Trí Cao làm phản, chiếm giữ động Vật Ác. Sai Thái úy Quách Thịnh Dật đi đánh. Vừa mới giao chiến, trời đất bỗng tối mù, một lát nghe tiếng sét đánh trong động, thân thể các tù trưởng động ấy bị xé tan, cả động kinh hãi. Trí Cao phải hàng”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Tiếp theo trình tự thời gian, Toàn Thư thực lục về các cuộc dẹp loạn khác dưới thời Lý Thái Tông như sau:
“Năm Minh Đạo thứ 2 [1043], Mùa xuân, tháng giêng, châu Ái [Thanh Hóa] làm phản. Châu Văn [Lạng Sơn] (17) làm phản.
Tháng 3, ngày mồng 1, cho Khai Hoàng Vương [Nhật Tông] làm Đô thống đại nguyên soái đi đánh châu Ái. Phụng Càn Vương [Nhật Trung] làm Đô thống nguyên soái đi đánh châu Văn. Dẹp yên châu Văn, Phụng Càn Vương dâng 4 con ngựa tốt bắt được. Vua đặt tên cho ngựa là Tái Thiên, Quảng Thắng, Truy Phong, Nhật Ngự”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Nhân nước Chiêm Thành thường lợi dụng gió mùa mang quân đến cướp bóc, nhà Vua quyết định thân chinh đánh dẹp, đến tận kinh đô Phật Thệ, quân ta toàn thắng, giết vua Chiêm Thành Sạ Đẩu:
Mùa hạ, tháng 4 [1043], “giặc gió sóng” (nghĩa là nhân gió sóng mà đi cướp) Chiêm Thành cướp bóc dân ven biển. Vua sai Đào Xử Trung đi đánh, dẹp yên được.
Vua hỏi tả hữu rằng:
“Tiên đế mất đi, đến nay đã 16 năm rồi, mà Chiêm Thành chưa từng sai một sứ giả nào sang là cớ gì? Uy đức của trẫm không đến họ chăng? Hay là họ cậy có núi sông hiểm trở chăng?”
Các quan đáp:
“Bọn thần cho rằng đó là vì đức của bệ hạ tuy có đến nhưng uy thì chưa rộng. Sao thế? Vì từ khi bệ hạ lên ngôi đến giờ, họ trái mệnh không đến chầu, bệ hạ chỉ ban ơn để vỗ về, chưa từng ra oai dùng võ để đánh phạt, đó không phải là cách làm cho người ta sợ oai. Bọn thần e rằng các chư hầu khác họ trong nước đều như Chiêm Thành cả, há chỉ riêng người Chiêm mà thôi đâu”.
Vua từ đấy quyết ý đánh Chiêm Thành”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
“Năm Minh Đạo năm thứ 3 [1044]. Mùa xuân, tháng giêng, phát khí giới trong kho ban cho các quân. Ngày Quý Mão, vua thân đi đánh Chiêm Thành, cho Khai Hoàng Vương Nhật Tông làm Lưu thủ Kinh sư. Ngày ấy Hữu ty đem dâng túi mật to bằng quả bưởi lấy được khi làm cỗ thiếu lao (18) cúng thần núi. Vua nói đùa rằng:
‘Chữ “đảm” (mật) âm gần với chữ “đam” (vui), còn thiếu lao (nghĩa đen là khó nhọc ít) mà có mật to, có lẽ là điềm báo cho ta biết chỉ khó nhọc một chút mà được vui lớn’.
Ngày Giáp Thìn, quân đi từ Kinh sư, ngày Ất Tỵ, đến cửa biển Đại Ác, gặp lúc sóng gió yên lặng, đại quân qua biển dễ dàng, cho nên đổi tên Đại Ác làm Đại An (19). Đến núi Ma Cô (20), có đám mây tía bọc lấy mặt trời. Qua vụng Hà Não (21), có đám mây che thuyền ngự, theo thuyền mà đi hoặc ngừng. Ngày hôm ấy đến đóng doanh ở cửa biển Trụ Nha (có bản chép Trụ Thân). Ngày hôm sau đi, nhờ thuận gió, trong một ngày qua hai bãi Đại Tiểu Trường Sa (22). Đến cửa biển Tư Khách (23), có con cá trắng nhảy vào thuyền. Vua nghe tin Chiêm Thành đem quân và voi bày trận ở bờ nam sông Ngũ Bồ [Theo Đào Duy Anh là hạ lưu sông Thu Bồn, Quảng Nam] muốn chống cự quan quân. Vua truyền cho quân bỏ thuyền lên bộ, đem quân sĩ lên bờ bắc, thấy quân Chiêm đã dàn ở bên sông. Vua mới cắt đặt quân sĩ dựng cờ nổi trống, sang tắt ngang sông đánh. Binh lính chưa chạm mà quân Chiêm đã tan vỡ, quan quân đuổi chém được 3 vạn thủ cấp. Quách Gia Di chém được đầu vua Chiêm là Sạ Đẩu tại trận đem dâng. Đoạt được hơn 30 voi thuần, bắt sống hơn 5 nghìn người, còn thì bị quan quân giết chết, máu nhuộm gươm giáo, xác chất đầy đồng. Vua tỏ ý cảm khái, xuống lệnh rằng:
‘Kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành thì sẽ giết không tha.’
Mùa thu, tháng 7, vua đem quân vào thành Phật Thệ (24) bắt vợ cả, vợ lẽ của Sạ Đẩu và các cung nữ giỏi hát múa khúc điệu Tây Thiên (25). Sai sứ đi khắp các hương ấp phủ dụ dân chúng.
Tháng 9, ngày mồng 1, đến phủ Trường Yên, có rồng vàng hiện ở thuyền ngự. Khi đến hành điện Ly Nhân (26), sai nội nhân thị nữ gọi Mỵ Ê là phi của Sạ Đẩu sang hầu thuyền vua. Mỵ Ê phẫn uất khôn xiết, ngầm lấy chăn quấn vào mình nhảy xuống sông chết. Vua khen là trinh tiết, phong là Hiệp Chính Hựu Thiện phu nhân”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.
Chiến thắng Chiêm Thành ảnh hưởng lớn sang tận đến Trung Quốc, Vua Nhân Tông nhà Tống nghe tin, sợ quân ta thừa thắng sang đánh miền Quảng Đông, Quảng Tây, nên ra lệnh đề phòng:
“Trường Biên, quyển 158. Năm Khánh Lịch thứ 6 [1046]
Ngày Ký Sửu tháng 3 [17/4/1046], Thiên tử bảo các quan phụ tá rằng:
‘Nghe tin Lý Đức Chính đất Giao châu mới chiếm lấy Chiêm Thành, sợ ôm mưu gian gây mối lo cho miền Ngũ Lãnh [Quảng Đông, Quảng Tây]; cần hạ lệnh cho ty chuyển vận Quảng Tây dự bị chế ngự rồi trình lên.’
Ngay lúc này viện Khu Mật cho kiểm soát từ đời Đường trở lại gồm 16 xứ đường bộ, ra lệnh Chuyển vận sứ Đỗ Kỷ mật giám sát, mang quân đến phòng thủ”.
(己丑,上謂輔臣曰:「如聞交州李德政近取占城,慮漸畜姦謀為五嶺之患,宜下廣西轉運司豫經制以聞。」於是樞密院檢自唐以來通交趾水陸道路凡一十六處,令轉運使杜杞密行按視,置兵戍守。)
Sau khi chinh phục Chiêm Thành, nhà Vua lại sai tướng mang quân sang phía tây đánh nước Ai Lao: “Năm Thiên Cảm Thánh Vũ thứ 5 [1048], Mùa thu, tháng 9, sai tướng quân là Phùng Trí Năng đi đánh Ai Lao, bắt được người và gia súc rất nhiều đem về”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2
Chú thích:
1. Trưởng Tôn Vô Kỵ và Uất Trì Kính Đức giết hai anh của Lý Thế Dân là Kiến Thành và Nguyên Cát để giữ ngôi vua cho Thế Dân [Đường Thái Tông]. Chu Công Đán giết em là Quản Thúc và đày một em khác là Thái Thúc để giữ ngôi vua cho cháu là Thành Vương.
2. Lễ thành phục: tên nghi thức lễ tang, bắt đầu chít khăn mặc áo tang.
3. Định Nguyên, người dịch Toàn Thư chú: tên châu thời Lý, có lẽ là miền thuộc tỉnh Yên Bái.
4. Trệ Nguyên, người dịch Toàn Thư chú: tên châu thời Lý, Cương mục chua “không thảo được” (CMCB2, 38a), có thể ở gần châu Định Nguyên.
5. Lâm Tây: tên đạo thời Lý, Cương Mục chú, nhà Trần gọi là đạo Đà Giang, thời thuộc Minh gọi là châu Gia Hưng, nhà Lê đổi là phủ Gia Hưng. Nay là đất hai tỉnh Sơn La, Lai Châu.
Đô Kim: Theo Cương Mục là huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.
Thường Tân, chú thích của người dịch Toàn Thư: chưa rõ chỗ nào trong tỉnh Hà Tuyên.
Bình Nguyên: tên châu đời Lý, từ đời Lê trở về sau gọi là châu Vị Xuyên; gồm các huyện Hà Tuyên, Bắc Quang, Hà Su Phì tỉnh Hà Tuyên hiện nay.
6. Quảng Nguyên: tên châu thời Lý, thời thuộc Minh thuộc về đất Uyên huyện, thời Lê đổi là châu Lộng Nguyên. Nay là đất các huyện Quảng Uyên, Phúc Hòa, Thạnh An, tỉnh Cao Bằng.
- Tây Nông: tên châu, nay là huyện Tư Nông, tỉnh Bắc Thái.
8. Thảng Do: tên châu thời Lý, nơi Nùng Trí Cao làm phản lập ra nước Đại Lịch, ở về phần đất tỉnh Cao Bằng ngày nay.
9. Vạn Nhai: tên châu thời Lý, nay là phần đất huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn và một phần huyện Võ Nhai, tỉnh Bắc Thái.
10. Vũ Lặc: tên châu, chưa rõ ở đâu. Cương mục dẫn Đường thư, Địa lý chí: “Nhà Đường đặt Lung Châu quản lĩnh huyện Vũ Lặc” và cho rằng hai châu Thảng Do, Vũ Lặc có lẽ ở vào địa hạt tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn ngày nay (CMCB2, 43a).
11. Lãnh Kinh: có lẽ là khúc sông Cầu chảy qua Thị Cầu, tỉnh Hà Bắc.
12. Lôi Hỏa: tên động, ở phía tây bắc tỉnh Cao Bằng ngày nay. Các động Bình, An, Bà đều thuộc về đất tỉnh Cao Bằng.
13. Tư Lang: nay là đất huyện Trùng Khánh và phần đất đông bắc huyện Quảng Hòa vùng quanh Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng.
14. Phong châu: huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây.
15. Thượng Oai: theo Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời của Đào Duy Anh trang 121, Thượng Oai có thể là một châu tại tỉnh Sơn Tây.
16. Vật Ác: Theo văn bản Trường Biên, quyển 349, năm Nguyên Phong thứ 7 [1084]: Vào thời Gia Hựu [1056-1059], bọn Nùng Tôn Đán đem động Vật Ác qui phụ, ban tên Thuận An châu; vùng đất hiện nay nằm trong Tĩnh Tây thị [Jingxi] tỉnh Quảng Tây.
17. Châu Văn, thuộc tỉnh Lạng Sơn. Nhà Lý gọi là Văn Châu; khi thuộc Minh gọi là châu Thượng Văn và châu Hạ Văn; nhà Lê gọi là châu Văn Uyên. Nay vẫn là châu Văn Uyên.
18. Vua cúng đàn xã tắc thì dâng cỗ thái lao (trâu, dê, lợn mỗi thứ 1 con), cúng thần sông núi thì dâng cỗ thiếu lao (dê, lợn mỗi thứ 1 con).
19. Đại An: tên cửa biển, tức Cửa Liêu ở huyện Hải Hậu; vùng giáp giới các tỉnh Ninh Bình, Nam Định.
20. Núi Ma Cô: theo Cương mục, còn có tên núi là Lễ Đễ, ở ngoài biển huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay.
21. Vụng Hà Não (Hà Não loan): Cương mục chua sông Ngũ Bồ, vụng Hà Não đều không khảo được (CMCB3, 10a).
22. Đại Tiểu Trường Sa: bãi cát từ cửa Nhật Lệ đến Cửa Tùng là Đại Trường Sa; bãi cát từ Cửa Việt đến cửa Tư Hiền, là Tiểu Trường Sa.
23. Tư Khách: tên cửa biển đúng tên thời Lý gọi là cửa Ô Long, thời Trần đổi gọi là cửa Tư Dung (do tên huyện Tư Dung, châu Hóa); đời Mạc, vì kiêng húy Mạc Đăng Dung nên đổi gọi là Tư Khách. Thời Nguyễn đổi là Tư Hiền như tên gọi hiện nay, ở phía đông nam tỉnh Thừa Thiên.
24. Phật Thệ, chú thích của người dịch Toàn Thư: Phật thành tức là thành Phật Thệ (Vijaya), Cũng gọi là thành Chà Bàn, kinh đô của Chiêm Thành; ở về phía Bắc thành phố Quy Nhơn ngày nay khoảng 27 Km.
25. Tây Thiên khúc điệu: ở đây có thể là những khúc hát và múa Chiêm Thành có nguồn gốc Ấn Độ (Tây Thiên, chỉ Ấn Độ).
26. Lý Nhân: nay là đất huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
“Tóm lại, trong 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa; tổ tiên ta đã phấn đấu hàng ngàn năm để dành phần “địa lợi” cho con cháu” (LSVNTTC Phần 2)
Vô cùng cám ơn tác giả dày công biên soạn, chú giải, bình luận, Đọc nữa để thấy lịch sử VN thời cộng sản là thời kỳ vô ơn, thất đức, hại dân nhất lịch sử. Theo chúng thì chỉ có HCM mới là người cứu nước (hoặc cướp nước theo cách nhìn của phép luân thường đạo lý) và chỉ có đảng csvn mới là người dẫn đường cho VN theo con đường X… H…C…N.. Lũ vô ơn thâm độc ác đức.