Im lặng là đồng ý hay là sự phớt lờ?

Ngô Anh Tuấn

7-9-2019

Sau khi nhận được kiến nghị của 100 luật sư liên quan tới hành động xâm phạm quyền hành nghề hợp pháp của luật sư thông qua việc khám xét Văn phòng luật sư Trần Vũ Hải ngày 02/7/2019, một số cơ quan có thẩm quyền đã lên tiếng ủng hộ hoặc có công văn chuyển đơn trực tiếp tới đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp giải quyết. Những đơn vị đã có văn bản phản hồi bao gồm Văn phòng Chính phủ, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Bộ Công an (C03), Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Trước đó, Liên đoàn luật sư Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Bộ Công an, VKSND Tối cao, VKSND tỉnh Khánh Hoà, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hoà đề nghị xác minh, làm rõ, xử lý những vấn đề mà Văn phòng luật sư Trần Vũ Hải đã phản ánh…

Như vậy, trong hơn 10 cá nhân, tổ chức mà 100 luật sư chúng tôi đã có đơn gửi phát thành công tới nơi, có chưa tới 1/2 cá nhân, tổ chức có phản hồi (chưa phân định đích xác được là tích cực hay tiêu cực, nhưng hình thức bên ngoài đều tích cực), phần còn lại là im lặng. Chúng tôi không biết được sự im lặng của những người nhận được đơn từ là sự đồng ý (như thiên hạ suy diễn) hay đó là sự phớt lờ những đề nghị chính đáng của mình? Bản thân tôi cho rằng, sự im lặng ấy đồng nghĩa với sự phớt lờ, nếu không nói là sự xem thường những gì mà họ nhận được, xem thường những người đứng đơn và một phần nào đó là xem thường những quy định của pháp luật về việc phân loại, thụ lý, giải quyết đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân.

Đơn thư của 100 luật sư được chuyển tới Bộ Công an và Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Khánh Hoà vì đây là hai cơ quan chính sẽ giải quyết nội dung đề nghị của các luật sư. Sự lên tiếng, phản hồi của các cá nhân, tổ chức khác cũng được chuyển tới hai cơ quan nêu trên nhưng cho tới thời điểm này, tất cả đều giữ quyền im lặng và có khả năng cao là họ sẽ tiếp tục giữ quyền này tới khi nào có thể, đặc biệt là Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Khánh Hoà, người giữ vai trò chính trong tất cả sự kiện đã xảy ra.

Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi đơn thư tới khi nào những người im lặng phải lên tiếng và những người có nhiệm vụ giải quyết đơn thư phải ra mặt để trực tiếp giải quyết những yêu cầu, đề nghị của mình để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đồng nghiệp của mình và gián tiếp bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư được pháp luật ghi nhận, chống lại sự xâm hại bất hợp pháp đến từ bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. “Nếu vì danh dự buộc phải lên tiếng thì im lặng là một sự hèn nhát” – câu nói đó thật vô cùng chính xác trong trường hợp này, xét từ bất kỳ “phía” nào.

Thay mặt cho gia đình luật sư Trần Vũ Hải, một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của các luật sư đồng nghiệp, cảm ơn sự lên tiếng của các cá nhân, tổ chức trong suốt thời gian qua và hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của quý vị trong chặng đường tố tụng rất dài phía trước.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Bất cứ cơ quan nào thuộc ngành công an CSVN cũng đều vượt qua sự kiểm soát dân sự. Đối với ngành công an, chỉ có độc một sự kiểm soát hoàn toàn không minh bạch từ đảng cộng sản. Do biết rõ người dân không có thẩm quyền bãi nhiệm bất cứ một công an viên quèn nào, và do nhu cầu duy trì một bộ mặt sắt cần thiết, các cơ quan trong ngành công an rõ ràng cảm thấy không cần thiết hoặc không thực tiễn để trả lời đơn thư của giới luật sư.

    Một hệ thống như thế xem như được bày sẵn để đàn áp và để tham nhũng, cho nên trong tương lai, người dân Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến trong nỗi kinh hoàng một trong hai chức năng tự nhiên ấy được ngành công an phát huy rực rỡ.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây