Tư Chính là bộ phận không thể tách rời của thềm lục địa Việt Nam

Nguyễn Quang Bô

25-7-2019

Các mặt cắt địa chấn chứng minh ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam. Ảnh: internet

Từ đầu tháng Bảy đến nay, Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu ”Haiyang Dizhi-08” cùng các tàu quân sự hộ tống vào khảo sát địa chấn, tìm kiếm dầu khí ở vùng biển Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng Cảnh Sảng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17/7/2019 còn già mồm nói Việt Nam phải tôn trọng lợi ích của họ ở vùng biển này theo kiểu “vừa ăn cướp vừa la làng”. Tôi có thể khẳng định ngay rằng Trung Quốc không có một mét vuông biển hay lãnh thổ nào ở bãi Tư Chính vì đây là một bộ phận không thể tách rời của Thềm Lục Địa(TLĐ) Việt Nam xét về mặt cấu trúc địa chất theo đúng những quy định trong Công Ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Khu vực bãi Tư Chính bao gồm các bãi Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Vũng Mây nằm ở vùng biển thuộc thềm lục địa(TLĐ) và vùng đặc quyền kinh tế(EEZ) của Việt Nam. Tư Chính không thuộc quần đảo Trường Sa. Khu vực này có diện tích khoảng gần 50 ngàn km2, mực nước biển dao động từ 1000m đến 1500m trong đó 2500km2 nông dưới 500m, có nơi dưới 100m. Công tác nghiên cứu khảo sát khu vực của Mandrel hồi những năm ’70, DMNG năm 1983, BP, Shell(Ảnh12) năm 1992 và đặc biệt của Petrovietnam (PVN) và các công ty dầu lửa nước ngoài vào hợp tác làm ăn với nước ta từ năm 1993 trở lại đây cho thấy bức tranh rõ nét không chỉ về cấu trúc địa chất, tiềm năng dầu khí mà còn chứng minh Tư Chính là một bộ phận không thể tách rời của thềm lục địa Việt Nam.

Theo các nhà địa chất thì vào cuối Mesozoi đầu Cenozoi cách đây chừng 65 triệu năm, tức vào kỷ Đệ Tam, trên thềm Sundaland hình thành một loạt các bồn trũng dạng rif-tơ sau cung đảo(Back-arc rift basins) như Cửu Long, Nam Côn Sơn, Malaysia,Tây Natuna, Đông Natuna, Sarawak… trong đó có Tư Chính-Vũng Mây(Ảnh 13) Dựa vào đặc điểm hình thái có thể thấy khu vực Tư Chính tồn tại 3 đơn vị cấu trúc chính là: Đới Nâng Rìa (Marginal Highs), Bồn Trũng Vũng Mây và Đới Nâng Vũng Mây-Đá Lát (Ảnh 1).

+ Đới Nâng Rìa: phát triển ở các lô 132, 133, 134 và một phần lô 135, 157 nơi có mực nước sâu dưới 1000m. Phia Tây giáp bồn trũng Nam Côn Sơn, phía Đông giáp bồn trũng Vũng Mây và phía Bắc là trũng nước sâu Biển Đông (Ảnh 1, 2, 12, 4). Đới Nâng Rìa là ranh giới ngoài của TLĐ nước ta bao gồm kiến trúc dương dạng địa lũy(horst) hoặc khối đứt gẫy (faulted blocks) xen kẽ kiến trúc âm là các địa hào(graben), bán địa hào (half graben):

– Đới nâng Tư Chính: phát triển ở lô 134, 135, nước sâu 100m-1000m, có kiến trúc dạng địa lũy (horst), trầm tích dầy 3-4km, đá vôi phát tiển từ Miocene giữa lên tận đáy biển.

– Trũng Phúc Nguyên: phát triển ở lô 134, nước biển sâu 500-1000m, lấp đầy trầm tích dày 6-7 ngàn mét, đá vôi ít phát triển.

– Đới nâng Phúc Nguyên-Phúc Tần: nằm trong lô 133 và phần phía Tây lô 157, nước sâu 500m-800m, trầm tích dày 4-5km, đá vôi phát triển mạnh trong Miocene giữa.

– Trũng Bắc Phúc Tần: nằm ở ranh giới lô 132 và 156, nước biển sâu 800m-1000m, đặc trưng bởi các bán địa hào (haft graben) phủ dày trầm tích 3-4km.

– Đới nâng Đông Sơn: phát triển ở lô 132, nước sâu 800m-1000m, trầm tích dày 3-4km ở cánh treo của đứt gẫy

+ Bồn Trũng Vũng Mây: Phát triển theo hướng từ á Kinh tuyến ở phần Đông Bắc đến Đông Bắc-Tây Nam ở phần Tây Nam trong phạm vi các lô 156, 157, 158, 159 và lô 136. Đây được xem là “Bồn Trũng Ngoài” (Outer Basin) nằm cận kề ngay TLĐ, nơi độ sâu nước biển dao động từ 1000m đến 1500m, trầm tích dày trên 6-7 ngàn mét. Bồn trũng Vũng Mây có thể chia thành hai phụ bồn là “Đông Bắc Vũng Mây” và “Tây Nam Vũng Mây”. Phụ bồn Tây Nam Vũng Mây ở khu vực lô 136 lưu thông với bồn trũng Nam Côn Sơn, mặt cắt địa chấn từ lô 07/03 kéo dài ra phía Đông sang lô 136 minh chứng cho điều đó(Ảnh1, 5, 7, 8, 9, 10, 11).

+ Đới Nâng Vũng Mây-Đá Lát: Phát triển ở phía Đông bồn trũng Vũng Mây, kéo dài từ bãi Vũng Mây ở phía Nam lên đảo Đá Lát ở phía Bắc. Nước biển sâu 1000m-1500m, cá biệt có nơi nông dưới 100m. Trầm tích ở đây có chiều dày 3-5km và có thể phân thành 2 đới: “Nâng Vũng Mây” có cấu trúc dạng địa lũy ở phía Nam và “Nâng Đá Lát” có dạng khối đứt gẫy ở phía Bắc (Ảnh 1, 5, 8).

Công Ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 định nghĩa: “Thềm Lục Địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia này cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia này ở khoảng cách gần hơn.

Trong trường hợp khi bờ ngoài của rìa lục địa của một quốc gia ven biển kéo dài tự nhiên vượt quá khoảng cách 200 hải lý tính từ đường cơ sở; quốc gia ven biển này có thể xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa của mình tới một khoảng cách không vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2.500 m một khoảng cách không vượt quá 100 hải lý, với điều kiện tuân thủ các quy định cụ thể về việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa trong Công ước Luật biển năm 1982 và phù hợp với các kiến nghị của Uỷ Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa được thành lập trên cơ sở Phụ lục II của Công Ước”.

Chiểu theo định nghĩa này thì các kết quả khảo sát địa chấn cho đặc trưng trường sóng ở Tư Chính không khác gì ở bồn trũng Cửu Long hay Nam Côn Sơn (Ảnh 2, 5, 8, 9, 10, 11); cột địa tầng giếng khoan PV-94-2X cũng tương tự như các giếng khoan trong khu vực, khác chăng là đá vôi nhiều hơn; móng có tuổi Trước Đệ Tam mà giếng khoan này bắt gặp là các thành tạo đá magma từng thấy tại mỏ Bạch Hổ, Rồng, Rạng Đông…ở bồn trũng Cửu Long hay ngay tại Núi Lớn, Núi Nhỏ Vũng Tàu(Ảnh 4); cấu trúc địa chất phản ánh bờ ngoài của rìa lục địa và về địa hình địa mạo là sự kéo dài liên tục của lục địa ra vùng biển sâu (Ảnh 3, 10, 11).

Như vậy, Tư Chính là một phần của TLĐ Việt Nam. Các nghiên cứu địa chất và tiềm năng dầu khí của PVN và các nhà thầu nước ngoài mới đây nhất (Ảnh 12) chỉ làm sáng tỏ cấu trúc của từng lô hợp đồng hoặc từng cấu tạo cụ thể chứ không làm thay đổi bức tranh tổng quát của Tư Chính, khẳng định khu vực này là một bộ phận không thể tách rời của TLĐ Việt Nam chứ không phải của Trung Quốc cách xa hàng mấy ngàn cây số về phương Bắc!

Trung Quốc luôn mồm nói “Tứ Hảo” (四好)” Thập Lục Tự Phương Châm” (十六字方针) với Việt Nam nhưng thực tế hành sử không khác gì kẻ cướp, lộ rõ ý đồ bành trướng Đại Hán nhằm độc chiếm Biển Đông! Biển Đông nói chung và Tư Chính nói riêng không phải ao nhà của Trung Quốc mà muốn làm gì thì làm! Hãy triệt thoái ngay các hành động phi pháp, khiêu khích và đe dọa này!

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. các bác bàn chuyện chán chết. Xưa nay chỉ có mạnh được yếu thua. Thằng Mẽo mà yếu thì thằng Tàu cũng nói Hawaii là của nó. Kiểu gì thì phải có sức mạnh tự cường. Tự thân VN phải “Khai dân trí. Hưng dân khí. Hậu dân sinh” thì may ra mới có cơ hội lấy lại Hoàng sa, Trường Sa.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây