Kỹ nghệ thép Việt Nam vẫn giữ kế hoạch mở rộng sản xuất trong lúc bị đe dọa thuế quan

Nikkei Asian Review

Tác giả: Azusa Kawakami Tomoya Onishi

Dịch giả: Hoàng Thủy Ngữ

14-7-2019

FHS đưa các sản phẩm thép lên tàu. Ảnh: NAR

HÀ NỘI – Sự nghi ngờ đã len lỏi vào nỗ lực đầy tham vọng của Việt Nam khi quốc gia này muốn trở thành một cường quốc thép toàn cầu: Liệu Formosa Hà Tĩnh Thép, công ty đã khởi động nhà máy tích hợp đầu tiên của đất nước cách đây hơn hai năm, có thực sự muốn tiến hành kế hoạch xây dựng lò cao thứ ba không?

FHS, tên thường gọi của nhà máy thép, dường như đang bị phân mảnh. Công ty muốn giúp chính phủ đạt mục tiêu vạch ra là làm cho Việt Nam, hiện đang ngốn số lượng thép nhiều nhất Đông Nam Á, trở thành quốc gia sản xuất thép không cần phải dựa vào việc nhập khẩu.

Công ty cũng muốn bắt đầu sản xuất loại thép có phẩm chất cao theo yêu cầu của ngành công nghiệp ô-tô vốn đang bị Đông Nam Á giành sân, trở thành trung tâm sản xuất.

Nhưng FHS không muốn bị lọt bẫy giống như trường hợp của ngành công nghiệp thép Trung Quốc khi nhu cầu toàn cầu bắt đầu giảm từ nhiều năm trước.

Khi đó, các nhà sản xuất Trung Quốc đã không thể tự kìm hãm việc sản xuất – không dễ dàng dừng một lò cao khi đã đốt lửa – và bắt đầu bán sản phẩm dư thừa ra thị trường nước ngoài. Giá thép giảm mạnh và ngành công nghiệp toàn cầu vật lộn.

Mặc dù hy vọng kế hoạch xây dựng lò cao thứ ba sẽ hoàn tất vào cuối năm nay, công ty vẫn sẽ  “nghiên cứu kỹ vấn đề khi giá thép đang giảm”, ông Chen Yuan Cheng, chủ tịch FHS, nói.

Washington cũng đã đặt ra những thách tức mới đối với ngành thép Việt Nam. Vào ngày 2 tháng 7, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ cho biết, họ sẽ áp mức thuế tối đa 456% lên các mặt hàng thép được sản xuất tại VN. Thuế quan mới sẽ nhắm vào các sản phẩm được chế biến tại VN do việc sử dụng “nguyên liệu cơ bản” sản xuất từ Hàn Quốc và Đài Loan. Thép chống ăn mòn và thép lá cán nguội do VN sản xuất bằng cách gia công các cuộn thép cán nóng từ Hàn Quốc và Đài Loan không thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ mà không bị áp mức thuế quan mới.

Nhưng dường như FHS vẫn được hưởng lợi từ động thái của Washington. Công ty là nhà sản xuất cuộn thép cán nóng duy nhất ở VN và trang bị lò cao duy nhất của đất nước. Một viên chức trong một công ty địa phương cho biết, theo dự tính, “nhu cầu về các cuộn thép cán nóng từ Nhật Bản và FHS sẽ tăng lên trong tương lai để bù đắp cho các vật liệu của Hàn Quốc và Đài Loan”.

Hà Nội đã đáp trả thuế quan của Hoa Kỳ bằng cách khuyến khích các nhà sản xuất chế biến trong nước sử dụng nguyên liệu cơ bản sản xuất tại VN. Mặc dù quyết định của Mỹ không liên quan trực tiếp đến cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, dòng chảy của chủ nghĩa bảo hộ Mỹ đang bắt đầu tác động có lợi cho FHS.

Nhưng các nhà sản xuất thép phải theo dõi kỹ sự sụp đổ từ cuộc chiến thương mại. Phần còn lại của Châu Á hình như đang chú ý đến FHS và Việt Nam, hiện là quốc gia được coi là có thể ảnh hưởng đến giá thép trên toàn khu vực.

Điều hơi mỉa mai là sự lo lắng của họ lại làm một số đối tác Á châu thúc đẩy FHS hoạt động. Formosa Plastics, nhà sản xuất hóa chất lớn nhất của Đài Loan, là bố mẹ đẻ của FHS. China Steels, cũng từ Đài Loan, nắm giữ 20% cổ phần của FHS và JFE của Nhật Bản 4%.

Chính nhu cầu của VN về các sản phẩm hoàn chỉnh là động lực cho nhà máy tích hợp của FHS. Sự thèm khát này tăng gấp đôi do bối cảnh xây dựng bùng nổ trong thập niên vừa qua. Giờ đây, các nhà xây dựng trong nước ngày càng mua nhiều thép tự chế. FHS đang giúp VN chấm dứt việc nhập khẩu thép từ các lò sản xuất khác, kể cả Trung Quốc và Nhật bản.

Hai lò cao đầu tiên của FHS được xây trên vùng đất rộng 2000 hecta ở tỉnh Hà Tĩnh, cách thủ đô 400 km về phía nam. Lò cao chiết xuất sắt nóng chảy từ nguyên liệu. Hai lò ở Hà Tĩnh đo được 4300 cubic, nhỏ hơn một chút so với các lò đang hoạt động ở Nhật Bản. Quy trình sản xuất không khác với Nhật: Quặng sắt trộn với than cốc rồi nung chảy ở nhiệt độ cao. Sau đó, các thành phần được điều chỉnh và chế biến.

Tòa nhà tại trụ sở FHS ở Hà Tĩnh giống như cung điện châu Âu. Nguồn: NAR

Nhà máy sản xuất 7,1 triệu tấn thép thô mỗi năm, sau đó chúng được chế biến thành tấm và các sản phẩm khác. Con số này là đối thủ cạnh tranh với Kobe Steel, nhà sản xuất thép lớn hàng thứ ba của Nhật Bản về sản lượng thép lò cao làm ra.

Nhưng sản lượng hàng năm của FHS chưa bằng 10% tổng số với trên 100 triệu tấn do các nhà máy Nhật Bản sản xuất.

Một người trong công ty cho biết, nhà máy Hà Tĩnh sẵn sàng mở rộng, bao quanh là một vùng đất rộng lớn.

Công trình xây dựng hiện tại đã bắt đầu từ năm 2008 với sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam. Tổng số vốn đầu tư cho nhà máy, bao gồm các cơ sở cảng, lên đến 10,5 tỷ USD.

Theo kế hoạch dài hạn, FHS sẽ tăng gấp ba sản lượng thép thô hàng năm, từ mức hiện nay lên 22,5 triệu tấn. Một nhà máy duy nhất sản xuất trên 20 triệu tấn là điều ArcelorMittal của châu Âu hay Nhật Bản và Trung Quốc chưa từng đạt được.

Đằng sau sự tham vọng là yêu cầu mạnh mẽ và sự hỗ trợ từ Hà Nội.

Mức tiêu thụ thép của VN – đo theo “việc sử dụng thép chính xác”, số lượng thép cuối cùng đã tiêu thụ trong nước – đã vượt qua Thái Lan năm 2016. Trước đó, Thái Lan là nước tiêu thụ thép nhiều nhất Đông Nam Á.

Thép thường được tiêu thụ ở quốc gia sở tại, nơi sản xuất ra nó và ngành công nghiệp đang vật lộn để phát triển mà không có sự hỗ trợ của chính phủ. Lò cao luôn là rào cản đối với các nước mới phát triển muốn bắt đầu ngành công nghiệp thép. Nhiều quốc gia đang phát triển không thể trả hóa đơn gần 10 tỷ đô la cho việc xây dựng một lò cao và các cơ sở liên quan.

Trong khi bị què quặt, Việt Nam nhập các bán thành phẩm thép từ các lò luyện thép khác của các nước châu Á rồi xử lý chúng thành thành phẩm. Việc này đã gây trở ngại cho sự phát triển của VN bởi vì các bán thành phẩm có thể mua ổn định hơn và với chi phí thấp hơn nếu việc sản xuất của lò cao tích hợp trở thành khả thi.

Do đó, chính phủ VN đã và đang thúc đẩy việc xây dựng các nhà máy thép tích hợp và hợp tác với các nhà sản xuất thép nước ngoài. Và với nhà máy thép FHS hiện đang hoạt động, Việt Nam có thể mua các bán thành phẩm tại nhà.

FHS có khả năng sản xuất 4,5 triệu tấn cuộn thép cán nóng, một bán thành phẩm làm bằng thép nóng chảy liên tục. Việt Nam, nước nhập khẩu hơn 8 triệu tấn sản phẩm mỗi năm, giờ đây có thể giảm bớt phụ thuộc vào cuộn thép cán nóng nhập khẩu.

Nhà sản xuất thép cũng có kế hoạch cung cấp các bán thành phẩm của mình cho các nước Đông Nam Á khác.

Nhu cầu về sản phẩm thép đang gia tăng ở Đông Nam Á nhờ các nhà sản xuất ô tô lập các cửa hàng trong khu vực và các nỗ lực cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng của chính phủ. Vì độc quyền sản xuất vật liệu xây dựng bằng thép, FHS không thể đáp ứng nhu cầu về các mặt hàng có phẩm chất cao cho ngành sản xuất ô tô, một lãnh vực mà các nhà máy thép Nhật Bản dẫn đầu.

Để bước vào thị trường này, FHS dự định hợp tác với cổ đông Nhật Bản JFE. Chủ tịch FHS nói: “Chuyện hợp tác với JFE là rất cần thiết cho việc mở rộng các dòng sản phẩm và nâng cao phẩm chất của chúng. Chúng tôi sẽ nâng giá trị các sản phẩm của chúng tôi”.

JFE bắt đầu tham gia quản lý FHS vào năm 2015 và tăng cường hợp tác kỹ thuật với công ty. Mặc dù JFE hiện đang vận chuyển các bán thành phẩm từ Nhật Bản đến các nhà máy chế biến ở Đông Nam Á, họ vẫn có thể cắt giảm chi phí và đáp ứng nhu cầu của khách hàng kịp thời hơn nếu bán thành phẩm có thể mua được ở Việt Nam.

Bình Luận từ Facebook