Hoàng Thủy Ngữ
10-7-2019
Ngày 15/5/2018 báo SGGP đăng một bài viết có nhan đề “Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam“, của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Bài viết được dẫn nhập bằng một loạt kiến thức sơ đẳng về chủ nghĩa dân túy như, định nghĩa, nguồn gốc, nguyên nhân tái phát tại các quốc gia Âu – Mỹ, phương pháp hùng biện và kỹ thuật của các chính trị gia dân túy khi thuyết trình và ảnh hưởng của chủ nghĩa này đối với quần chúng.
Đó là những kiến thức cơ bản trong giáo trình của các trường trung học phổ thông cấp 3, ở hầu hết các quốc gia Tây phương. Ngoài ra, nếu chịu khó, chỉ cần một cái bấm chuột, người ta có thể tìm hiểu cặn kẽ về đề tài này trên internet. Và chỉ với một chút khả năng viết lách cùng những gì đã đọc được, nhiều người có thể giáo đầu hay hơn thế nữa.
Điểm đáng chú ý là cách hành văn của ông Thưởng, trong phần dẫn nhập có vẻ nhẹ nhàng và thu hút khi trình bày các kiến thức nhai lại (mặc dù vẫn không tránh được thói quen sử dụng các từ ngữ đao to búa lớn), khác với lối viết “bốc lửa” thường thấy của các bồi bút xã hội chủ nghĩa.
Nhưng rồi mọi thứ chấm dứt ở đó khi ông đặt ra câu hỏi: “Tại sao chủ nghĩa dân túy, phong trào dân túy, các cá nhân theo đường lối dân túy trong thời gian gần đây lại có xu hướng phục hồi, phát triển?”….. “Liệu chủ nghĩa dân túy có xuất hiện ở VN khi mà trên thế giới nguy cơ của nó đang hiện hữu và có xu hướng mở rộng?”.
Sau khi dẫn ra một số nguyên nhân, với tư cách Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ông chụp cái mũ dân túy lên đầu của những người không cùng quan điểm chính trị hay lo lắng về những suy đồi trong xã hội, gán cho họ cái tội “phản động” và đưa ra các biện pháp “phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn” tanh mùi máu.
Thưa ông Thưởng, câu trả lời là không. Ông đã đặt vấn đề sai từ gốc. Chủ nghĩa dân túy là sản phẩm của các xã hội ở phương trời Tây, nơi thể chế chính trị, cơ cấu tổ chức kinh tế và xã hội, ý thức dân chủ hoàn toàn khác với cái định hướng chính trị và kinh tế của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nói khác, ông đã lồng các vấn đề của xã hội Tây phương vào xã hội VN, nơi không phải là “mảnh đất màu mỡ cho sự xuất hiện các khuynh hướng của chủ nghĩa dân túy, là “dư địa” để nó gây ra những “cơn địa chấn mới” như ông nghĩ.
Rõ ràng khuynh hướng dân túy đang là thách đố lớn đối với các cuộc thảo luận công cộng và nền dân chủ. Nhưng đây là nền dân chủ Âu – Mỹ, chứ không phải kiểu dân chủ giả hiệu của nhà nước xã nghĩa Việt Nam. Dân chủ tùy thuộc vào việc người dân có quyền tự do ngôn luận, được quyền truy cập thông tin và cơ hội để đánh giá các quan điểm khác nhau, cho dù không đi đến sự đồng thuận nào cả. Dân chủ chấp nhận con người – người dân – có mục đích, nhu cầu và giá trị khác nhau và không nhất thiết phải đồng ý với nhau.
Điều quan trọng là người ta có thể xử lý các bất đồng một cách văn minh và thỏa hiệp khi cần thiết. Do đó, nền dân chủ tự do luôn phải thích ứng, điều chỉnh, chứ không định hướng. Thế giới tìm hiểu chủ nghĩa dân túy không phải để “phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn” đầy sát khí như trong huấn thị của ông Thưởng, mà để tự thay đổi nếu có sai lầm. Một nhà cầm quyền thiếu sự tôn trọng tiếng nói khác biệt, trấn áp bằng việc ngụy tạo tội danh là chế độ độc tài và bịp bợm.
Ông Thưởng viết: “Trong khi đó, sự cổ súy từ những cây bút có chủ ý hoặc do non nớt về chính trị của một số tờ báo và một số trang mạng xã hội sẽ đem đến sự nhầm lẫn trong đánh giá”. Giành độc quyền thông tin và bình luận là ngón nghề dối trá vô song của Ban Tuyên giáo, mà ông là người cầm đầu. Việc chụp cái mũ dân túy một cách khập khiễng lên đầu người khác, chứng tỏ sự bất lực và thua kém trong lý luận, nếu không muốn nói là ngu dốt.
Ngoài ra, ông nghĩ thế nào về cuộc cách mạng Hoa Nhài ở Tunisia, các cuộc biểu tình tự phát của người Việt chống ba dự án đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc, hay sau vụ Formosa và việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và Trường Sa, cùng những cuộc biểu tình ở Hồng Kông mới đây. Phải chăng tất cả chỉ vì dân túy? Tây phương, cái nôi của chủ nghĩa dân túy, chắc phải tìm định nghĩa mới cho thuật ngữ này. Có lẽ họ phải tôn ông làm thầy!
Còn nữa, ông lại tự tố giác mình. Tấm ảnh chụp Donald Trump ôm chặt lá cờ Hoa Kỳ thường thấy trên mạng và tấm lòng trung kiên với Bác và Đảng qua bài viết của ông Thưởng cho thấy “sự đồng hội nhưng không đồng thuyền”. Tiếng Anh gọi là “bromance” và Cambrigde Dictionary định nghĩa như sau: “A close, friendly, but no sexual relationship between two men”. Vì không tìm thấy thuật ngữ này dịch trong các quyển tự điển Anh – Việt nên tôi đành phải ví von bằng câu thành ngữ Việt Nam cho phải phép lịch sự. Có thể không đúng lắm nhưng ý chắc cũng không xa. Nhờ ông Thưởng chỉ giáo. Ai cũng biết Trump là populist (dân túy). Còn cái đảng cộng sản của ông là gì?
Bài bình luận: Populism and communism: a ‘bromance’, của Richard Heydarian, đăng trên báo Inquirer, chỉ vài ngày sau cuộc gặp gỡ giữa Donald Trump và Kim Jong-un tại Singapore, có thể giải đáp phần nào. Bài viết nói về sự tán tỉnh trơ trẽn giữa lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy đối với lãnh đạo tự xưng của chế độ cộng sản, khi Trump dành nhiều lời khen ngợi và sự thân mật đối với nhà lãnh đạo độc tài, đàn áp người dân nhất thế giới.
Bài viết có đoạn: “Chất keo đầu tiên gắn kết họ với nhau là sự ác cảm chung đối với chủ nghĩa tự do. Trong khi các chế độ cộng sản chống lại nền dân chủ tự do, cái họ cho là sự hư hỏng của tư bản phương Tây trong xã hội hiện đại, thì những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu phản đối chủ nghĩa này, xem đó là hệ tư tưởng của giới tinh hoa toàn cầu mất gốc.
Hơn nữa, chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa cộng sản có khuynh hướng nhấn mạnh đến những điều nhà triết học người Anh, Isaiah Berlin, mô tả như ‘quyền tự do tích cực’, nghĩa là công bằng kinh tế và xã hội thường phải trả giá cho các ‘quyền tự do tiêu cực’, cụ thể là tự do dân sự và quyền chính trị.
Điểm nổi bật nhất là tính cách và tâm lý tương tự chung của những người dân túy cánh hữu và các lãnh đạo cộng sản. Từ Trump đến Duterte và Tập đều tin chắc rằng, họ là người bảo vệ và là cứu tinh của dân tộc mình, đó là chưa nói đến sự thiếu kiên nhẫn của họ đối với các đối thủ chính trị và các nhà phê bình”.
Mao Trạch Đông viết trong sách “On Coalition Government” (Chính phủ Liên minh), tháng 4/1945, như sau: “Để liên kết bản thân với quần chúng, người ta phải hành động phù hợp với nhu cầu và mong muốn của họ. Mọi công việc làm cho quần chúng phải bắt đầu từ nhu cầu của họ chứ không phải từ bất kỳ cá nhân nào, dù có thiện chí đến đâu. Thường về mặt khách quan, quần chúng cần sự thay đổi nào đó nhưng về mặt chủ quan, họ vẫn chưa nhận thức được nhu cầu, chưa sẵn sàng và có quyết tâm thay đổi. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta nên kiên nhẫn chờ đợi. Chúng ta không nên tiến hành việc thay đổi cho đến khi, thông qua việc làm của chúng ta, đa số quần chúng đã nhận rõ được nhu cầu và sẵn sàng quyết tâm thực hiện. Nếu không, chúng ta sẽ tự cô lập và tách mình ra khỏi quần chúng. Ngoại trừ khi họ có ý thức và sẵn sàng, bất cứ một công việc nào cần sự tham gia của họ đều chỉ là hình thức và sẽ thất bại… Ở đây có hai nguyên tắc: Thứ nhất là nhu cầu thực tế của quần chúng hơn là những gì chúng ta ưa thích và thứ hai là những mong muốn của quần chúng, họ phải tự quyết định thay vì chúng ta quyết định cho họ”.
Mao còn nói: “Chủ nghĩa Cộng sản phải phấn đấu để giúp người dân nhận thức được những gì phải làm, để thuyết phục họ trước khi hành động. Nếu quần chúng có nhu cầu một nền vô sản chân chính, hoặc vì cần hay muốn, người cộng sản nên cố gắng vươn đến đó. Vì vậy, người theo chủ nghĩa Mác là những người theo chủ nghĩa dân túy, trong ranh giới của tiến bộ vô sản”.
Rồi cái giá người dân Trung Quốc phải trả cho những lời đẹp đẽ đó là, từ 45-75 triệu xác người và một kho tàng văn hóa bị thiêu rụi (1943 – 1976, theo Polska Times).
Trở lại Việt Nam, Hồ chí Minh và đảng Cộng sản Việt Nam cũng học theo Mao. Hai từ “nhân dân” là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người Việt từ ngày họ Hồ tuyên bố độc lập cho đến nay. Bằng cách nhân danh nhân dân, tay người cộng sản VN, chỉ riêng giai đoạn 1945-1969, đã vấy máu 1,7 triệu xác người (Polska Times).
Một bài viết quá tầm thường về mặt lý luận và nghèo nàn về kiến thức. Giá trị không hơn một tờ rơi tuyên truyền vụng về. Một kiểu che đậy vừa đánh trống vừa ăn cướp, lộng giả thành chân, gắp lửa bỏ tay người. Đỉnh cao trí tuệ cộng sản chỉ có thế.
Rất cần nhiều bài viết với nội dung phân tích, đánh giá như bài “Tuyên giáo hay tuyên láo” để thấy dc sự ngụy biện, đổ thừa của CS và minh chứng CS bản chất là dối trá.