Hình ảnh mẹ và ngoại tôi trong cải cách ruộng đất

Trần Tuấn

5-7-2019

Năm 2006, vừa có trong tay cuốn tiểu thuyết “Ba Người Khác” của Tô Hoài, chưa kịp đọc tôi đã vội cầm chạy về đưa cho mẹ. Mẹ tôi khi ấy ngót 70 tuổi, còn minh mẫn và vẫn thường đọc sách. Mấy ngày sau bà điện gọi tôi về. “Sao con không viết những chuyện này mà để ông Tô Hoài viết?! Viết thế này vẫn chưa ăn thua gì…”. Tôi hơi sững. Sở dĩ tôi đưa cuốn này cho mẹ đọc, bởi trong Cải cách ruộng đất, mẹ là người trong cuộc.

… Buổi trưa nắng gay gắt ấy giữa cánh đồng trơ gốc rạ ở một làng chiêm trũng Hà Tây, bà Ngoại tôi gần 50 tuổi bị trói gật cánh khuỷu vào cây cọc tre cao hơn đầu người. Bên cạnh là vô số những cọc tre, những bóng người bị trói khác. Tất cả đều tơi tả, đầu đổ gục, không ai còn chút sinh khí nào để nghe các “ông bà nông dân” đấu tố lần cuối cùng trước khi Đội Cải cách ra lệnh thi hành án.

Mẹ tôi năm ấy 17 tuổi, hoảng loạn bất lực đứng trong đám đông chứng kiến cảnh mẹ mình bị xỉa xói và sắp bị hành hình.

Ông Ngoại tôi đã mất từ năm 1947, nếu không chắc chắn hôm ấy cũng đã dựa cột cùng bà ngoại. Chỉ vì ông bà vừa là địa chủ ở quê, vừa là “tư sản” ở Hà Nội (với mấy cái hiệu may). Cho dù gia đình “địa chủ, tư sản” ấy đã hiến biết bao nhiêu vàng bạc, thóc gạo của cải cho Việt Minh. Cho dù bà Ngoại là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1930, là tình báo viên con thoi chuyên nhận các chỉ thị quan trọng của nhiều lãnh đạo Đảng để giao cho các tổ chức cơ sở khắp Hà Nội và các tỉnh lân cận…

Suốt những năm tháng tuổi thơ, tôi ám ảnh với lời kể của mẹ, của các bác, của cả gia đình về tai họa của những ngày tháng Cải cách ấy đổ xuống gia đình, người thân mình. Bà Ngoại và mẹ ở quê bị đấu tố. Cũng may là hai người anh trai của mẹ đang học ở Hà Nội, nếu ở nhà chắc chắn cũng bị bắt cùng. Nhà cửa, ruộng vườn bị tịch thu, bị cạy lấy đi từng viên gạch. Những hiệu may của ông bà ngoại ở phố Hàng Bông, Hàng Gai thì trước đó gần thời điểm giành chính quyền đã bị quân Nhật đốt sạch. Sau đó, ông ngoại tôi qua đời.

Trở lại với lời kể của mẹ tôi về buổi trưa kinh hoàng ấy. Sau những lời đấu tố của các “ông bà nông dân” là những lời tuyên án. Những địa chủ lần lượt bị đập vỡ đầu rồi hất xuống những cái hố đào sẵn trước mặt. Trong số ấy có ông Cả Thịnh, một địa chủ hiền lành, tốt bụng nhất trong làng mà mẹ biết rõ. Ông chăm chỉ suốt đời làm lụng, không dám ăn dám tiêu, làm nhiều đến quắt queo cả người. Cũng như ông ngoại, bà ngoại tôi.

Còn những “ông bà nông dân” đang xỉa xói kia, hầu hết đều được những địa chủ như ông Cả Thịnh, như bà ngoại tôi cưu mang, giúp đỡ, chỉ vẽ làm ăn. Họ nghèo mạt, chỉ bởi lười biếng, dốt nát, và vì rượu chè cờ bạc… Nay đám người bần hàn ấy trút những thứ “tội” từ trên trời rơi xuống đầy kinh hoàng, xuống ân nhân của mình để ghi điểm với Đội.

Cuối cùng, Trời cũng có mắt. Giữa giây phút lâm nguy, bà ngoại tôi thoát chết hy hữu, bởi một “cấp trên” nào đó kịp phi xe về làng, đưa cái thư tay của “cấp trên” nữa cho Đội thi hành án. Khẳng định rằng bà Nguyễn Thị Bưởi là “cách mạng cốt cán”, chuyên kinh tài cho cách mạng chứ không phải “địa chủ gian ác”. Tha bổng!

Sau đợt ấy, mẹ tôi bỏ lên Hà Nội với hai anh trai. Dù đã được “sửa sai”, nhưng do lý lịch vẫn “xấu”, nên việc học của hai bác tôi vô cùng trắc trở, không được vào đại học. Bác Cả tôi đành đem nghề may truyền thống của gia đình làm cho một công ty nhà nước. Bác thứ hai kiên trì hơn, cuối cùng cũng toại nguyện việc học hành.

Mẹ tôi thì thất học luôn từ đấy, ngày ngày gánh rau bán dạo khắp Hà Nội, trên người không manh áo quần lành lặn. Mùa đông rét buốt không một mảnh ấm trên người. Rồi sau xin được một chân công nhân công trường, và sau nữa là công nhân nhà máy dệt… Những năm tháng ấy, ba anh em mẹ tôi ở trọ trong một cái lán nứa trống hoác ở Thanh Nhàn, trong cảnh đói khổ cùng tận…

Mẹ tôi dù không được học hành đến nơi đến chốn, nhưng trong mắt tôi, bà là một “bậc thầy” về đọc sách. Điều đó có lẽ đã ảnh hưởng đến tôi. Và có lẽ bà nghĩ tôi cũng gắn bó với sách vở, văn chương, nên luôn giục tôi viết lại những gì bà kể, về Cải cách ruộng đất, về những tháng năm lao lung của gia đình, dòng họ, làng xóm. Những câu chuyện thật dài, thật kỳ dị, đau đớn…

Nên mới có chuyện bà “trách” ông Tô Hoài “viết thế này là chưa ăn thua gì”!

Nói vậy, bởi ký ức dữ dội của mẹ tôi quá đè nặng trong người, những điều mà có lẽ ông Tô Hoài chưa/không được trực tiếp chứng kiến, trải qua?

Còn với tôi, “Ba người khác” của Tô Hoài cho đến nay vẫn là đỉnh cao nhất trong những tác phẩm viết về Cải cách ruộng đất được xuất bản trong nước. Bởi đó là nghệ thuật văn chương, chứ không chỉ đơn thuần là những câu chuyện kể.

Mẹ tôi giờ đã lẫn vì tuổi già. Nhưng bà chỉ lẫn những chuyện gần, những chuyện mới xảy ra. Còn kho ký ức xa xưa của bà vẫn nguyên vẹn. Chiều chiều bà vẫn kể tôi nghe từng mảnh ký ức rời rạc và đau buồn ấy. Khi nỗi nhớ quê nhà lại trỗi dậy khiến bà bần thần, gạt nước mắt…
_______
Ngày 6.7 này là tròn 5 năm ngày mất Tô Hoài

Ghi chú: Tựa đề do Tiếng Dân đặt

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Hoàn toàn đồng y với Bùi Huệ. Ông Tô Hoài và nhiều người nữa (Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu …) đã từng dùng ngòi bút để tấn công các văn nghệ sĩ chân chánh, không chịu theo cộng sản. Cuốn “Bà Người Khác” của Tô Hoài là một loại uyển ngữ kiểu “sĩ phu bắc hà” (nghe phát ói) và đúng như Bùi Hệ viết (“nửa nạc nửa mỡ”), chứ không dám viết cụ thể gì cả. Ông TH vẫn chưa dám chỉ ra cái tàn ác của Hồ chí Minh và chế độ. Cuốn đó thua phim “Chúng Tôi Muốn Sống” xa, rất xa. Hãy ngưng ca tụng các văn nghệ sĩ cộng sản!

  2. Tô Hoài là người tham gia Nhân văn Giai phẩm nhưng rồi đầu hàng sớm, tự xỉ vả mình trên báo Nhân Dân nên bảo toàn được “tính mạng”, được hưởng chút lợi còm của chế độ ban phát: được ở trong Hội Nhà văn, được viết sách, được đi nước ngoài, hưởng tem phiếu công chức… Cuối đời, Tô Hoài viết tiểu thuyết, hồi ký tỏ vẻ phản tỉnh nhưng vẫn là kẻ nhút nhát nên chỉ ở dạng nửa nạc, nửa mỡ, không đủ “đô” lột tả được hết sự thực về thời cải cách ruộng đất mà Tô Hoài từng tham gia, từng là nhân chứng sống động.

  3. Rất cần các cụ U80 và U90 viết lại những chuyện xưa trong CCRĐ và Nhân Văn – Giai Phẩm.
    Tôi nhớ từ lâu đã đọc về đề tài này, nhưng số bài còn chưa đủ phản ánh toàn cục. Ví dụ bài (không nhớ nguyên văn đầu đề) Những chuyện gia đình và quê nhà thời CCRĐ.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây