BTV Tiếng Dân
5-7-2019
VnExpress có bài phóng sự chi tiết: Hạ nguồn Mekong trong cơn khát vô tận của Bắc Kinh. Bài viết nói về cuộc đời của hàng triệu nông dân vùng đồng bằng Sông Cửu Long, đối mặt với thảm cảnh do sự thay đổi của dòng sông, do Bộ Thủy lợi Trung Quốc, cơ quan kiểm soát nước đầu nguồn Mekong, quyết định: “Nước ngày càng mặn; trồng lúa không nổi; chuyển sang nuôi tôm cũng không nổi; không còn sinh kế và thậm chí không đủ nước uống“.
Ngoài ra, những hộ gia đình sống ven sông ở khu vực này hiện đang đối mặt với cảnh sạt lở, mất nhà cửa, đất đai, thậm chí mất cả mạng sống. Sạt lở hiện đang uy hiếp 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, vùng đất này mất 300-500 ha đất mỗi năm, hàng chục ngàn hộ dân phải di dời khỏi vùng nguy hiểm này.
Trước đó, trang Khoa Học Phổ Thông có bài: Cảnh báo sụt lún nghiêm trọng vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông Laurent Umans, đại sứ quán Vương quốc Hà Lan cảnh báo, “hiện nay, khu vực Mekong đang chìm, đất đang sụt lún 2,5 cm mỗi năm, lượng phù sa cũng giảm nghiêm trọng, cùng với đó là nước biển dâng 3 mm/năm”. Một loạt hệ thống đập ở thượng nguồn sông Mê Kông do “bạn vàng” xây và chặn nước, lượng nước ngọt và phù sa về đồng bằng sông Cửu Long ngày càng giảm.
ThS Nguyễn Hữu Thiện cho biết: “Vấn đề sạt lở diễn ra trong giai đoạn 25 năm gần đây từ sau 1992 và càng về sau càng dữ dội hơn. Hiện nay hơn một nửa chiều dài bờ biển ĐBSCL đang bị sạt lở. Tổng sạt lở bờ sông, bờ biển lên đến 891 km”.
Cá chết và ô nhiễm môi trường
Cá chim nuôi lồng bè ở Vũng Tàu chết hàng loạt, VnExpress đưa tin. Ông Nguyễn Công Cán, một người nuôi cá có 30 lồng, thả nuôi các loại cá chim, bớp… trên sông Chà Và, ở xã Long Sơn, Vũng Tàu, cho biết: “Gần một tuần nay, 20 lồng cá chim đang xuất bán với khoảng 15.000 con và 100.000 cá vừa thả ba tháng bỗng dưng bỏ ăn, nổi đầu rồi chết… Tôi mở hệ thống cung cấp oxy suốt ngày đêm và thử mọi cách nhưng không cứu được đàn cá”.
Một người nuôi cá cạnh đó nói: “Nguồn nước bị ô nhiễm khiến cá bị thiếu oxy chết rất nhanh hơn mọi năm”, Theo người này, những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và gặp rủi ro rất lớn. Nhiều người bỏ nghề, nợ nần chồng chất do cá chết vì môi trường ô nhiễm.
Vụ cá chết ở Đà Nẵng: Cá chết trắng, nổi xếp lớp tại hồ điều tiết Trung Nghĩa, theo báo Người Lao Động. Bà Phạm Thị Như Hồng, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, xác nhận, tình trạng cá chết bắt đầu diễn ra từ sáng ngày 3/7 và kéo dài đến chiều 4/7: “Do hôm nay cá tiếp tục chết và nổi lên mặt hồ nên đơn vị đang phối hợp với đơn vị liên quan để khẩn trương thu gom cá chết, mang đi xử lý”.
Bài báo lưu ý, hồ điều tiết Trung Nghĩa “có diện tích khoảng hơn 2 hecta. Đây là hồ tiếp nhận một lượng lớn nước thải chưa qua xử lý từ khu vực kênh hở Yên Thế – Bắc Sơn (quận Thanh Khê) ra sông Phú Lộc”.
Mời đọc thêm: Sụt lún ĐBSCL vì khai thác nước ngầm quá sức chịu đựng (TT). – Đô thị với ám ảnh ngập lụt: Ảnh hưởng nghiêm trọng từ thời tiết cực đoan (TNMT). – Cảnh báo phường An Lạc (quận Bình Tân, TP HCM) đang lún rất nhanh! (NLĐ). – Trong 12 năm, một phường của TP HCM lún tới 81cm (TP). – “Cứu” nguồn nước ngầm trước khi quá muộn (MTĐT). – Biến đổi khí hậu tác động nặng nề đến Đồng bằng sông Cửu Long (NNVN). Mời đọc lại: Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị chìm vào năm 2100? (PLTP).
– Cá nuôi trên sông Chà Và lại chết hàng loạt (ĐĐK). – Đà Nẵng: Cá chết trắng bụng nghi do nhiễm độc từ cống thải (GDTĐ). – Báo động tình trạng ô nhiễm cảng cá tại Thừa Thiên Huế (VTV). – Để “núi rác” gây ô nhiễm, lãnh đạo quận Cầu Giấy giải thích thế nào? (DV). – Tập trung xử lý ô nhiễm kênh Ba Bò (MTĐT). – Nhà máy ô nhiễm dừng hoạt động, dân ngừng phong tỏa (PLTP). – Cả thôn khốn khổ vì trại lợn ô nhiễm (HT). – Ô nhiễm không khí và những thực tế đáng sợ (VOV). – Cháy hàng chục hecta rừng keo tại Phú Yên (Tin Tức).