Xây dựng văn hóa thể hiện chính kiến nơi công cộng

Nguyễn Kiều Dung[1]

28-6-2019

Năm 1968, Smith và Carlos đã giơ cao nắm đấm khi quốc ca Mỹ ngân vang. Photo Courtesy

Một khoảnh khắc khó quên trong lịch sử thế vận hội Olympic đã xảy ra ở đại hội Olympic Mexico năm 1968. Hôm ấy, hai vận động viên người Mỹ, Tommie Smith và John Carlos, giành được huy chương vàng và đồng trong cuộc thi chạy 200m nam. Trong buổi lễ trao huy chương, khi quốc ca Mỹ bắt đầu ngân vang, Smith và Carlos đã giơ cao nắm đấm và giữ nguyên như thế cho đến khi bản nhạc kết thúc.

Sau này Smith giải thích, họ “thể hiện chính kiến trong im lặng” để phản đối nạn phân biệt đối xử người da đen ở Mỹ lúc bấy giờ. Hình ảnh của họ đã gây chấn động thế giới và trở thành biểu tượng quốc tế về phản kháng trong thể thao.

Năm 2014, Joshua Wong và các học sinh Hồng Kông trong nhóm Scholarism thường sử dụng biểu tượng bắt chéo tay với ruy-băng vàng ở cổ tay để phản đối môn học mới “Giáo dục luân lý và Quốc gia” do bộ giáo dục Hồng Kông đề xuất. Chính quyền Hồng Kông sau đó đã phải hủy bỏ môn học này.

Mới đây nhất năm 2018, cứ thứ sáu hàng tuần cô bé Greta Thunberg lại ngồi trước quốc hội Thụy Điển để yêu cầu chính phủ Thụy Điển phải quan tâm đến biến đổi khí hậu. Hành động của Greta đã làm dấy lên phong trào học sinh, sinh viên toàn cầu tuần hành chống biến đổi khí hậu.

Ở Việt Nam, từng có một số học sinh bày tỏ ý kiến với các cơ quan chính phủ, ví dụ học sinh trường Hà nội-Amsterdam đóng góp ý kiến về tư nhân hóa trường tư. Thanh niên Việt Nam tạo khá nhiều trò giật gân, gây sốc trên đường phố. Thế nhưng, thể hiện chính kiến nơi công cộng về các vấn đề xã hội thì vẫn vô cùng thiếu vắng. Tại sao chúng ta lại không thể có những Thunberg, Wong, Smith, hay Carlos? Quan tâm, bày tỏ chính kiến đối với xã hội là trách nhiệm của thanh niên nói riêng và toàn dân nói chung. Đó là một thứ văn hóa cần được vun trồng.

Trước nay đã có một số người giương biểu ngữ, băng rôn ở nơi công cộng để thể hiện chính kiến. Tuy nhiên những hoạt động đó không phù hợp lắm với đa số người Việt. Rất cần tìm kiếm những hành động đơn giản, không đòi hỏi sự can đảm để công chúng có thể thực hành. Dưới đây xin giới thiệu một loại hành động như vậy, lấy cảm hứng từ hành vi của Smith, Carlos và Wong.

1. Thể hiện chính kiến nơi công cộng bằng cách giơ tay

Mục đích của phong trào: Khuyến khích các cá nhân, và các tập thể tự do bày tỏ chính kiến ở nơi công cộng.

Đối tượng thực hiện: Toàn dân. (Trước tiên là những người đã từng phê phán xã hội trên mạng, và những người thường chỉ trích người Việt thờ ơ với vận mệnh quốc gia).

Cách thức tiến hành: thực hành giơ tay theo biểu tượng quốc tế giống như Smith, Carlos hay Wong. Có thể thực hành một mình hoặc theo nhóm. Người thực hiện có thể đeo sợi dây/băng dính màu vàng (hoặc màu khác) ở cổ tay giống như Wong, nhưng nếu không có thì cũng không sao. Có 3 biểu tượng phản đối và 3 biểu tượng ủng hộ như dưới đây:

Phản đối: bắt chéo tay, giơ nắm đấm, nắm tay chúc xuống.

Ủng hộ:   giơ tay hình trái tim, nắm tay dựng lên,  giơ tay hình OK.

Các ảnh minh họa được lấy từ Internet

Khi thực hành, người thực hiện nên đứng im như tượng khoảng 10-15 phút giống Smith và Carlos để gây sự chú ý. Sau đó nên chụp ảnh đăng lên mạng, kèm theo lời giải thích. Nếu ngần ngại thì có thể bịt kín mặt hoặc đeo mặt nạ (như hình Ủng hộ 2). Trên thực tế, bịt kín mặt kết hợp với ăn mặc kỳ kị thậm chí có thể khiến công chúng chú ý hơn.

Một số ví dụ về phản đối:

  • Một thanh niên đứng ở cây xăng giơ tay phản đối tăng giá xăng.
  • Một phụ nữ nông thôn đứng ở cổng chợ giơ tay phản đối cưỡng ép kết hôn.
  • Một nhóm học sinh giờ ra chơi ngồi ở sân trường giơ tay phản đối nạn bắt nạt trong trường học.

Một số ví dụ về ủng hộ:

  • Một sinh viên ngồi trên quảng trường giơ tay ủng hộ hôn nhân đồng tình.
  • Một bác hưu trí đứng trước siêu thị giơ tay ủng hộ an toàn thực phẩm.
  • Một nhóm phụ huynh đứng trước cổng trường giờ tan học giơ tay ủng hộ trồng cây xanh.

Một số người e ngại thể hiện nơi công cộng thì có thể ngồi trong nhà giơ tay. Thậm chí, nếu vẫn ngại thì có thể bịt kín mặt, giơ tay, ngồi trong nhà chụp ảnh ủng hộ phong trào[2].

Những đợt có thể kêu gọi đông đảo công chúng tham gia là những khi xảy ra bê bối lớn, ví dụ đợt chống ấu dâm và chống uống rượu lái xe vừa rồi. Trong những đợt như vậy, bên cạnh việc kiến nghị online, các nhà tổ chức có thể đồng thời phát động cuộc thi ảnh ấn tượng về thể hiện chính kiến nơi công cộng, để tăng hiệu quả phản đối lên gấp đôi.

Các cá nhân và tổ chức ở hải ngoại cũng có thể tổ chức những buổi ủng hộ phong trào. Trong những buổi ấy, hi vọng quý vị không đem theo băng rôn, biểu ngữ, mà chỉ thuần túy giơ tay rồi chụp ảnh đăng lên mạng.

Xây dựng một trào lưu văn hóa không phải là chuyện một sớm, một chiều mà đòi hỏi sự kiên nhẫn trong nhiều năm. Do vậy những người hưởng ứng nên chuẩn bị tinh thần để ủng hộ lai rai trong thời gian dài. Ví dụ, thỉnh thoảng tụ tập ăn uổng, cả nhóm rủ nhau ra đứng trước quán ăn hay đầu phố giơ tay rồi chụp ảnh. Khi đi du lịch hay tham gia các sự kiện văn hóa, hội thảo khoa học, các nhóm nên dành một vài phút giơ tay để thể hiện sự quan tâm đối với xã hội.

Đặc biệt, những người đã từng phê phán xã hội trên không gian mạng, những người thường chỉ trích người Việt thờ ơ với vận mệnh quốc gia, nên tiên phong thực hành để nêu gương. Mỗi người có thể đặt ra mục tiêu, chẳng hạn mỗi năm thể hiện chính kiến nơi công cộng ít nhất 3 lần.

2.- Những cách thức khác để thể hiện chính kiến nơi công cộng

Dưới đây là một số gợi ý khác:

– Ăn mặc kỳ dị để nổi tiếng. Từ đó công chúng sẽ tìm kiếm trang blog/facebook của mình và biết được những quan điểm của mình. Ví dụ, mấy năm trước có hai nữ sinh chụp ảnh mặc áo dài trắng với quần sóc đen đã gây xôn xao dư luận toàn quốc.

– Gửi đơn lên UBND tỉnh/huyện đề nghị được tổ chức các buổi tụ tập đông người nơi công cộng để bày tỏ chính kiến.

Bài viết này chỉ nêu lại những sáng kiến đã được các bạn trẻ thực hành ở Mexico, Hồng Kông, Thụy Điển. Đương nhiên, đó không phải là những ý tưởng của tác giả bài viết. Hi vọng độc giả sẽ nhiệt tình ủng hộ và đóng góp thêm nhiều sáng kiến khác phù hợp với Việt Nam.

______

[1] TS Nguyễn Kiều Dung hiện sống và làm việc ở Hà nội. Sau khi bài viết này được đăng báo, tác giả bài viết cũng sẽ đăng ảnh bản thân thể hiện chính kiến nơi công cộng trên trang Facebook cá nhân.

[2] Một số người có thể e ngại tụ tập đông người để phản đối có thể tạo ra rắc rối. Trên thực tế, việc giơ tay nhưng không kèm theo khẩu hiệu không phải là một chỉ dấu rõ ràng để công an gây khó khăn. Tuy nhiên nếu vẫn e ngại, có thể thay việc giơ tay phản đối bằng ủng hộ. Ví dụ: thay vì giơ tay phản đối nạn uống rượu lái xe, nhóm thực hành có thể giơ tay ủng hộ sáng kiến giải quyết vấn nạn uống rượu lái xe trong một bài báo nào đó.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây