Bản tin ngày 21-6-2019

Tin Biển Đông

Báo Tuổi Trẻ có bài: Yêu cầu Trung Quốc ‘giáo dục nhân viên tàu công vụ’ xua đuổi ngư dân Việt Nam. Lần đầu tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên giọng cứng rắn đối với người “đồng chí”, “16 chữ vàng, 4 tốt” của đảng CSVN.

Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 20/6, bà Lê Thị Thu Hằng nói về các tàu công vụ, bắt nạt, đe dọa và cướp hải sản của ngư dân VN trong thời gian qua, rằng Trung Quốc đã “xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, đe dọa an toàn, tài sản của ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển này“.

Trang Trí Thức Trẻ đưa tin: Việt Nam phản ứng trước thông tin tàu sân bay Trung Quốc đang tiến vào Biển Đông. Cũng trong cuộc họp báo hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, “Việt Nam luôn theo dõi chặt chẽ các diễn biến trên Biển Đông và sẽ xác minh thông tin như phóng viên đã nêu”.

Về thông tin tàu sân bay Liêu Ninh đến Biển Đông, báo Thanh Niên cho biết, ngày 20/6, Cơ quan phòng vệ Đài Loan khẳng định, có thông tin tình báo cho rằng nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đã di chuyển vào Biển Đông, có khả năng đến gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nguồn tin này tiết lộ, hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh, sau khi rời eo biển Miyako, đã di chuyển đến phía tây Thái Bình Dương, tiến gần đảo Guam, nơi Mỹ đặt căn cứ không quân Andersen và Philippines, rồi vòng ngược vào Biển Đông.

Trung Quốc triển khai trái phép 4 tiêm kích J-10 ra Hoàng Sa, VnExpress đưa tin. Thông tin này được ImageSat International cung cấp cho CNN các bức ảnh vệ tinh chụp ngày 19/6. Trung Quốc đã triển khai ít nhất 4 chiến đấu cơ J-10 tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, lần đầu tiên Trung Quốc đưa chiến đấu cơ J-10 tới các đảo nước này.

Ông Carl Schuster, cựu GĐ Trung tâm Tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ bình luận, Trung Quốc đưa chiến đấu cơ ra đảo Phú Lâm để “chứng minh đó là lãnh thổ của họ và họ có thể đặt máy bay quân sự ở đó bất cứ khi nào họ muốn… đưa ra tuyên bố rằng họ có thể mở rộng phạm vi sức mạnh trên không ở Biển Đông”.

Ảnh vệ tinh cho thấy 4 chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc đậu trên đảo Phú Lâm của Việt Nam. Ảnh: ImageSat/VNE

Mời đọc thêm: Tàu sân bay Trung Quốc tiến vào Biển Đông, Đài Loan theo sát hoạt động (Zing). – Đài Loan có thông tin di chuyển của hàng không mẫu hạm TQ (VOA). – Việt Nam đang xác minh tin tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc vào Biển Đông (RFA). – Trung Quốc ngang nhiên điều 4 chiến đấu cơ J-10 đến Hoàng Sa (TN). – Trung Quốc triển khai trái phép 4 chiến cơ tới Hoàng Sa (VTC).

Việt Nam cáo buộc tàu Trung Quốc “xâm phạm chủ quyền” Hoàng Sa (VOA). – Tàu Trung Cộng liên tục cướp hải sản của ngư dân Việt Nam (NV). – Việt Nam lên án tàu Trung Quốc cướp tài sản của ngư dân ở Hoàng Sa (VNE). – Yêu cầu Trung Quốc bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam (CP). – Thượng nghị sĩ Philippines nói ông Duterte như ‘bù nhìn’ trước Trung Quốc (TT). – Tàu Việt Nam ‘thực hiện nghĩa vụ trên biển’ khi cứu thuyền viên Philippines ở Biển Đông (VNE).  Người phát ngôn lên tiếng việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines (NLĐ).

Cao tốc Bắc – Nam: Dân đừng lo, để Quốc hội lo

RFA có bài: Ông Nhân bảo dân ‘đừng lo’ để Quốc hội lo chuyện dự án cao tốc Bắc – Nam. Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Bình Thạnh ngày 19/6/2019, của Đoàn ĐBQH thành Hồ, “những người dân tham dự đã bày tỏ lo lắng với các Đại biểu Quốc hội trong việc chọn nhà thầu Trung Quốc làm dự án cao tốc Bắc Nam”. TS Lê Đăng Doanh nói: “Nếu để Trung Quốc làm thì khả năng sẽ đội vốn lên cao và khả năng lộ bí mật quốc phòng?”

Vụ ông Nhân trấn an người dân: “Trách nhiệm của Quốc hội là giám sát chặt chẽ công trình này. Đây là lợi ích quốc gia, cử tri không cần lo lắng không đảm bảo cái này hay cái kia”. Nhà hoạt động Trần Bang bình luận: “Nói như vậy là khinh dân, không khác gì Trung Quốc lập trại ở Tây Tạng để tẩy não tư tưởng”.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân tại một buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: HTV/ VTV

Nhà báo Đoàn Bảo Châu cho rằng, cao tốc Bắc – Nam là vấn đề vô cùng hệ trọng với vận mệnh đất nước, nhưng Bí thư TU Nguyễn Thiện Nhân bảo người dân không lo lắng, trong khi không nêu ra lý do nào để thuyết phục người dân, đã làm cho ông Châu và nhiều người lo lắng hơn.

Ông Châu viết: “Anh bảo người dân không nên lo lắng bởi đã có quốc hội. Xin hỏi quốc hội ở đâu khi hàng triệu ngư dân khốn khổ vì thảm hoạ Formosa, quốc hội ở đâu khi sự tham nhũng ngày càng trắng trợn và ghê tởm, các con sâu đang ngày đêm hút máu dân, gặm nhấm tài nguyên đất nước? Quốc hội đóng vai trò gì để khắc phục sự đội vốn và kéo dài vô thời hạn của đường sắt Cát Linh – Hà Đông?“.

Hơn 120 bộ hồ sơ cao tốc Bắc – Nam được bán ra, VnExpress đưa tin. Vụ Đối tác công tư, Bộ GTVT xác nhận, các ban quản lý dự án của Bộ đã phát hành 120 bộ hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư tại 8 dự án cao tốc Bắc – Nam theo hình thức đối tác công tư (PPP). Có 14 nhà đầu tư nước ngoài đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Anh, Hong Kong… Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ PPP cho biết, “đến ngày 10/7 thời gian bán hồ sơ mời sơ tuyển sẽ kết thúc. Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức đấu thầu quốc tế”.

Mời đọc thêm: Cử tri lo ngại Trung Quốc làm cao tốc, Bí thư Nhân trấn an (Zing). – Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói về quan hệ với Trung Quốc: “Đảng sẽ làm tất cả để giữ gìn độc lập, chủ quyền!” (Sputnik). – Chốt thời gian đấu thầu chọn nhà đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc – Nam (TBCK). – Phó Thủ tướng: Không chỉ định thầu dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam (TP).

“Củi” Lê Tấn Hùng?

Ngày 20/6/2019, Chủ tịch TP.HCM ký quyết định cách chức ông Lê Tấn Hùng, Infonet đưa tin. Chủ tịch UBND thành Hồ, Nguyễn Thành Phong đã ký quyết định cách chức TGĐ Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn của ông Lê Tấn Hùng, em trai cựu Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải.

Trước đó, ngày 12/6, UBND TP đã công bố quyết định đình chỉ công tác đối với ông Hùng. Ông Hùng “bị kết luận đã có các sai phạm như vi phạm pháp luật kéo dài, thiếu trách nhiệm khắc phục hậu quả, không đủ phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo, điều hành Tổng công ty”.

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Vì sao ông Lê Tấn Hùng bị cách chức? Với vai trò là TGĐ SAGRI, ông Hùng “đã có các sai phạm, vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quản lý tài chính, đầu tư dự án; về quản lý sử dụng mặt bằng, nhà đất trong doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”. Một trong các sai phạm nghiêm trọng nhất là vụ ông Hùng đã ký khống 13 tỉ để quan chức TP du lịch nước ngoài.

Một số người bình luận, chỉ sai phạm trong vụ ký khống nói trên,  chưa tính đến vụ hàng ngàn hecta đất công ở huyện Củ Chi đã bị sử dụng sai mục đích, quá đủ để ông Hùng “vào lò”. Các sai phạm ở SAGRI bắt đầu bị “khui ra” từ tháng 10/2017, tuy nhiên, lúc đó thế lực của Hai Nhựt vẫn còn rất mạnh nên phe “đốt lò” không làm gì được em trai ông này. Bây giờ, nhiều khả năng phe “đốt lò” đang “thổi lửa” mạnh hơn ở miền Nam, bắt đầu từ em trai của “lãnh chúa thành Hồ”.

Mời đọc thêm: Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sagri bị kỷ luật (PLTP). – UBND TP.HCM cách chức ông Lê Tấn Hùng – Tổng giám đốc SAGRI (DV). – Tổng giám đốc Sagri Lê Tấn Hùng bị cách chức vì vi phạm rất nghiêm trọng (VNF). Mời đọc lại: Những thương vụ khiến ông Lê Tấn Hùng bị kỷ luật, đình chỉ công tác (Zing). – Sagri có vi phạm gì đối với 1.900 ha đất? (PLTP). – Sai phạm của ông Lê Tấn Hùng: Đi học tập nước ngoài ảo, chi 13 tỉ tiền thật (LĐ).

Ông Đoàn Ngọc Hải sắp “lên thớt”?

Báo Thanh Niên đưa tin: Ông Đoàn Ngọc Hải ký cấp phép xây dựng sai quy định, vượt thẩm quyền. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy thành Hồ xác nhận thông tin này trong buổi tiếp xúc cử tri quận Thủ Đức, sáng 20/6/2019. Một số cử tri đã nói về vụ ông Đoàn Ngọc Hải nộp đơn từ chức trong ngày, sau khi được điều động từ Phó chủ tịch UBND quận 1 sang làm Phó TGĐ Tổng công ty xây dựng Sài Gòn TNHH Một thành viên.

Ông Nhân cho biết, đã có sai phạm trong công tác đô thị của quận 1 vào các năm 2016, 2017, 2018, “bắt nguồn từ việc cấp phép xây dựng sai quy định, vượt thẩm quyền, cấp phép sai độ cao”. Những giấy phép xây dựng sai quy định này “do ông Đoàn Ngọc Hải ký”.

Mời đọc thêm: Bí thư Thành ủy: ‘Ông Đoàn Ngọc Hải cấp phép xây dựng sai, phải chịu trách nhiệm’ (TT). – Ông Đoàn Ngọc Hải có sai phạm về cấp phép xây dựng (CATP). – Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân: Ông Đoàn Ngọc Hải có sai phạm (RFA). – Ông Đoàn Ngọc Hải phải chấp hành phân công của tổ chức (NLĐ).

“Công bộc” của dân

Chuyện “đúng quy trình”: Đang bị án tù treo vẫn được bổ nhiệm phó chỉ huy quân sự ở Đắk Lắk, VietNamNet đưa tin. Đó là trường hợp ông Dương Anh Thuận, từng tham gia một vụ đánh nhau và bị TAND huyện Krông Pắk tuyên phạt 24 tháng tù, được hưởng án treo vào năm 2009. Thời gian thử thách 4 năm, kể từ ngày tuyên án.

Trong thời gian chấp hành án, ông Thuận vẫn được chính quyền địa phương bổ nhiệm nhiều chức danh, bao gồm “chức thôn đội trưởng thôn 5; tháng 1/2012 giữ chức vụ trung đội trưởng trung đội dân quân cơ động; tháng 2/2012, UBND huyện ra quyết định bổ nhiệm ông Thuận giữ chức vụ Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Vụ Bổn”.

Trang An Ninh Tiền Tệ đặt câu hỏi về vụ quan chức đánh dân ở Bắc Kạn: Chánh án TAND huyện Pác Nặm đánh người, gây thương tích? Ông Bùi Quang Phong, quê ở Thái Bình, đang sống và làm việc ở Bắc Kạn, phản ánh chuyện ông bị ông Chu Đức Quế, Chánh án TAND huyện Pác Nặm, cầm cốc thủy tinh đập thẳng vào mặt ông Phong, gây thương tích phải nhập viện cấp cứu.

Theo đó, đêm 15/6, ông Phong đi ăn đêm thì tình cờ gặp ông Quế. Ông Quế ép ông Phong uống rượu “giao lưu”. Rồi giữa 2 người xảy ra lời qua tiếng lại, cãi vã nhau, “ông Quế bất ngờ cầm một chiếc cốc thủy tinh đánh thẳng vào vùng mặt anh Phong khiến máu chảy nhiều. Sau khi gây ra vụ việc, ông Quế cùng nhóm bạn bỏ ra về”.

UBND huyện Đô Lương, Nghệ An kỷ luật hai cán bộ phòng nông nghiệp ‘ăn chặn’ tiền hỗ trợ nông dân, báo Thanh Niên đưa tin. Sáng 20/6, ông Phùng Thành Vinh, Chủ tịch UBND huyện Đô Lương xác nhận, huyện này vừa kỷ luật cảnh cáo bà Trương Thị Lan Anh, chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện và khiển trách ông Trần Doãn Hùng, cựu Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, vì đã để xảy ra sai phạm trong việc chi tiền hỗ trợ mua máy cày và máy gặt cho nông dân.

Năm 2014, UBND tỉnh Nghệ An ban hành chủ trương hỗ trợ người dân mua nông cụ để sản xuất. Khi chi trả tiền hỗ trợ, bà Anh đã yêu cầu người dân để lại 20% số tiền được hỗ trợ để “chi phí cho thủ tục quyết toán”.

Mời đọc thêm: Kỷ luật nữ cán bộ huyện nhận hơn 230 triệu đồng tiền “cảm ơn” của nông dân (NĐT). – Nghệ An: Kỷ luật cán bộ nhận tiền ‘cảm ơn’ của dân (KTĐT). – Bị tố gây thất thoát ngân sách nhưng vẫn được làm thủ tục bổ nhiệm ‘thần tốc’ làm lãnh đạo? (ĐSPL). – Bí thư và chủ tịch huyện bị kỷ luật vì sai phạm đất đai (VNN).

Bí thư đoàn phường ấu dâm

Báo Đất Việt dẫn lời Bí thư đoàn phường dâm ô bé gái: “Chỉ đùa”. Bài báo cho biết, khi bố nạn nhân phát hiện vụ ông Phạm Ánh Dương, Bí thư đoàn phường Đề Thám, TP Thái Bình, sờ soạng con gái mình, “ông đã gọi điện cho lãnh đạo phường đề nghị đến tìm hiểu sự việc. Khi bị hỏi, Dương quanh co chối tội, luôn miệng bảo mình chỉ đùa”.

Bố nạn nhân, cán bộ đang làm việc ở phường Đề Thám, cho biết: “Lúc đó, cháu khóc rất nhiều. Cháu kể, trước khi xảy ra sự việc, cháu với bạn đang đứng trên tầng 4 thì Dương bảo cháu xuống phòng Dương chơi… Lúc đó, Dương đã có hành vi sờ soạng khắp người cháu. Chưa dừng lại, sau khi cháu giãy ra để chạy thì Dương vẫn bám theo tiếp”.

Báo Lao Động có bài: Tâm sự chát đắng của gia đình bé gái nghi bị Bí thư Đoàn phường dâm ô. Người nhà bé gái tên V cho biết: “Sự việc xảy ra đã gần chục ngày nhưng cho đến nay, cháu vẫn còn hoảng loạn, luôn tỏ ra sợ hãi. Thậm chí, khi bị ốm, vợ chồng tôi đưa cháu đi khám cháu cũng không đi. Tôi rất lo, khi chỉ còn hai ngày nữa cháu sẽ bước vào kỳ thi lên lớp 6”.

Sau khi gia đình nạn nhân gửi đơn lên cơ quan chức năng yêu cầu xác minh làm rõ, vợ Dương đã đến xin lỗi gia đình và bé gái. Hiện Phạm Ánh Dương đã bị tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi “dâm ô trẻ em dưới 16 tuổi”.

Mời đọc thêm: Bí thư Đoàn phường nghi dâm ô bé gái: Luôn miệng bảo mình chỉ đùa (ĐSVN). – Bí thư Đoàn phường nghi dâm ô bé gái 11 tuổi ngay tại cơ quan (PT). – Tình tiết mới nhất vụ Bí thư đoàn d.âm ô bé gái 11 tuổi ở Thái Bình (ĐSVN). – Chuyển hồ sơ sang Viện KSND về vụ Bí thư đoàn dâm ô trẻ em (LĐ). – Hiếp dâm thiếu nữ 16 tuổi ngủ chung: Sang nhà nạn nhân (ĐV).

Gian lận điểm thi

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Sau kỷ luật Đảng, giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La sẽ bị xử lý thế nào? Ông Vũ Quốc Hùng, cựu phó chủ nhiệm Thường trực UBKTTƯ cho biết, Ban Bí thư đã xem xét tờ trình của UBKTTƯ về trường hợp của ông Đức: “Trường hợp của ông Hoàng Tiến Đức cũng như các trường hợp Đảng viên vi phạm khác, trước tiên sẽ xem xét xử lý về mặt Đảng, sau đó là các bước tiếp theo về mặt hành chính”.

Ông Hùng lưu ý: “Kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể hoặc việc xử lý bằng pháp luật và ngược lại”. Trước đó, ông Đức bị cách hết chức vụ trong đảng, vì đã chỉ đạo cho nhiều thuộc cấp nâng sửa điểm cho hàng trăm thí sinh ở Sơn La.

Mời đọc thêm: Tên ông Hoàng Tiến Đức được nhắc đến trong vụ gian lận thi ở Sơn La thế nào (LĐ). – Vụ gian lận điểm thi ở Sơn La: Ra nghĩa trang tiêu hủy tài Liệu gốc (PL Plus). – Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La bị cách hết chức vụ trong Đảng (NN). – Dính gian lận, thi THPT quốc gia 2019 ở Hà Giang có gì mới? (TĐ/Kênh 14).

Tin môi trường

Bài thứ hai trên trang Thương Hiệu và Pháp Luật về vụ Tổng công ty giấy VN bị “tố” xả thải gây ô nhiễm môi trường: Tổng công ty Giấy Việt Nam trả lời chung chung?! Ông Trần Quốc Vượng, Trưởng phòng truyền thông Tổng công ty Giấy VN, khẳng định, “từ nhiều năm nay Tổng Công ty giấy Việt Nam không nhận được bất cứ đơn thư, phản ánh nào của người dân liên quan đến vấn đề ô nhiễm”.

Bài báo nhận định, “có nhiều điểm bất thường xung quanh câu trả lời của phía Tổng Công ty giấy Việt Nam từ những lời nói chung chung và mang tính chất bào chữa. Mặc dù được sắp xếp làm việc nhưng đại diện phía Tổng Công ty giấy lại không có bất cứ văn bản nào để cung cấp cho phóng viên”.

Chuyện ở Đông Anh (Hà Nội): Công ty thép Tuấn Long “tra tấn” người dân bằng khí thải và tiếng ồn, theo trang Môi Trường và Cuộc Sống. Người dân xóm Đông, thôn Khê Nữ, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh phản ánh, thời gian gần đây, trong quá trình sản xuất kết cấu thép, Công ty  thép Tuấn Long thường xuyên phát ra tiếng ồn đinh tai nhức óc, cộng với mùi sơn độc hại nồng nặc xả ra, khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm nặng.

Một người dân kể: “Xưởng sơn của công ty cách nhà dân chỉ vài chục mét mà biện pháp che chắn đơn giản, không khép kín khiến mùi hóa chất phun sơn độc hại tỏa ra bay vào khắp các nhà trong thôn xóm mùi rất khó chịu”.

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Vì sao tên doanh nghiệp xả thải ô nhiễm Phú Quốc được… ‘giữ bí mật’? Vụ 3 doanh nghiệp xả thải ra môi trường ở huyện đảo này bị phạt hàng trăm triệu đồng, ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng TN&MT huyện Phú Quốc từ chối cung cấp thông tin doanh nghiệp: “Theo quy định không công bố được. Nên xem lại quy định tại Nghị định 155 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường). Mình đăng lên là vi phạm”. Đây là “Nghị định 155” do ông Minh… tự chế ra.

Mời đọc thêm: Công ty giấy Bãi Bằng bị “tố” gây ô nhiễm môi trường (TH&PL). – Phong Khê, Bắc Ninh – Nơi sự sống kết thúc (TTVN). – Những dòng sông chết (VNE). – Cơ sở gây ô nhiễm: Chưa dời hết đã mọc thêm (NLĐ). – Biển Nam Trung bộ đối diện nạn cạn tài nguyên, ô nhiễm (LĐ). – Nhức nhối vấn nạn ô nhiễm môi trường tại cảng cá Thuận An (MTĐT).

Ô nhiễm vây quanh vịnh Cửa Lục: Vịnh Hạ Long sẽ rơi vào “nguy hiểm” (CN&TN). – Trang trại nuôi vịt xả thải gây ô nhiễm nguồn nước (Bnews). – Cần Thơ: Ô nhiễm môi trường tác động xấu đến phát triển du lịch (Thanh Tra). – Người dân khổ vì hồ Linh Quang ô nhiễm (VTV).

***

Thêm một số tin: Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo không theo phái Nhà nước tiếp tục bị ngăn cản (RFA). – Vụ chạy thận 9 người chết ở Hòa Bình: Bị cáo Hoàng Công Lương suy sụp vì bản án 30 tháng tù (ĐSPL). – Huyện Củ Chi (TP HCM): Đường dây làm giả giấy tờ sổ đỏ nhiều năm được bao che (PLVN).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây